Chiếc ghe chài bành ky lững lờ trôi theo con nước lớn. Cả tháng nay, chưa khi nào công chuyện của những người bạn ghe nhẹ nhàng như bữa nay. Sông lớn, nước chảy chậm, tư bề ít ghe xuôi ngược, chuyện chèo chống chỉ giao cho hai người cầm sào đi dọc từ trước mũi ra sau lái rồi từ lái tới trước mũi sửa hướng cho ngay dòng. Chẳng bù với mấy bữa qua Vàm Nao, phá Đại Ngãi nước xoáy như thác đổ, bạn ghe người nào người nấy vật lộn với sóng, mồ hôi mồ kê như tắm, mệt té ho mà cái ghe cứ xà ninh xà nang lắc la lắc lư như ông tướng thầy ba lúc thầy pháp lên đàn.
Khỏi chợ Bến Lức đâu độ chừng ăn dập bã trầu, tới khoảng chợ Đệm, Bình Điền thì trời chập tối. Lác đác trên trời mấy vì sao hôm thập thò nhấp nháy. Trời sập tối tựa như tấm màn đen được giăng sẵn đâu đó tuốt luốt trên trời đợi tới giờ rũ xuống để che phủ trần gian. Trăng hạ huyền đã mọc từ lâu phết một bệt sáng óng ánh. Cảnh vật êm đềm trong gió hiu hiu mát lạnh gợi nhớ người thân thuộc ở quê nhà. Phải lấy hết can đảm Lành mới theo má bước lên chiếc ghe bự xộn nầy để xin quá giang. Chuyện quá giang của đàn bà con gái trên ghe thương hồ chủ ghe đại kỵ. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, trên ghe trên tàu thiếu gì người khuất mày khuất mặt. Chuyện đàn bà ngày tháng có thể làm cho người ta xúi quẩy mất nghiệp như chơi. Nhưng may quá, nhờ tiếng thơm của tía từ trước, ông bà chủ ghe đã vui vẻ nhận lời. Bây giờ mình chờ đợi những gì xảy ra ở xứ văn minh sẽ tới. Một mình mình. Ghe càng đi xa phong cảnh càng lạ, càng thấy nao nao nhớ nhà. Nhớ đám mía trước sân xào xạc tận bờ sông mỗi ngày giặt giũ, nhớ hàng lu nái im lìm giữa hai gian nhà, nước mưa chứa lâu ngày ngậm một ngụm cũng đủ mát rượi cổ họng mấy lúc trưa trời nắng chang chang. Nhớ má ưa lúc thúc dưới bếp làm chuyện nầy chuyện kia không hở tay. Nhớ những buổi tối má con hủ hỉ dưới yến sáng lờ mờ của cái đèn con cóc dầu mù u nho nhỏ. Bây giờ những thứ thân thiết đó mỗi lúc một biền biệt, biết bao giờ mới được gặp. Còn anh Hai nữa, cả tháng nay đi làm xâu vét kinh Ông Đốc đâu miệt Tân Châu – Hồng Ngự mà chớ hề nghe nhắn nhe tin tức gì về. Nghe nói mỗi ngày nhà nước cho lãnh hai vắt cơm, mấy hột muối cục với lại một miếng khô mục nhỏ bằng hai ngón tay tréo, trả có xu rưỡi không đủ mua một bánh thuốc rê mà phải hụp lặn dưới nước dầm mình múc sình xắn đất. Ở đó muỗi mòng, đỉa vắt. Mình đi đây kể như anh em cách biệt. Cực chẳng đã bỏ làng chứ thuở tía chưa bị bắt thì nhà đâu đến đỗi. Mắt Lành rưng rưng, muốn thút thít khóc như ở nhà mà sợ bạn ghe chộ nên phải dằn, phải nén. Nhưng sao như có cái gì trong lòng đẩy ra làm Lành buồn man mác như lúc nhỏ bị rầy oan. Lành ngó vô góc, chỗ lườn ghe được phân khoang chứa chén dĩa kiểu. Hàng hàng lớp lớp, chén dĩa nhận giữa đống trấu đầy ắp. Được vài chục dĩa Càn Long kia chắc đỡ khổ. Thứ nầy dân chợ họ chuộng lắm. Chánh cống bên Tàu. Mua về chưng trong tủ kiếng để thiên hạ trầm trồ cũng mát mày mát mặt. Bao nhiêu họ lại không thảy tiền ra bưng về.
