Ảnh internet
Thục
sang Mỹ hơn một tháng nay theo lời mời của Nhân, cô bạn từ hồi còn học chung cấp
hai. Nhân rất tốt bụng, ngoài việc đưa đi mua sắm, thăm thú đây đó còn thường
xuyên rủ Thục tham dự các buổi tiệc tùng, họp đồng hương. Lúc đầu Thục từ chối
vì ngại tiếp xúc với người lạ sau thấy Nhân nhiệt tình quá nên xuôi theo. Buổi
tiệc hôm nay được tổ chức tại nhà một người bà con của Nhân, cả hai đến nơi đã
thấy mười mấy người khách trò chuyện rôm rả trong phòng khách. Sau khi giới thiệu
và để Thục ngồi lại với bọn họ, Nhân bước ra sau vườn nơi chủ nhà đang chuẩn bị
bữa tiệc barbecue bắt đầu nửa tiếng sau đó.
Lúc
này trong phòng khách mọi người tiếp tục câu chuyện dở dang ban nãy. Hầu như
không một ai để ý tới sự có mặt của Thục, cô cũng cảm thấy xa lạ với những người
cùng ở thị xã X với cô trước đây nhưng sang Mỹ đã lâu. Thục lơ đãng nhìn ra ngoài
cửa kính. Bây giờ là tháng tư, sáu giờ tối mà nắng vẫn vương trên sườn đồi trồng
những hoa tím li ti lạ mắt. Khu vườn được thiết kế trông như một ngọn đồi nhỏ rất
đẹp, chủ nhân ngôi nhà hẳn có khiếu thẩm mỹ cao. Đang say sưa ngắm đồi hoa tím và
liên tưởng đến một câu thơ của Hữu Loan thì giọng nói người bên cạnh cắt đứt
suy nghĩ của Thục. Rồi ông nói gì với hắn?
Người đàn ông được hỏi tên Luân trả lời: “Tôi không thích nhúng mũi vào chuyện của người khác nhưng thấy thái độ
khúm na khúm núm của hắn trước tay boss người Mỹ nên buộc miệng nói: Việc gì mày phải hạ mình? Làm được thì làm
không được đi xin việc chỗ khác, đừng nịnh bợ như thế làm nhục lây cho cả người
Việt trong sở. Hắn trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Một tuần sau vô sở làm không thấy
hắn đâu nữa”. Người đàn ông tên Luân vừa nói dứt câu, mọi người xúm xít phê
phán hành động được cho là nhục quốc thể của một gã nào đó. Đột nhiên cũng người
đàn ông này cắt ngang câu chuyện đang nói sang một hướng khác. “ Sang năm Hội Ái Hữu tỉnh Y tổ chức họp bạn ở
Santa Ana quí vị có tham gia không? Tôi vừa nhận được email sáng nay.” Ngay lập tức mọi người quên đi gã đàn ông
đang bị lên án ban nãy quay sang bàn tán sôi nổi về cuộc họp đồng hương sắp tới.
Thục thấy thế mỉm cười. Thường trong một buổi tiệc thiên hạ hay xúm quanh một
người được cho là cái đinh của buổi tiệc, đó có thể là người có uy tín với cộng
đồng, thành đạt, hiểu biết, có khoa ăn nói và được số đông ủng hộ. Người đàn
ông tên Luân có lẽ thuộc dạng đó. Lúc này ông ta đang chuyển sang đề tài âm nhạc:
“ Trước đây tôi rất thích các ca sĩ NH,
KH, VK nhưng gần đây chỉ thích nghe TM, một giọng ca trẻ hát rất hay. Mới đây
trong một đêm nhạc ở San Francisco, cô ấy hát một lúc mười bài và sau đó có trò
chuyện với tôi. Nghe nói cô ấy mới sang Mỹ vài năm.” Rồi cũng như những đề
tài trước mọi người lại quay sang tán dương ca sĩ TM. Bất ngờ bà Hải, một người
quen trước đây của gia đình Thục quay sang hỏi: “ Ở Việt Nam chắc cô Thục biết
ca sĩ TM?” Mọi con mắt lúc này đổ dồn về phía Thục. Cô lưỡng lự nhìn về phía
người đàn ông tên Luân rồi trả lời: “ Thật
ra lúc còn ở trong nước, TM chỉ là một ca sĩ hạng hai, ba. Giọng cô ấy chỉ
thích thích hợp với những bản nhạc có tính giải trí, không thể chuyển tải loại
nhạc mang nhiều tính tự sự có chiều sâu được. Cách phát âm cũng chưa tròn vành
rõ chữ, một vài từ khi hát âm thanh như bị nhịu, đè trên lưỡi.” Vừa mới nói dứt câu Thục biết ngay đã hớ. Sao
có thể nói toạc ý nghĩ của mình với người lạ cho dù đó là sự thật đi chăng nữa.
