Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

238 . NGUYỄN MẠNH CÔN - Con yêu Con Ghét (Di sản VHMN)

                                                                                  



Sơn lên mười tuổi, thằng Tính những mười hai tuổi. Không những thằng Tính hơn tuổi Sơn, nó lại còn khỏe hơn, khỏe hơn nhiều, có lẽ khoẻ nhất trong cả bọn hơn hai chục đứa trẻ cùng khu công trường A.

Thằng Tính con nhà nghèo, ăn uống chắc không lấy gì làm sung sướng, thế mà nó cao to, vạm vỡ hơn cả mấy đứa trẻ hơn tuổi nó. Mười hai tuổi, nó đã có bắp thịt như người lớn. Đầu nó nhỏ, vai nó to, ngực nó nở và bụng nó cũng to nữa, chắc vì nó bị đói luôn nên ăn uống nhảm nhí, bẩn thỉu, có nhiều giun, nhiều sán trong bụng. Nhưng bụng nó cũng khoẻ. Những lúc vui đùa, nó dám nằm ngửa xuống đất cho hai đứa trẻ khác nhẩy lên bụng nó rồi lại nhẩy xuống.

Nhưng ít khi đã có nó mà còn có vui đùa. Cả lũ trẻ đương hò hét chạy chơi, hễ thấy nó đến gần là im bặt, mỗi đứa lảng đi một chỗ. Vì cặp mắt lươn ti hí của nó hết nhìn xuống tay lại nhòm vào túi áo những đứa nhỏ nhất trong bọn. Nó lừ lừ như con mèo rình chuột. Hai cánh tay nó thật dài, hai bàn tay nó thật to, mà lại cùng nhanh như chớp cả. Nó nhìn thấy miếng bánh hay cái kẹo trong tay hay đồng bạc để trong túi áo đứa trẻ, là nó giật vội ngay lấy, đứa trẻ đó có biết trước cũng không giữ nổi. 


Nó đã ăn cướp lại còn thích đánh thêm cho đứa trẻ mất quà mấy cái nữa. Nó có vẻ muốn hành hạ tất cả những đứa nào bé hơn nó y như bố nó, hễ trông thấy mẹ nó hay nó là muốn đánh đập, chửi rủa. Bố nó gác ở công trường, nhưng không làm việc gì mà say bí tỉ suốt ngày. Bao nhiêu tiền mẹ nó kiếm được phải đưa gần hết cho bố nó uống rượu. Người ta thì thầm rằng mẹ nó phải “bán hàng trắng” để nuôi chồng, nuôi con. Người đàn bà hình như còn trẻ và có lẽ có thể là đẹp được, nếu không phải khổ quá. Sự đau khổ về xác thịt và tâm hồn làm cho bà ta ỉu xịu như một cái tã rách ít lâu..Nhưng rồi bị hành hạ quá hoá liều, bà ta gây lại chồng, có khi gây với chồng bị đánh đau quá bèn quay ra báo thù vào con , vào thằng Tính, hoặc có khi vào hàng xóm, láng giềng.

Cho đến gần đây thì gia đình thằng Tính trở thành cái tai hoạ cho cả khu công trường. Bố nó say, hành vợ chán, rồi quay ra kiếm chuyện ấu đả với chung quanh. Mẹ nó bị hành, đánh nó chán, rồi cũng quay ra kiếm chuyện chửi thề với bất cứ ai. Còn nó, thằng Tính, nó vốn đã là cái tai nạn cho cả bọn trẻ con vẫn họp nhau chơi đùa trong cái sân trong của công trường. Thằng Tính làm quá, cũng có những em nhỏ về mách nhà, nhưng ở khu công trường này phần lớn là gia đình công chức, chủ hiệu buôn, nên cha mẹ các em đó không muốn mắc chuyện với cha mẹ thằng Tính , và đành chịu giữ con ở nhà, không cho vào chơi sân trong nữa.

Thằng Tính dần dần trở nên một thứ “bạo chúa” trên cái khoảnh đất vài trăm thước vuông. Nó tự xưng là “hải tặc”, và có em nhỏ nào mon men vào sân tức thì bị nó bắt làm quân lính cho nó, phải theo nó sang đánh nhau với trẻ con khu khác, không theo không được.

Thế rồi một buổi chiều hôm đó, hai anh em Sơn bị lọt vào tay thằng Tính. Không phải vì Sơn không biết có thằng Tính làm chúa trong sân trong . Sơn có biết; không những thế, ba má Sơn đã cấm Sơn không bao giờ được vào chơi sân trong.

Nhưng hôm đó, theo ý nghĩ của Sơn, là trường hợp đặc biệt. Vì nhà Sơn có giỗ bà nội Sơn, cho nên mới từ năm giờ chiều nhà Sơn đã đông nghịt những người . Nào là hai bác Phúc, hai bác Cần, chú thím Hằng; nào là vợ chồng anh Hai, vợ chồng bác Ba Tính. Đến sáu giờ thì ông bà ngoại của Sơn đến. Ba má Sơn tíu tít tiếp khách. Thằng em Sơn là thằng Sinh không biết đòi cái gì, bị má nó quay lại phát vào mông đít mấy cái khá đau.

Thằng Sinh vốn được ba má nó yêu lắm, yêu hơn yêu Sơn nhiều. Nên bị đánh, nó lăn cù ngay ra sân gạch bông mà hờn, mà khóc thét lên đến nỗi không ai nói, ai nghe gì được nữa. Ba Sơn giận lắm, lấy roi định đánh nó, nhưng bà ngoại không cho ba Sơn đánh nó, nó được thể càng khóc già.

Giữa lúc đó thì Sơn đi học về. Ba Sơn vội bảo Sơn bế em đi chơi. Nhưng đi chơi đâu được? Nhà Sơn không có sân trước. Trước cửa là đường lớn. Sân trong nhà thì đầy những nồi niêu, soong chảo, và có đến ba bốn người ngồi chen nhau làm cỗ cúng.

Thằng Sinh lại cứ ưỡn ngửa người ra mà khóc. Thím Hằng thấy thế sốt ruột quá, nhân tiện đương rán chả giò, thím lấy cho nó một cái , rồi chỉ tay ra sau bảo Sơn: “Cháu cho em nó ra sân sau chơi một lúc đi. Chịu khó một tí, cháu!”

Sơn thấy thím bảo thế bèn mở cửa sau bế thằng Sinh vào sân trong. Sơn vẫn nhớ ba má cấm, nhưng Sơn không biết làm thế nào được. Vả lại hôm nay đặc biệt nhà có giỗ, có nhiều khách, mà thím Hằng cũng đã bảo thế, Sơn không đi, thím lại cho là Sơn bướng. Vậy Sơn cứ đi, nếu ba má có mắng, có thím nhận cho, chắc sẽ không sao hết.

