Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

524. NGUYỄN MINH DIỄM - Cuộc gặp gỡ một buổi chiều thu

                                                                                                     




Cuộc gặp gỡ một buổi chiều thu

Người đàn ông ấy to, cao, có khuôn mặt dài, đôi mắt màu xanh đục, mớ tóc dầy và bộ râu rậm màu xám xỉn. Mặc quần và đội mũ vải gin xanh đã bạc, áo sơ mi sọc, mầu sáng nhưng không thể xác định rõ là mầu gì, bỏ ngoài quần, mang giầy thể thao trắng (dễ đoán như vậy vì loại giầy này không có nhiều mẫu cho lắm), ông có một dáng đi đau khổ mặc dù vẫn bước từng bước dài.

Điều gì đã khiến ông toát ra vẻ đau khổ, để hễ nhìn vào ông là phải mủi lòng, làm như ông là một diễn viên giỏi, đóng vai thương khó trong một vở kịch câm? Có lẽ vì vai ông hơi rùn thấp khiến lưng còng xuống và cổ như rụt lại, mặt ngước lên như muốn thổ lộ một tâm sự, nhưng tia mắt lại nghiêng xuống như muốn tìm kiếm cái gì đó nằm khoảng ba thước phía trước?

Hay có thể là vì đôi mắt vô hồn lơ láo, hay đôi chân bước đi như lê trên mặt đất, hay hai khóe môi xệ xuống? Hai tay ông cầm - không, bưng thì đúng hơn, một miếng bìa cứng hình chữ nhật kích thước khoảng 30cm x 20cm, trên viết nguệch ngoạc hàng chữ: không nhà cửa, thợ mộc bị ăn trộm hết đồ nghề, Chúa phù hộ cho bà con cô bác. (Chữ viết trên tấm bảng chỉ là “you”, nhưng xin mạn phép diễn tả ra dài dòng như thế vì ngay khi nhìn vào hàng chữ ấy, tôi hiểu rằng ông ta làm cái nghề mà ta gọi là “ăn mày”, mà hễ cứ là ăn mày, thì dù đông tây kim cổ gì thì cũng phải kêu gọi lòng hảo tâm và thương cảm của bà con cô bác).

Điều khác với các đồng nghiệp của ông mà tôi từng thấy nhiều lần ở Việt Nam là ông ta không nói gì cả mà chỉ đi tới đi lui. (Mới đầu tôi cứ tưởng là vì ăn mày ở Mỹ lịch sự hơn, sau tôi thấy ngay là ông có nói cũng không ai nghe vì mọi người đều ngồi trong xe - lên kính, nhưng sau cùng tôi mới biết ăn mày thì không được nói là luật của xứ này.)

Ông đi rất nhiều, nhưng cự ly di chuyển thì chỉ khoảng 50 mét. Bắt đầu từ chân một cột đèn xanh đỏ, ngay một ngã tư nườm nượp xe cộ, ông từ tốn bước dọc theo hàng xe đang chờ đèn đổi mầu, như một vũ nữ diễu qua trước khán giả, rồi lại vội vàng quay trở về nơi xuất phát, làm như xấu hổ vì đã quay lưng lại những người mình rất kính trọng, và khởi sự một vòng khác. Đôi khi có người lái xe giơ tay ra hiệu, thì ông đi tới, vẫn có vẻ chậm rãi, hình như e ngại là nếu tỏ ra vồn vã quá thì có thể bị khinh rẻ. Ông làm điều đó một cách tự nhiên chứ không có vẻ gì là phải cố gắng tự chế, có lẽ vì tin rằng một người đã ra hiệu mời ông đến thì tất là không thể đổi ý bất ngờ nữa.

