Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

38 . HOÀNG KIM OANH Đêm Kiên Giang nghe bài Hành Phương Nam

                                                                         
                                                             Ảnh Internet
 

 Để nhớ những ngày tháng Kiên Giang...

 Chiều Miệt Thứ, gió lồng lộng thổi qua bến phà. Căn nhà sàn ọp ẹp của chú Út cũng vặn mình đong đưa theo con gió. Nhà sàn được cái mùa nào cũng mát.

Chiều xuống dần. Xẩm tối hồi nào hổng biết. Hoàng hôn chếnh choáng theo…

Chú Út cầm chén rượu ực một tiếng “ót” thiệt ngọt rồi lên giọng ngâm nga mấy câu thơ Nguyễn Bính:

 Đôi ta lưu lạc phương Nam này 

Trải mấy mùa qua én nhạn bay

 Xuân đến khắp trời hoa rượu nở 

Mà ta với người buồn vậy thay…*

 - Dzô đi mậy. Mấy khi bây xuống đây chơi với tao.

- Để con vô nướng thêm con khô sặc rằn nghe chú. Kì này khô sặc rằn phơi được nắng, ba bữa đã vừa ăn, con ướp lạt lạt, chú nướng nhậu hay ăn cơm, ăn cháo trắng đều ngon. Mỡ nó thơm phức như bơ nghe chú.

- Ôi, cần gì. Cứ ngồi đó đi. Ghe bà con đi chài đi câu về ngang, người cho mớ cá, người cho mớ tôm… Mà, tao nhậu chỉ cần cơm mẻ với mấy trái chuối chát là đủ rồi. Ra hè bẻ vô là có nhậu liền. Nhà tao coi vậy chớ rượu không bao giờ thiếu. Rượu tăm hẳn hoi à nghen hổng phải ba cái rượu cồn bậy bạ ngoài chợ đâu. Ngồi xuống đi…

- Dạ. Để con rót cho chú.

 Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu 

Mà không uống cạn? mà không say?*

 Chú Út giơ ly rượu qua cụng cái cốp, cười khà khà thật sảng khoái. Câu thơ được chú gằn giọng như muốn cắt ra làm hai theo hai lần cụng ly của chú. Chú lại rót. Lại uống. Nguyên không dám cãi. Cũng không cản. Chú rót ly nào anh tiếp ly đó. Rồi cũng ngồi xếp bằng gõ ly gõ chén khí thế đệm cho lời chú ngâm, chú hát…Hết Hành phương Nam chú bắt qua ca cổ Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà đến Tình anh bán chiếu. Rồi cao hứng chú còn chuyển qua Tần Quỳnh khóc bạn thật não nùng. Chú người An Biên chính cống, sinh ra đã làm bạn với cây tràm cây đước, rượu uống cả tô như uống nước lạnh, vọng cổ cải lương tích nào chú cũng thuộc, cái món đờn ca tài tử ít tay nào qua nổi chú. Bỏ nhà vô bưng biền. Chú mang chí cả như Đơn Hùng Tín sá chi mũi đạn lằn tên. Chú tưởng mình sẽ “đạp thành phá lũy”, và coi khinh mọi phường giá áo túi cơm…

 Nhị Ca ơi, chén rượu đoan thề hơi men còn phảng phất đầu môị. Trên lối hoạn đồ muôn nẻo ngược xuôi, anh mang chí cả mong đạp thành phá lũỵ. Nhưng trời không tựa lòng người dũng sĩ, nên giữa trận tiền, anh phải chịu sa cơ . Ai còn bày ra chi cuộc tống tửu đau thương, lễ đưa tiễn rượu đào pha nước mắt. Chén rượu năm xưa kết giao tình bạn hữu, chén rượu ngày nay dứt đọan nghĩa kim bằng…**

 - Chén rượu này tao với mày cũng gọi là chia tay… Mai tụi mày trở về Sài Gòn. Thôi thì hai mươi năm lưu lạc, vậy quá đủ rồi. Chim có tổ, người có tông. Quy cố hương thôi… Nhưng, không đứt đoạn nghĩa kim bằng nghe mậy.