Hai anh em Sơn vào chơi được một lúc thì thằng Tính cũng ra đến nơi. Sơn thấy nó chạy lại, vội kéo em đứng sát vào người mình. Thằng Tính biết Sơn muốn giữ em lại càng tìm cách trêu chọc. Nó đến trước mặt Sinh, nó lấy ngón tay vành mắt, vành mồm nó ra để làm ngoáo ộp. Tóc nó cứng và thưa lởm chởm, trán nó ngắn đến nỗi hai cái lông mày của nó , như hai con sâu róm, gần liền vào với tóc. Mắt nó trắng dã, răng nó sún gần hết, còn nửa đen nửa trắng, và lưỡi nó đỏ hỏn, trông thật là tởm. Nó cứ thế dí mặt nó vào mặt thằng Sinh, gào lên trong cổ họng:”Ngoáo! ngoáo!”. Thằng Sinh sợ quá, ôm chầm lấy đùi anh, khóc thét lên.

Sơn thương em và tức lắm. Nhưng không dám làm gì thằng Tính, vì nó lớn hơn, khoẻ hơn, và lại vẫn còn nhớ ba má Sơn đã cấm không được gây với nó. Nhưng nó cứ doạ thằng Sinh mãi Sơn phải nín nhịn nó, nói xin nó, nó mới đứng lên. Nó thấy thằng Sinh ăn chả giò nó cũng đòi ăn chả giò. Sơn phải lẻn về nhà lấy cho nó hai cái nữa. Nó ăn xong lại giở mặt, thấy trong túi Sơn có tờ giấy bạc năm đồng bà ngoại mới cho, nó cũng đòi lấy. Sơn đành lại phải cho nó, sau khi bắt nó hứa thôi không đòi thêm gì nữa cả.

Thằng Tính được năm đồng bạc - từ thuở bé chưa bao giờ nó ăn cướp được đến hai đồng - nó sướng quá, bỏ chạy ra ngoài hè lộ ăn quà. Nhưng chỉ một lúc sau ăn hết năm đồng bạc quà, nó nghĩ tiếc món bở, lại quay vào sân. Lúc bấy giờ thằng Sinh đã chịu chơi lắm và hai anh em nó đã sắp sửa quay về nhà. Thì vừa vặn thằng Tính lại đến, chặn đường không cho Sơn đưa em về.

Thằng Sinh thấy không về được lại khóc thét lên. Sơn tức quá, không nhịn được nữa, lấy đà hai tay xô mạnh thằng Tính ra, khiến cho nó bất ngờ suýt bị ngã. Nó cố gượng đứng lại được, gườm gườm đến gần anh em Sơn. Sơn sợ em bị đánh đau, vội thu hai tay lại che cho em. Nhưng thằng Tính đến gần, thừa cơ vồ lấy cái huy hiệu của nhà trường mà Sơn đeo ở trước ngực áo sơ-mi. Nó giật mạnh lấy cái huy hiệu rồi bỏ chạy. Sơn nhìn xuống ngực thấy áo bị xé toạc một vệt thẳng xuống đến thắt lưng. Cái huy hiệu mà thầy giáo dặn cả lớp Sơn phải coi như sự hiển hiện của danh dự nhà trường (và cấm không trò nào được đánh mất). Thằng Tính đã lấy mất cái huy hiệu nhà trường của Sơn rồi. Sơn vừa tức, vừa sợ, thì thôi không còn nghĩ ngợi gì nữa. Sơn vùng lên đuổi thằng Tính. Thằng Tính thấy Sơn liều quá cũng hoảng, vả lại trong thâm tâm, nó cũng biết nó làm bậy nên nó chịu nước lép, bỏ chạy về nhà nó.

Sơn cứ đuổi theo, đuổi kịp nó, ôm lấy nó, vật nó ngã xuống đất. Thằng Tính ngã xuống đất rồi vẫn còn hoảng hốt. Nó để cho Sơn giằng lại cái huy hiệu, chịu cho Sơn ngồi đè lên nó mà đấm nó luôn mấy cái thật đau. Nhưng đến khi bị đau rồi thì nó tỉnh lại, và nhận ra rằng nó còn khoẻ hơn Sơn nhiều.

Nó lập tức trằn người, quật Sơn xuống. Nó đứng lên, Sơn cũng đứng lên. Hai đứa trẻ xông vào nhau, đấm đá túi bụi. Thằng Tính khoẻ hơn Sơn nhiều hơn, nhưng Sơn nhanh và khôn hơn. Thằng Tính vung rộng tay, quật tay vào ngực Sơn hự, hự. Sơn cố nhịn đau, tiến vào gần, thoi vào bụng, vào cằm nó như ở trong các phim cao-bồi. Thằng Tính đau quá, ôm đại lấy Sơn mà cắn. Sơn giằng ra không được. Hai đứa trẻ cùng ngã xuống đất. Thằng Tính nặng cân hơn đè được lên mình Sơn. Tay cứ thế mà đấm xuống, mồm cắn vào tai, vào mặt Sơn. Đến lượt Sơn đau quá. Sơn nghe có tiếng nói.. Nhìn sang hai bên thấy khá đông. Sơn không thể kêu lên để cầu cứu, nhưng con mắt nhìn của Sơn chắc cũng đã có đủ ý nghĩa. Nhưng không ai nói gì, mà Sơn nghe rõ tiếng người gác công trường, cha của thằng Tính: “Chịu thua rồi thì van lạy nó đi, nó tha cho!” Tiếng nói thật đểu cáng, thật độc ác. Sơn uất lên đến tận cổ, bao nhiêu sức lực thu vào một sự cố gắng cuối cùng, vào lúc thằng Tính đấm trái tay, hụt vai Sơn xuống đất. Sơn vùng đưa tay lên đè vào ngang bắp tay của Tính, đồng thời trằn người thật mạnh. Thằng Tính kêu thét lên, còn một tay buông nốt Sơn ra, rồi vừa khóc hu hu vừa lổm cồm cố sức đứng lên. Sơn nghe tiếng mẹ thằng Tính gào: “Đ...! Nó bẻ gẫy tay con tôi đây nè, ông bà , cô bác ơi!”. Sơn nghe thấy cả tiếng má Sơn hỏi:”Đâu? đâu? Cái gì thế? cái gì thế?”

Sơn muốn ngóc đầu lên nói với má: “Nó bắt nạt em con, nó ăn cướp huy hiệu nhà trường của con, con yếu hơn cũng đánh được nó rồi, má ạ!” Nhưng Sơn mệt quá và đau khắp cả mình mẩy, Sơn cố ngước mắt lên nhìn. Sơn chỉ thấy những vòng tròn màu vàng chói bay chập chờn, rồi tất cả đen tối lại như mực. Sơn lịm đi vì mệt và đau quá.

