Thứ Tư, 9 tháng 7, 2025

520 . TT THÁI AN - Ba Thế Hệ Phụ Nữ


BA THẾ HỆ PHỤ NỮ

Sau khi ở trại tị nạn bên Guam vài tháng thì gia đình bà Đại được qua Mỹ. 

Qua đến Mỹ vào cuối hè 1975, con gái lớn của bà tên Kim Hương đã quá tuổi vào lớp 12. Nó phải vào đại học cộng đồng thi xếp lớp Anh Văn, lớp toán. Phân vân chưa biết học gì nên Kim Hương học vài lớp Anh Văn và vài lớp phụ. Nàng vừa đi học vừa đi làm thâu ngân ở chợ.

Có hôm Hương phải đến văn phòng nha sỹ, thấy ông nha sỹ Mỹ này vừa trẻ, vừa đẹp trai, không đeo nhẫn cưới. Kim Hương có ý rào đón xa gần xem hắn có chú ý đên nàng không, nhưng hắn phớt lờ. Về nhà, Kim Hương than với mẹ: “Hắn có vẻ kỳ thị với người Á Đông hay sao mà lạnh lùng thản nhiên với con”.  Bà Đại trả lời: “Thì người ta chỉ muốn lấy người cùng chủng tộc với mình thôi chứ chưa chắc là kỳ thị với mình,”

Một hôm bà Đại đi cắt tóc, cô chủ tiệm hỏi thăm:

-Sao hôm nay không có cón gái bà đi theo?

-Nó bận việc, bữa khác nó sẽ đến.

-Em hỏi thăm con bà vì hôm nọ hai mẹ con bà tới đây, có một anh Tàu Hồng Kông trông thấy con bà nên hỏi thăm em có biết số phone của con bà không thì cho ảnh vì ảnh thích con bà rồi.

Bà Đại hỏi ngay:

-Thằng đó làm việc gì?

-Ảnh đang học nha khoa, tương lai sẽ làm nha sỹ đó chị.

Bà Đại lại hỏi ngay:

-Cô có số phone của hắn thì cho tôi để tôi gọi hắn. 

Thế là cô chủ tiệm cho bà Đại số phone của hắn ngay. Hắn họ Cheng, tên Mark. 

Bà Đại về nhà kể cho con gái nghe.  Kim Hương chê ngay:

-Con không muốn lấy Tàu đâu má, thà lấy Mỹ chứ không lấy Tàu.

-Nhưng mấy thằng Mỹ làm bác sỹ, nha sỹ nó đâu có nhìn tới con. Trong khi có sẵn thằng Tàu sắp ra nha sỹ, nó nhìn tới con, con phải nắm bắt cơ hội. Chứ nó mà ra trường rồi thì không tới lượt con đâu. Kim Hương miễn cưỡng trả lời:

-Nhưng con không thương được thì làm sao ở chung được?

-Con ơi, đừng có lãng mạn mà khổ! Ái tình không tồn tại lâu dài. Lấy một người mình yêu mà nó không có khả năng kinh tế vững vàng, nó không cung cấp được cho vợ con một đời sống sung túc thì cãi nhau, chửi nhau mãi vì thiếu thốn cũng hết ái tình.

Kim Hương im lặng, hết trả lời.

Thế là bà Đại gọi điện thoại cho Mark, hỏi thăm nơi trường chàng đang học có làm răng miễn phí cho người tị nạn Việt Nam mới tới không. Mark sốt sắng đáp ngay “có” và cho thông tin, địa chỉ để bà dắt vài người tị nạn đến làm răng miễn phí. Sau đó bà mời Mark tới nhà dùng cớm tối với gia đình bà. Mark vui vẻ nhận lời.

Trong bữa cơm, bà xếp cho Kim Hương ngồi cạnh Mark để dễ nói chuyện.

Bà Đại càng phục Mark khi nghe hắn kể chuyện về gia đình hắn. Mẹ của Mark từ Hong Kong qua Mỹ, sống ở New York.  Vì không học hành nhiều nên chỉ làm nhà hàng Tàu, đẻ hai anh em Mark ở New York và nuôi con một mình. Anh cả của Mark học xong trung học cũng chỉ biết vào nhà hàng Tàu làm bếp, thêm phần nghiện xì ke ma túy từ thời trung học nên chẳng thể nào lên đại học.