- Dạ. Có dịp tụi con sẽ về thăm chú. Làm sao mà đứt đoạn được hả chú! Ngày nào con mới ra trường, chân ướt chân ráo xuống xứ U Minh này, tưởng đâu hát tuồng “Sống dang- sáng dông” như mấy đồng nghiệp trước con rồi chớ…hihi. May có chú lúc nào cũng thương, bảo ban, chỉ vẽ…

- Mày trụ được. Nói được làm được. Dân Sài Gòn mà chịu cực. Mấy đứa cái miệng nói xạo xạo đưa nó về vùng sâu này nó trốn hết. Đứa thì kiếm đường vượt biển thôi…

Chú lại ực một hơi, khà thiệt ngọt, rồi hắng giọng ca tiếp:

 La Thành ơi, em tệ làm chi nỡ xuống tay giết người bạn cũ. Dầu không thương em cũng đừng nên hạ thủ. Giết kẻ thù chứ giết bạn đành sao ...

 - Độc hôn mậy? Ông soạn giả viết đoạn này thiệt đứt ruột. Giết kẻ thù chớ giết bạn đành sao? Tụi nó bây giờ khốn nạn quá. Thù bạn gì… miễn có tiền là hồ hởi thẻo cái lương tâm của nó cho chó gặm hết.

Chú Út vốn là Trưởng phòng tổ chức Sở Giáo dục. Một thời cũng thét ra lửa. Tánh chú nóng như Trương Phi. Mỗi khi giận hung, các thớ thịt bên gò má trái chú giựt giựt, môi bặm lại. Nhưng thật ra tánh chú rất thương người, ngay thẳng. Đặc biệt là trọng cái tình. Tiền bạc không nghĩa lý gì với chú, dù…chú lúc nào cũng chẳng có tiền. Hào sảng, trọng ngãi khinh tài. Tất nhiên, ở vị trí béo bở của chú, xếp chỗ này, cất nhắc chỗ nọ…thiên hạ lắm kẻ cũng sẵn sàng ‘bôi trơn’. Nhưng tánh chú thậm ghét kiểu ăn bẩn đó. Lơ mơ chú mắng thẳng vào mặt. Chấp nhận nghèo. Qủa xoài xanh, chút cơm mẻ, con cá khô sặc rằn hay khô đuối chấm mắm me…vài xị đế, vậy là xong. Kiên Giang thuộc vùng sâu, nhiều nơi không có giáo viên, trường lớp cũng không. Giáo viên cấp 1 dạy luôn cấp 2. Giáo viên Cấp 2 thì dạy kê lên cấp 3 là “chuyện thường ngày ở huyện”.

- Ba cái lẻ tẻ, nhằm nhò gì…Mầy hổng nghe ông Ba Huỳnh tuyên giáo nói sao? Người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Cần gì bằng cấp! Tụi tao đi kháng chiến, lội khắp bưng biền, có bằng cấp gì đâu, biết mặt chữ, lớp ba lớp năm thôi mà cũng đánh ngon lành…

- À, mà có. Có cái bằng máu bằng xương chớ…Nhưng thời nay, máu xương nghĩa lý gì, thôi bỏ, mậy… Bỏ hết…