 

Sau trận đánh lộn với thằng Tính, Sơn đã bị phạt rất nặng. Sơn phải đòn, Sơn bị cấm không được ra khỏi nhà, ngoài những giờ đi học. Nhưng hình phạt làm cho Sơn khổ sở nhất là, sau ngày đó ba má Sơn đã tỏ hẳn thái độ ghét bỏ Sơn ra mặt.

Má Sơn thường nói:

- “Thật tôi không ngờ nó rắn mặt, nó làm xấu, làm hổ cả nhà. Nó du côn du kề, nó dám đến tận nhà đánh con người ta đến gẫy tay. Nó làm cho tôi phải nghe đứa không đáng hầu hạ nhà mình, mà nó áp đến tận nhà xỉa xói tận mặt mình mà mình phải cắn răng, phải hạ mình xuống van lạy nó, nó vẫn không tha...”

Má Sơn kể lể không biết bao nhiêu ngày. Cứ mỗi lần kể như vậy thì sau cùng lại kết luận:

- “Chả bù cho thằng em nó. Nó lấc cấc, đểu giả chừng nào thì em nó ngoan ngoãn, thông minh chừng nấy. Vợ chồng tôi may được thằng cháu thứ hai nó được đủ mọi nết....Thôi thì cũng đành....thằng nhớn nó mất dạy, sau này chắc thế nào cũng bêu xấu, bêu hổ cả cha mẹ. Thế mà giời không cho chúng tôi thằng em nó thì không biết rằng vợ chồng tôi sau này trông cậy vào đâu!”

Má Sơn ghét Sơn đến dí ngón tay vào trán Sơn nói muốn “đào đất đổ đi!”. Mặc dầu Sơn không phải là con một người vợ khác của ba Sơn. Sự thật là má Sơn lấy ba Sơn được đến tám năm rồi mới chửa và đẻ Sơn. Bốn năm sau má Sơn mới đẻ Sinh. Sinh ra đời vào thời kỳ gia đình thịnh vượng, Sinh được nuông chiều, từ thuở nhỏ vẫn mũm mỉm, trắng trẻo xinh đẹp. Trái hẳn với Sơn, Sơn mới được hai tháng thì ba Sơn mất sở làm. Cả gia đình túng quẫn liền liền đến khi sinh được 5 tháng. Má Sơn vì thế vẫn cho Sơn là đứa con hại bố mẹ. Sinh là đứa con vượng bố mẹ. Sơn lại không đẹp, nghĩa là trán Sơn không phẳng và rộng, mắt Sơn không to và xanh đen . Sơn không có má đào, cũng không có má lúm đồng tiền.

Cả người Sơn đen đủi, khô thẳng, có lẽ do ảnh hưởng ăn cơm nguội, uống nước lã, rồi lê la chơi ngoài mưa, ngoài nắng suốt ngày trong khi ba má Sơn đi chạy tiền, chạy gạo. Trán Sơn cao nhưng không phẳng mà lại dô thành hai cái bướu lớn. Mắt Sơn nhỏ kiểu mắt voi. Răng Sơn vừa to, vừa vẩu, môi trên lại hơi ngắn nên mỗi khi cười để lộ cả lợi hàm trên. Nói tóm lại, Sơn có thể gọi là xấu trai. Má Sơn, như hầu hết các bà mẹ, không mấy yêu đứa con không đẹp.

Sơn đã không đẹp, lại không ngoan. Sơn không biết vâng lời cha mẹ, nếu vâng lời có nghĩa là ít đi chơi, ít nghịch ngợm, ít đòi hỏi hoặc biết đòi hỏi - nghĩa là biết làm nũng -. Bậc cha mẹ phần lớn yêu con qua một sự so sánh với con người khác, một phần lớn nữa do sự cha mẹ có thể khoe con với người khác hay không.

Sơn hầu như không có gì đáng khoe hoặc có thể so sánh có lợi với con các gia đình gần gụi. Sơn gầy và cứng cho nên Sơn đi lại, chaỵ nhẩy rất nhanh. Ở trong nhà, thoáng một cái mất Sơn. Ra ngoài trường, mặc dầu Sơn học giỏi nhất lớp, thầy giáo cũng ghét Sơn vì Sơn nghịch cũng nhất lớp nữa. Và có lẽ tính đáng ghét nhất của Sơn là Sơn nói thẳng, nói quá thẳng. Bởi một lẽ rất giản dị là ba má Sơn ở nhà, cũng như thầy giáo Sơn ở trường, đều đồng ý rằng nói dối là một nết xấu rất lớn. Sơn nhớ thế, nhất định không nói dối. Như mấy năm trước đây, bà ngoại Sơn - mà Sơn rất ít khi được gặp - đã hỏi Sơn:”Cháu có yêu bà không?” thì Sơn trả lời ngày “Cháu không!”. Má Sơn mắng thế nào Sơn bảo “không”, trong khi Sơn “yêu lắm” bà nội.

Bà ngoại Sơn, và má Sơn thêm vào đó, không bao giờ tha thứ cho Sơn sự thành thật ấy.

Đời sống gia đình không mấy vui cho Sơn. Riêng ba Sơn có thể yêu Sơn nếu ông không quá bận với công việc làm ăn. Ba Sơn biết Sơn có những tính tốt của đứa trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng ông cũng để lời bênh vực khi Sơn bị má Sơn hất hủi. Nhưng sự bênh vực không đầy đủ này có hại cho Sơn nhiều hơn có lợi. Vì ba Sơn khuyên má Sơn không nên “con yêu con ghét” thì má Sơn lại giận Sơn thêm nữa, cho rằng, chính ba Sơn mới thiên lệch, mới nuông chiều và bênh Sơn làm cho Sơn hư hỏng. Má Sơn tìm hết cách chứng minh với chồng rằng Sơn quá hư hỏng. Trong cái chủ quan thuần tình cảm của bà, có nhiều lần sự thật đã bị xuyên tạc. Ba Sơn thì chỉ muốn nói qua một vài câu, mà rút cục lại bị tấn công liên tiếp như vậy thì đành chịu buông xuôi, tự hứa với mình lần sau sẽ thôi không can thiệp nữa, để được yên thân, và chính Sơn cũng đỡ bị hắt hủi thêm vì sự bênh vực của ông. Thái độ thụ động này dù sao cũng không tránh cho ông hàng ngày phải nghe bà vợ phàn nàn về đứa con lớn. Ông có thể không tin lắm lúc đầu , nhưng nghe nói mãi, vả lại một trẻ nhỏ như Sơn làm thế nào mà giữ được cho khỏi nhiều phen có lỗi thật sự, nên lâu dần chính ông cũng tin Sơn hư hỏng.

