Lời Biên Tập: Đạo Diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc là người viết văn từ trước 1975, Bà có truyện đăng trên tạp chí văn học thời đó như VĂN, VĂN HỌC...với bút hiệu NGUYỄN THỊ NGỌC MINH.
Sau 1975, bà chuyển qua viết kịch, làm đạo diễn và diễn viên. Bà gửi tới Văn Phong một tác phẩm viết từ năm 1979, và chưa hề đăng trên báo đài nào như lời chúc mừng của bà với trang Văn Phong. Ban Biên Tập xin hân hạnh gửi tới quý độc giả và cám ơn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Buổi trưa, nắng như muốn lột da đầu những người ngồi sạp trần ở chợ Kho Rèn mà lại để đầu không chẳng thèm trùm khăn, đội nón. Thím Sáu tất tả ra thay ca cho bé Tám về cho heo ăn với ngó chừng con Ú Ù mà thím mới dỗ được cho nó nằm xuống. Chưa đến nơi thím đã nghe bốn, năm người xúm lại mắng vốn:
“Bé Ba, Bé Sáu
với thằng Bé Bảy đâu mà mày để cho con Bé Tám chằn-ăn-chăn-quấn quá vậy? Người
ta trả không mua, nó níu áo; chê dưa trắng, vừa xoay lưng, nó lượm vỏ liệng người
ta”.
Thím Sáu cười
cười, bước lẹ hơn. Bỗng ông Ba Đồ-Mỹ ngoắc thím lại nói nhỏ vào tai thím ít tiếng.
Gặp Bé Tám, thím dỗ ngọt ngay:
“Ráng coi giùm
tao thêm chút nghen. Chạy được món này tao cho tiền ăn bánh. Nói gian hỏng phải…
má mày nữa”.
Bé Tám xụ mặt,
môi thừ dày-xào-chảo-đụn, ngoe nguẩy bước đi:
“Bánh bà ăn
đi, hỏng ai ham đâu! Bà đi là hỏng ai coi à!”
Thím Sáu vừa
quay lưng đi, con nhỏ đã biến mất. Thím dặn tới dặn lui, con cái coi vậy đó, chịu
sao thấu, công việc gấp quá mà nó cứ nhảy ngựa. Anh chị nó cũng cho đi kiếm tiền
hết rồi, chạy được món này may ra có gạo ăn tới cuối tháng… Nghĩ vậy rồi thím
cũng bươn bã đi, sau khi gởi hàng lại cho chị Bảy Ớt bên cạnh.
Bảy Ớt vừa xây
qua xây lại một chút thì con nhỏ Tám về, hì hục kéo thêm một “chiến lợi phẩm”
là một thằng nhỏ đen bóng, tóc xoắn lòa xòa. Không! Phải nói là tụi nó nắm… tóc
lôi nhau về đây chớ chẳng ai níu nổi ai. Bảy Ớt la bải hải:
“Tám ơi, ngã
cái thúng ớt của tao, mày quỷ yêu vừa chớ!”
Thằng Hơn, em
của chị chạy ra, xô tụi nó té nghiêng qua hàng rau hành của bà Năm Sương. Bà
Năm đang lúi húi đếm tiền bỗng bị mớ rổ đẩy dồn vô, hết hồn nói lịu lọ:
“Mẹ mày nhảy,
a nội mày nhảy, a bà cố, bà tổ mày nhảy…”
Mớ bạc cắc trên tay bà giựt rớt đổ rổn rảng. Giận quá, bà đứng xổm dậy rút dép phang trúng mông Bé Tám cái bép. Bé Tám định buông thằng nhỏ ra để đối phó với bà nhưng chưa rút được tay ra khỏi mớ tóc xoắn mà hồi nãy nó đã cố tình quay hai ba vòng để giữ chặt, thì cô giáo tới.
Cô giáo vừa
nói chuyện với chị Bảy, bà Năm vừa gỡ những ngón tay quấn đầy tóc của hai đứa.
