Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

08 . NGUYÊN MINH Từ những bài hát

 


Nguồn ảnh: Pinterest

 

1. Giáo đường im bóng

 

Những ngày sắp đến Giáng Sinh trời Sài Gòn chuyển hẳn sang không khí lạnh lẽo. Trong phòng ngủ, qua khung cửa sổ ánh trăng ngày rằm hắt vào đôi mắt tôi. Mới 3 giờ sáng tôi đã thức giấc, trước khi rời phòng ngủ để qua phòng làm việc tôi vẫn cố nhìn ra ngoài trời, xuống bãi cỏ mênh mông một màu xanh nhạt thỉnh thoảng gợn sóng nhẹ nhàng qua một con gió thổi. Trên trời, vằng vặc một vầng trăng tròn trịa, đơn độc giữa những đám mây xám. Bỗng dung, một cảm giác buồn bã nhẹ nhàng bước vào tâm hồn tôi, gợi lại những hình ảnh kỷ niệm xa xưa một mùa Giáng sinh 60 năm về trước. Cũng dưới ánh trăng rằm chiếu sáng con đường dẫn đến ngôi nhà thờ cổ kính nằm hẻo lánh trước những đám ruộng bao la, chúng tôi nắm tay nhau bước vào thánh đường, đứng giữa hàng con chiên ngoan đạo, nghe bản thánh ca, bốn mắt nhìn nhau, tay nắm chặt lấy nhau, như ước nguyện mãi mãi sẽ gắn bó suốt đời bên nhau. Nàng là người con gái ở trọ trong một ngôi chùa nữ, tóc thề, ăn chay trường. Tôi là mối tình đầu của Nàng. Và ngược lại cũng thế. Chúng tôi là người ngoại đạo nhưng mỗi lần đến đêm Noel đều đến nhà thờ xem lễ rồi về nhà với gia đình, bạn bè thân thích bên những ly rượu mừng. Dưới ánh đèn mờ màu hồng, trong căn phòng nhỏ của gác xếp của văng vẳng tiếng hát:

 

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng

Hương trong gió tràn mênh mang

Giây phút như ngừng thôi rơi

Tiếng kinh muôn lời

Dáng xinh xinh bao tiên kiều

quỳ ngân Thánh kinh ban chiều

Trong giáo đường đêm Noel ấy

ngàn đời tôi mến yêu

 

Tiếng A men đều âm u

Hòa theo gió vàng đêm thu

làm xao xuyến tâm hồn quá

Thời khắc mơ

 

Thánh giá xa vời lắm với chuông chiều ngân

Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm

Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng

Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ

 

Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng.

Trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ.

 

Đêm Giáng Sinh 2024 tại nhà Lê Văn Trung 

Đọc tiếp...


 

Ngày mai Nàng sẽ giã từ tôi để về với gia đình. Nàng như con chim đã bay xa.

Mùa Giáng Sinh nào dù ở bất kỳ nơi đâu, dù đã bao nhiêu năm qua tôi không thể nào quên hình bóng người con gái lần đầu tiên bước vào tâm hồn tôi.

Đến nỗi bây giờ tôi đã già, răng đã rụng, mắt đã mờ, tay đã run, giữa đêm khuya, tôi mở laptop nghe lại tiếng hát Khánh Ly da diết trong bài Giáo Đường Im Bóng lòng tôi vẫn bồi hồi, rưng rưng lệ. Trong màn nước mắt nóng hổi ấy, tôi mơ hồ người tình năm xưa giờ tóc đã bạc từ phương xa đang trở về Việt Nam trong mùa Giáng Sinh này cùng tôi nhớ lại ngôi nhà thờ cũ.

 

2. Anh còn nợ em

 

Anh còn nợ em

Công viên ghế đá

Lá đổ chiều êm

Và còn nợ em

Dòng xưa bến cũ

Con sông êm đềm

Anh còn nợ em

Chim về núi nhạn

Trời mờ mưa đêm

Anh còn nợ em

Nụ hôn vội vàng

Nắng chói qua rèm

Anh còn nợ em

Con tim bối rối

Anh còn nợ em

Và còn nợ em

Cuộc tình đã lỡ

 