“Con hư, tại cha mẹ”; lẽ đương nhiên như thế. Nhưng khi người cha phải công nhận con hư, phải tự trách mình thiếu sót trong bổn phận một phần nào thì người cha cũng bắt đầu ghét bỏ đứa trẻ, đứa trẻ là nguyên nhân sự bực bội, sự hậm hực của ông.

Đó là trạng thái tinh thần và tình cảm của ba má Sơn đối với Sơn hồi gần xẩy ra vụ Sơn đánh lộn với thằng Tính. Nhắc lại vụ thằng Tính, ba má Sơn nhớ đã nhiều lần, nhiều vô cùng những lần hai ông bà dặn con không được vào chơi sân trong. Thế mà Sơn không vâng lời. Để đến nỗi mẹ thằng Tính áp đáo tận nhà chửi rủa, bố thằng Tính dọa kiện cáo đòi bồi thường, vì Sơn vô cớ đánh thằng Tính sai khớp xương, bong gân tay.

Kết cuộc câu chuyện, ba má Sơn phải đền cho ba má thằng Tính ba nghìn bạc. Ba nghìn bạc, một nửa tháng lương của ba Sơn. Má Sơn phải bỏ món tiền khá lớn, ngày nào cũng một vài lần nhắc lại để đay nghiến Sơn. Điều lạ lùng, nhưng có thật, là cả ba má Sơn không hề một lần nào hỏi Sơn hay thằng Tính xem câu chuyện xẩy ra sao. Ba má Sơn không hề lấy làm lạ rằng đứa bé và yếu hơn sao lại có thể vô cớ nhẩy vào đánh đứa lớn hơn, đứa lớn hơn vốn có tiếng vô lại từ trước. Bởi tình cảm đã hướng sẵn về ghét bỏ, trước hết giận đứa con không nghe lời dạy dỗ nên mới có chuyện về sau. Sơn, như vậy dù sao cũng đã có lỗi, nên ba má Sơn không cần biết những việc xẩy ra về sau, bất cứ thế nào cũng vì Sơn đưa em vào sân trong trước đã.

Riêng về phần thím Hằng của Sơn, nếu bà này chịu nhận chính mình sai cháu đưa em nó đi chơi thì ít nhất Sơn cũng nhẹ được cái tội quan trọng nhất là coi thường sự cấm đoán của cha mẹ. Rồi có thể nhờ đó mà có sự hỏi han cặn kẽ, khiến cho sự minh oan cho Sơn, không có gì là khó. Nhưng bà thím hoặc quên đi, hoặc khôn ngoan, chưa biết sự thể ra sao và kết quả sẽ thế nào, và trách nhiệm của mình có thể đưa đến đâu thì thà rằng mặc mấy đứa nhỏ, dù sao cũng còn bé, có phải mắng phải đòn cũng chóng quên ngay.

Nhưng bà thím của Sơn không thể ngờ hậu quả của sự im lặng của bà sẽ đưa đến một tình trạng tai hại vô kể. Vì ba má Sơn không hỏi han mà chỉ trừng phạt. Sự ghét bỏ tăng lên cùng với sự dày vò hàng ngày. Sơn có nhiều lần muốn cố phân trần nhưng đều bị át đi. Cả ba má Sơn không còn chút thương xót nào dành cho Sơn. Má Sơn lại thường kêu lên rằng bà khổ nhục, đau đớn lắm vì Sơn, con trai nhớn của bà, là đứa con hư hỏng.

Má Sơn nói như thế là hoàn toàn sai sự thật. Bà ghét nên không khổ, giận nên không đau. Bà nói như bất cứ bà mẹ nào trong hoàn cảnh của bà sẽ nói.

Nhưng Sơn không thể biết như vậy. Sơn lên 10 tuổi. Sơn là một em nhỏ sớm hiểu biết, sớm nghĩ ngợi, nên mặc dầu biết mình không có lỗi trong việc đánh thằng Tính, Sơn vẫn phải chịu đựng hình phạt về tinh thần bởi vì đã làm cho cha mẹ khổ nhục, đau đớn. Sơn thương yêu ba má của Sơn. Sơn cảm thấy trong thâm tâm rằng nếu phải chịu đựng cái gì đó một cách ghê sợ, hoặc phải hy sinh thật nhiều để làm cho ba má Sơn được sung sướng, Sơn chắc chắn không khi nào từ chối.

Rất có thể Sơn chưa hiểu nổi nghĩa chữ hy sinh là thế nào, nhưng hầu hết những ý nghĩ của Sơn là kết quả của những bài học luân lý, của những câu chuyện ngắn rất cảm động về một người con chịu chết thay cho cha, về một người anh liều mình cứu em thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Sơn ham đọc truyện, nào là truyện cha mẹ tha thứ cho đứa con tội lỗi, nào là truyện “yêu cho vọt, ghét cho chơi” thuật lại rằng cha mẹ bề ngoài giận dữ nhưng bên trong bao giờ cũng thương yêu con cái. Có những truyện y hệt như truyện của Sơn, có những truyện như truyện Mẫn-tử-Khiên đẩy xe cho cha, còn bị hành hạ bằng mấy lần Sơn nữa. Sơn nghĩ tới Mẫn-tử-Khiên làm vui lòng cha, Sơn sẽ luôn cố gắng làm vui lòng ba má. Nhưng Sơn nhiều lần mải vui chơi quên mất lời dặn dò của ba má. Sơn có khi phải phạt, có khi không, nhưng lần nào Sơn cũng hối hận. Hối hận rồi lại quên đi rồi lại hối hận. Thành thử nhiều lần bị mắng hay bị phạt oan, Sơn vẫn cảm thấy mình có lỗi. Sơn vẫn thương yêu ba má, vẫn tin chắc rằng ba má vẫn thương yêu Sơn. Mặc dầu gần đây Sơn gần như bị mắng chửi suốt ngày, không có lỗi gì rõ rệt, hoặc có khi má Sơn nhớ lại một lỗi cũ nào đó cũng lại đay nghiến Sơn rồi. Nhưng Sơn vẫn không dám oán hận ba má. Sơn chỉ buồn, vì không khí trong gia đình, mỗi khi có mặt Sơn, không còn được vui vẻ như trước.

Sơn buồn và tủi thân; khi làm việc tốt cũng không được khen, được thưởng như trước nữa. Bao nhiêu lời khen, bao nhiêu âu yếm, má Sơn dành cho thằng Sinh hết cả. Sơn thấy thế, có lúc cũng tức giận thằng Sinh lắm. Nhưng không lần nào Sơn giận em được lâu, vì thằng Sinh còn bé, chưa biết gì, và lại rất ngoan, biết thương anh, biết chia với anh những món quà chỉ một mình nó được hưởng.