Không khí trong phòng khách lúc này trở nên gượng gạo. May sao lúc ấy nữ chủ
nhân đẩy cửa bước vào mời mọi người ra sân dự tiệc, tất cả lại ồn ã nói cười như
quên bẵng câu trả lời của Thục trước đó.
Vì
không thân thiết với bọn họ nên Thục chỉ đến lấy thức ăn rồi chọn một chỗ ngồi
hơi khuất trong vườn. Trăng thượng tuần lúc này đang vằng vặc trên cao. Đồi hoa
tím nhạt ban chiều giờ trở thành một màu tím thẫm. Trên sườn đồi không khí lạnh
tạo thành những vệt trắng sương mù di chuyển làm cho khu vườn càng thêm bí ẩn. Thục
so vai cảm thấy lạnh, dợm đứng lên trở lại phòng khách lấy thêm áo khoác thì có
tiếng nói sát bên cạnh: cô tìm cái này phải không? Dưới ánh sáng ngọn đèn vàng Thục
kịp nhận ra Luân, người đàn ông ban nãy đang chỉ vào cái áo khoác của cô mắc
sau ghế. Thục bẽn lẽn nói: sao ông biết tôi tìm nó? Nhiệt độ Cali lúc này không
thích hợp với những người mới đến từ xứ nóng như cô. Nói xong Luân kéo ghế ngồi
đối diện với Thục.
Nhìn
kỹ không thể nói ông ta đẹp trai. Song gương mặt khá góc cạnh cộng thêm ánh mắt
đăm chiêu và cánh mũi hơi hếch của những người nhiều tham vọng khiến ông ta có
nét gì đó rất nam tính và quyến rũ. Bỗng dưng thấy Thục nhìn mình chăm chú Luân
cất tiếng hỏi:
-Cô
Thục thấy tôi lạ lắm sao?
Bất
ngờ bị người khác đọc được ý nghĩ Thục liền đánh trống lảng:
-Ông
Luân có phật ý câu trả lời ban nãy của tôi về ca sĩ TM?
-Ồ
không, trái lại đằng khác.
-Tôi
không hiểu ý ông?
-
Đơn giản vì tôi thích những người có cá tính, biết bảo vệ quan điểm của mình. Trả
lời xong Luân quay sang hỏi:
-Cô
Thục nghĩ sao về nước Mỹ?
-Ông
muốn nói con người hay lối sống?
-Cả
hai.
-Sang
Mỹ chưa được bao lâu e rằng nhận xét của tôi không xác đáng cho lắm.
-Cô
cứ nói thử xem!
-Có những
cái được và chưa được.
-Ví
dụ?
-Theo
tôi mọi thứ đều tốt nhưng có vẻ sòng phẳng và lạnh lùng.
Luân
cảm thấy người phụ nữ này khá thú vị. Cô ta rất thẳng thắn và có óc nhận xét. Còn
Thục, cái nhìn không mấy thiện cảm về
con người cô cho là hãnh tiến của Luân trước đó cũng phần nào vơi bớt. Cuộc trò
chuyện kéo dài mấy giờ liền sau đó thỉnh thoảng chêm vào những tràng cười giòn
giã đủ thấy sự ăn ý giữa họ.
