Trong giới văn nghệ sĩ, 30
Tháng Tư mở đầu bằng một cái tang, cái tang đúng ngày 30 Tháng Tư: đó là cái
chết của nhà văn Chu Tử. Ðúng 58 năm trước, anh ra đời cũng vào Tháng Tư, ngày
17.
Vào ngày 16 Tháng Tư 1966, nhà
văn Chu Tử bị ám sát bằng 4 viên đạn xuyên qua cổ, răng, miệng, nhưng đã không
chết, có thể vì đối với ông, đạn súng lục quá nhỏ. Chín năm sau, 30 Tháng Tư
1975, ông chết vì một viên đạn lớn hơn, một viên B40 từ bờ bắn lên tàu Việt Nam
Thương Tín, khi con tàu này đang từ sông Lòng Tảo, Vũng Tàu, chạy ra khơi.
Nhiều thế lực ở đằng sau mũi
súng không thích những Sự Thật do Chu Tử viết ra trên báo Sống hay các báo do
ông chủ trương. Ở lần ông bị bắn năm 1966, chúng tôi đã viết một bài ngắn đăng
trên Tuần báo Nghệ Thuật mà sau này được ông trích đăng lại trong cuốn Không
Hận Thù, như sau: “Ðối với bản thân tác giả Yêu, hẳn nhiên những sự đưa đến cái
chết, và chính cái chết là một vấn đề Sống. Sống theo
quan niệm của một người trí thức hành động.
Người trí thức hành động Chu Tử đã đối đầu với những vấn đề nguy hiểm, nhưng đó là những vấn đề ông có thể kiểm soát nổi. Nếu ông tin rằng người ta không thể giết ông vì những điều ấy, thì niềm-tin-chu-tử không phải niềm tin của một tâm hồn thơ ngây, nhưng là của một tâm hồn tràn trề hy vọng ở một cuộc sống tốt đẹp, cuộc sống ao ước. Ao ước và hy vọng dĩ nhiên lại là
những gì mà chúng ta không có cách kiểm soát được…” (1)
Nhà văn
Chu Tử có tên khai sinh là Chu Văn Bình, ra đời ngày 17 Tháng Tư năm 1917 tại
làng Mía, Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Theo lời tự thuật của ông, vì bạn bè
trong lớp sỉ nhục, sau khi đậu tiểu học, ông chỉ mất có ba năm thì thi đậu tú
tài. Mất thêm mấy năm nữa, ông học Luật tới năm thứ ba, rồi
nghỉ một thời gian, không rõ
vì sao. Sau nghe ông đậu cử nhân Luật và trở thành một trong vài người đậu cử
nhân hồi những năm cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên bốn mươi tại tỉnh Sơn
Tây. Tham gia sinh hoạt đấu tranh từ nhỏ, trong khi còn học lớp nhất trường
Hưng Hóa, Chu Tử, vào đêm nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930, đã theo
đàn anh Nguyễn Khắc
Nhu, biệt danh Xứ Nhu, phó
đảng trưởng, đi hạ đồn Hưng Hóa. Thất bại, bơi qua sông trên đường rút lui, tới
được bờ thì quá mệt, và quá vui, nhà cách mạng 13 tuổi ngủ một giấc, và từ đó
mất liên lạc với Xứ Nhu. Ông bị tù thời Pháp, sau đó còn bị tù thời Nhật, thời
Ngô Ðình Diệm, như ông viết. Tuy vậy thời Việt Minh, ông có lần ngồi xử án một
vài phiên tòa địa phương.
Hồi thanh niên Chu Tử mở
trường dạy học, học trò rất đông. Nhưng lòng ông không ở đó. Ông dừng lại ở văn
chương, ở báo chí, văn, ông đã cho xuất bản một loạt các truyện dài mà nhan đề
chỉ có một chữ: Yêu (Ðường Sáng, Saigon, 1963, tái bản 3 lần trong một năm),
Sống, tức Loạn I (Ðường Sáng, 1963), Loạn (Ðông Bắc, 1964). Cuốn nào cũng là
truyện dài, và truyện nào
cũng đăng báo trước khi in
thành sách. Thường là đăng báo của ông, như tờ Sống, hay báo do ông chủ trương,
như Dân Việt, Ðời, Sóng Thần, vì với ngòi bút công phá tàn khốc, Chu Tử không
còn được phép đứng tên làm chủ nhiệm một tờ báo nào nữa, sau tờ Sống.
Trong
sinh hoạt báo chí, tôi ít có dịp làm việc với Chu Tử, trừ một thời gian ngắn
phụ trách phần điện ảnh cho báo Sống của anh, và thời gian viết truyện dài Gió
Thấp cho báo Sóng Thần do anh chủ trương. Tờ báo sau cũng gây nhiều sóng gió,
và là mục tiêu của một cuộc xung đột nghề nghiệp, hay xung đột chủ trương, đến
mức tàn khốc. Một trong những chuyện xảy ra, làm rung chuyển giới truyền thông
lúc ấy, là vụ bắn bỏ Vân Sơn Phan Mỹ Trúc, chủ nhiệm tờ Ðông Phương. Lúc ấy tôi
cũng đang viết một truyện dài cho Ðông Phương. Hai tờ báo ở cùng một con đường
Võ Tánh, tờ bên số lẻ, tờ bên số chẵn, đi bộ chỉ vài phút. Hai tờ báo ấy lại
đang bút chiến với nhau. Ðến Ðông Phương ngồi viết xong đoạn truyện đủ in cho
báo ngày hôm sau, tôi đi qua Sóng Thần ngồi làm việc tương tự, ở cái bàn ngay
cửa phòng sắp chữ. Bao giờ tôi cũng lại Sóng Thần sau, vì thích cà kê ở đây lâu
hơn. Ở quãng giữa hai tờ báo là phở Hà Nội, nơi các ký giả gặp nhau, cũng là
nơi tôi ghé vào bảo họ lát n a mang lên Sóng Thần cho tôi một chai bia Larue có
hình trái dứa và một ly đá. Lùi về phía sau là nhà thờ Huyện Sĩ, nơi có một
quán cà phê bí tất, chéo góc với quán xôi lạp xưởng của mấy mẹ con một bà người
Bắc.