Sự hành phạt kéo dài cho Sơn chưa biết đến bao giờ, nếu đến cuối tháng Tư, cuối mùa nắng, cả hai anh em Sơn cùng bị bệnh nặng, phải đưa vào bệnh viện.

 

Sơn nằm thiếp đi trên giưng không biết đã bao lâu. Khi tỉnh dậy, Sơn vẫn thấy bị đau như có ai cầm búa bổ vào đầu từng nhát thật mạnh. Sơn lại thấy trong miệng khô và đắng. Sơn muốn ngồi dậy tìm nước uống nhưng chân tay Sơn yếu quá. Sơn nghiêng đầu tìm xem có ai ở gần không. Nhưng Sơn chỉ thấy có má Sơn ngồi bên cạnh gục đầu xuống giường thằng Sinh mà khóc.

Má Sơn không khóc to. Sơn nằm giường bên này, chỉ thấy hai vai của má Sơn rung rung, và thỉnh thoảng lại nghe tiếng tấm tức. Sơn biết má Sơn thương thằng Sinh lắm. Cả Sơn cũng thương nó nữa. Vì nó còn bé, chưa biết nín nhịn, nên mỗi cơn đau nổi lên là nó vùng dậy, vừa khóc thét lên từng hồi, vừa bò quờ quạng trên giường. Ông bác sĩ sợ nó ngã, định lấy dây đai chằng trói nó nằm chặt xuống đệm. Nhưng má Sơn thương con, không chịu được, đành phải ngồi canh gác suốt đêm.

Đêm hôm nay là ba đêm rồi, lúc nào Sơn thức tỉnh cũng thấy má Sơn ngồi cạnh giường, khi thì gục đầu xuống khóc, khi thì ngồi lặng yên nhìn thằng Sinh, hoặc hai tay kéo lại chăn, kê lại gối hay khe khẽ vuốt những sợi tóc xoà trên trán Sinh. Lần sau cùng Sơn mở mắt ra thấy má nhìn Sơn, với nét mặt buồn rầu của má. Sơn không thấy có sự ghét bỏ hay giận dữ như trước. Sơn cảm động, nói với má:”Con xin má chén nước”. Má Sơn rót nước ngay, xong ngồi xuống giường đỡ Sơn ngồi dậy. Sơn uống nước vào đến đâu tỉnh đến đấy vì nước lạnh và cũng vì trong lòng Sơn rất sung sướng, biết má không còn giận Sơn nữa.

Nhưng chỉ được một lát rồi cơn đau đầu trở lại. Sơn đau quá, đau ở đầu như bị đâm chém khắp trong người . Sơn cố nín không kêu, không rên, sợ làm buồn thêm cho má, nhưng rồi cũng có lúc Sơn không chịu nổi phải kêu thét lên hay phải bật ra tiếng khóc thật to mới hình như nhẹ được phần nào.

Những cơn đau thật ghê gớm. Sơn đau đến co rút cả gan ruột, cả tay chân, đau ở trong đầu, đến nỗi Sơn muốn đập mạnh đầu vào tường thật mạnh, thật hết sức mạnh mới đỡ đau được. Những cơn đau làm cho Sơn nghẹt thở. Sơn cố vùng vẫy muốn hít hơi vào, nhưng cả ngực, cả mũi và miệng Sơn trở nên cứng nhắc cả. Sơn bị ngạt, sắp ngất đi thì được ông bác sĩ đưa vào nằm trong phòng lạnh. Sơn thấy dễ thở khác hẳn đi. Một lát sau Sơn tỉnh lại, được bế ra ngoài giường thì đến lượt thằng Sinh.

Thằng Sinh đau, Sơn trông thương quá. Vì nó bé, và có lẽ nó còn đau hơn cả Sơn, nên mỗi cơn nó ngất đi, Sơn nhìn theo người ta bế nó vào phòng lạnh, thấy miệng nó sùi bọt, há hốc, mắt nó mở to toàn những tròng trắng và cổ nó ngoẹo đi, đầu nó lắc lư theo bước chân ông y tá già. Sơn thương em quá, không sao nín khóc được. Sơn vừa khóc vừa gọi em Sinh “Sinh ơi! Sinh ơi!”. Nhưng thằng Sinh không tỉnh lại được.

Cả đến khi thằng Sinh hết cơn đau nó cũng không tỉnh lại hẳn được như Sơn. Ông bác sĩ bảo để nó ở luôn trong phòng lạnh. Ông bác sĩ là bác Định. Bác Định bạn thân với ba, vẫn đến nhà chơi. Bác Định cũng thương thằng Sinh lắm. Bác đến xem cho nó luôn luôn. Mỗi lần xem xong cho nó, Sơn lại thấy bác đứng tần ngần một lúc lâu, hai môi bác mấp máy nhu bác nói một mình, hai mắt bác nhìn mãi tít ra ngoài cửa sổ. Những lúc đó, Sơn thấy má Sơn đến gần bác Định, mà đứng yên chờ bác.

Vào buổi trưa, buổi tối lại có thêm cả ba Sơn cũng đứng một bên chờ bác Định. Bác Định thường nói tiếng Pháp với ba Sơn. Rồi sau ba nói lại với má. Sơn nghe loáng thong cũng biết được rằng Sơn và em Sinh cùng bị đau màng óc. Em Sinh đau trước, nặng trước còn Sơn rồi cũng đau như Sinh, nhưng Sơn lớn hơn và khoẻ hơn, may ra Sơn có thể bị nhẹ hơn. Má Sơn nghe ba Sơn nói thế lại khóc. Má không dám khóc to, má quay mặt đi, rồi má lấy khăn đưa lên lau nước mắt. Ba Sơn thấy thế thương má và lại thở dài.

Bác Định chắc cũng thương má lắm. Bác đã hứa cố chữa cho anh em Sơn. Tối hôm qua nghe thấy bác nói đến đổi máu cho em Sinh. Bác nói đổi máu là đổi hết máu cũ của em Sinh lấy máu mới. Nhưng sáng hôm nay bác cho em Sinh vào phòng lạnh rồi, bác gọi dây nói cho ba Sơn đến ngay.

Chỉ một lúc sau, ba Sơn đã đến nơi. Ba Sơn hốt hoảng bước nhanh vào trong phòng, hỏi bác Định:

- Anh! Cháu làm sao anh?

Bác Định bắt tay ba Sơn, rồi kéo ba Sơn đến gần giường Sơn. Sơn tự nhiên đoán chắc bác sắp nói chuyện gì quan trọng lắm, và chuyện này có liên quan đến Sơn. Sơn nhắm mắt lại, chờ đợi.

Quả nhiên bác Định nói với ba má Sơn:

- Tôi có việc rất hệ trọng, cần phải hỏi ý kiến anh chị.