Lành
chép miệng quay về thực tế. Nhưng mà người giàu nứt vách đổ tường, kẻ không có
đồng xu dính túi. Họ cho đặt chưn lên ghe là may rồi. Nếu không, biết đâu bây
giờ mình còn lụi đụi đâu đó dưới miệt dưới. Quá giang từng chặng mệt hơn nhiều.
Chắc sáng mai tới bến. Rồi lại còn chuyện lạ nước lạ cái, hỏng biết có gặp
người bà con hông. Chỉ biết họ ở chỗ xóm Đạo Chợ Đũi, gần trường con gái Chợ
Đũi, mà không biết chắc ở đâu. Để nữa lên đó cất công kiếm coi. Kiếm hỏng ra là
phận gái bơ vơ quê người xứ lạ đó. Lành tặc lưỡi như thấy má mình vô lý kỳ cục.
Khi khổng khi không cái bắt người ta đi khơi khơi. Rồi biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Ở quê nhà bữa rau bữa cháo nhưng hủ hỉ có mẹ có con. Lo gì mấy chuyện lặt vặt
ăn uống. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối. Với lại chim trời cá nước thiếu gì,
lấy lộp, lấy nò đặt một ăn cả ngày hỏng hết. Rau cỏ mọc lu bù sau vườn, lềnh khênh
thiếu điều muốn nhổ bỏ. Đói đâu mà sợ? Có lẽ má sợ tụi đầu trâu mặt ngựa trong
xóm trong làng đang được thế được thần làm trời làm đất. Rồi Lành sụt sùi
ngang, khóc ngon khóc ngọt. Nhớ tới lời dặn lúc chia tay càng thấy chuyện má
con gặp lại mong manh như cánh chuồn chuồn. Chắc con biết chuyện người đàn bà
có chồng con bị cọp ăn mà vẫn không dọn nhà đi nơi khác? Tại vì chỗ đương ở không có quan lại khắc nghiệt đó
con. Hương chức hội tề địa phương ác độc nhũng lạm còn ác hơn cọp dữ. Bởi vậy
ông bà mình mới nói: Tàn chính mãnh ư hổ. Con phải đi khỏi chỗ nầy để
bảo vệ thân... Giọng má run run trong nước mắt. Thân gái xa nhà hiểm nguy nhưng
đi được cứ đi. Ai cũng muốn xa chốn nầy. Thời cuộc làm mấy thứ lộn tùng phèo
hết. Làng nước bây giờ có thuộc về mình nữa đâu! Thuộc về tụi nó. Mà tụi nó móc
ngoéo nhau rễ chùm rễ mớ. Người dân như mình đành chịu cảnh thờn bơn thôi. Lép
một bề. Sống tới ngày nào hay ngày nấy. Đợi chờ. Mấy cây rơm trước sân kia nếu
biết đi đã đi mất từ lâu rồi...
Bây
giờ mình ra khỏi vòng tay của má, tự đối phó với đời. May nhờ rủi chịu. Phải
quyết định lấy, không còn chuyện mỗi chút mỗi “má ơi.”
Tiếng
hai người bạn ghe kéo Lành ra khỏi giòng suy nghĩ triền miên.
“Tới
Ba Cụm rồi đó. Anh biết bối Ba Cụm mà, lơ mơ nó cuỗm hàng hết bị nạo tróc da đầu
đó. Với lại hai gói áo quần của tụi mình. Có bề gì có nước bận xà lỏn ra chợ.”
“Biết
rồi, đừng làm tài khôn. Tụi nó thường đi trên ghe cui hay ghe vàm. Để cho thiên
hạ tưởng đâu làm ăn chơn chất. Tụi bán vàm, bán rỗi đi xuồng nhỏ xẹt qua xẹt
lợi, coi trời ơi đất hỡi trái lại thiệt thà... Ở đời thiệt khó. Đâu ngờ!”
“Ừ.
Cũng tại bị không ngờ mà hồi nẵm có chiếc ghe chài chở lúa, tụi bối xông nhang
mê xúc cha nó gần hết ghe. Tom góp quần áo vàng vòng của bà chủ bộn bàng...”
“Xuỵt.
Xuỵt. Kìa cái ghe cui ở đàng sau đương cặp theo ghe mình cà. Dám mấy chả lắm
chứ hổng chơi đâu. Coi bộ dạng sanh nghi quá, cứ xôm xôm tới hoài.”