Mark tuy không nghiện ngập, nhưng vì ảnh hưởng mẹ và anh trai nên học xong trung học cũng vào nhà hàng Tàu bưng bàn. Cho đến khi thấy mấy người bác sỹ, nha sỹ vào tiệm ăn uống cho nhiều tiền tip thì Mark sáng mắt ra và nghĩ lại: “Tại sao mình không đi học Y để có thể có một nghề khác hơn là nghề bưng bàn này, như thế đời sống của mình sẽ thay đổi?” Nghĩ thế, Mark quyết tâm đi học lại và thi được vào trường nha ở DC. Vì thế, Mark thuê phòng ở Arlington để đi học cho tiện.

Ăn uống xong, hai vợ chồng bà rút lên phòng để Mark dễ hẹn hò với Kim Hương.

Hôm sau bà Đại nói chuyện với con gái:

-Má thấy thằng Mark có khuôn mặt thông minh và rất sang của một người đàn ông có oai, có tướng làm giàu. Má biết con đi học trường Tây từ nhỏ nên thần tượng của con là mấy ông thầy Tây đẹp trai, là mấy chàng tài tử như Alain Delon. Con không bao giờ nghĩ tới thanh niên Việt Nam nữa là Tàu.  Nhưng, con nghe má đi, má không sai đâu! Nếu con nghe má thì con sẽ không hối hận sau này. 

Mọi việc diễn ra như bà Đại mong muốn. Sau vài tháng hẹn hò, Mark và Kim Hương dọn vào ở chung. Hai năm sau Mark ra trường. Trước ngày ra trường một tháng, Mark và Kim Hương dắt nhau đi làm hôn thú. Không cần làm đám cưới chi cho tốn tiền.  Vì Mark chỉ có một mình ở Virginia, có quên biết ai đâu để mời đi đám cưới. Bà Đại cũng biết Mark chưa làm ra tiền nên phớt lờ, bỏ qua chuyện cưới xin.  Làm hôn thú xong, Kim Hương báo cho mẹ hay. Bà Đại thở phào vui mừng nói: “Vậy là được rồi, má yên tâm rồi. Má chúc mừng hai con.”

Hơn hai mươi năm sau, hai đứa con gái của Mark và Kim Hương đều thành công. Con gái lớn của họ cũng ra nha sỹ và được cha để lại cho cái văn phòng đang đông khách. Mark đi mở thêm một văn phòng mới.

Con gái thứ nhì ra luật sư, tốt nghiệp tại UVA, được một công ty luật ở New York mời làm việc, mới vào đã trả lương trên 200K/năm.

Vợ chồng Mark/Kim Hương có 3 cái biệt thự trên 5 triệu đô một cái.

Riêng người anh của Mark, sau khi dứt bỏ được ma túy thì quyết tâm làm ăn, mở được một nhà hàng, rồi hai nhà hàng và mua được căn nhà single house ờ New York. Hắn cưới một người vợ Mỹ gốc Mễ. Người vợ đã có 1 đứa con gái riêng 5 tuổi. Hai vợ chồng ở với nhau chẳng có con. Hắn rất thương đứa con gái của vợ. Khi con gái lên đại học, hắn đóng tiền học cho con để khỏi vay mượn tiền hoc. Khi con gái ra trường đi làm xa là lúc người vợ bị ung thư và chết. Hắn thuê người trông nom một nhà hàng, hắn trông một tiệm thôi để hắn có thì giờ nghỉ ngơi. Hắn đã cảm thấy mệt mỏi và chờ đợi một ngày được về hưu. Hắn đã viết di chúc để lại những gì hắn có cho đứa con gái của vợ. 

Mẹ hắn chẳng có ý kiến gì về việc hắn lấy vợ đã có sẵn một đứa con.  Mẹ hắn đã về hưu từ lâu và xin được nhà của chính phủ cấp cho người nghèo. Mẹ hắn chẳng muốn ở nhờ đứa con nào.  Ở một mình mà khỏe thân.

Như thế anh em nhà này tuy không có cha nhưng có ý chí phấn đấu mạnh mẽ thì cũng thành công, không làm cho người mẹ lo lắng nữa.

