Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

31 . NGÔ MINH TRÍ Đông Tây một nguồn cảm hứng


 

 Văn hóa đông tây có nhiều điểm khác biệt, điều này đã quá rõ ràng chẳng cần chứng minh.  Tuy nhiên cả hai nền văn hóa cùng chia sẻ một đặc điểm chung, đó là sự thưởng ngoạn âm nhạc hoặc thưởng ngoạn nghệ thuật nói chung.  Người Âu Mỹ vẫn nói music is the universal language, tạm dịch, âm nhạc là ngôn ngữ chung trên thế giới.  Đúng vậy, khi một tiếng nhạc vang lên, một tiếng đàn khảy lên, dù anh ở tận trời tây tôi ở mãi phương đông, thì tầng số rung động đều giống như nhau.

 Cứ thử nghe Giòng Sông Xanh của Johann Strauss, Moonlight Sonata của Beethoven, hay Serenade của Frank Schubert, những tấu khúc cổ điển nổi tiếng trên thể giới khá quen thuộc trong giới thưởng ngoạn âm nhạc người Viêt chúng ta, ai mà chẳng rung động?  Nhưng thôi, đó là những tấu khúc cổ điển tây phương, có thể ít người nghe vì thưởng ngoạn nhạc cổ điển đòi hỏi một trình độ thẩm thấu hơi nặng ký hơn so với nhạc phổ thông.  Vậy thì, ta cứ thử nghe Besame Mucho của Consuelo Velasquez qua điệu rhumba mê mẫn thần hồn hoặc La Cumparsita của Gerardo Matos Rodriguez qua nhịp điệu tango hết sức hấp dẫn lôi cuốn.  Trình độ thẩm âm cỡ nào đi nữa, khi nghe những nhạc khúc/tấu khúc phổ thông này đều phê như nhau.  

 Trên đây là nói về nhạc tây phương, nhạc Việt chúng ta, thiết tưởng không cần phải dông dài để chứng minh.   Cần chi phải tán dương những giòng nhạc của các tác giả như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Tuấn Khanh, Nguyễn Ánh 9 và nhiều nữa v.v… và sáng tác của những tác giả này đã từng làm chúng ta rung động từ những năm cuối tiền bán thế kỷ 20 cho đến nay.

 Đặc điểm chung từ đông sang tây là tấu khúc hay ca khúc, tất cả đều từ tim óc của người đã sáng tạo ra nó.   Và đã là sáng tạo, dù là âm nhạc, hội họa, thi phú, văn chương đều cần một nguồn cảm hứng. Không cảm hứng thì tác phẩm làm ra sẽ thiếu cái phần hồn, cái phần làm cho người ta mê mệt. Và, như trên đã trình bày cái phần hồn này là cái làm cho đông tây phê như nhau.  Làm sao chứng minh được thế nào là nguồn cảm hứng?  Nó là tầng số rung động của nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ trước một cảnh huống, một tình huống nào đó.  Để đi tìm nó, nó chính là tựa của những ca khúc, những bài thơ, những họa phẩm v.v…Tôi chưa thấy trường hợp nào tựa không phải là nguồn cảm hứng của người sáng tạo ra nó.   Trong ca khúc, nó là Thiên Thai, là Chiều Trên Phá Tam Giang, là Xin Còn Gọi Tên Nhau, là Suối Tóc, là Chiều Về Trên Sông v.v…kể sao cho hết?

 Và cuối cùng, có lẽ hình bóng của một người con gái là nguồn cảm hứng muôn đời của văn nghệ sĩ trên thế giới kim cổ đông tây. Từ “khứ niên kim nhật thử môn trung” của Thôi Hộ, cho đến “Nàng ơi tay đêm đương giăng mềm…” trong Tỳ Bà,  thơ Bích Khê, Phạm Duy viết thành ca khúc, rồi  “Người con gái đứng im trong hồi lâu” trong Suối Tóc sáng tác của Văn Phụng, và “đời vắng em rồi vui với ai”(1) trong ca khúc Lá Đổ Muôn Chiều của Đoàn Chuẩn v.v…và v.v…Toàn là hình bóng của những người đẹp muôn thuở trong lòng văn nghệ sĩ thi sĩ nhạc sĩ.   Làm như thể thiếu đi hình bóng của người con gái, thi ca âm nhạc trở nên khô khan cằn cỗi.  Có lẽ điều này không sai mấy, vỉ ở một góc độ nào đó, không có hình bóng của một người con gái thì khó có thể có những lời thơ lời ca mê mẫn thần hồn đi vào lịch sử thi ca âm nhạc trên thế giới.