”Sao anh vô tâm vậy?”. Đó là lời trách cứ tôi không chỉ người vợ đã từng sống bên cạnh tôi suốt cả mấy mươi năm qua chứ đâu phải chỉ ngày còn trẻ. Nàng cũng nghĩ vậy. Người con gái đi ngang trước mặt mà tôi cũng không nhận ra đó là người vợ sắp cưới của mình. Ngày ra mắt Tạp chí Ý Thức dưới cơn mưa tầm tã, tôi đã bỏ quên dọc đường người tình mà tôi từng yêu thắm thiết, chỉ kịp ôm vào lòng tập báo mới in xong để kịp đến nơi hẹn với bạn bè. Vợ tôi như nhắc khéo rồi thôi. Còn người xưa không nói gì, nhưng lặng l bỏ tôi đi lấy chồng, làm tôi sút ngã may mà có văn chương, báo chí vực tôi đứng dậy. Bao nhiêu năm qua, tôi vẫn chưa nhận ra lý do chính đáng bởi vì chúng tôi đã yêu nhau suốt mấy năm từ những ngày còn ở quê nhà. Mãi đến năm 2000, sau ba mươi năm chúng tôi gặp lại nhau khi nàng từ Mỹ về Việt Nam, ngồi bên nhau, nàng hỏi tôi bây giờ anh sống ra sao, có còn viết văn, làm báo không. Tôi lắc đầu. Sau năm 1975 anh không còn viết lách được gì nữa. Nàng buông ra một câu như tự trả lời cho chính mình: Tưởng rằng văn chương suốt đời gắn bó với anh chứ? Chỉ câu hỏi đó thôi đã thôi thúc tôi sống lại, trong một tháng tôi đã viết xong 10 truyện in trong tập  Tưởng chừng đã quên. Đã hơn 25 năm tôi ngậm câm, gát bút. Ngày xưa tôi đánh mất tình yêu chỉ vì mê văn chương mê làm báo. Giữa văn chương và tình yêu, tôi nghiêng hẳn về một phía. Chẳng lẽ tôi mất cả hai. Bao nhiêu năm trong tâm hồn tôi như có một khối đá nặng nề đè bẹp làm tê cứng cảm xúc, tôi như người sống vô hồn, bỗng dưng chỉ một câu hỏi đã từng làm nhức nhối người tình xưa, đã bứng đi hẳn khối đá đó làm bùng dậy cảm xúc mà tôi tưởng chừng đã quên. Như bước khởi đầu mạch nước đã thong chảy ra biển cả bao la, tôi đắm mình trong dòng chảy văn chương. Những tác phẩm tự truyên của tôi tôi ra đời. Nguyên Minh đã thật sự sống lại. Mãnh liệt hơn xưa. Mê làm báo nên mới có Quán Văn bây giờ. Ngày xưa mê làm Ý Thức bỏ quên người tình. Ngày nay tuổi già làm Quán Văn, luôn có người vợ hiền bên cạnh.

Đã từ lâu mỗi lần tôi nghe bài hát Anh còn nợ em là nước mắt tôi cứ trào ra. Nợ em một nụ hôn vội vàng, nơi công viên ghế đá, lá đổ chiều và còn nợ em cuộc tình đã lỡ. Sao tôi ngồi bên cạnh em trên ghế đá trước sân chùa mà chẳng hôn em một lần dù trước đó lòng tôi nôn nao chờ đợi giây phút này. Khoảng cách đường xá đầy chông gai hầm hố của thời chiến tranh gần 100 km mà anh bạn thân Lê Ký Thương  đèo tôi trên chiếc Honda vượt qua hiểm nghèo để tôi gặp mặt người tình đầu đời. Nguyễn Lệ Tuân làm chim xanh chạy vào nhà chở em đến nơi hẹn. Cả hai người bạn lánh mặt. Trong ánh nắng chiều vàng, vài cơn gió nhẹ, vài chiếc lá vàng rơi, tiếng chuông chùa nhỏ giọt, trên chiếc ghế đá đôi tình nhân ngồi bên nhau. Lặng l chỉ nhìn nhau. Thời gian ngắn ngủi phải giã từ nhau. Ai về nhà nấy. Thôi đành chia ly. Anh còn nợ em.

Nếu không có em trở cề đòi tôi món nợ. Nợ tình tôi sẽ trả vào kiếp sau. Bây giờ kiếp này tôi trả cho em thế bằng văn chương được không?

 

3. Ngày tháng nào dành hết để chờ nhau.

 

Đường thì dài 

có ngày mưa ngày nắng 

Có anh rồi

đâu sợ nắng mưa qua

Sông thì sâu

có dòng trong dòng đục

Lở hay bồi

thuơng dịu ngọt phù sa

Luỵ trần gian 

một đời cùng khách trọ

Kèo ong tràm

uơm mật dệt mùa xuân 

Người của núi

vốn lặng im như núi

Người của sông

mải miết một dòng trôi 

Giờ mới hiểu 

cái cách xa ngàn dặm

Sao cuộc đời

quá ngắn để yêu thương 

Tờ lịch rơi

tay tìm tay, hốt ngộ…

Ngày tháng nào

dành hết để chờ nhau...