Bảy Ớt thấy vậy phải biểu thằng Hơn ra phụ, chớ để cổ ốm yếu như vậy, dám ngã
vì hai cái mạng một xương, một ù kia lắm. Đứng chao vao suýt té mấy lần, nhưng
cô giáo vẫn nói điềm tĩnh:
“Hồi tối, lớp
bắt đầu học rồi, ai cũng nhắc chị Bảy với bà Năm hết, có người còn bắt em Hơn về
kêu chị Bảy nhưng nó sợ mất bài nên không đi”.
Bảy Ớt ngó bộ
mắc cỡ:
“Cô ngó đó,
hai chị em phải đứa đi, đứa ở, chớ đi hết bà già bả rầy”
Thằng Hơn lót
tót phía sau:
“Chớ hông phải
ở nhà hẹn anh Ngầu rồi bị leo cây hả? Biết sao hông? Ảnh học chung lớp với tui
kìa”.
A, cái thằng,
chuyện này nó nói với mình hồi tối, đã lỉm được của mình mấy đồng bạc rồi mà
bây giờ lại chơi khui ra cho cô giáo nghe nữa. Không hỏi, nhưng Bảy Ớt cũng
đoán ra được cái người xúi thằng Hơn về kêu mình là Ngầu. Ờ, vậy cũng đỡ sùng
đi. Cô giáo nói nhỏ để Bảy đỡ sượng:
“ Xưởng anh Ngầu
cũng có lớp Bổ Túc Văn Hóa vậy nhưng ảnh kêu về phường mình học vui hơn. Tối
nay em ghé rủ chị nha, em xin phép bà già luôn cho”.
Nãy giờ bà Năm
vẫn giả bộ lom khom lượm những đồng bạc cắc, dù đã thu hồi đủ, để tránh tiếp
chuyện với cô giáo nhưng cô vẫn kiên nhẫn chờ, kiên nhẫn hơn cả những người mua
hàng chờ không được bỏ đi luôn... Rồi bà Năm cũng phải ngẩng lên, cười giả lả:
“Tui nói với
cô rồi, tui có đi học đâu mà cả đống con tui cũng sống nhờ đồng tiền của tui.
Tui tính rồi, đi học lỗ lắm, tiền không đẻ ra tiền, thì giờ đó để làm ăn sinh lợi,
nuôi con”.
Cô giáo đang cố
gắng tìm lời lẽ để thuyết phục bà già, thì Bé Tám có lẽ muốn trả thù bà già dám
đánh nó nên la lớn:
“Cho tui đi học
nè! Cô ơi cô! Tui hổng muốn bị chọc "già mà dốt" đâu!”
Cô giáo ngó Bé
Tám. Nó bé như con chuột trụi, có thể dám nó chưa tới tuổi đi học, mà cũng có
thể nó bị bịnh còi, lớn không nổi. Dù sao, trong suốt quãng thời gian "dụ
dổ" người ta học bổ túc văn hóa, nhất là ở khu buôn bán kiếm được tiền
này, cô giáo vẫn hiếm khi gặp được những người tự đòi được đi học như Bé Tám.
Cô vuốt má Bé Tám rồi quay sang thằng bé người Miên:
“Thôm đi học
luôn nha!”
Đôi mắt sáng
nhìn cô không chớp, cái đầu gục gặc e dè. Bé Tám xì một cái dài:
“Cô đừng cho
nó đi học cô, nó học tiếng Việt làm chi”.
Thằng Thôm cúi
xuống lượm cục đá. Cô giáo phải lật đật chụp tay nó:
“Cho cô xin
cái này đi”.
Đằng kia ông Bảo
Giáp bán nước mía chọc bà Năm:
“Hai đứa con
nít là 2 - 0, bà Năm thua đậm à, đó là chưa kể tui với con Bảy”
*
Ban ngày, ngôi
trường ấy có học sinh đa số là người Tàu. Có lần, Bé Tám theo chị Bé Ba nó bán
cóc, ổi xẻ miếng ngâm nước cam thảo ở đây nhưng tại nó cứ dành thọt me, những
cây me ngoài đường, với tụi học trò con trai, gấu ó nhau hoài nên Bé Ba không
dám cho nó theo nữa mà dụ Bé Bảy đem bắp rang tới ngồi bán chung.