Một
tuần lễ sau Nhân rủ Thục đi thăm mấy người quen và một số thắng cảnh ở Bắc
Cali. Do phải di chuyển liên tục Thục hầu như không nhớ gì cuộc gặp gỡ đêm hôm ấy.
Một lần đang lái xe Nhân bỗng cười khanh khánh khi nhận được cuộc điện thoại của
người nào đó. Ít phút sau Nhân nháy mắt và giúi cái điện thoại đang nghe vào
tay Thục: có người muốn gặp mi.
-Chào
cô Thục. Luân đây! Cô còn nhớ tôi không?
-Ồ!
Ông Luân.
-Cô Thục
vẫn khỏe?
-Cám
ơn ông. Tôi vẫn thường.
-Thế
này nhé, thứ bảy tuần sau nếu cô Thục không có hẹn tôi mời cô đi uống café. Thục
lúng túng đưa mắt nhìn Nhân, cô bạn ra hiệu gật đầu.
Suốt
quãng đường hôm ấy Nhân nói khá nhiều về Luân, một thương nhân kinh doanh địa ốc
giàu có sang Mỹ từ những năm 80. Anh ta góa vợ sáu năm nay có hai con một trai,
một gái xấp xỉ tuổi đôi mươi. Ngoài việc kinh doanh Luân còn chơi đàn piano, guitar
khá hay, thích vẽ tranh và hiểu biết rất rộng. Thục gật gù, thảo nào anh ta là
cái đinh của buổi tiệc hôm ấy. Đang nói huyên thuyên chợt Nhân quay sang nhìn
Thục:
--Hình
như Luân có vẻ thích mi? Thục đỏ mặt:
-Làm
gì có.
-Thật
mà. Ông xã của tao chơi thân với Luân nên biết rất rõ. Từ ngày vợ mất có nhiều
vệ tinh vây quanh nhưng Luân không để ý tới ai, từ hôm gặp mi cứ điện thoại cho
ông nhà tao hỏi thăm cô Thục suốt. Thục cười nhưng không trả lời bạn. Việc gặp
gỡ rồi có cảm tình với một ai đó trên đất Mỹ là điều chưa bao giờ Thục nghĩ tới,
cô không đặt cược đời mình vào chuyến đi này. Mấy tháng du lịch ngắn ngủi đối với
Thục như một giờ ra chơi. Nhiều người bà con, bạn bè nhất là Nhân khuyên Thục
nên tìm cách ở lại Mỹ và Luân có thể là một gợi ý. Cô thầm cám ơn bạn nhưng hơn
ai hết cô biết mình là ai, thuộc về nơi nào.
Thục
nhìn ra ngoài cửa kính, giọng của Nhân vẫn đều đều bên tai. Hai bên đường những
vạt hoa vàng hết lớp này đến lớp khác phất phơ bay như đùa trong gió, giờ thì
Thục hiểu vì sao San Jose được mệnh danh là thung lũng hoa vàng.
Quán
café Luân mời Thục nằm trên khu phố mua sắm sang trọng Santana Row. Sáng cuối
tuần bầu trời trong veo. Sau khi gởi xe cả
hai đi bộ dọc theo con phố. Một dãy khách sạn, nhà hàng, cửa tiệm hàng hiệu
danh tiếng lướt qua ánh mắt e dè của Thục. Quán Luân chọn nằm ở một góc phố đẹp
trồng nhiều cây cọ và hoa. Sau khi chọn thức uống câu chuyện của họ xoay quanh thị
xã X, Sài Gòn hai địa danh không liên quan gì đến khu phố sang trọng đang ngồi.
-Cô
Thục rời X lâu chưa?
-Hơn
ba mươi năm.
-Cô
nghĩ sao về X?
-Một
thành phố buồn nhưng dễ chịu luôn làm cho người ta có cảm giác an toàn.
-Vậy lý do cô rời bỏ?
