Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

364 . XUYÊN TRÀ . Hoàng Lộc : Hồn quê đất Quảng.

                                                                                                 


                                                                   

HỒN QUÊ ĐẤT QUẢNG

Đã nhiều lần, tôi có ý định viết chút ít về thi sĩ Hoàng Lộc.

Sở dĩ tôi dùng chữ “chút ít” vì đã có quá nhiều người viết về

ông, nhận định về thơ ông. Tôi sợ thừa thải hoặc mang tiếng

“phủ binh phủ, huyện binh huyện” hoặc có kẻ cho là “áo thụng

vái nhau”.

Tôi đã bị cái mặc cảm nầy ám ảnh bấy lâu, dẫu biết tôi và ông cùng là quê Quảng Nam, nhất là khi nhắc tới nhữngngười tôi quen biết hay có chút thâm tình từ thời niên thiếu, như Nguyễn Nho Sa Mạc, Đynh Trầm Ca, cùng đơn vị như Thái Tú Hạp, quan hệ gia đình như Thành Tôn hoặc xa hơn như Luân Hoán v. v…Đây cũng là lý do khiến tôi chần chừ, e ngại…

Mới đây thôi, vào đầu tháng 2/2021 tôi đọc trên Facebook có hai

câu thơ của Hoàng Lộc làm tôi bàng hoàng:

Em khoe được một nhà thơ

Cái đồ yêu nớ bây giờ hút chi



"Cái đồ yêu nớ và hút chi" mà dân Quảng Nam thường dùng có nghĩa là con người hay vật dụng nào đó, không có gì quan trọng, bình thường thôi và chữ hút chi, ý nói rất nhiều, không thiếu, ở đâu cũng có. Chữ hút chi cũng đồng nghĩa như hiếm chi, khối chi, trấu chi, thiếu chi…Tất cả đều chỉ số nhiều, quả thật tiếng Việt rất đa dang và phong phú…

Mấy chữ nầy, nghe ra bình dân, giản dị, nhưng đem vào thơ là cực kỳ trí tuệ, phải điêu luyện, chỉ những cao thủ thượng thừa mới dám sử dụng và tạo cho chữ nghĩa một cái hồn- mê hoặc lòng người…

Hoàng Lộc đã làm được điều nầy và chỉ với hai câu lục bát trên, ta đã cảm nhận được cái hồn quê đất mẹ của ông luôn gắn bó, thủy chung…

Thú thật, với tôi, hai câu nầy rất hay, một sự so sánh giữa đời thường, trong cõi nhân gian, nhưng lại đầy lý sự uyên bác…

Tự nhiên tâm hồn tôi lại bảo hòa, cộng hưởng vào cái “chất keo” nhiệm mầu nầy từ đất Quảng, cái giọng Quảng Nam đâu phải (ăn cục nói hòn) như người ta lầm tưởng mà chất chứa trong ấy vô vàn tinh hoa của đất mẹ và chỉ có người Quảng Nam mới hiều thấu đáo cái hào sảng, cái độc đáo, cái cựu tình chân lý, cái phong cách và cái trọn vẹn, dở hơi của thói đời…

Trở lại với Hoàng Lộc, từ hai câu thơ trên tôi lại liên tưởng tới tập thơ “Cho Dẫu Phù Vân” mà ông đã ký tặng tôi gần mười năm trước (7-2012).

Trong bài “ Chổng mông trông người” có một đoạn như sau:

Quần thủng đít ngó trời, trán vùi xuống gối

Mẹ phá lên cười thấy anh nằm chổng mông

Bảo: chỉ mình mi mẹ còn nuôi chưa nổi

Em út làm gì- đừng con, đừng trông !

Con một, nhà nghèo- anh quá cô đơn

Quá lắm thứ cần tới người chia sẻ

Cứ nằm chổng mông từng khi vắng mẹ

Nhưng chổng kiểu nào, mẹ cũng chẳng sinh thêm…

Cái trò (trông em nầy) mấy bà mẹ đã có con nhiều thì sợ lắm. Ai sinh ra tại Quảng Nam chắc chắn sẽ hiểu điều nầy, nhất là giai đoạn chiến tranh.

Lại nữa, trong bài “ Thiên thu lảo đảo” cũng có câu:

Đau cái bụng cái đầu thôi đã mệt

Huống chi đau tới cả một tấm lòng

Em chẳng biết, cơ hồ em chẳng biết

Nổi sầu tình mỗi bữa cứ sầu hung?