Ba Sơn nói:

- Vâng, cháu có việc gì xin anh cứ cho biết.

Bác Định vội trả lời:

- Không, anh chị yên tâm, cháu bé tuy bị nặng lắm, nhưng chưa đến nỗi nào, ít ra là trong ngày hôm nay. Điều mà tôi cần phải hỏi ý kiến anh chị là cả hai cháu đều bị bệnh vào trạng thái nặng nhất, trạng thái của bệnh đau màng óc do một thứ vi khuẩn chống lại được tất cả các thứ thuốc sát trùng và trụ sinh hiện có. Cho nên tôi dám chắc thằng cháu Sơn tuy bị sau và có sức hơn nên có thể bị nhẹ hơn, nhưng bị nhẹ hơn vẫn là bị nguy đến tính mạng..

Bác Định nói đến đây thì Sơn nghe tiếng má khóc và kêu khe khẽ: “Trời ơi! Con tôi!”. Sơn lại thấy ba bảo má:

- Mình phải can đảm nghe anh Định nói. Con nó đau, mình phải sáng suốt, phải kiên nhẫn lắm mới mong cứu sống chúng nó được.

Bác Định lại nói với má:

- Vâng, anh ấy nói đúng đấy chị ạ. Chính bây giờ tôi hỏi ý kiến anh chị là cần anh chị phải sáng suốt lắm mới được. Vì, như tôi nói với anh hôm qua, tôi định thực hiện một kế hoạch thay hẳn máu cho thằng cháu Sinh. Sự thay máu cho bệnh nhân đau màng óc do vi khuẩn cũng là một phương pháp tôi mới đọc thấy trong một số tạp chí khoa học và y học. Phương pháp này khác với phương pháp thay máu cũ ở chỗ việc thay máu rất nhanh và mạnh, nên có thể cứu người mà cũng có thể nguy hiểm cho những người kém chịu đựng. Tôi vẫn định cố làm cho cháu Sinh, nhưng hôm nay xem ra cháu mệt quá, tôi sợ...

Tiếng má Sơn hỏi lo lắng:

- Bác sợ cháu ra sao?

Bác Định tiếp:

- Tôi sợ cháu chịu không nổi, vì khối lượng máu truyền theo tỷ lệ thời gian rất mạnh, tôi chắc cháu không có đủ sức chịu được. Tôi sợ cả cháu Sơn cũng yếu sức quá, không chịu được.

Tiếng ba Sơn hỏi đau đớn:

- Thế không còn hy vọng gì cho các cháu hay sao?

- Còn! Vì thế tôi mới phải hỏi ý kiến anh chị. Là vì tối hôm qua ở đây về, tôi có đến thăm ông thầy học của tôi là bác sĩ R., tôi có nói chuyện đến các cháu Sơn và Sinh là con người bạn rất thân của tôi. Giáo sư R. cho tôi biết hiện ông có mấy lọ thuốc Polymixine...

- Polymixine?

- Phải, đó là tên một thứ trụ sinh mới, rất mạnh. Thuốc mới ra khỏi phòng thí nghiệm và còn ở thời kỳ thử nghiệm. Theo giáo sư R, thuốc Polymixine có nhiều hy vọng chữa được bệnh các cháu...

Má Sơn mừng rỡ kêu lên:

- Ôi! Lạy Trời...

Bác Định vội nói rõ thêm:

- Nhưng chưa có gì là chắc. Một thứ thuốc có thể chữa bệnh này ở Âu Châu, có khi đem chữa bệnh ấy ở Á Châu lại không khỏi. Vả lại, tôi đã nói thuốc còn ở trong vòng thử nghiệm, nên phải có sự ưng thuận của anh chị, tôi mới dám dùng thử.

Ba Sơn nói:

- Thì anh thấy thế nào phải thì cứ làm. Chỗ anh em, anh cần gì phải hỏi..

- Không, tôi không phải không tin anh, nhưng mỗi nghề nghiệp có một quy luật pháp lý và tinh thần riêng của nó. Tôi cần phải hỏi thì cứ hỏi, mặc dầu tôi biết trước anh sẽ trả lời thế nào rồi.

Má Sơn nói:

- Thế thì xin anh cứ cố cứu cháu.

- Vâng.

Bác Định nói “Vâng” rồi im lặng một lát, rồi như chợt nhớ ra:

- Ấy! Thế nhưng mà...còn điều này...là thuốc có một liều đủ chữa cho một người lớn, nghĩa là dùng cho một cháu thì thừa, dùng cho hai cháu thì thiếu.

Bác ngập ngừng hỏi ba má Sơn:

- Vậy...anh chị định ...thế nào?

Sơn nghe má trả lời ngay:

- Cháu Sinh! Cháu nó...

Nhưng ba không để cho má nói nốt. Ba bảo má:

- Không! Không thế được em ạ! Con đứa nào cũng là con. Ta không có quyền yêu đứa nọ, bỏ đứa kia trong lúc này.

Ba lại nói với bác Định:

- Tôi thiết tưởng việc này hoàn toàn thuộc quyền anh định liệu?

Bác Định ngần ngại hồi lâu rồi quả quyết:

- Tôi cảm phục sự cố gắng làm một người cha công bằng của anh. Tôi biết anh chị yêu cháu Sinh nhiều lắm. Nhưng về phần tôi, lương tâm chức nghiệp bắt buộc tôi phải lựa chọn theo điều kiện chuyên môn. Điều kiện chuyên môn không kể đến cảm tình đáng yêu hay đáng ghét., đáng yêu nhiều hay đáng yêu ít, mà chỉ kể đến hy vọng chữa chạy có nhiều hay có ít. Nghĩa là, trong trường hợp có nhiều bệnh nhân nhưng chỉ có một liều thuốc, thì một lương y bắt buộc phải chọn chữa cho người bị bệnh nhẹ hơn hoặc còn nhiều sức khoẻ hơn. Trong trường hợp chúng ta thì..thì đó là cháu Sơn!

Sơn nghe đến nửa chừng đã biết bác Định đã lựa chọn để chữa cho Sơn. Sơn cảm động ứa nước mắt. Sơn mừng rỡ vì sắp khỏi đau đầu. Nhưng chỉ trong một thoáng qua thôi, Sơn đã lại nhớ đến em Sinh lúc người ta bế em và phòng lạnh. Hai mắt Sinh đã nhắm nghiền lại. Hai con mắt ngoan quá, đẹp quá và sáng như sao băng, có lẽ nào sẽ không mở ra nữa, nếu Sinh không được bác Định cho uống thuốc!