-Sự an toàn nhiều quá đôi khi lại trở nên ngột
ngạt. Còn ông, lý do rời X?
-Thì cũng như cô đấy thôi! Cả hai đều phá lên
cười. Sau X họ lại nhắc đến Sài Gòn.
-Lần
cuối ông Luân về Sài Gòn năm mấy?
-Cách
đây hai năm.
-Ông
thấy Sài Gòn so với ngày trước như thế nào?
-Ồn
ào, chật chội, đông đúc. Con người cũng trở nên vội vã và lo âu nhiều hơn. Hỏi
thật cô Thục nhé sống lâu ở Sài Gòn cảm giác của cô như thế nào?
-Chắc
ông Luân từng nghe câu này: “Khi chúng ta không có những gì chúng ta yêu, chúng
ta phải yêu những gì chúng ta có”.
Câu
trả lời khiến Luân tò mò nhìn Thục, người phụ nữ này sâu sắc hơn mình nghĩ rất
nhiều. Sài Gòn, thị xã X cứ thế đan xen trong câu chuyện của họ. Cả hai cũng bất
ngờ phát hiện từng học chung một liên lớp ở trường trung học thị xã X. Quê
hương, trường cũ, thầy cô, bạn bè nhiều cái chung ở thị xã nhỏ như bàn tay khiến
họ ngỡ đã quen nhau từ lâu lắm. Rồi cũng vì quan niệm bạn bè Thục trở nên thoải
mái, tự tin hơn. Cô thẳng thắn bộc lộ quan điểm, khen chê đúng mực những điều
Luân nói. Thục không biết sự trung thực của cô đã cuốn hút Luân, một người luôn
nhận được sự ngưỡng mộ đôi khi thái quá của người khác như thế nào. Anh cũng nhận
thấy tính cách của cả hai giống nhau một cách kỳ lạ, có thể nói người này dường
như là bản sao của người kia. Trên đường về Luân cứ thầm tiếc thị xã X nhỏ như
vậy sao trước đây không hề biết Thục.
Một
tình bạn với những bước khởi đầu tốt đẹp như thế về phía Thục. Riêng Luân, Thục
càng tự nhiên chừng nào Luân càng bị đẩy về phía cô chừng nấy, anh không muốn dừng
lại ở mức độ tình bạn muốn đi xa hơn nữa. Cả hai cũng từ bỏ cách xưng hô ông,
cô khách sáo. Những ngày nghỉ Luân thay Nhân đưa Thục đi khắp nơi. Gần như vườn
hồng, vườn Nhật ở San Jose, xa như Sacramento, Napa Valley cũng có khi nổi hứng
anh lái xe vượt cả đoạn đường dài mấy trăm cây số đưa Thục đến tận Los Angeles.
Anh cũng kín đáo dõi theo những thói quen của cô như thích loại hoa nào, đọc
sách của ai, nghe loại nhạc gì. Có thể nói Luân tạo mọi điều kiện để giữ người
phụ nữ này cho riêng mình.
Còn
Thục vốn rất nhạy cảm cũng ngầm hiểu được tình cảm của Luân dành cho mình nhưng
cô không muốn vượt quá cái ngưỡng của tình bạn vì giữa họ có quá nhiều sự khác
biệt. Cô thấy mình kém cỏi, quê mùa so với những người đàn bà đang vây quanh
anh. Đôi lúc cô còn cố tình vờ như không thấy những cử chỉ ân cần, chăm sóc của
Luân thế nhưng mỗi khi còn lại một mình, cô tự hỏi đang đánh lừa ai, anh ấy hay
bản thân cô. Thục thừa nhận không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ phía Luân nhưng với
cô, anh giống như cánh buồm đỏ thắm chỉ có thể đứng ngắm từ xa mà thôi.