Cái "hung" ở đây hàm ý là nhiều lắm, đầy ắp, không phải là hung dữ như có lúc ông muốn đốt luôn nhà của người tình như ở một câu thơ khác trong tập.

Cũng cái giọng Quảng Nam đặc sệt như trong bài “ Nhớ Đynh Trầm Ca” có mấy chữ mà tôi thích nhất, đó là “ tán trớt cha”.

Khổ thơ năm chữ như sau:

“ Có cô bé khuynh quốc

Học trò cưng của ta

Nuôi mới vừa nhón gót

Ông đành tán trớt cha”

Chữ “tán trớt cha” bao gồm hai ý, một: tán có nghĩa là ve vãn, chọc ghẹo. Cũng có khi người ta dùng chữ gò ( gò gẫm, tán tính).

Trớt cha: có thể hiểu là phổng tay trên, đi trước một bước, (qua mặt không bóp còi) …

Những chữ ( đồ yêu ấy – hút chi - chổng mông – sầu hung – tán trớt cha ) và không biết bao nhiêu cái giọng Quảng Nam chất phát mà ông đã đưa vào thi ca như chùm hum, nói phỉnh, chướng…một cách tài tình, có duyên, hóm hỉnh nhưng vô cùng phong phú..

Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, lúc có lỗi lầm gì thì cha tôi hay dọa: Tau cú (gõ) cho một cái, hoặc mẹ tôi mắng: lớn ngồng rồi mà còn mắc tịt (mắc cỡ).

Ôi, cái chất keo Quảng Nam sao mà nó keo sơn quá vậy, nó gần gũi, thâm tình biết chừng nào, chỉ có người Quảng Nam mới cảm nhận được cái miên man bất tận trong ngôn ngữ bao la nhưng gần gũi của xứ sở “chưa mưa đà thấm”…

Đọc lại những bài thơ của Hoàng Lộc, chúng ta không ngạc nhiên tìm thấy một trời tình réo gọi, từ bằng hữu, tình nhân, tình người, tình quê…và gần như cái chất keo Quảng Nam luôn bám theo ông.

Điểm nầy, cũng có một số nhà thơ gốc Quảng Nam, như ông Luân Hoán, Uyên Hà, Hoàng Thi Bích Ni, Thành Tôn… cũng đã thành công trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ từ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng có lẽ nhà thơ Hoàng Lộc là người tiêu biểu nhất.

Tôi hoàn toàn không có tham vọng bình, giải, chữ, nghĩa bề bề, như sợi tóc chẻ làm đôi như những nhà nghiên cứu hay ngôn ngữ học, điều nầy phải nhờ ông Nguyễn Hưng Quốc ở tận bên Úc thì mới chắc ăn.

Chữ nghĩa trong thơ Hoàng Lộc có khi đầy triết lý, uyên bác nhưng lai gần gủi đời thường, cận kề, thiết bách trong cõi nhân sinh, như những mạch nước ngầm nuôi sống, điểm tô cho dòng thơ của ông thêm sắc màu quê mẹ…

Với trên dưới mấy ngàn bài thơ mà ông đã sáng tác, vẫn lãng đãng sương khói quê nhà, thấp thoáng bóng tình trên những dặm hồng quá khứ, bùi ngùi trước mỗi cuộc chia ly, có khi là một sự tổng hòa trong cái nghịch lý bát ngát đẫm tình như những câu trong bài Mùa Khô:

Không thể rồi em, đời cạn kiệt.

Không còn những thứ để nuôi nhau.

Để nuôi ta- nuôi tình một thuở.

Để xanh em khi ta bạc đầu

Nắng rát mặt mùa- đất đã nứt.

Cây ta duỗi thẳng những cành trơ

Cả những mạch ngầm- nước cũng tắt.

Chỉ mắt em còn mấy giọt khô…

Trên đây chỉ là ngẫu hứng, khi bất chợt, chỉ đọc hai câu thơ lục bát của Hoàng Lộc mà viết đôi điều về ông, không biết tác giả có phiền hà chi không, còn việc đi sâu vào những thi tập khác của nhà thơ Hoàng Lộc, xin nhường lại cho những bậc thức giả hay các nhà phê bình nhận xét…

Nói cho cùng, gần ba mươi năm xa xứ, Hoàng Lộc vẫn mang theo cái chất keo quê mẹ, da diết tình người, tình quê, nhưng lại độc đáo, chịu chơi… trong cái biển dâu chìm nổi nòi tình…và sẽ mãi mãi cận kề, thủy chung, ăn nằm với ông trong hồn thơ cho đến cuối đời…

XUYÊN TRÀ