Nguyên nhớ lại ngày anh cầm quyết định phân công xuống vùng đất này. 1979. Phải đi hai ngày đường mới tới nơi. Một ngày ngồi xe đò, qua hai cái bắc Mỹ Thuận và bắc Cần Thơ ê ẩm...chưa kể thường xuyên là chuyện kẹt cầu kẹt phà, 4h sáng ra bến xe miền Tây mà đằng đẵng dằn lên xóc xuống, chờ mỏi chờ mòn, 1,2 giờ sáng mới tới Rạch Sỏi. Vật vạ 6h sáng xuống tàu đi Vĩnh Thuận. Một ngày ngồi tàu đò mênh mông sông nước hai bên chỉ toàn dừa nước, đước sậy mới tới được điểm trường. Rạch Giá vẫn còn là một thị xã heo hút. Đi đầu đến cuối thị xã chẳng tìm ra một hiệu sách nào. Kiếm không ra một ổ bánh mì. Người Sài gòn mà xuống miền Tây, món quà được yêu thích chỉ cần mấy ổ bánh mì to vàng ruộm bày bán dọc dọc hai bên đường Xa cảng miền Tây và vài chục nem Lai Vung Đồng Tháp. Phở càng là món hiếm hoi. Chỉ có bánh bao, mì hoành thánh, hủ tiếu, cháo Quảng…Vùng đất phương Nam này ẩm thực, phong tục, xưng hô đậm chất người Quảng và Tiều của Trung Hoa bởi theo chân Mạc Cửu, một người Minh Hương lưu vong. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập ra huyện Kiên Giang, đặt trấn lỵ tại Rạch Giá này. Trong Đại Nam nhất thống chí, mục “Thành Trì” có ghi: “Huyện nảo (đồn canh của huyện) Kiên Giang mặt trước dài 19 trượng 2 thước, bề ngang dài 12 trượng 6 thước, ở địa phận xã Vân Tập, vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841). Chợ Sái Phu, ở huyện Kiên Giang, tục danh là chợ Lạch Giá, phố xá liền lạc, ghe buôn đến đậu đông đảo.” Theo khẩu truyền, có tên gọi Rạch Giá vì xưa kia nơi đây có rừng cây Giá mọc theo ven biển, có một lạch nước chảy ngang qua ra biển. Theo sách Gia Định thành thông chí: Lạch Giá có tên chữ thường gọi là Giá Khê. Ngoài ra, còn gọi là Giá Đà, Sái Phu…Tương truyền xưa, khu rừng cây giá này rất nhiều ong mật đóng ổ, người “ăn” ong cạo mật bỏ tàng ong, sáp trắng trôi đầy sông, từ đó người Khmer mới gọi là chợ Kramuol-so (sáp ong màu trắng). (Nguồn: http://rachgia.kiengiang.gov.vn).

Chuyện khai thiên lập đia ra sao của đất này thì không biết tường tận nhưng khi Nguyên ra trường về đây, rõ ràng vẫn còn là “chốn vắng” của chữ nghĩa văn chương… Không một sạp báo. Không một nhà sách.

- Ủa, mày đổi qua họ “cầm” họ “để” hồi nào vậy… Mấy thằng đó tao xử bắn hết rồi đa. Dzô đi chớ!

- Dzô! Gì mà nóng dữ vậy chú…Trương Phi!

- Phi gì mà Phi. Tao bây giờ…Trương Phì thì có. Haha…

 Khoảng đâu 1980, 1981, U Minh Thượng được miền ngoài đưa vô chi viện một loạt giáo viên cấp 2, 3. Đông nhất là hai tỉnh Thái Bình và Nghệ Tĩnh. Thái Bình là tỉnh kết nghĩa với Kiên Giang nên ưu tiên một dàn giáo viên cấp 2. Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Hòn Đất…những nơi kênh rạch chằng chịt, điểm trường nhỏ lẻ rải rác, khó khăn nhất đều có giáo viên…Nghệ Tĩnh mình ơi thì chi viện giáo viên cấp 3 là chính. Dân U Minh Nam Bộ rặt nghe tiếng nói miền nào cũng ra tiếng Huế chẳng phân biệt. Họ e dè. Họ xa lạ. Họ cảnh giác. Không biết có đúng như ngoài chợ đồn “mấy người Huế này vô xin ở đậu rồi sẽ cướp nhà cửa ruộng vườn của mình”. Anh em giáo viên người tại chỗ phải đến từng nhà làm công tác “dân vận” họ mới cho lá lợp mái, cho tràm dựng trường để các cháu không phải lội bộ mươi, mười ba cây số nắng mưa hay chèo xuồng từ mờ sớm đi học. Được một thời gian, người miền Nam thương ai thương lâu, giận ai chỉ giận nhứt thời, không định kiến, đã quên cái ngày đầy e ngại bỡ ngỡ ấy khi thấy con em mình đến được với cái chữ đọc báo đọc sách ro ro, coi ti vi chữ nào cũng biết... Có nải chuối mới chín, con gà tơ hay trái khóm đều xách qua biếu cho thầy cô. Thầy cô ở thị trấn cuối tuần vô nhà chơi, ra về cha mẹ gửi cho cả xuồng củi tràm chặt trong rừng để về nấu, kèm theo giạ gạo mới xay, buồng chuối, trái mãng cầu mới chín…Thương thầy cô xa xôi về đây hẻo lánh, lội sình cực khổ…Có người cho đất cho thầy cô cất nhà, gả con…Nhưng rồi những xung đột vùng miền ban đầu còn rải rác, sau thì nạn bè phái, óc địa phương, tệ vòi vĩnh học sinh và phụ huynh bắt đầu ô nhiễm đất U Minh Thượng vốn hiền hòa chân chất mộc mạc như cây lúa trên đồng. Trưởng Phòng tổ chức là chú bắt đầu nhức đầu.