Ba
tháng ở Cali trôi qua không êm ả như Thục nghĩ. Chỉ có tháng đầu tương đối bình
yên đến tháng thứ hai thì lòng cô dậy sóng. Mỗi ngày cô nhận được không biết
bao nhiêu tin nhắn, hàng đêm đều nghe điện thoại chúc ngủ ngon của anh mới đi
ngủ. Luân cứ tới tấp tạo những thói quen khiến Thục vô cùng khó xử, trái tim cô
mách bảo hãy đón nhận trong khi lý trí bảo hãy quên đi. Sau nhiều đêm suy nghĩ
cô định bụng lúc nào đó sẽ nói rõ những suy nghĩ của mình cho Luân biết.
Sáng
hôm đó họ rời San Jose đi San Francisco. Trên đường đi Thục chăm chú nhìn phong
cảnh bên ngoài để che dấu điều căng thẳng sắp nói. Còn Luân không hiểu có chuyện
gì vui mà vừa lái xe vừa huýt sáo rất vui vẻ. Xe chạy được một đoạn bỗng Luân
quay sang hỏi Thục:
-Visa
của em tháng mấy hết hạn?
-Cuối
tháng tám nhưng có gì không anh?
-À không, anh chỉ tiện miệng hỏi thế thôi.
Thục
thắc mắc sao Luân lại quan tâm đến hạn visa của cô nhưng anh đã nói sang chuyện
khác. Xe chạy khoảng một tiếng thì đến
Golden Gate Bridge. Trong khi Luân tìm chỗ đậu xe thì Thục cũng tìm được chỗ đứng
quan sát toàn cảnh cây cầu. Chưa bao giờ Thục thấy cây cầu nào đẹp và lãng mạn
như thế. Mười giờ sáng mà sương mù vẫn còn bao phủ dày đặc vịnh San Francisco.
Trên nền trời trắng đục màu đỏ cam của cây cầu nổi bật càng làm khung cảnh thêm
huyền ảo. Đang say sưa ngắm cảnh thì Luân bất ngờ từ phía sau tiến đến ôm chặt
Thục. Cô luống cuống tìm cách gỡ ra thì vòng tay của anh càng siết chặt. Anh
nói nhỏ vào tai cô:
-Anh
có chuyện muốn nói với em.
-Em…em
cũng có chuyện muốn nói với anh.
-Không
cần nghe anh cũng đoán được em nói gì. Từ chối anh phải không? Lúc nãy trên xe
thấy em căng thẳng quá anh đã muốn phì cười.
-Nhưng…nhưng
anh phải nghe em nói đã.
Không
đợi Thục nói hết câu, Luân đã xoay người cô lại:
-Anh
không cần biết em nói những gì. Anh chỉ cần em nhìn thẳng vào mắt anh và nói em
không yêu anh đi!
Bao
nhiêu câu nói chuẩn bị sẵn trong đầu Thục bỗng dưng biến đâu mất, rốt cuộc cô cũng
chỉ là một người phụ nữ khao khát yêu thương như bất cứ người phụ nữ nào khác. Còn
Luân, anh không những mạnh mẽ mà còn rất tâm lý, ngoài cách thuyết phục người
khác phải nghe theo mình, anh còn hiểu rõ tình cảm của Thục dù cô khéo che dấu.
Sáng
hôm đó họ đứng bên nhau hàng giờ trong sương mù và gió lạnh. Trong vòng tay
Luân, Thục như muốn quên đi tất cả. Quên tờ giấy ly hôn hai năm trước với người
chồng lớn hơn cô cả con giáp, quên những năm tháng làm dâu tủi nhục đầy nước mắt.
Mọi thứ đến quá bất ngờ. Tình yêu của Luân nằm ngoài dự tính của cô, đang lúc định
chối từ thì lại ập đến. Còn Luân, đầu óc anh đang đầy ắp kế hoạch cho thời gian
tới. Nhờ luật sư tiến hành giấy tờ để Thục ở lại Mỹ, sau đó làm giấy bảo lãnh
cho con gái của cô sang du học, kết hôn xong cả hai sẽ dọn về ngôi nhà ở San
Diego sống. Anh tưởng tượng trước mặt là biển và Thục đang ngồi trên bậc thềm. Có
tiếng xe anh đi làm về dừng lại trước cổng. Anh xuống xe hôn cô và nói: ngày
hôm nay em có nhớ anh không?