Tôi thấy ông một sáng mùa thu, khi mới đặt chân lên đất Mỹ chưa được hai tuần. Mang nỗi lòng hoang mang vừa của một kẻ lưu đầy, vừa của một người thoát nạn, tôi nhìn xứ Mỹ như một nơi cứu rỗi. Từ những phi trường tạm dừng chân cho đến thành phố này, tôi thấy toàn những biểu hiện của văn minh tiến bộ, hợp lý, tự do và giàu có. Tôi không khỏi so sánh với sự nghèo nàn, vô lý và o ép của nơi mình vừa rời bỏ, rồi lòng cảm phục cứ tăng dần khi thấy cảnh đẹp mênh mông, đời sống dư thừa và thoải mái. Ai cũng lịch sự, sạch và đẹp cho đến khi tôi thấy ông - một người tây phương mắt xanh mũi lõ đi ăn mày trong lúc tôi đang ngồi trong xe hơi, trên con đường trải nhựa phẳng lì.

Tôi theo dõi ông, nhưng mỗi khi ông đến gần, tôi lại đổi hướng nhìn thẳng, làm như chăm chú theo dõi xem đèn đã đổi mầu chưa. Tôi không dám cho ông ta tiền vì không biết phải cho bao nhiêu mới xứng đáng với một người ăn mày lịch sự như thế. Tôi cảm thấy một chút hối tiếc, không hiểu việc quốc gia giầu có này mở rộng vòng tay với mình có liên quan gì đến hoàn cảnh khốn khó của người đàn ông kia hay không? Liệu có phải vì lo viện trợ và cứu giúp các nước khác nên Hoa Kỳ đã không còn đủ thì giờ và tiền bạc để cưu mang tất cả con dân của mình hay không? Tôi bỗng có một thứ mặc cảm tội lỗi, tương tự như hồi năm 1975, khi đang còn ở trong trại tù cải tạo. Các cán bộ quản giáo, tức những người coi tù đều nhỏ con và vô học. Họ cứ nhắc đi nhắc lại tội lỗi của chúng tôi đến nỗi có khi tôi đã thấy “xấu hổ” với vóc dáng cao lớn và việc được học hành chút đỉnh của mình. (Mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại cái xấu hổ lúc bấy giờ của mình, tôi vẫn không khỏi cảm thấy xấu hổ vì cái xấu hổ ngớ ngẩn và vô lý của mình thời ấy!)

Mặc dù vậy, tự đáy lòng, tôi bỗng cảm thấy một niềm vui nho nhỏ len lén dâng lên. Niềm vui ấy có thể là độc ác vì nó xuất phát từ nỗi đau khổ của người khác, nhưng nó đơn sơ và chân chất vì đã hình thành một cách tự nhiên. Tôi cảm thấy rằng tôi, da vàng mũi tẹt, dân một nước nhược tiểu từng bị những người mắt xanh mũi lõ đô hộ hàng trăm năm và coi như một thứ nhân loại hạng nhì, thì nay đã được nâng lên một vị thế cao trọng, ít nhất thì cũng cao hơn ông ăn mày kia.

Bao nhiêu lý thuyết về sự bình đẳng giữa các giống dân cũng không có sức mạnh thuyết phục bằng sự hiện diện của người ăn mày đang đi đi lại lại trước mặt tôi lúc bấy giờ. Sự có mặt của ông mới thực là sự cứu rỗi bởi đã giải thoát tôi khỏi những “mặc cảm da vàng”, những “nỗi buồn nhược tiểu” chồng chất từ bao đời, và luôn luôn được gia cố thêm qua những năm tháng học hành sách vở, khi thấy từ triết học cho đến mọi ngành khoa học đều được xây dựng và phát triển bởi những nhân vật mắt xanh, mũi lõ và râu rậm.

Cũng trong buổi sáng mùa thu năm đó, tôi thấy rõ được vai trò quyết định của tổ chức xã hội trong việc thành hình con người. Nhận thức ấy có ngay và đưa tôi vào tận trung tâm của vấn đề chứ không quanh co qua các lý cứ và luận thuyết tràng giang đại hải tưởng như có giá trị thuyết phục, nhưng chỉ dẫn ta đi vòng vòng Xin cảm ơn ông ăn mày đã gặp trong một buổi chiều thu.

NGUYỄN MINH DIỄM

Văn Phong. Số Tân Thiên Kỷ - tháng
Giêng 2000.