  

Ở TRỜI ĐÔNG

 Tháng Tư 2018 hoặc 2019, tôi không nhớ rõ lắm nhưng chắc chắn chỉ một hoặc hai năm trước covid mà thôi.  Bối cảnh là chùa Hoa Nghiêm nằm trong thành phố Fort Belvoir thuộc quận Fairfax, tiểu bang Virginia.  Mỗi năm vào khoảng tháng Tư, chùa Hoa Nghiêm vẫn tổ chức khóa tu mùa xuân trong ba ngày liên tục và mời các vị tăng ni từ Tu Viện Bích Nham, New York, về hướng dẫn.  Năm nào cũng vậy, phật tử khắp nơi về tham dự khóa tu khá đông đảo.  Và mặc dù mục tiêu chính của khóa tu để phật tử học về Phật pháp, quí thầy và sư cô vẫn dành cuối ngày để sinh hoạt ca hát với phật tử.  Và đây mới là điểm chính trong bài viết.

 Vào một buổi chiều trong khóa tu năm đó, như lệ thường mỗi năm, chúng tôi quây quần trong chánh điện để sinh hoạt ca hát thư giãn sau suốt một ngày học Phật căng thẳng.   Thường thì các thầy và các sư cô rất yêu ca hát, đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn, không hẳn vì nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều bài mang đậm tính thiền, nhạc tình cũng hát luôn.  Và chẳng những yêu ca hát, có thầy và sư cô hát rất hay. Phật tử ham vui như cá nhân tôi vẫn phải đóng vai đàn sĩ để đệm đàn trong những sinh hoạt ca hát như thế.

 Trong không khí âm nhạc rộn ràng trong ngôi chánh điện chiều hôm đó, đột nhiên mọi sinh hoạt ca hát tạm ngừng lại để chuẩn bị đón khách từ xa đến thăm chùa.  Khách là một số phật tử từ California bay sang du lịch miền đông Hoa Kỳ.  Khi đến vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn sẽ ghé thăm chùa Hoa Nghiêm và một số chùa khác trong vùng.  Trong số các phật tử này có một nhân vật hết sức đặc biệt mà khi nghe đến tên, tự nhiên buổi sinh hoạt ca hát chiều hôm đó trở nên một buổi chiều hết sức…đặc biệt đáng ghi nhớ luôn.  Đó là trong số khách đến từ xa có mặt của chị Diễm, Diễm trong ca khúc Diễm Xưa, mà cái tên Ngô Thị Bích Diễm đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. 

 Lúc đó, mọi sự chú ý đều tập trung vào chị Diễm.  Ai cũng “tra khảo” chị về bài Diễm Xưa, về “mối tình” của chị và Trịnh Công Sơn.  Chị chỉ nhẹ nhàng trả lời cho biết thời gian đó chị còn bé quá không để ý lắm, ai hỏi gì chị cũng chỉ cũng cứ một mực “còn bé quá”.   Cuối cùng chị cũng phải thú nhận chị có biết qua mối tình của Trịnh Công Sơn đối với chị nhưng chị có ông bố khó quá, không ưa Trịnh Công Sơn nên chị không dám vượt vòng lễ giáo.  Đại khái câu chuyện chỉ đơn giản là vậy.  Hiện trên các trang mạng có rất nhiều bài viết, nhiều tài liệu về hoàn cảnh sáng tác bài Diễm Xưa cho chúng ta tha hồ tìm đọc. Điều tôi muốn nói ở đây là nguồn cảm hứng cho ra đời ca khúc Diễm Xưa.