Trường có tường
rất cao, xây kín mít. Bên trong và bên trên cái cổng là cái vòng sắt tròn có kết
dây rủ xuống. Hồi đó, đứng bên ngoài, có lúc nghe tiếng reo hò, thấy quả banh
tung lên, đập vào vòng sắt, hay rớt trủm vô, Bé Tám không biết tụi nó chơi cái
gì mà ngộ quá. Lúc mới vô, nó rủ tụi bằng trang chơi với nhau, nhưng rồi nó chằn
quá, tụi kia rút hết. Bài học đầu tiên, cô giáo có vẽ cái vòng tròn hỏi giống
cái gì, nó nói một hơi, trước hơn mọi người, là giống đồng tiền, trái banh, giống
cái vòng sắt trên cổng. Thằng Thôm nói giống cái khoen tai của nó với cái gì
đen đen ở trong con mắt. Tức cười nhứt là bà Năm, kêu giống cái rổ, trái
chanh... Vậy là bà Năm cũng đi học. Trước khi vào lớp, bà nhổ phẹt một bãi nước
trầu.
"Tao thử
đi một bữa coi sao, để cổ nói dai như đĩa".
Sau đó, bà có
vẻ chịu lắm nhưng còn làm bộ chê một chút xíu.
“Già rồi mà phải
ngồi thẳng lưng viết ngó bộ không thọ nổi rồi đó!”
Cái này thì Bé
Tám cùng bọn trẻ đồng song cũng cho là phải. Chân nó là chân trèo, chân leo.
Tay tụi nó là tay khoèo, tay móc. Chẳng gì chán bằng lúc nghe giảng bài mà phải
ngồi khoanh tay, ngóc mỏ. Ngồi học mà chúng nó cứ quay ngược, quay xuôi. Mừng
nhứt là lúc cô cho lên bảng làm toán. Gần hết đám con nít giơ tay, dù nhiều đứa
chưa tự tin lắm, tài tính toán của mình. Mục đích gần của tụi nó là được tiến về
hướng cô bằng cách leo chạy băng trên bàn hoặc chui lòn dưới ghế này, bàn nọ để
cuối cùng trồi mặt lên, hù cô.
Hù cô là một
trong những cách biểu lộ tình thương của đám Bé Tám. Riêng Bé Tám, phải kể lúc
nó thương cô nhứt là lúc cô giữ con Ú Ù giùm nó. Chẳng là thím Sáu ra điều lệ:
Bé Sáu, Bé Bảy, Bé Tám đi học, hay đi đâu cứ đi, nhưng phải bảo đảm cắt phiên
sao cho đêm nào cũng có đứa giữ Ú Ù cho tao đi bán chè mới được. Ba đứa nó chia
ra, tuần học ba tối, mỗi đứa có một đêm ở nhà. Có đêm, dụ cho Ú Ù ngậm kẹo, Bé
Tám liều mạng lê em nó tới lớp học. Tan hết cục kẹo, con nhỏ khóc ầm, đòi bò lết
xuống sàn lớp. Cô giáo phải vừa dạy vừa bồng em cho nó tới nổi thằng Thôm phải
ghen tỵ.
“Bé Tám, mày
hành hạ cô giáo tao vừa thôi nha!”
Nghe nó nói tức
cười chưa. Đồ mới học lõm bõm, ưa nói chữ. Bé Tám rủa thầm nó như vậy. Lúc về,
Bé Tám cầm tay Ú Ù dện trên lưng nó một cái:
“Ê! Thằng xéo
xắt! Bộ cô của mình mày thôi hả? Của chị em tao nữa chớ bộ. Có cành nanh thì về
bưng em mầy vô”
“Bộ mày tưởng
dễ còn em lắm sao? Em tao hồi đó nhiều lắm. Bây giờ tao hết trơn em rồi”.
Bé Tám lầu bầu
nho nhỏ.
“Dễ ợt, về biểu
má mày đẻ em khác”
Từ khi đi học,
bị cô bắt ngồi cạnh Thôm, con nhỏ thấy kỳ kỳ khi muốn mở miệng chửi móc méo nó
như trước kia. Chuyện đánh lộn lại càng khó hơn. Ai đời mới vòng tay thưa cô lễ
phép lại quay sang cào tay thằng Thôm. Lật trở kiểu đó, Bé Tám không làm được.