Một hôm đang ngồi ăn nhậu
trong quán cà phê bí tất với bạn bè, Vân Sơn Phan Mỹ Trúc bị dí súng vào đầu.
Một tiếng nổ. Kẻ lạ mặt, do đồng bọn chở bằng Honda hai bánh từ ngoài bước vào,
giữa ban ngày, rút súng xử tử chủ nhiệm Ðông Phương, rồi rảo cẳng đi ra, leo
lên sau xe Honda, mất dạng. Cái tin gây lặng ngắt trong chỗ tôi ngồi uống bia.
Tôi không đi đưa đám Vân Sơn,
nhìn vành khăn trắng trên đầu
một phụ nữ não nùng, tôi thù ghét tên mặt tái.
Theo mô tả, đó là kẻ sát nhân.
Tôi nghĩ tôi đã gặp y nhiều lần. (2)
Trong không khí đó, những cuộc
xung đột trong làng báo không còn là những bài báo xuông nữa. Ngay trong nội bộ
cũng gay cấn. Anh Chu Tử, tuy là người đứng chủ trương nhật báo Sóng Thần,
nhưng lại không thoải mái khi tới tòa soạn. Rồi chẳng bao giờ anh tới nữa, nằm
nhà lãnh lương, rút xì phé.
Có khi chỉ có ba người, chúng
tôi cũng vẫn rút, cho anh đỡ buồn. Nhất là khi trong ba người lại có một anh
Việt Cộng hồi chánh như Kim Nhật – tác giả cuốn Cục R – cò gỗ mổ cò thật như
hôm đó, thì chán biết nhường nào? Anh nhắc tôi kể chuyện phim ráng viết cho
dài, như một cái truyện ngắn, vì tôi thường viết ngắn, chủ trương đủ ăn thì
thôi, hôm nay đong gạo hôm nay, chuyện mai mai tính. Một hôm anh bảo tôi, khi
tôi đã leo lên cái xe
Lambretta định đi. “Này cái
chuyện phim hôm rồi cậu viết dài hơn nửa trang như thế là được, tuy nhiên cậu
lại không viết nhan đề. Tôi thấy tên phim là La Chevauchée, tôi đặt là Ðoàn Kỵ
Mã đấy. Ðược không?” Dĩ nhiên là được.
Chị Gilberte Nguyễn Văn Lợi,
chủ hãng phim Columbia tại Sài Gòn đưa cho tôi tờ Ciné-Revue, trong có thuật
chuyện phim này, sắp chiếu ở Eden hay Ðại Nam gì đó, tôi phải chuyển ra Việt
ngữ, tôi đã xem phim đó đâu mà nói được hay không được. Tôi cũng chẳng nhớ nội
dung câu chuyện như thế nào, vì tài tử cưỡi ngựa bắn súng cỡ Randolphe Scott là
tài tử tôi chỉ xem qua một lần
rồi bỏ.
Nhà văn Chu Tử lìa đời trên
sông Lòng Tảo, trên thuyền Việt Nam Thương Tín. Hôm đó là ngày 30 Tháng Tư năm
1975. Khi chiếc thương thuyền đang hướng ra hải phận quốc tế thì bị trúng một
trái đạn pháo từ trong bờ bắn ra.
Trong mấy ngàn người, Chỉ có
Chu Tử thiệt mạng. Cháu Chu Sơn, con trai anh, mà cũng là phóng viên trang 3
của chúng tôi trong tờ nhật báo Tiền Tuyến, đứng bên bố nhưng không nguy hại
gì. Theo Trung Tá Phạm Hậu kể lại: “Có tiếng pháo kích từ bên bờ sông mé phải
bắn qua. Ðạn đại bác của xe tăng hay đạn B40, B41 quái quỉ gì đó… rơi lõm bõm
trên sông. Một viên đạn
bay qua đầu chúng tôi, rơi
trúng vào chiếc tầu to lớn – tầu Việt Nam Thương Tín chở hàng hóa và hành khách
dân sự – đang vùn vụt chạy rất nhanh ở phía trái chúng tôi. Khói bốc lên nghi ngút trong
chốc lát. Sau mới biết chính quả đạn này đã sát hại nhà văn Chu Tử…” (3)
Theo cháu Chu Sơn kể lại với
tôi, thi hài Chu Tử được bó vải, thả xuống Thái Bình Dương ngày hôm sau. Anh là
thuyền nhân đầu tiên được thủy táng. Anh là nhà văn lưu vong đầu tiên vẫn trong
hải phận quê hương. Và như thế, có bao giờ anh rời xa Ðất Nước? Từ lúc viết văn
đến khi từ trần, anh hoàn tất ý niệm ban đầu của một người cầm bút, mấy ai có
thể làm được như anh?
Viên Linh
Tháng 4, 1997 (Trong Chiêu
Niệm Văn Chương, chưa in)
Chú
thích:
1. Viên Linh, nhà văn Chu Tử,
vấn đề sống, Tuần báo Nghệ Thuật, số 28, tháng
4, 1966, trang 5.
2. Duyên Anh viết rất rõ về vụ
ám hại này trong hồi ký của ông, đã xuất bản.
3. Phạm Hậu, 30.4.75, Từ sông
Lòng Tảo tới Subic Bay, Khởi Hành số 42,
4.2000, trang 9.