Tánh chú thẳng. Không binh ai hết. Điều chuyển, phân công đâu đó công bằng. Một đồng xu hạt gạo không tơ túi. Đã nói chú ghét nhất những kẻ “ăn dơ tanh rình” (Nguyễn Đình Chiểu). Cũng không luồn cúi bợ đỡ…Có bữa đang trong cuộc họp, chú bặm môi trợn mắt, chỉ mặt đuổi thẳng một ông Phó phòng dân chi viện, kết bè kết phái phân biệt vùng miền, hại người này, vu người kia, bản thân ông ta còn trai gái lăng nhăng. Nghe đâu chú còn lên văn phòng Đảng Ủy gặp ngay ông Bí thơ trả thẻ Đảng:

- Còn thằng đó trong Đảng thì cho tui ra.

Nghe đâu cái ông Phó phòng chi viện ấy, vô xứ nầy chưa đầy hai năm đã bị trả về nguyên quán vì bè cánh, tham ô, hủ hoá… Kiên Giang thời ấy, có cái lệ bất thành văn, mấy anh ngoài kia chi viện, bằng cấp gì cũng chỉ đề bạt đến cấp phó, cấp trưởng dứt khoát phải là người địa phương gắn bó dài lâu mấy đời…

Cấp dưới là vậy, với cấp trên cũng không khác, chú đã không phục thì đừng hòng chú nể. Hôm tổng kết thi đua cuối năm, trong tiệc liên hoan, ông Giám đốc Sở mới từ Huyện điều lên, cầm ly bia khệnh khạng đến cụng mời, chú tỉnh queo:

- Quen uống đế rồi. Thứ này tui hổng hạp. Giống như anh là anh thứ Hai còn tui là thứ Út. Cực này cực kia… Anh ở đầu sông tui cuối sông…Hề hề…

Rồi chú quay qua rót ly rượu cụng với mấy Hiệu trưởng cùng bàn Nguyên:

- Mày có công nhận mấy thằng lãnh đạo là mấy thằng ngu hôn? Ông Giám đốc tái mặt. Anh em nháy chú. Chú lại hề hề, hướng về anh Hai Giám đốc:

- Ngu chứ còn gì nữa. Anh Hai nghĩ coi phải hôn, lãnh đạo cỡ Đường Tăng đó hổng phải ngu là gì? Tôn Ngộ Không giúp Lão vượt qua không biết bao nhiêu nạn kiếp vậy mà Lão chỉ nghe lời thằng Trư Bát Giới mặt heo xúi bậy, suýt bị bọn yêu nhền nhện bắt ăn thịt, bị Bạch Cốt Tinh lừa gạt…không phân biệt ta địch mà đi niệm chú phạt con Khỉ tề được cả thiên đình đó. Thậm chí còn đuổi về Hoa Quả sơn không cho đi theo Thỉnh Kinh. Ngu không biết đâu chân đâu giả. Ngu mà lại có quyền hành phạt bậy phạt bạ…Chân lý ở đâu? Chân lý thời nay dính sình U Minh hết rồi…

Anh Hai Giám Đốc đành ngậm bồ hòn làm ngọt: ừ ừ à à… ực một hơi cạn ly rồi bỏ đi chỗ khác.