Hình như không
phải mình Bé Tám mà trọn đám con nít du côn kiểu nó, cả mấy cô bác lớn tuổi khu
Chợ Kho Rèn cũng bớt chửi nhau sau vài tháng theo lớp này. Hồi đó, nó có nghe
cô Hương bán cá nói với chị Chín Vịt Lộn.
"Nghề
mình vậy đó. Càng hỗn càng có tiền. Để hiền quá, chúng ăn tới cái đũng quần
mình luôn"
Nhưng rồi sau
đó nó thấy chú Tám sửa Honda không cưới cô Hương nữa mà theo lời tuyên bố của
chú là.
"Nó hỗn
quá!"
Trong đầu óc
Bé Tám xà quần những ý nghĩ: Hèn chi bà Năm nói đi học không đẻ ra tiền, tại đi
học sẽ hiền đi, sẽ hết hỗn, mà có hỗn mới có tiền, nhưng hỗn thì không ai
thương, như cô Hương không ai dám cưới. Có tiền thì có thể đi ăn một đồng bún
miến hay viên xôi nước nửa đồng. Nhưng ăn chi nếu lỡ mà không ai thương, ví dụ
như cô giáo không thương mình nữa chắc buồn chán lắm. Rối óc quá, nó không nghĩ
nữa, cứ học tới, học miết coi.
Cho tới tháng
gần Tết Tây, lúc đó Bé Tám đã học được những hàng chữ dài, thì lớp đã có nhiều
biến đổi lắm. Một số người không theo hết cấp được, như anh Ngầu phải làm ca ba
để kịp thời hạn đăng ký hoàn tất công trình gì đó của nhà máy anh. Trong những
học trò kỳ cựu có Bé Tám, thằng Thôm và bà Năm. Bà ấy đã tự tay vẽ lại hết miếng
bìa ghi tên và giá các đồ rau hành nấu chua và gia vị tiêu tỏi đường ở hàng bà.
Nếu học trò lớn vì lý do làm ca ba, ốm nghén... nên thưa bớt thì số học trò nhỏ
lại thêm đông nên cô giáo cũng đỡ lo. Tụi nó như bồ câu, ham vui, kéo đàn. Có đứa
ở phường khác chun qua học, không phải như anh Ngầu vì thích học gần chị Bảy mà
một phần cũng tại Bé Tám đi đâu cũng quảng cáo cô nó. Có đứa vì nghe nó ba hoa:
"Cô giống Bà Tiên Cánh Xanh trong truyện Thằng người gỗ, cô có nhiều truyện
cổ tích lắm" nên nằng nặc đòi vào học. Điều thứ hai thì ngoài Bé Tám, nhiều
đứa cũng công nhận nhưng điều thứ nhứt thì có đứa không dám khẳng định tại tụi
nó có biết mặt Bà Tiên Cánh Xanh ra sao đâu, chỉ nghe cô kể lại thôi. Trong đám
mới có vài con nhỏ, thằng nhỏ cũng dữ dằn, đanh đá y chang Bé Tám hồi níu đầu
nhau với thằng Thôm. Bé Tám ngó tụi nó và nhớ lại, mình hồi đó khác bây giờ
quá, ngộ ghê ta. Nó cười thầm hoài vì điều đó.
Còn hơn tháng
nữa tới Tết ta, học trò lớn có, nhỏ có, xin phép cô giáo cho học thưa bớt vì
"công việc nhà". Ai cũng hứa hẹn, khuyên lơn cô đừng buồn nha, sau Tết,
lớp sẽ đông đủ cho cô coi, kẹt quá phải nghỉ tạm vậy chớ nhớ cô lắm. Vẫn Bé
Tám, thằng Thơm, bà Năm cầm cự, nấn ná suốt. Dường như từ đầu, ba người này đã
thách thức nhau, ai bỏ cuộc coi như thua. Không biết hai người kia sao chớ bé
Tám thì tình hình cũng gay lắm. Thím Sáu một bữa bán khuya về mệt, lại thấy Ú Ù
chơi một mình lôi ngã mớ chén, thím bực quá, trút xuống đầu mấy đứa còn lại những
câu chửi tục, trong ấy có quyết định không cho Bé Tám đi học nữa.