Sau
chuyến đi San Francisco Luân tiến hành mọi thủ tục giấy tờ mặc cho Thục phản đối.
Cô không chối từ tình yêu của anh nhưng cô cần có thời gian để suy nghĩ, Sài
Gòn và đứa con gái nhỏ đang học lớp 10 khiến cô hết sức đắn đo. Tuy không thể
cho con một gia đình có đủ ba mẹ như những đứa trẻ khác nhưng cuộc sống hiện tại
của mẹ con cô tương đối ổn giữa một Sài Gòn có quá nhiều áp lực. Còn nếu sang đây
dù cuộc sống có tốt thế nào chăng nữa cô cũng phải làm lại từ đầu. Vả lại cô
không muốn làm gánh nặng cho Luân dù anh sẵn sàng là chỗ dựa cho cô cả về mặt tinh
thần lẫn vật chất. Mặc khác cô cũng cảm thấy bất an từ khi Luân công khai mối
quan hệ giữa hai người. Ngoại trừ Nhân và một số bà con thân thuộc ủng hộ thỉnh
thoảng Thục lại nghe một vài dư luận không tốt về mình như “mèo mù vớ cá rán,
đàn bà con gái trong nước dùng đủ mánh khóe để chài mồi Việt kiều”. Ngay cả cô
đôi lúc cũng không tin ở mình, tại sao một con người nhiều ưu điểm như Luân có
thể yêu một người không có gì như cô? Thắc mắc của Thục được chính miệng con
gái của Luân giải thích trong một lần anh đưa cô về nhà ra mắt gia đình và bạn
bè.
Nhà
của Luân nằm trên một ngọn đồi thơ mộng ở thành phố Milpitas, chung quanh là những
dãy núi cao bao bọc. Ngồi bên anh lúc xe chạy từ dưới thấp lên đỉnh đồi Thục có
cảm tưởng cô giống Jennifer được Oliver đưa về nhà lần đầu trong phim Love
Story. Cô từng nghe nói anh rất giàu nhưng thực tế còn vượt xa cả tiếng đồn. Có
thể nói đây là ngôi nhà đẹp nhất Thục thấy từ lúc sang Mỹ đến giờ nhưng thay vì
trầm trồ thán phục không hiểu sao Thục lại cảm thấy bất an.
Khách
khứa hôm ấy rất đông, ngoại trừ một vài người quen ở thị xã X còn lại là những
người Thục mới gặp lần đầu, trong số đó bạn bè của con Luân chiếm hết phân nửa.
Giống như những người trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, con trai của Luân tuy có nét
giống cha nhưng cao lớn hơn rất nhiều. Con gái thì có vẻ mặt rất Tây và thanh
tú, Thục đoán cô bé giống mẹ vì nghe đâu người vợ trước của Luân rất đẹp.
Bữa
tiệc hôm ấy bắt đầu bằng màn biểu diễn âm nhạc của Luân và con gái. Gian phòng
khách rộng thênh thang im bặt khi anh dạo những nốt đầu tiên bài “ Hãy yêu nhau
đi” của Trịnh Công Sơn trên chiếc đàn piano. Con gái của Luân hát rất hay, phát
âm tiếng Việt khá chuẩn, mọi con mắt thán phục đổ dồn về phía hai cha con. Thục
ngồi một góc lặng lẽ nhìn Luân. Gian phòng rộng lớn này dường như không có chỗ cho
cô, mọi người kể cả Luân như thuộc về một thế giới khác. Cô nhìn ra cửa sổ, những
ngọn núi chập chùng phía xa làm cô nhớ con gái, nhớ nhà da diết. Mùa này Sài
Gòn đang mưa không biết mấy bụi bông giấy trồng ngoài balcon trước lúc đi nở
hoa chưa? Không biết mấy tháng mẹ vắng nhà con gái ăn uống ra sao, nó vốn lười
nấu nướng. Cô nhớ mái tóc dài của con giụi vào lòng mình những đêm mưa biết
bao. Mọi thứ ở nơi đó bình dị, quen thuộc như hơi thở còn cuộc sống sang trọng,
xa lạ ở đây so với cô giống như chiếc áo rộng quá khổ.
