Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

43 . TRƯƠNG VŨ Câu chuyện bên một dòng sông.

Sông Potomac - Nguồn ảnh: Pinterest

 

Sông Potomac dài 383 dặm chạy dọc theo biên giới các bang Maryland, Virginia, West Virginia và thủ đô Washington, D.C.. Trong nội chiến Hoa Kỳ 1861-1865, nó là ranh giới của hai phe Bắc Nam và đã chứng kiến bao thảm kịch kinh hoàng khi quân đội hai bên cố vượt qua vượt lại con sông này. Nhưng, điều đáng nói nhất, đó là một con sông dài và đẹp.

Gần một trăm năm sau, một cuộc nội chiến tàn bạo nổi ra ở Việt Nam. Sau khi chấm dứt, nó đã đẩy rất nhiều đứa con của Việt Nam đến con sông này. Có khác, với họ, trên con sông Potomac hay dọc hai bên bờ của nó, không có thảm kịch. Sông Potomac dài và đẹp.

Giữa thập niên 1990, một nhà văn Việt Nam, Nguyễn Minh Nữu, đến cư ngụ ở vùng Potomac. Nguyễn Minh Nữu là con trai út cụ Phó bảng Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (1880 - 1954), một nhà nho, nhà thơ, nhà giáo khả kính. Rời Việt Nam đến vùng Potomac, Nguyễn Minh Nữu mang theo một hành trang tinh thần khá phức tạp, đầy dấu vết của cuộc chiến trên quê nhà, pha lẫn với truyền thống nho gia của gia đình, và một đời sống cá nhân nhiều năng động. Năng động khi là một quân nhân, một du ca, một huynh trưởng Phật tử, một nhà văn, và đặc biệt, một lãng tử. Với một quá khứ như thế, bây giờ, ở một vùng đất hoàn toàn mới lạ, vào cái tuổi trên 40, phải làm lại từ đầu với đầy trở lực, mọi sự không dễ. Không dễ như ngắm cái đẹp của một dòng sông. Tuy nhiên, không bắt đầu bằng sức lao động bình thường như rất nhiều người đồng hương khác, Nguyễn Minh Nữu chọn một con đường khó. Nữu quyết định làm một tờ báo tiếng Việt cho cộng đồng Việt Nam. Một tờ báo sống nhờ quảng cáo thương mại nhưng lại mang nội dung văn nghệ, tên là Tuần báo VĂN NGHỆ. “Khi định cư tại Hoa Kỳ, niềm mơ ước đầu tiên và lớn nhất của mình là được cầm bút trở lại. Không thể sống toàn thời gian bằng ngòi bút như khao khát, nên tôi tìm kiếm việc làm từ ngành báo chí.” (Viết Bên Dòng Potomac, Phần 1).  “Khi chưa có khả năng làm về văn học, thì hãy làm văn nghệ trước đã.” (Viết Bên Dòng Potomac, Phần 2). Ngoài Tuần báo VĂN NGHỆ, Nguyễn Minh Nữu còn chủ biên Tạp chí Văn học nghệ thuật VĂN PHONG. Tạp chí xuất bản hàng tháng này ra được 18 số thì đình bản.

Sau khi Tạp chí VĂN PHONG đình bản, Nguyễn Minh Nữu dồn nhiều thời gian sống đúng theo tâm nguyện của mình, Nữu sáng tác nhiều và tham dự tích cực vào các sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam hải ngoại và cả một số sinh hoạt trong nước. Tác phẩm của Nguyễn Minh Nữu dù được hư cấu dựa trên những tâm tư, suy nghĩ, kinh nghiệm cá nhân vẫn luôn trang trải hình ảnh một xã hội Việt Nam trước, trong và sau nội chiến. Trong đó, con người luôn phải tự tìm một lằn ranh cho nhân ái, tàn bạo, yêu thương, hận thù, hy vọng, tuyệt vọng…

Nguyễn Minh Nữu sinh ra ở Hà Nội, lên bốn tuổi thì bố mất, sau đó theo mẹ di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn. Năm 18 tuổi, nhập ngũ. Năm 25 tuổi, giải ngũ. Một đời sống trông có vẻ đơn giản, nhưng, không phải. Chúng ta đọc được những vần thơ nói về những ngày đầu đời:

Ngày phôi thai trên nôi
Tiếng khóc chưa quen nụ cười
Chọn sóng cuốn xa khơi
Cho vừa đất nước buồn vui
(Lá Xanh Đời)