Đêm sau, Bé
Tám thấy má quyết liệt quá, cũng hơi ngán nhưng không cãi lại thì cứ ấm ức
hoài. Nó chán chán buồn buồn không tới lớp học nữa mà nê Ú Ù đi lang thang. Nó
bỗng mơ ước phải chi gặp Bà Tiên Áo Xanh đêm nay nó sẽ ước một điều hết sức tầm
thường: Bà Tiên làm ơn biến phép cho Ú Ù lớn lẹ bằng nó để nó khỏi giữ nữa, hai
chị em cặp kè đi học luôn. Rồi thấy phòng Thông Tin sáng đèn, đông người ra vô,
nó bồng Ú Ù vô coi. Cạnh đó có phòng đọc sách, cô giáo có mượn cho tụi nó thay
phiên nhau đọc một số truyện bằng tranh. Nó vẫn chắc ăn rằng trước sau gì nó
cũng đọc được hàng sách dầy cui với những chữ chi chít đen ngòm đựng đầy trong
đó. Bây giờ thì, nói theo giọng ông Bảo-Giáp Nước Mía: đường học vấn công danh
của nó vậy là bị đứt cái bựt. Thôi vô đây coi hình đỡ.
Một điều thiệt
lạ kỳ với nó. Năm ngoái, cũng có hình như vầy được triển lãm, nhưng lúc đó vì
chưa học chữ, nó không hiểu gì. Bây giờ đọc và đã hiểu những dòng chữ kèm theo,
nó bỗng nghe những cảm xúc rất lạ thường, có lẽ giống như những người vừa được
tháo băng mắt.
Nó đứng rất
lâu trước bức hình một con bé trông hao hao như thằng Thôm, nhưng bé bằng Ú Ù
thôi, có áo, không quần, cầm trong tay một chiếc dép to bằng dép của ông Năm Lò
Rèn, với hàng chữ ghi bên dưới: "Em nhỏ Campuchia này không có gì chơi cả,
phải chơi với dép cao su của người lớn". Còn hình ảnh với xương người đầy
trong hố với những cán cuốc bên cạnh, nó sợ quá không dám ngó lâu, chỉ lướt qua
thôi. Nó bỗng nhớ câu nói lâu lắm rồi của thằng Thôm, "Hồi đó tao có em
nhiều lắm, nhưng bây giờ tao hết trơn em rồi". Dám em thằng Thôm là con nhỏ
cầm dép được chụp hình? Dám em nó chạy loạn, lạc đường? Hay em nó có góp một
lóng xương trong hố xương đó?... Quỉ thần ơi! Bé Tám sợ quá không dám nghĩ tiếp...
Đêm đó nó ngủ
và nằm mơ thấy những điều ghê sợ. Nó hoàn toàn không còn nhớ đến chuyện không
được đi học để buồn nữa.
Trưa hôm sau,
thím Sáu thấy nó cứ lầm lì cả buổi nên tiếp tục chửi. Nó chỉ nói nhỏ nhẹ như
cách mà cô giáo nói với bà Năm.
“Con không đi
học nữa đâu. Nhưng Tết xong, má để chè tụi con bán cho, má phải đi học, má mới
đỡ cực”.
Thím Sáu cho
là nó nói giọng mẹ, định chửi già hơn nhưng con nhỏ đã biến lẹ.
Nó lẻn sang
nhà thằng Thôm với gần hết đồ chơi trong nhà nó (trong ấy có những món hồi bán
buôn được, thím Sáu mua, hoặc chị em nó lượm, giựt, đổi chác...).
Nó chỉ gặp má
thằng Thôm chuẩn bị gói đồ lại như sắp dọn nhà. Bà hun nó chụt chụt.
“Thôi, cho
Thôm một món được rồi. Ba thằng Thôm mới tìm ra mẹ con bác. Sáng mai cả nhà về
Campuchia, đem đồ đạc gọn gọn thôi”.