Bà Đại thỏa lòng khi nhìn thấy hạnh phúc của con gái nên nhắc lại:

-Lúc trước cũng nhờ con nghe lời má, lấy thằng Hồng Kông này mà có ngày hôm nay. Hai đứa con gái của con thừa hưởng cái gen thông minh của nó mà học hành dễ dàng, thành đạt. Nó lại là thằng chồng tốt, chẳng lăng lăng bên ngoài, chẳng vũ phu hay keo kiệt với con. Con có gì để buồn phiền không?

Kim Hương chỉ mỉm cười không phát biểu ý kiến.

Con gái lớn của Kim Hương có bạn trai cũng làm nha sỹ, người Mỹ trắng. Cả gia đình đồng ý vì “môn đăng hộ đối” với nhau.

Riêng đứa con gái thứ nhì đã 30 tuổi vẫn chưa từng hẹn hò với ai. Cha mẹ thúc đẩy nó kiếm bạn trai, nhưng nó luôn trả lời bận làm bù đầu bù cổ, không có thì giờ hẹn hò.

Cho đến khi chị nó tuyên bố lấy chồng thì nó mới bắt đầu cảm thấy hình như mình cũng cần phải có một người đàn ông. Thế là nó lên mạng kiếm bồ. Và nó kiếm ra một chàng người Mỹ gốc Phi Luật Tân, da ngăm ngăm, người không cao lắm. Nó báo với gia đình nó có bạn trai rồi, và gừi hình cho cha mẹ xem. Mẹ nó hỏi ngay gia thế chàng kia và nghề nghiệp của chàng.  Cha mẹ phải lái xe lên New York gặp chàng kia để nhận diện người thế nào. Khi nghe nó báo chàng làm marketing ở New York. Mark thì tỉnh bơ, nhưng Kim Hương đau đớn, thất vọng.

Trở về nhà, Kim Hương gọi cho con răn đe:

-Con không thể nào tiến xa với thằng này. Mẹ xem nghề ngỗng của nó không ổn định, nó lại xâm đầy hai ống chấn trông như bọn bụi đời. Con phải  bỏ nó mà kiếm thằng khác ngay, đừng phí thời gian với nó.

Đứa con gái trả lời:

- Mẹ không cần để tiền bạc hoặc nhà cửa cho con. Con tự lo cho con được. Nó cũng không cần tiền bạc của con và của cha mẹ đâu. Mẹ cứ tiêu xài hết tiền của của mẹ đi nhé!

Kim Hương la lên thì nó cúp máy. Thế là hai mẹ con căng thẳng, không ai gọi cho ai nữa.

Thỉnh thoảng nó vẫn gọi cho cha nó. Vì nó chỉ có thể nói chuyện với cha nó mà thôi. Cha nó nói với mẹ nó rằng:

-Tôi nuôi con tôi thành tài, nó có việc làm tốt và tự lo cho nó được là tôi yên tâm rồi. Nó có lấy ai nghèo hơn nó, học thua nó thì có sao? Miễn nó vui là được rồi! Cứ xem như nó nuôi thêm một con chó con trong nhà, con chó làm nó vui là nó hạnh phúc rồi.

Kim Hương gọi mẹ than thở về đứa con gái “ương ngạnh” và nhờ mẹ nói chuyện với cháu ngoại xem có khả quan hơn không. Vì ngày xưa nàng cũng từng nghe mẹ khuyên mà được như ngày nay. Nhưng sau khi nghe kể về phát biểu của Mark thì bà Đại chỉ còn biết khuyên con gái:

-Không ngờ thằng chồng con suy nghĩ như thế, hoàn toàn khác với mình. Nhưng có lẽ nó sanh ra và lớn lên ở Mỹ nên có lối suy nghĩ như “Mỹ rặc”.  Nó không muốn tham gia vào đời sống tình cảm của con cái. Vì khi con cái đã trưởng thành thì toàn quyền tự quyết định hướng đi và hạnh phúc của mình. Cha mẹ chỉ có chúc phúc cho con cái mà thôi. Vậy thì con cũng thuận theo chồng, con của con để mà vui vẻ cả nhà. Còn sống được bao lâu nữa đâu mà cắng đắng với con cái làm gì cho khổ tâm mình? Má bây giờ cũng chẳng muốn lo lắng gì nữa. Con gái con thành đạt là má an tâm rồi.

TT-Thái An

7/21/2024