Để rồi, qua tác phẩm Nguyễn Minh Nữu, người đọc theo anh gần như bất cứ nơi nào anh đã sống, đã đi qua. “Những địa danh mà tôi đã từng sống, ghi lại trong lòng tôi biết bao cảm xúc. Từ nơi sinh ra ở Hà Nội, di cư vào Sài Gòn từ năm bốn tuổi, lớn lên trong các khu xóm nhỏ ở Sài Gòn như Trương Minh Giảng, Nancy, Bàn Cờ, Long Kiểng. Khi đi lính ở Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang, và sau này định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Tất cả các nơi đã đến, đã sống đều không do tôi chọn lựa, mà do thời cuộc, do điều động từ trên, và do biến chuyển của dòng đời đưa đẩy.” (Đất Nhớ Người Thương)

Nguyễn Minh Nữu rất thương mẹ. Chỉ vài dòng chữ tả cảnh mẹ thắp nhang lên bàn thờ cho bố vào mỗi sáng sớm, ta cảm nhận được rất nhiều: “Buổi sáng của mẹ tôi bắt đầu khoảng từ bốn giờ sáng. Bao giờ cũng khởi đầu là kéo cái bếp lò than từ chân giường ra, bỏ vào vài que củi thông nhỏ, vài ba cục than rồi ra nhà sau hứng một siêu nước đặt lên. Trong lúc chờ nước sôi, thắp mấy nén hương lên bàn thờ. Chỗ mẹ ngồi là cái ghế bành mây kê đối điện bàn thờ. Khi nước sôi, người rót nước vào ấm, lắc lắc cho sạch, đổ ra, với tay lấy hộp trà Thiết Quan Âm đổ ra lòng bàn tay một vốc nhỏ, nhẹ nhàng bỏ vào ấm và châm nước sôi vào. Khoảng ba phút, trút trà trong ấm ra chén tống, sau đó lại bỏ nước sôi vào ấm lần thứ hai. Đợi cho ngấm trà, rót từ ấm ra hai cái tách nhỏ xíu, để trên cái đĩa, người đặt hai chén trà trên bàn thờ, trước di ảnh cha tôi. Sau đó mới về chỗ ngồi, rót trà ra hai chén nhỏ còn lại và ngồi im lặng, mắt nhìn đăm đắm lên bàn thờ... Không gian cô tịch và bóng người cô liêu.” (Cuối Năm Nhớ Mẹ)

Nguyễn Minh Nữu làm thơ, viết truyện ngắn, tùy bút, có thơ phổ nhạc, và cả vẽ tranh. Tác phẩm của Nguyễn Minh Nữu biểu hiện chính cuộc đời Nguyễn Minh Nữu. Dù có hư cấu hay không, với tôi, Nguyễn Minh Nữu là một người kể chuyện có tài, có duyên và luôn coi trọng giá trị văn chương. Nữu thích kể về những nơi mình đã sống, làm nổi bật vài chi tiết, không nhiều nhưng đủ để người đọc thấy nét đặc thù và đời sống ở nơi chốn đó. Và, để từ đó, Nữu nói nhiều đến những con người Nữu đã gặp, đã kết bạn, hay đã ảnh hưởng đến cuộc đời. Nguyễn Minh Nữu lôi cuốn người đọc vào câu chuyện một cách tài tình và tự nhiên, khiến người đọc trở thành như thật sự có “quen biết” những nhân vật trong văn Nữu, dù đó là nhân vật lấy từ đời thật hay chỉ trong hư cấu. Thời gian dù có khác, không gian dù có khác, hoàn cảnh dù có khác, nhân vật của Nguyễn Minh Nữu tụ với nhau thành một tập thể đông đảo, rất đông, và sống động. Qua tác phẩm, tôi “quen” với cô Hằng, người yêu đầu đời của tác giả, khi Nguyễn Minh Nữu mới khoảng 14, và người đẹp khoảng 17 hay 18. Một mối tình “trong sạch và thánh thiện tới mức Hằng vẫn ru tôi ngủ, xoa đầu tôi, và thường xuyên hôn lên trán tôi.” (Dòng Nước Mắt Xanh). “Tôi “quen” với Ngọc Trai, một người con gái khi gần lại xa, dường như chỉ là tình bạn, nhưng dường như hơn như vậy. Bên cạnh Ngọc Trai là bên cạnh những đợt cuồng phong, cạnh những làn sóng lớn, những chuyển dịch bất ngờ… và đôi khi từ đó vẫn nảy sinh những ước mơ nóng bỏng…” (Số 19 Kỳ Đồng). Một tình bạn hay tình yêu mà do những lựa chọn hay hoàn cảnh khác nhau trước hay sau kết thúc nội chiến, không có hồi kết. Tôi cũng “quen” nhiều người con gái khác nữa, mỗi người mang một phong cách riêng, đi và đến khác nhau. Đôi khi Nguyễn Minh Nữu cũng pha lẫn thật với hư cấu để tạo nên nhân vật, như trong bài Thu Ơi Là Ơi Thu. Nhưng đằm thắm nhất là khi Nguyễn Minh Nữu viết về một cô gái Nam Bộ chính gốc. “Cô sinh viên Văn Khoa quê ở Kiên Giang này không có những lời lãng mạn yêu thương, không có cái dịu dàng khéo léo lấy lòng. Những tình cảm được bày tỏ bằng hành động chăm sóc lẫn nhau. Những câu nói đơn giản, chất phác lại là một bến bờ mà tôi đang thiếu thốn. Bên cạnh Bảy Thâu tôi tìm thấy cảm giác an lành như đang hít thở được hương đồng lúa chín miền Tây. Trò chuyện với em, tôi như thấy mình rời bỏ được những vòng vây ràng buộc, như đang nhẹ nhàng trôi lênh đênh giữa trùng khơi Rạch Gíá.” (Khu Phố Ngày Xưa)