Tất cả cái tuổi trẻ non nớt của Sơn chỉ biết thương hai con mắt của đứa em. Sơn chỉ biết về cái chết là sự thiếu thốn hai con mắt ấy. Và Sơn biết thương ba má. Sơn mở mắt ra nhìn thấy bác Định và ba má Sơn đã đi khỏi. Ba má yêu Sinh, yêu Sinh hơn yêu Sơn, Sơn biết như thế. Vừa rồi bác Định hỏi, má Sơn trả lời ngay:”Cháu Sinh!”

Má Sơn muốn bác Định chữa cho Sinh. Ba Sơn chắc cũng muốn bác Định chữa cho Sinh. Ba yêu Sinh nhưng ba cũng yêu Sơn. Ba đã bênh Sơn . Ba công bằng lắm. Nhưng mất em Sinh, ba sẽ đau đớn biết bao nhiêu. Ba đã bênh Sơn với má. Ba ơi! Ba ơi! Sơn thương ba! Sơn thương ba, thương em biết bao nhiêu!

 

Phần kết cuộc: ở nhà Sơn, ba tháng sau.

Nhà Sơn hôm nay cũng đông người đến chơi, phần nhiều là họ hàng hoặc bạn thân của gia đình. Có đến hai mươi người ngồi tản mác trên đi-văng, ngoài sa-lông và chung quanh cả bàn ăn.

Phía trong bàn ăn có kê một cái bàn nhỏ hơn, trên bàn có mâm cỗ thật lớn, rồi đến một cái cốc đựng đầy gạo cắm ba nén hương khói bay nghi ngút.

Cả nhà đang im lặng. Bỗng có người nói:

- Tội nghiệp thằng cháu Sơn! Thế mà nó lạc đi cũng được một trăm ngày rồi.

Má Sơn lúc đó vẫn còn quàng tay ôm lấy thằng Sinh trong lòng, má Sơn nói:

- Vâng. Giời không cho cháu được làm người , thật là số cháu nó như thế. Chứ hôm bác Đốc Định cho chúng tôi biết không có đủ thuốc chữa cho hai cháu thì vợ chồng tôi đã nói với bác xin chữa cho cháu Sơn.

Bà Hai Quán, nhà ở mé sau công trường, hỏi má Sơn:

- Thế cháu uống thuốc không chịu phải không chị?

- Vâng, cháu uống thuốc không chịu.

Bà Toàn Thịnh, ngồi bên cạnh bà Hai Quán, bỗng thở dài:

- Tội nghiệp cháu. Bây giờ cháu nó lạc đi rồi tôi mới dám nói với bà...Thật cả xóm chúng tôi ở chung quanh đây đều phải khen cháu, sao mà mới mười tuổi đầu mà nó khôn thế. Lên mười tuổi đầu mà cái gì nó cũng biết...

- Mà nó ăn nói y như người lớn ấy thôi! - Bà đại úy Nhu nói thêm như vậy.

Má Sn cười gượng:

- Vâng, cháu được giời đất phú tính cho, cũng biết sớm lắm. Nhưng phải một điều, chúng tôi phải luôn luôn đe nẹt cháu, là nó ngông ngáo, hay sinh chuyện đánh đấm trẻ con trong xóm, để cho vợ chồng tôi phiền phức nhiều lắm.

Bà Toàn Thịnh vội cải chính:

- Chết, chớ! Cháu nó mất rồi, chị đừng giận oan cháu, tội nghiệp. Chị không hay ra ngoài không biết, chứ chúng tôi ở sân trong, đều biết cháu nó ngoan lắm, nó biết nhường biết nhịn lắm. Có điều nó thương, nó bênh em nó, đứa trẻ nào bắt nạt thằng cháu Sinh đây là, dù có nhớn hơn nó, nó cũng đánh ngay.

Bà đại úy Nhu cười theo:

- Đến con nhà gác-dan là cái thằng Tính, mà còn bị nó lừa bẻ cho gãy tay. Tôi nhớ hôm ấy, nó thật là gan như cóc tía, thằng con nhà Tính đè lên nó, đánh nó đau như thế, mà nó không chịu thua, mà nó còn quật lại được...

Má Sơn nhớ lại việc cũ, nhân thể cũng nói:

- Ấy, vợ chồng tôi đã cấm chỉ cháu, không cho vào sân trong . Thế mà rồi giữa lúc cả nhà đang bận tíu tít, nó đã rủ em nó, lẻn đi lúc nào để gây sự đánh nhau mà không ai biết.

Thấy má Sơn kể tội Sơn như thế, thím Hằng cúi đầu nói khẽ:

- Hôm ấy, thằng cháu Sinh hờn quá, em có bảo cháu đưa em cháu vào sân trong chơi...

Bà Toàn Thịnh cũng nói tiếp:

- Mấy lại thằng con nhà gác-dan đến bắt nạt em nó, nó đã nhịn mãi, đã cho nào chả giò, nào tờ giấy 5 đồng, mãi sau thằng Tính đánh thằng Sinh và xé rách áo nó, nó mới phát khùng đuổi đánh thằng Tính.

Ba má Sơn nghe nó thế lại nhớ đến mấy tháng sau cùng, trước khi Sơn bị bệnh, hai ông bà đã giận oan đứa con lớn. Ba Sơn giọng buồn buồn, trách thím Hằng:

- Thế mà thím không cho chúng tôi biết!

Thím Hằng cúi thấp đầu xuống hơn một chút, yên lặng. Không khí gian nhà bỗng trở nên có một vẻ gì u uất. Má Sơn hơi ân hận vì ba Sơn trách thím Hằng một sự lầm lỗi qua đã lâu. Bà tìm cách nói sang chuyện khác:

- Thôi, thì đằng nào cháu nó cũng xấu số, thiệt phận đi rồi. Thật ra thì chúng tôi cũng thương cháu, mong cho cháu chóng khỏi, không tiếc cháu một thứ gì. Mấy hôm cháu bị nặng lên, cháu đòi ba cháu, ba cháu cũng vui lòng bỏ giờ dạy học vào với cháu.

Ba Sơn nghe nói lại nhớ mấy ngày sau cùng, Sơn luôn luôn muốn có ba ở bên cạnh. Sơn, mỗi lúc tỉnh cơn đau lại nhìn ba mà khóc. Sơn thương ba lắm. Ba Sơn biết như thế.

Ba Sơn quay lại nói vói bác sĩ Định:

- Cháu nó thương tôi lắm. Thật tôi không ngờ nó không chịu được thuốc của anh cho...Không biết có phải vì căn bệnh của cháu nặng hơn không anh?

Mọi người nhìn về phía bác sĩ Định, từ nãy ngồi thụt sâu trong cái ghế bành kê thụt trong góc phòng. Bác sĩ Định nghe ba Sơn nói thế, bất giác ngẩng đầu nhìn lên bức ảnh Sơn. Bức ảnh khổ 18×24 chụp Sơn ngồi thẳng mặt. Bác sĩ Định chợt để ý đến đôi mắt của Sơn, đôi mắt sáng long lanh, riêng đối với ông, hình như có ngầm một ý van nài im lặng, như hôm nào...