Năm sau, chú về hưu non. Còn hơn năm nữa mới đến tuổi về hưu. Chú lại không có giấy tờ xác minh được thời bưng biền nóp với giáo ở căn cứ địa “Muỗi kêu như sáo thổi đĩa lội lền như bánh canh” ấy. Đồng đội cùng thời chết bom chết đạn chẳng còn ai. Tụi trẻ sau này mới tấn lên không ai biết. Cuối cùng cộng trừ nhân chia sao mà chú không đủ thời gian trong ngành giáo dục để nhận lương hưu, chỉ được trả một khoản tiền nhỏ đủ để rong chơi vài tháng…

Hồi còn công tác trên tỉnh, chú ở nhà tập thể, có bếp ăn tập thể…Bạn bè lên thường xách theo rượu, khô sặc rằn, tôm khô, khô mực…Có khi rắn đã may miệng bẻ răng, khi rùa, khi ba ba…Chú có nghề làm đồ nhậu cực nhanh. Có lẽ do sống một mình đâm ra tháo vát. Chú hay chửi sa sả mấy thằng biết gắp mồi mà hổng biết làm mồi nhậu. Rắn bằm nhuyễn xúc bánh tráng nướng, phần thì nấu cháo đậu xanh… Rùa bỏ vô nồi đất rang muối nổ lóc bóc, thịt ngọt thơm hơn thịt gà. Chú làm gọn hơ. Phụ nữ còn thua. Có khi phụ huynh ở đồn biên phòng đi biển về đem đến biếu cả cần xé cá, tôm, sò huyết…Chú kêu hết anh em giáo viên nhà tập thể đến chia…Sống không tính toán.... Phòng chú hình như không ngày nào không có khách vãng lai. Giáo viên các huyện. Ban giám hiệu các trường. Ai cũng thương.

Nhưng Nguyên biết sau những phút mềm môi chén chú chén anh hề hà tưởng như quên hết sự đời ấy, chú vẫn thiếu vắng cái bến nước ngày xưa…Thời thanh xuân mơ mộng, chú vẫn chèo xuồng mỗi ngày qua lại mấy bận, khua mái dầm hát hò dơi dơi trên sông cho cô hàng xén ven bờ để ý. Chú hát hay. Ngày nào cũng qua lại mấy bận... Cô để ý thiệt. Cứ tủm tỉm cười. Một bữa, đánh liều, chàng ấy ghé bến cô uống nước. Nói vu vơ vài câu, rồi chèo đi ngay. Riết rồi thành nợ thành duyên.

Chú lại ực cái “ót” và ngâm tiếp Hành phương Nam, giọng buồn cứ loang ra trên mặt sông:

 Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc

Mà vẫn cười bên chén rượu đầy

Vẫn muốn tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay…*

Nghe chú đọc những câu thơ cảm khái của Nguyễn Bính mà có chút gì đó như rạn vỡ trong hồn Nguyên. Ừ. Buồn lắm mà không khóc. Đàn ông, nước mắt chảy ngược vào chén rượu. Đâu chỉ là cuộc chè chén tiêu hoang lãng phí cuộc đời. Trước mắt anh, người đàn ông cao ráo rắn rỏi đầy bản lĩnh vừa bước qua tuổi lục tuần kia đã đi qua những ngày tháng ngang tàng mạnh mẽ của đời mình nay đang thật sự cô đơn đến tội nghiệp. Chỉ có rượu, thơ và những câu vọng cổ đẫm tình người, tình đời bầu bạn với ông.