Không giống như nhiều nhà văn khác, vai trò người nữ hay tình yêu không chiếm vị trí quan trọng nhất trong tác phẩm của Nguyễn Minh Nữu. Ngoại trừ vài truyện ngắn mang hoàn toàn tính hư cấu như Thuồng Luồng Mắt Biếc, Thi Thánh, Hảo Hán Cuối Cùng…, nhân vật của ông hầu hết là những bạn bè, người thân, hay những người mà Nữu hâm mộ. Rất nhiều. Tuy nhiên, kể chuyện về họ không như một nhà báo. Nữu đưa tất cả vào thế giới văn chương của mình, chia sẻ với Nữu những đam mê, bức xúc, vui buồn, âu lo, những quan điểm riêng về cách sống, cùng với những đổi thay của thời thế đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời chính mình.

Ngô Mạnh Thu là một huynh trưởng trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, một đàn anh của tác giả khi sinh hoạt trong tổ chức này. “Huynh trưởng Ngô Mạnh Thu được nhiều người biết tới là một nhạc sĩ có tài, là một trong những người đầu tiên xây dựng phong trào du ca Việt Nam… Nhưng dường như với tôi, đó chỉ mới là những cái bên ngoài. Thâm sâu hơn trong lòng mỗi người là cái chất riêng của Trưởng Ngô Mạnh Thu, cái điềm đạm, tế nhị, sâu lắng nhưng nồng ấm của tình anh em toát ra từ Trưởng… Điều mà tôi nhận được từ Trưởng Thu là mọi hành xử của mọi người chẳng bao giờ sai, mà chỉ đôi khi chưa đúng lắm mà thôi. Đó chính là một khích lệ lớn lao để tôi có thể nói ra tất cả mọi điều, kể cả những điều kín đáo nhất. Và, khi Trưởng Thu mất, tôi bỗng giật mình thấy rằng chúng ta đã làm quá ít những việc cần làm cho những người chung quanh. Dường như chúng ta chưa có sự chuẩn bị gì đối với tuổi 60. Và ngay chính chúng ta, khi lao mình vào cuộc sống, đã có ai một giây dừng lại, xem lại mình và xem lại chung quanh.” (Ngô Mạnh Thu, Một Lần Bay Là Bay Đến Muôn Trùng)

Nhà thơ Đoàn Văn Khánh là bạn thân trên 60 năm. “Người làm thơ phải là người yêu được cuộc đời. Yêu nỗi đắng cay, yêu niềm hoan lạc. Yêu cuộc tình chung và yêu cả lời phụ bạc… Tôi yêu thơ của Đoàn Văn Khánh, có thể vì cùng lứa tuổi với nhau, có thể vì sống chung rất nhiều những thời điểm bên nhau… lãng đãng cái nhìn về cuộc đời bèo bọt và thanh thản buông thả dần những vướng bận trần ai.” (Thơ Nhỏ Lệ Từ Tâm Người Tĩnh Lặng). Nữu viết nhiều về Đoàn Văn Khánh, ghi lại nhiều kỷ niệm qua nhiều bài viết khác nhau. Đọc về Đoàn Văn Khánh, ta thấy rõ hơn về Nguyễn Minh Nữu.

Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng là người đầu tiên phổ thơ của Nguyễn Minh Nữu. Họ gặp nhau một cách tình cờ trong thời gian sau biến cố Mậu Thân, khi cuộc chiến bùng lên cao độ. Họ gặp nhau ở Ban Mê Thuột, khi “chàng lính mới” Nguyễn Minh Nữu lên trình diện đơn vị. “Nơi đó, ngày xưa, suốt trong một thời thanh niên rực rỡ, suốt trong một khoảng trời mây rộng rãi và chất ngất đam mê đó, chúng tôi đã sống, đã yêu thương, đã đắm mình vào sức chảy của ngút ngàn của rừng núi Tây Nguyên… Cái duyên sơ ngộ đó đã kéo tôi ra chơi với nhóm anh em trong Đoàn Du Ca Lòng Mẹ của Thắng. Nhiều người lắm.” (Cái Thủa Ban Đầu Với Du Ca). Nguyễn Quyết Thắng đã phổ nhạc hơn ba mươi bài thơ của Nguyễn Minh Nữu. Giữa năm 2023, với sự góp mặt của 6 tác giả: Trương Vũ, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Minh Nữu, Đoàn Văn Khánh, Phạm Cao Hoàng và Hoàng Kim Oanh, nhà xuất bản Nhân Ảnh đã ấn hành một tuyển tập gồm nhạc, tranh, và họa, tựa đề Chút Tình Đọng Lại.

Cái thế giới nhân vật trong văn chương Nguyễn Minh Nữu rất đông. Cách viết của Nguyễn Minh Nữu về họ cùng với cách họ sống và liên hệ với nhau cho tôi có cảm giác như đọc một truyện Thủy Hử của thời nay. Trong đó, nhân vật làm quen với nhau dễ dàng và tự động tìm đến với nhau như có sức hút tự nhiên của những người có chung nỗi đam mê. Nhân vật đông lắm, nhưng hình như trong mỗi nhân vật đều có chút nào của tác giả. Kể cả, mang cùng nỗi đau và những trăn trở về thế sự.

Truyện hư cấu của Nguyễn Minh Nữu không nhiều, chỉ chiếm một góc nhỏ trong sự nghiệp văn chương của Nữu, nhưng làm cho sự nghiệp đó đầy hơn, nhiều màu sắc hơn. Dù viết dưới hình thức như truyện thần kỳ, chuyện giả tưởng…, đây vẫn là những quyện lẫn của hư cấu với đời sống thật. Truyện viết lôi cuốn. Những mơ ước, những cách nhìn muốn có về cuộc đời, luôn được trang trải, được làm nền cho những truyện này. Trong Sư Ông Chùa Núi: “Chấp nhận nghịch cảnh, dưỡng tâm an lạc và quán Thân bất tịnh, quán Thọ thị khổ, quán Tâm vô thường, quán Pháp vô ngã. Dường như Chơn Nhã đang thay lời Sư Ông Chùa Núi gửi cho mình những điều khai thị giữa mùa dịch bệnh.” Trong Thi Thánh: “Một người yêu thơ và sống chí tình với thơ từ thời niên thiếu, liệu có thể sống thanh thản nếu không được làm thơ hay không?” Trong Con Trai Của Thủy Thần: “Mỗi cá thể chỉ có một cái tâm, hướng cái tâm tới điều ác thì thành quỷ sứ, hướng cái tâm tới điều thiện thì thành bồ tát, nay con đã tự nguyện hướng cái tâm của mình vào một tình yêu thì con phải được làm con người thôi.”