Bác sĩ Định day mình ngồi trở lại, nhìn về phía mọi người . Người ta tự nhiên có cảm giác rằng ông có điều gì muốn nói, rất quan trọng.

Ông nói:

- Chắc là không anh ạ, tôi không tin là cháu mắc chứng bệnh nào nặng hơn.

Bác sĩ Định nói thế, rồi trầm ngâm một lát sau, ông bỗng tự nhiên nói như người buột miệng lỡ lời:

- Vả lại, tôi không tin rằng cháu Sơn uống thuốc không chịu.

Câu nói giản dị, nhiều người chưa hiểu kịp tầm quan trọng của nó. Riêng một mình ba Sơn, có lẽ chính ông đã có một sự nghi ngờ, băn khoăn nào đó, nên ông tiến vội ngay đến cầm tay bác sĩ Định:

- Anh nói sao, anh Định? Anh không tin cháu uống thuốc không chịu thật hay sao?

- Vâng, tôi không tin thật. Là vì cháu nó uống thuốc vào lại kêu đau hơn lên, nhưng tất cả mọi phương pháp chẩn bệnh đều chứng tỏ trái lại. Cơn sốt bớt đi, huyết thế xuống bớt, động mạch trở về nhịp nhàng hơn, nhất định không phải là triệu chứng của một sự đau đớn tăng thêm. Vả lại..

- Vả lại sao anh?

Bác sĩ Định nhìn thẳng vào mặt bạn:

- Vả lại cháu Sơn muốn thế nào cũng chỉ là một đứa trẻ lên mười. Nhiều cử chỉ của cháu sẽ không lọt được mắt anh chị, nếu lúc bấy giờ anh chị không vội nghĩ đến cháu Sinh...Một đứa trẻ lên mười tuổi, được uống thuốc đỡ đau lại giả vờ đau thêm, đứa trẻ ấy có con mắt nhìn, có giọng nói khác thường, làm sao mà giấu được!

- Thế sao anh không cho chúng tôi biết?

- Nói về địa vị thầy thuốc, tôi có bổn phận tôn trọng mọi bí mật của bệnh nhân, dù bệnh nhân đó là đứa trẻ. Nói về mặt khác, tôi có thể coi Sơn như cháu tôi, thì ở địa vị người chú người bác, tôi có bổn phận phải hiểu sự cầu khẩn trong con mắt của cháu: nó lo sợ lúc tưởng tôi sắp nói, và rõ ràng mừng rỡ khi sau cùng, thấy tôi im lặng. Nếu tôi không nhầm thì cái nhìn sau cùng cháu nó dành cho tôi có bao hàm nhiều ý nghĩa của một sự cảm ơn, nhưng về phần tôi, tôi chỉ xác nhận rằng tôi chỉ làm bổn phận của người thầy thuốc: tôi không có quyền bắt bệnh nhân uống thuốc, dù để khỏi bệnh...

Bà đại úy Nhu cướp lời bác sĩ Định:

- Nhưng cháu Sơn taị sao lại không chịu uống thuốc mới được chứ?

Bác sĩ Định trả lời, hai hàm răng cắn chặt vì cảm động:

- Tại sao? Tại sao có một liều thuốc, mà có hai đứa trẻ cùng bị một thứ bệnh, mà một đứa lại không chịu uống thuốc?

Bà đại úy Nhu reo lên:

- A! Trời ơi! Nó nhường thuốc cho em nó!

Trong phòng có thêm nhiều tiếng kêu kinh ngạc:

- Nó nhường thuốc cho em nó!

Bác sĩ Định rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào nói tiếp:

- Vâng! Một đứa trẻ mười tuổi nhường thuốc cho em nó, để em nó sống và nó chết.

- Nhưng vì sao nó lại nhường như thế?

- Vì chúng tôi vô tình, hôm nó chuyện về thứ thuốc mới lại nói ngay bên cạnh giường cháu Sơn những tưởng cháu đã bé lại còn đau ốm, thì còn biết gì. Nhưng không ngờ cháu nó sớm hiểu, sớm biết ba má cháu thương em cháu hơn..

- Cháu nó tưởng thế, - má Sơn vừa khóc vừa nói - chứ vợ chồng chúng tôi có con yêu con ghét bao giờ đâu!

Bác sĩ Định như không nghe thấy lời má Sơn nói gì:

- Tôi hỏi ba má cháu rằng chỉ có một liều thuốc thôi thì làm thế nào. Má cháu đã trả lời ngay rằng chữa cho cháu Sinh, nhưng ba cháu không nghe..

Má Sơn cố gượng nói:

- Thì tôi cũng tưởng...

Nhưng ba Sơn đã đứng dậy, nghiêm trang bảo vợ:

- Mình đừng cố cãi, thêm tủi thân con. Tình trạng con con ghét không phải là một điều đáng hổ thẹn, vả laị không cứ gì riêng trong nhà ta hay ở nước ta mới có....Chúng ta nên cảm ơn Trời Phật rằng tình trạng ấy không đưa đến sự hành hạ, sự đầy ải quá lâu một đứa con hiếu thảo, rằng tình trạng ấy không đưa đến sự chia rẽ, sự oán thù giữa anh em nó. Hoàn cảnh đã đến, để cho chúng ta hiểu rằng trong tâm hồn con trẻ có những suy nghĩ, những xúc cảm mà chúng ta không chờ đợi. Cho nên chúng ta rất dễ hiểu nhầm và tình trạng con yêu con ghét ở đó mà sinh ra. Sự hy sinh của Sơn thật đáng thương đến đứt ruột, nhưng chúng ta cần phải nhận chân được bài học nhờ cái chết của nó...Con, còn đẻ chúng ta còn nuôi, nhưng trước khi hiểu được cho thật rõ, thì chớ có bao giờ nhìn theo bề ngoài mà vội định con yêu, con ghét.

Ba Sơn nói đoạn thong thả đi đến bàn thờ của Sơn, rút lấy ba nén hương châm vào ngọn nến. Khắp căn phòng phảng phất một niềm xúc động như bao dung mà lại như bùi ngùi khó tả.

Giữa lúc đó người ta nghe thằng Sinh kêu lên:

- A! Con chuột! Con chuột chạy đằng sau anh Sơn.

Bác sĩ Định cúi nhìn xuống giầy, rút khăn chúi mũi. Má Sơn khóc nức nở. Ba Sơn cắm ba nén hương vào cốc gạo. Ba Sơn nhìn Sơn qua hàng lệ mỏng. Sơn nhì lại ba Sơn. Và thì thầm trong không gian vắng lạnh: - “Ba! Ba! Con thương ba! Con thương ba!”