 Tôi tạm dùng trang mạng trích dẫn dưới đây để nói về nguồn cảm hứng này.

 https://nhacxua.vn/cau-chuyen-chua-ke-ve-nang-diem-trong-2-ca-khuc-diem-xua-va-ha-trang-nhac-si-trinh-cong-son/

 Năm 1997, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho đăng báo một bài tùy bút “Diễm của những ngày xưa”, cho chúng ta biết rõ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Diễm Xưa như sau:

 Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt… Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

 Tạm thời trích dẫn như trên, chủ ý tôi không muốn nói về mối tình không thành của Trịnh Công Sơn và Ngô Thị Bích Diễm, nhưng muốn đề cập đến nguồn cảm hứng để ca khúc Diễm Xưa ra đời.  Đối với người nghệ sĩ sáng tác, nguồn cảm hứng quan trọng nhất. Với Trịnh Công Sơn, chỉ cần bóng dáng một người con gái đi qua những hàng cây, dáng nhạt nhòa trong cơn mưa dưới hàng cây đó là một nguồn cảm hứng để Diễm Xưa ra đời.   Nguồn cảm hứng này là tim, là óc, là những cảm xúc, là những rung động sâu thẳm không thể giải thích bằng khoa học – cùng lắm là những biểu đồ trên máy computer nếu có ông bác sĩ nào thử đo những rung động đó, và chắc là cái biểu đồ đó nó…nhảy lung tung chả biết đâu mà mò.     

 Thêm một chi tiết ngoài lề nhưng rất hãnh diện cho Trịnh Công Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung. Bài Diễm Xưa đầu tiên được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii mukashi và được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka năm 1970.  Năm 2004 Diễm Xưa là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của mình trong môn Văn hoá và Âm nhạc. Ngoài tài liệu về bài hát, nhà trường còn kèm theo DVD để sinh viên dễ dàng trong việc nghiên cứu học tập (tài liệu từ https://vi.wikipedia.org/wiki/diem_xua)

 

Ở PHƯƠNG TÂY

 Nguồn cảm hứng từ bóng dáng của một người con gái đi dưới hàng mưa để ca khúc Diễm Xưa ra đời nhắc đến một câu chuyện tương tự – một nguồn cảm hứng -  ở đất nước Brazil, một quốc gia ở phía nam Mỹ Châu, nơi ca khúc The Girl From Ipanema, tạm dịch người con gái ở Ipanema, ra đời. Từ Brazil, The Girl From Ipanema vượt biên giới đến Hoa Kỳ để trở thành một ca khúc jazz standard (2) nổi tiếng trong nền ca nhạc Mỹ.  Câu chuyện như sau.

 Vào mùa hè 1962 ở Rio de Janeiro (3), tại quán rượu Veloso chỉ một lốc đường tới biển Ipanema, hai người bạn ngồi uống bia Brahma bàn tán về sự hợp tác với nhau trong nhạc phẩm mới nhất của họ. Một người là nhà soạn nhạc Antonio Carlos Jobim và người kia là nhà thơ Vinicius de Moraes.  Hai người bạn vẫn chọn quán rượu Veloso là nơi gặp gỡ thường xuyên vì bia ngon và cũng là đia điểm lý tưởng để ngắm gái đẹp qua lại. Hai người đều đã có gia đình nhưng ngắm gái đẹp qua lại quán bia chắc chả phải tội tình chi.

 Trong số gái đẹp qua lại có một người con gái 18 tuổi tên là Heloisa, một cô gái dân Rio de Janeiro (dân địa phương gọi tắt là Rio) chính cống, người ta vẫn gọi cô một cái tên ngắn gọn là Helô.  Cô bé có dáng cao, nước da ngăm ngăm, mắt ngọc trong xanh long lanh, tóc gợn sóng đậm mầu.  Jobim và Moraes đã nhiều lần trông thấy cô bé thả bộ ra biển hoặc từ trường học về nhà.  Cô có một dáng đi hết sức độc lạ đến nỗi Moraes cho rằng dáng đi không thôi đã là một bài thơ.

 Truyền thuyết kể lại rằng đấng nhạc sĩ và đấng thi sĩ bị vẽ đẹp và dáng đi của Helô cuốn hút, cả hai vẽ luôn cái nét mê mẫn thần hồn của cô bé xuống tờ napkin trong quán bia Vesolo, và bài The Girl from Ipanema ra đời. Chi tiết dài dòng và phức tập hơn truyền thuyết nhưng như thế đã đủ. Sau đó bài hát vượt biển sang tới Hoa Kỳ để trở thành một bài jazz standard và là một bài hát trong danh sách top hit thời bấy giờ.  Gọi The Girl from Ipanema là jazz standard vì bài hát do những nhạc sĩ jazz thời bấy giờ trình diễn, trong đó có Stan Getz với tiếng kèn saxo làm rúng động lòng người.  Ngoài giọng hát nữ chính từ Brazil là Astrud Gilberto, trình diễn bài The Girl from Ipanema thời bấy giờ còn có những giọng hát gạo cội như Frank Sinatra, Andy Williams, Nat King Cole v.v…

 Bạn thử đọc qua lời như thế này để thấy đấng nhạc sĩ và đấng thi sĩ đã mô tả quá đúng vẻ đẹp và dáng đi của cô bé Helô.