Một Thoáng Mây Phiêu Bạc là truyện ngắn đầu tay, đăng trên tạp chí Văn năm 1971. Đây là một tự truyện lẫn với hư cấu. Hình ảnh anh lính Nhự trong truyện là hình ảnh anh lính Nguyễn Minh Nữu. Thân phận anh lính Nhự là thân phận Nguyễn Minh Nữu. “Di cư vào Nam, mẹ Nhự mướn một căn nhà nhỏ trong khu xóm lầy lội ở Sài Gòn làm chỗ thờ bố Nhự. Đó cũng là cái tổ ấm duy nhất của Nhự trong suốt tuổi ấu thời. Nhự là con trai út, đứa con tội nghiệp nhất. Nhự mất cha từ hồi còn bốn tuổi, cũng cái tuổi này. Nhự mất cả quê hương. Các anh các chị lần lượt lấy vợ lấy chồng. Căn nhà quạnh hiu còn lại hai mẹ con, kế tới khi Nhự thi rớt, đi lính trú ở một tỉnh xa trên cao nguyên.”  Truyện không thật sự có chuyện. Mọi thứ đều lãng đãng, kể cả cái liên hệ với người tình. Nhưng, truyện vẽ nên được một hình ảnh sống động về một người lính động viên, nghèo, có học dù thi rớt, xa gia đình, sống trong đơn vị nhưng luôn trong tâm trạng phiêu bạc. Có may, có rủi, bất chợt đến, bất chợt đi như chính đất nước của ông.

Nguyễn Minh Nữu viết nhiều về gia đình, về bố, về mẹ, về anh, về chị. Ấn tượng nhất là tình yêu ông dành cho những công trình văn học của bố ông. Đúng 70 năm sau khi bố đã nằm xuống, Nữu cùng chị và một số người thân, đồng nghiệp nỗ lực không ngừng để sưu tập, hiệu đính toàn tập thơ văn của cụ Phó bảng Nông Sơn Nguyễn Can Mộng. Một công trình đồ sộ, giá trị, dày 813 trang được xuất bản vào tháng 5 năm 2024.

Nguyễn Minh Nữu sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn. Nữu đã đi, đã đến nhiều nơi trên đất nước. Mỗi nơi Nữu đều dành cho những tình cảm đặc biệt. Sau khi rời quê hương, thường trở về, thăm nhiều nơi. Bài viết này sẽ rất thiếu sót nếu không ghi lại nơi đây tâm trạng của Nguyễn Minh Nữu khi trở về. Đặc biệt, khi trở về hai nơi quan trọng nhất đời Nữu, Hà Nội và Sài Gòn. “Tôi mang trong lòng rất nhiều nỗi khát khao. Sự chờ mong lâu ngày, khi chín, nó rạo rực như ai ấp than hồng lên bờ ngực… Hà Nội, nơi sinh ra sau hơn bốn mươi năm, ôm giữ trong lòng chồng chồng chất chất hình ảnh của Hà Nội qua lời kể, qua sách báo và đặc biệt là qua trí tưởng làm sao mà tôi không xao xuyến cho được. Khi di cư vào Nam rất nhiều người đem theo cả Hà Nội… Trong lời nói, trong hành xử, trong thói quen, trong thức ăn thức uống, trong giao tế thường nhật, bất cứ lúc nào không gian Hà Nội vẫn len lỏi chen chúc sống với thời gian Sài Gòn.” (Hà Nội Thứ Tư). “Về là được sống lại với chính mình của một thời đã qua. Về là hồi sinh, là được thoải mái thả mình vào ký ức, là gặp gỡ cảm giác non nớt của mình ngày xưa, và rung động thực của mình bây giờ… Về lại Saigon lần này, tôi không dám nhảy xuống dòng kênh bơi lội, không cần phải núp vào gốc cây trước cổng trường Nguyễn Bá Tòng nhìn em tan học về… Nhưng kỳ lạ là tôi thấy chẳng mất đi đâu, vẫn nguyên vẹn trong tôi cả một thời nào xa lắc, vẫn quẩn quanh bên tôi tiếng cười đùa giọng nói đặc trưng Sài Gòn của người xưa cũ… Ngày mai tôi lại chia tay với Sài Gòn, tôi không đoán được chuyến sau về tôi sẽ gặp ở Sài Gòn điều gì. Những gì tôi thấy và gặp gỡ trong lần về này sẽ thành kỷ niệm? Hay lần sau tôi về tôi lại hoài niệm tới một khoảng xa hơn nữa? Đời sống như một dòng chảy, nhìn thì giống nhau, nhưng có ai được tắm hai lần ở một dòng nước đâu. Thương quá Sài Gòn của mỗi lần trở lại.” (Bên Bờ Kênh Tẻ)

TRƯƠNG VŨ
Sài Gòn, tháng 10 năm 2024