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên lộng bốn trời 

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ 

Uống say mà gọi thế nhân ơi!*

 

Không. Chú đã không ngồi lại giữa chợ như nhà thơ Nguyễn Bính. Có ai tri âm để chú uống say? “Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua”. Thâm thúy thiệt, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ à. Chú trở về An Biên. Nơi quá nhiều kí ức đớn đau. Vợ chú bỏ chú, bỏ trần gian này đã lâu. Mùa nước nổi, khi sanh thằng Út bị sót nhau mà không biết. Bà mụ vườn bên kia sông có qua lạy lục khóc than xin chú bỏ qua…Nửa đêm, chú cùng hai vợ chồng cô Tư hàng xóm chở xuồng máy tốc hành lên bệnh viện tỉnh. Còn nước còn tát. Tới bệnh viện rồi mà nửa đêm bác sĩ cấp cứu kêu chưa kịp dậy, có mỗi cô y tá mắt nhắm mắt mở biểu nằm chờ và phát cho cái mùng bắt kí tên. Nóng như lửa, máu Trương Phi mà, chú quát luôn:

- Lột cái tấm biển “Lương y như từ mẫu” của mấy người vụt ra biển Rạch Giá cho rồi đi! Người ta sốt mê man chết tới nơi mà ở đó mấy cô lo mất cái mùng. Cái mùng mấy ngàn bạc? Thôi, khỏi. Cô ôm cái mùng của cô đi, tôi bó chiếu đem vợ tôi về chôn!

Bác sĩ, y tá lúc đó mới xin lỗi rối rít và đẩy vào phòng cấp cứu khoa Sản. Muộn màng. Thím Út không qua khỏi. Đường bộ chưa có. Sốt 2,3 ngày rồi mới di chuyển gần ba tiếng đò máy từ An Biên lên Rạch Giá. Tim đã suy, phổi ứ nước, trụy hô hấp…

Chú già đi cả chục tuổi. Giọng ca càng mùi. Rượu uống càng dữ…

 Một bữa, con Tím, con gái lớn của chú dắt em đi cào rồi hổng biết tình cờ sao theo thuyền người ta vượt biên, tới giờ vẫn bặt tin tức. Xứ An Biên, Rạch Giá này những năm 80 hầu như ngày nào cũng có tàu vượt biên. Có khi chủ ghe cho đi không vì sợ lộ. Nguyên cũng từng được gia đình học trò mời đi cùng: “Thầy biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, có gì qua đó thầy nói chuyện giúp tụi tui. Mấy đứa nhỏ nó mến thầy quá!” Người Hoa họ rất thật tình. Nhưng Nguyên đâu thể nhận lời. Anh còn mẹ, còn chị. Đi rồi coi như không bao giờ gặp lại mẹ và chị nữa. Thời đó, ai mà nghĩ chuyện bây giờ sẽ đường hoàng trở về, có khi còn được tung hô là Việt Kiều yêu nước… Anh chỉ nhớ đôi vai gầy của mẹ, từ ngày anh lên năm tuổi, mẹ anh đang tuổi xuân thì, một mình đóng cả hai vai…

 Chú Út lặng lẽ chôn trong lòng kí ức đau buồn ấy. Đất ngoài chợ được cấp, chú hiến cho Ủy ban từ những ngày đầu 1975 để làm nơi cho thanh thiếu niên tăng gia sản xuất. Cũng cờ quạt tưng bừng một thời gian. Sau đó, bỏ hoang. Ít lâu sau, thị trấn của chú xáng thổi đắp lộ, xây dựng Ủy ban, cất chợ, cất trường học…Đất của chú bây giờ là nhà của một ông Ủy ban ngoài kia vô. Luồn lách sao xin cất chòi ở tạm, rồi cất nhà tầng và…làm thủ tục lấy sổ đỏ chủ quyền luôn hồi nào hông ai hay. Mấy thầy giáo bàn chú làm đơn đòi lại nhưng chú không chịu.

- Thôi. Tao tự ký cho đất mà. Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy chứ mậy.