(Thơ Hoàng Kim Oanh)

 

Theo lời mời của Hoàng Kim Oanh tôi vội vàng đến Đường Sách gặp vợ chồng bác sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Pháp về. Trong buổi họp mặt ngoài vợ chồng Thiện có thêm Tạ Quang Sơn, Hoàng Kim Oanh và một người lạ, theo lời Hoàng Kim Oanh anh là một nhạc sĩ từ Mỹ về và là bạn của Nguyễn Minh Nữu giới thiệu muốn kết nối với anh chị em Quán Văn. Đầu tiên là bản nhạc phổ thơ của Hoàng Kim Oanh nên hôm nay mới có buổi họp mặt này.

Người thứ nhất tôi muốn nói là Bác sĩ Nguyễn Chí Thiện. Nhớ 10 năm trước chúng tôi gồm có tôi, Chu Trầm Nguyên Minh, vợ chồng Cao Quảng Văn, vợ chồng Trương Văn Dân - Elena sang Pháp cùng nhau ăn ở cả tháng tại nhà Bác sĩ Nguyễn Chí Thiện. Để khỏi ngộ nhận với nhà thơ cùng tên nên tôi phải thêm nghề nghiệp của anh. Thiện không phải là nhà văn, nhà thơ, hoạt động văn hóa nhưng anh là người say mê đọc sách, yêu âm nhạc, thích hội họa, đặc biệt nhất đối với anh chị em trong lãnh vực văn học anh rất chân tình, phóng khoáng, nhà của anh đón nhận tất cả bạn hữu đế từ phương xa. Nơi này còn in dấu Trịnh Công Sơn cùng cô gái người Nhật. Những trang bản thảo viết rời, những bản nhạc còn dang dở bác sĩ Nguyễn Chí Thiện vẫn còn cất giữ. Vài bức tranh của Bửu Chỉ treo trên phòng khách đánh dấu những ngày Bửu Chỉ mang tranh qua Pháp. Trên lò sưởi, chễm chệ bức tranh lớn vẽ chân dung Trịnh Công Sơn của một họa sĩ sống tại Pháp.

 Người thứ hai tôi nói đến là PGS. TS Toán Tạ Quang Sơn, tôi phải kèm theo học vị vì anh không phải là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhưng anh lại có một giọng hát rất khỏe, bay bỗng và truyền cảm. Ban đầu, anh đến sinh hoạt văn nghệ chung vui với gia đình Quán Văn ở nhà vợ chồng Nguyên Cẩn. Giọng hát trầm và ấm vang dội trong căn phòng nhỏ đầy ắp anh chị em Quán Văn. Tiếng hát của Anh đưa tôi về vùng quá khứ, về khung trời lãng mạn. Như một cái duyên tiền định anh gắn liền với Quán Văn.

 Người thứ ba là Hòang Kim Oanh, không xa lại gì đối với người độc vì ngoài học vị Tiến sĩ văn học cô là nhà nghiên cứu văn học, cánh tay phải của Chủ biên, chăm sóc bài vở do các tác giả phương xa gởi về. Ngoài ra Hoàng Kim Oanh làm MC dẫn chương trình giao lưu cùng bạn đọc. Hoàng Kim Oanh là người tháo vát mọi việc, lại đi nhiều nơi từ trong nước cũng như hải ngoại, cô như “đặc phái viên” của Quán Văn, kết nối với anh chị em trong giới cầm bút. Những bài cảm nhận về văn chương của Hoàng Kim Oanh làm tăng thêm giá trị cho Quán Văn, tôi không chú ý đến thơ của cô cho đến buổi họp mặt này.

Người thứ tư: Nhạc sĩ Ngô Minh Trí.

Ban đầu anh còn xa lạ với tôi. Tôi chưa biết gì về anh chỉ nghe qua Hoàng Kim Oanh, Ngô Minh Trí là một nhạc sĩ từ Mỹ về Việt Nam đi làm từ thiện ở các chùa bằng cách dạy tiếng Anh và âm nhạc cho các con em Phật tử. Để làm quen với Quán Văn, qua gợi ý của Nguyễn Minh Nữu, anh đã phổ nhạc một bài thơ của Hoàng Kim Oanh. Thật sự, tôi thờ ơ không để tâm khi chưa đọc bài thơ của Hoàng Kim Oanh, khi chưa nghe bản nhạc nào của Ngô Minh Trí. Tôi sợ phải chịu đựng ngồi nghe những âm thanh rỗng tuếch vô hồn, cùng những lời thơ vô cảm nhạt nhẽo. Đã biết bao nhiêu, hàng trăm hàng nghìn bài thơ cùng một tác giả được nhiều nhạc sĩ phổ nhưng tôi chưa một lần rung động. Ngoại trừ từ những bài thơ được Phạm Duy phổ của Nguyễn Tất Nhiên, hoặc Vũ Thành An phổ thơ Chu Trầm Nguyên Minh, Trịnh Công Sơn phổ thơ Đinh Cường… Giữa thơ và âm nhạc phải hòa quyện vào nhau nhập thành một. Hôm đó, ở trong một quán xá đông người, ồn ào mà lại nghe qua cái loa nhỏ phát ra tiếng hát chập chờn không rõ lời thơ , chỉ nghe tiếng nhạc nhưng tôi cũng nhận ra được nét thanh cao, lạ lung.