                                                        Tạm dịch

 

Tall and tan and young and lovely                   Cao, ngăm ngăm, trẻ và dễ yêu

The girl from Ipanema goes walking and          Cô bé từ biển Ipanema cứ bước đi

When she passes, each one she passes goes ahh…    Khi cô bước ngang ai nấy cũng trầm trồ ahh

 

When she walks, she's like a samba                        Chân bước tựa như khiêu vũ điệu samba (4)

That swings so cool and sways so gentle that   cô nhún nhẩy vô cùng nhẹ nhàng và mỗi khi

When she passes, each one she passes goes ahh…    bước ngang ai thì người đó đều trầm trồ ahh

 

But I watch her so sadly                                Nhưng tôi rất buồn khi nhìn em

How can I tell her, "I love you?"                     Vì làm sao tôi có thế nói được câu “anh yêu em?”

Yes, I would give my heart gladly                   Vâng em ơi, anh có thể biếu em cả trái tim.

But each day, when she walks to the sea         Nhưng mỗi ngày qua, cô bé bách bộ ra bãi biển

She looks straight ahead, not at me                        Bé cứ nhìn thẳng về trước mặt mà chả thấy tôi.

 

Tall and tan and young and lovely                   Cao, ngăm ngăm, trẻ và dễ yêu

The girl from Ipanema goes walking and          Cô bé từ biển Ipanema cứ bước đi

When she passes, I smile but she doesn't see, Khi cô bé bước ngang tôi, tôi nhìn bé mĩm cười

 

She just doesn't see                                     mà bé chẳng nhìn thấy, chẳng nhìn thấy tí nào.

 

 

 

 Bạn có cảm thấy lời bài hát dễ thương không?  Tôi không chép lời bài Diễm Xưa ra đây vì ai cũng biết, ai cũng có thể nhớ vài câu. Nhưng, The Girl from Ipanema khác, có thể rất nhiều người không biết đến, do đó tôi thấy cần chép lời ra. Nếu các bạn muốn nghe bài này thì cứ vào youtube, gõ tựa bài là sẽ nghe được rất nhiều giọng ca khác nhau trình bày bản này.

 Trở lại ý chính bài viết. Một sự trùng hợp không ai nghĩ ra.  Cùng vào thập niên 60, từ phía bên này trời đông sang phía bên kia biển tây, hai nguồn cảm hứng giống như nhau. Cũng là hình bóng một người con gái. Cả hai ca khúc ra đời cùng một khoảng thời gian có giá trị âm nhạc vượt thời gian. Cả hai ca khúc cùng vượt biên giới sang quốc gia khác làm đình làm đám. 

 Thêm một chi tiết ngoài lề nhưng thú vị.  Khoảng năm 2016, đài truyền hình Hoa Kỳ NBC đã phỏng vấn cô bé Helô năm nào ngay tại quán bia Veloso về bài The Girl from Ipanema, bấy giờ bà đã 71 tuổi.  Dĩ nhiên nhân viên đài truyền hình NBC, Hoda Kotb tra vấn Helô đủ kiểu đủ cách, nhưng bà vẫn trả lời lúc đó còn nhỏ quá không biết gì.  Đó có phải là câu chị Diễm trả lời sự tra vấn của chúng tôi chỉ mới mấy năm trước đây không?  Nhưng Helô cũng cho biết bà cảm thấy thích thú và hãnh diện vì bài hát nổi tiếng làm bà cũng nổi tiếng luôn.  Cuối cùng, khi Hoda Kotb hỏi trong số các ca sĩ ở Mỹ đã hát The Girl from Ipamema, bà thích giọng hát nào nhất.  Frank Sinatra, bà trả lời.

 Tài liệu về The Girl From Ipanema dưới đây:

 https://jazzfuel.com/girl-from-ipanema-story/

 https://performingsongwriter.com/girl-from-ipanema/

 https://www.streetdirectory.com/lyricadvisor/song/cjfaoc/girl_from_ipanema/