Chú vô rừng, xin miếng đất, cất chòi bên sông, câu cá, phần sân trên bờ trồng ít rau thơm, vài bụi chuối… Mùa xuân vô rừng gác ong lấy mật. Một năm chỉ có mùa xuân mật mới thật kẹo không lẫn nước mưa. Cái thứ mật U Minh thơm lừng mùi hoa tràm không mật xứ nào sánh được. Hột gà so vừa rớt, đập lòng đỏ vào quậy uống với mật ong là thang thuốc dân dã có sẵn chữa bá bệnh.  Mùa hè tát đìa bắt cá lóc nướng trui, làm khô, làm mắm. Cơm mẻ, chuối chát, chén nước mưa là có thể qua bữa. Tháng sáu đầu mùa mưa, cá rô con bằng ngón tay cái lóc lên đầy trên bờ ruộng …, chỉ chịu khó một chút xăn quần đi bắt về nấu canh chua bông sua đũa, bông điên điển quanh nhà, dầm trái dấm, trái me… Cuộc sống cứ an nhiên ngày tháng…

Thỉnh thoảng, anh em giáo viên ngày xưa chú từng giúp đỡ mà không hề lấy đồng xu cắc bạc nào vẫn nhớ, có dịp chạy ngang qua Miệt Thứ lại ghé vào thăm. Chú lại đốt rơm nướng cá lóc đặt lờ hay câu được, rượu cất còn ấm rót ra mời…Bất kể ngày mưa, ngày nắng, có bạn, chú lại đỡ cây đn kìm treo trên vách xuống, đờn ca sáng đêm…Chúng tôi vẫn gọi nhà chú là bến nước của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc…

Nguyên nhỏ tuổi hơn chú nhiều. Chú và Nguyên tuy khác “hệ” nhưng chú thích tính khẳng khái của Nguyên. Có lần, đang cuộc nhậu, chú cười cười:

- Được. Thằng này đầu gối nó có lông.

- Là sao chú?

- Là nó hổng biết nịnh. Khà khà…Nó đi bằng hai chưn. Còn mấy thằng nịnh chuyên ‘đi bằng đầu gối’ làm sao mà lông mọc nổi mậy… khà khà... Rót đi mậy.

Mọi người phá lên cười. Từ đó, cụm từ “đầu gối có lông”/”hổng có lông” bắt đầu trở thành “mật mã” chung của mấy anh em thân thiết mỗi khi có dịp ngồi với chú cà phê cà pháo hay khề khà ly đế, ly bia…

Chú cũng nể đầu óc nhớ dai, tích nào, truyện nào chú hát Nguyên cũng rành sáu câu và lập luận sắc bén đố ai cãi nổi trong các cuộc trà tam rượu tứ…hay hội nghị hội thảo… Đặc biệt, Nguyên sống có tình, có nghĩa. Dân Sài Gòn mà chịu chơi, biết trên biết dưới, khẳng khái…như chú. Kêu chú, nhưng chú coi Nguyên như bạn. Mầy tao, nạt nộ mà âu yếm. Chú nói chú khoái cái tính Lục Vân Tiên và anh hùng Lương Sơn Bạc hào sảng tài ba chẳng kém thua ai, nhưng cũng bất cần đời không cúi đầu trước cái xấu, cái ác, cũng chẳng bo bo hai chữ lợi danh hay chức quyền của Sáu Nguyên. (Nhỏ lớn, chưa có ai gọi thứ của Nguyên kèm tên như chú. Ờ, miền Tây vậy đó, ít ai gọi tên trỏng trỏng. Phải có thứ…mới đúng là dân miền Tây). Chú Hai Hữu, chú Út Nhứt…. Hà hà, mầy thấy tao ngược đời hôn. Út mà Nhứt à nha.

- Rót đi mậy. Đã biểu là kêu án tử hình mấy thằng họ “cầm” họ “để” rồi mà…

- Hông thôi mày qua chợ mua cho tao chục cái ly mới coi.

Nguyên mau mau rót vô ly chú. Tánh Trương Phi của chú vậy đó…

- Bài thơ này độc. Ông Nguyễn Bính này cũng từng lưu lạc ở phương Nam.

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo 

Ta trói thân vào nợ nước mây 

Ai biết thương nhau từ buổi trước

Bây giờ gặp nhau trong phút giây 

Nợ thế chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay 

- Xứ Miệt Thứ, U Minh này hồi đó hổng biết ổng có qua chưa mà sao tao tưởng như ổng đang ngồi đâu đó ở chợ Kinh Xáng, chợ Vàm… sao nói đúng tim gan phèo phổi mình quá… Nợ thế trả chưa tròn…Thua. Thua thiệt cái nhân tâm trắng dã, mầy thấy hôn.