Theo lời đề nghị của tôi, Hoàng Kim Oanh tổ chức một buổi giới thiệu ca khúc này với anh chị em trong ban văn nghệ Quán Văn. Trong một căn phòng nhỏ ở quán cà phê Họa Sĩ vắng khách, chỉ có chúng tôi gần 20 người hầu hết là những ca sĩ không chuyên đã từng làm rung động người nghe như Quang Đặng, Vân Châu, Minh Hoà, Kim Anh, Thiên Thanh, Đào Trí Mỹ Đức, Anh Tân… có thêm Trương Vũ một nhà khoa học cũng là nhà văn, họa sĩ từ Mỹ về sống ở Sài Gòn, vợ chồng hoạ sĩ-nhà thơ Lê Triều Điển, Lê Triều Hồng Lĩnh. Ngô Minh Trí đàn ghi ta đệm nhạc cho Tạ Quang Sơn cất tiếng hát. Giọng trầm và ấm từng tiếng rõ raàng ca từ. Mọi người đều im lặng. Tôi lắng nghe, thả hồn theo dòng nhạc êm đềm mang hơi ấm thiền định làm tôi giật mình nhận ra bài thơ này cũng mang đầy chất thiền. tay tìm tay, hốt ngộ…Ngày tháng nào dành hết để chờ nhau...Tạ Quang Sơn đưa uốn giọng từ hốt ngộ lên cao như một điểm nhấn làm tôi giật mình mới nhận ra:

 

Giờ mới hiểu 

cái cách xa ngàn dặm

Sao cuộc đời

quá ngắn để yêu thương.

 

Chính từ “hốt ngộ” đã làm tôi xúc động. Tôi nói rất chân thật cảm nghĩ về dòng nhạc này với Ngô Minh Trí, đánh bạt ý nghĩ không đúng vì ban đầu tôi có vẻ coi thường anh, nghe xong bản nhạc này bây giờ tôi xin lỗi và cám ơn anh đã cho tôi thưởng thức được bản nhạc sang trọng này. Tôi xin gọi đây là dòng nhạc thiền định có được không hỡi nhạc sĩ Ngô Minh Trí.

Cuối cùng, trong một buổi viếng thăm Lê Văn Trung cách xa Sài Gòn cả 100 km nhân dịp có Thục Uyên từ Mỹ về theo lời nhắn nhủ của Phạm Văn Nhàn, ngồi quanh chiếc bàn đá ngoài sân nhà, có nhà thơ Châu Ly, vợ chồng Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh, Quang Đặng, Hoàng Kim Oanh, Lê Văn Trung và tôi làm một buổi giao lưu đọc thơ cho nhau. Thay vì đọc thơ của mình, Hoàng Kim Oanh lại mở Iphone cho nghe lại bản nhạc này. Lần này tôi không thể dằn lại nỗi xúc động đang dâng cao trong lòng, tôi bật khóc thành tiếng nức nở. Trong màn lệ hình ảnh chị Hiệp vợ của Lê Văn Trung, một người đàn bà âm thầm đang ngồi một mình trên chiếc ghế ở một góc hiên nhà, dù khoảng cách không xa, đang hướng mắt nhìn về chúng tôi.

Một cơn gió nhẹ, vài chiếc lá vàng rơi xuống hốt nhiên giật mình tưởng chừng có tiếng chân ai đó nhẹ nhàng bước sau lưng tôi, thì thầm Em đã về đây. Anh cứ khóc đi.

Như tôi đang đợi chờ Em về.

Biết thế nào là gang tấc

Ngày tháng nào

dành hết để chờ nhau...

 

Cám ơn Hoàng Kim Oanh về bài thơ này.

Cám ơn nhạc sĩ Ngô Minh Trí đã phổ nhạc.

Cám ơn Tạ Quang Sơn đã cất tiếng hát.

Cám ơn đời đã cho tôi những giọt nước mắt hạnh phúc.

 

NGUYÊN MINH

Tháng 12.2024