Tiết
mục văn nghệ tiếp theo được con trai Luân giới thiệu hơi lớn tiếng làm Thục giật
mình. Đó là một ca khúc tiếng Anh do một cô bé khá trẻ hát, lúc này từng cặp
nam nữ trong phòng đứng lên dìu nhau ra sàn nhảy. Thục cảm thấy không khí không
phù hợp với mình định ra ngoài khuây khỏa một lát thì Luân tiến đến đưa Thục đi
chào mấy người quen của anh. Thục bình thường cũng khá tự tin trong giao tiếp không
hiểu sao hôm ấy trở nên lúng túng, vụng về thế nào. Cô có cảm giác ánh mắt của mọi
người nhất là các bà, các cô dừng lại hơi lâu trên gương mặt trang điểm sơ sài,
chiếc váy hoa đơn giản và chiếc ví cầm tay không phải hàng hiệu của mình. Được một
lát Thục cũng kiếm cớ ra ngoài sau khi Luân bận tiếp một vài người khách đến trễ.
Cô băng qua một hành lang rộng tính hỏi xem restroom ở đâu thì nghe tiếng nói của
hai người phụ nữ, một già một trẻ vẳng ra từ căn phòng cô đoán là nhà bếp vì
mùi thức ăn sực nức từ đó bốc ra:
-Dì
thấy bà ta như thế nào?
-Con
nói ai?
-Người
mà ba con vừa giới thiệu với mọi người.
-Ồ
dì nhớ ra rồi. Trông cô ta quê quê thế nào không xứng với ba con. Kể cũng giỏi
thật qua Mỹ mới mấy tháng đã câu được con cá lớn.
-Con
cũng không hiểu sao ba con lại chọn bà ta trong khi đàn bà, con gái Việt Nam ở
đây thiếu gì người vừa đẹp, vừa giàu, vừa văn minh lại rất thích ba con.
-Hay
họ yêu nhau thật lòng?
-Yêu
đương gì nổi, ba con còn có thể chứ bà ta chỉ yêu xấp dollar và cái quốc tịch Mỹ
của ba con mà thôi.
Thục
dấn thêm bước nữa nhìn vào cửa sổ, người đàn bà lớn tuổi cô mới thấy lần đầu
còn người trẻ tuổi là con gái Luân. Cô
thẫn thờ quay trở lại phòng khách, ai đó đang hát đoạn cuối một bản nhạc Việt:
““Anh là chim bói cá. Em là bóng trăng
ngà. Chỉ cách một mặt hồ mà muôn trùng chia xa”. Điệu boston chậm buồn nghe
như muốn khóc.
Buổi sáng Nhân đưa Thục ra phi trường San Francisco nhiệt độ đột ngột hạ thấp, dường như có bão rớt đâu đây. Sương mù xám giăng trước mặt và lẩn khuất trên các ngọn cây hai bên đường. Trên freeway 101 từng hàng xe hơi lạnh lùng nối đuôi nhau tưởng chừng không bao giờ dứt. Cuộc sống quanh đây vẫn đang tiếp diễn chỉ có Thục. Đi như chạy trốn thế này không phải là tính cách của cô nhưng lại là sự lựa chọn duy nhất khi tình yêu và lòng tự trọng không có tiếng nói chung. Máy bay rời khỏi vịnh San Francisco hay đúng hơn nước Mỹ hai giờ sau đó từ trên cao nhìn xuống Golden Gate chỉ còn là một chấm nhỏ giữa mặt hồ long lanh.
QUANG ĐẶNG ( tháng giêng/ 2018)