- Buồn quá chú! Thôi dzô! Cạn nghe chú! Trăm phần trăm!

- Thua. Tao thua thiệt rồi mầy. Trắng tay. Thiệt là sòng đời…

Đó là câu cuối cùng Nguyên nhớ mỗi khi nghĩ về chú. Một đời ngang tàng giờ hắt hiu cô độc ven sông. Chú vẫn cắm con sào neo con thuyền nhỏ bên bến sông như chờ, như đợi…

 Nguyên rời miền đất ấy trở về nhập tịch thành phố sinh ra mình đã gần hai mươi năm. Miệt Thứ như giữ cả một thời thanh xuân của anh. Anh luôn cảm thấy mình lóng ngóng chút tỉnh lẻ giữa phố phường hoa lệ từng là nơi anh ra đi với tất cả yêu thương và đêm đêm bên ngọn đèn dầu anh vẫn nghêu ngao: “Ơi thành phố yêu dấu. Trái tim ta luôn bên Người. Cho dù ở phương trời nào cũng là vì Người Người ơi” … Hứa hẹn nhiều lần mà cuộc sống hối hả đô thành cứ cuốn trôi anh, mãi ngày chú mất anh mới quay về. Căn nhà lá bữa nay tươm tất lạ. Nó có thêm chủ mới: Con gái chú. Cô đã quay về tìm cha và mảnh đất cội nguồn sau bao nhiêu năm lưu lạc tha phương. Song chú dứt khoát không theo nó về Mỹ. Bến sông này ba đã gặp má con. Má con đã đi từ bến sông này. Bà ấy vẫn đang chờ ba. Và chỉ chờ ở bến sông này thôi.

Bữa nay, có lẽ chú đã gặp lại cô gái mãi mãi hai mươi trong lòng chú…

Cũng bến sông này…

Đêm xuống nhanh rồi mịt mùng chơi vơi…Hàng dừa nước ven hai bên bờ kênh đang ồm oạp tiếng nước vỗ bờ mỗi khi có một chiếc xuồng ghe có gắn máy đuôi vịt chạy qua. Tiếng chim vịt kêu chiều đâu đó xa xa như tan loãng trên mặt sông…

Mắt Nguyên thẫn thờ nhìn ra bến sông.

Đêm U Minh. Hai mươi năm xưa và hai mươi năm này dường như vẫn vậy… Buồn não nùng mà sao thương quá đỗi. Căn nhà sàn cheo leo ở bến sông như tách biệt cả thế gian… Anh nghe như có tiếng “dzô” “dzô”, tiếng cười, tiếng đàn, và giọng ngâm ngậm đầy nước mắt của chú đâu đây:

Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc 

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy 

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết

Ngày mai ra sao rồi hãy hay…*

Ngày mai. Ngày mai. Ừ, mình đã tiêu hoang cho đến hết…cả cuộc đời, cả tuổi trẻ, cả thân thế…mà biết ngày mai ra sao…hả chú?

Nghẹn đắng. Bơ vơ… Chú Út ơi!

Ta đi nhưng biết về đâu chứ? 

Đã dấy phong yên lộng bốn trời 

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ 

Uống say mà gọi thế nhân ơi!

 

Đêm Miệt Thứ, nước đang lên, ngoài kia, gió vẫn lồng lộng thổi qua bến phà không ai qua sông…

 Mùa nước nổi, 10. 2016

HKO

 

Đã in trong Quán văn số 41, tháng 11 năm 2016, trang 5-14, tựa Chiều Kiên Giang, nghe Hành phương Nam 

--------------------------------------

Chú thích: Phần in nghiêng trong bài là trích từ hai tác phẩm:

1. *Hành phương Nam, thơ Nguyễn Bính

2. **Tần Quỳnh khóc bạn, vọng cổ, soạn giả: Viễn Châu.