Bé Tám nấn ná
chờ thằng Thôm về. Nó lựa mãi mới được một con ngựa nhồi bông, bụng màu mơ
vàng, lông màu hung có thêu kim tuyến trên lưng. Ấy là món quà mà nó đã dụ thằng
con ông Bảy Chà đổi lấy tán đường đen.
Lúc thằng Thôm
về, trời đã nhá nhem tối. Thôm thở hào hển:
“Tao mới tới
nhà mày để từ giả với rũ mày đi coi Tết tao, vui lắm. Má mày nhắn, có gặp kêu
mày về ăn cơm, chiều rồi hẳn đi”
Bé Tám nói dối
một cách quả quyết:
“Tao ăn mấy
dĩa bột chiên trước khi tới đây. No cành bụng đây nè”
Má thằng Thôm
ép nó ăn thêm với Thôm. Bà cắt nghĩa: Thôm nó lộn. Mấy đêm nay là ngày
Campuchia mừng chiến thắng chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ, khác với Tết
"chon-nam-thơ-mây" ăn hồi tháng Tư tây năm rồi. Bà còn ép nó ăn nhiều
kẻo không chắc cái bụng làm sao tối nhảy. Ông địa ơi! Nhảy cái gì! Ai biết mà
nhảy! Thằng Thôm xua tay, dễ ợt, lát tao bày cho. Rồi mày coi, con nít Miên của
tao, nhỏ bằng phân nửa mày cũng nhảy hay lắm.
Tụi nó rủ cả
cô giáo đi. Đèn sáng choang với thức ăn bán dài từ đường cái vô tuốt chùa Miên.
Người đi chen chưn không lọt. Áo quần đủ màu sắc, nhất là các thanh niên người
Trung Hoa. Ba thằng Thôm mời cô giáo nhảy nhưng cô nhất định xin đứng ở lan can
lầu ngó xuống thôi. Thôm khoe ba nó là bác sĩ. Bé Tám thì thấy ông to cao, đen
bóng, cười xuề xòa dễ thương như bác Hai nó vậy thôi. Nó định kể chuyện tấm
hình con nhỏ chơi dép cao su để kéo Thôm đi coi nhưng không kịp nữa, phòng triển
lãm đã đóng cửa rồi... Những ban nhạc người Miên lẫn người Việt, người Tàu thay
phiên nhau chơi liên tu, có lẽ sẽ kéo tới suốt sáng như hai đêm trước. Dám cô
giáo và mình kẹt ở đây luôn hết đêm quá. Không sao, Thôm đã báo rồi, chắc má
không đi kiếm mình đâu.
Lúc gần sáng,
ba má Thôm lên chơi với cô giáo trong lúc hai đứa nhỏ vẫn chưa biết mệt. Bé Tám
mới nhảy lần đầu mà có vẻ hiểu nhanh và ham thích lắm. Thằng Thôm vừa nhảy vừa
nói: Tao nghỉ, mày cũng nghỉ, vậy là bà Năm thắng cuộc. Bé Tám nghĩ, nhưng chắc
bả không vui đâu.
Đêm qua quá
nhanh. Trong óc cô giáo bỗng trở lại hình ảnh hồi hai đứa cào cấu tóc nhau. Những
mớ tóc đã được chải êm. Phải kéo tụi nó lên đây ngắm cảnh mặt trời mọc.
Rồi một dịp, ở
chỗ nào đó trên quê hương, thằng Thôm sẽ tìm đọc được những dòng chữ viết vội
trên thân ngựa bé: "Thăn Tặn Thôm. Nguyễn thị Bé Tám" Hai lỗi chánh tả
trên bảy. Hề gì. Thôm, Bé Tám và bà Năm nữa, đều không phải là những học trò xuất
sắc nhất của cô giáo. Nhưng mà họ sẽ nhớ nhau lắm dù sao này cô sẽ có nhiều học
trò khác... Cũng như thể là, nhờ có thằng người gỗ, có xứ nô đùa người ta mới
nhớ nhiều hơn, rằng ngày xưa, có một bà tiên mang đôi cánh màu xanh.
1979