Lành
lấy ống tay áo dụi nước mắt ngó về phía sau. Một chiếc ghe cui cũng đi theo
dòng. Ghe bự bề ngang mà cụt đòn, coi quê kệch, loại ghe chở củi, chở tràm.
Trong bóng tối, cái mui lở ngoài sau lái như một bệt đen in trên nền trời thưa
thớt sao khuya. Trên đó thấp thoáng bóng hai người. Một điếu thuốc lâu lâu lóe
sáng rực, quơ lên quơ xuống, một cái đầu tóc bới khắc rõ nét trên nền trời mờ
mờ tỏ tỏ xa xa. Trong bóng đêm, một giọng hò ngọt lịm lan truyền qua không khí
tĩnh mịch đi thẳng vô từng lỗ chân lông người nghe. Ngọt hơn đường cát, mát hơn
đường phèn. Lành rùng mình, chân tay nổi da gà. Tiếng hò quí phái như công tử
ngày xưa dạo chợ, dịu nhĩu như con gái giã gạo chày đôi, chày ba hát hò dưới
trăng.
Hò ơ... Có
gió đông hung mới biết tùng bá cứng
Có ngọn lửa hồng mới biết thức vàng cao
Thuyền quyên sánh với anh hào
Đây không thả lá gieo đào như ai
Hò ơi... Trúc kia đã lợp cùng mai
Như chàng họ Lục sánh vai với chị Hai họ Kiều
Xin nàng giữ dạ đừng xiêu
Nếu một mai (hò ơ...) thuyền anh ra biển Bắc, ruột đau như thắt, nước mắt dầm
dề, xa cách hương quê, giáp vòng Lục Tỉnh, anh cũng liều (mà... hò... ơ) trở về
thăm e... m...
Lành
khớp ngang như lúc nhỏ đứng trước cây roi mây cật dài sọc của ông thầy già chi
hồ giả dã. Muốn lên tiếng mà miệng cứ như quíu lại. Mở đầu nói chí mình,
khuyến dụ là chuyện bình thường, cách buông vần câu thúc ở trên, phóng túng ở
dưới, tỏ rằng đã lăn lóc nhiều trong câu hát điệu hò. Điệu nầy mình chỉ có nước
vảnh tai nghe chứ không thể nào đối đáp được. Hai cái ghe tiếp tục trôi. Không
gian im lặng nặng nề, âm thanh e...m.. e...em... vẫn còn lẩn quẩn bao quát đâu đây trong gió đêm lành
lạnh, quấn quít trong làn da chéo áo mọi người.
Lâu
lắm mới có tiếng hò đáp của giọng con gái trong trẻo, quyến rũ, nhưng ngắn gọn
như bất cần lời ong tiếng ve:
Hò ơ... Gá
duyên thì phải lựa (mà) xem,
Hò ơ... Coi thử (hò ơ...) đó là thằng Bùi Kiệm hay anh Vân Tiên (hò ơ...) em
mới trao lời...
Tiếng
hò dứt mà Lành vẫn còn bàng hoàng chưa tỉnh. Giọng người ta trong vắt như nước
nhìn thấy sâu dưới đáy, cao như nhạn lượn chín từng mây. Giọng của mình cũng có
tiếng ở chòm xóm đó, nhưng mà so với người thì có nên thân nên hình gì đâu. Bất
quá như mới biết múa quọt quẹt trước thầy võ vậy thôi. Đi xa mới biết trời cao
đất rộng. Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị.
Hò ơ...
Lên xe (mà) nhường chỗ bạn ngồi, nhường nơi (mà) bạn dựa, hò ơ... nhường lời
(mà) bạn phân...
Hò ơ... Anh đây cũng muốn (mà) kết nghĩa giao ân
Hò ờ... Anh không phải là thằng Bùi Kiệm, sao chín mười phần (mà) bạn lại ngại
nghi...
Lành
đã hiểu, họ hò giao tình, buông ong thả lá, giả đò như họ không đi chung ghe,
giả đò như không quen biết. Cũng vui. Họ mở thắt bằng ý thơ Vân Tiên. Để coi đi
xa tới đâu.
Người
con gái bắt quàng thiệt đẹp. Vừa dẫn sách, vừa nói chí mình.
Hò ơ...
Thể Loan là đứa vô nghì….
khinh bần phụ khó, (hò ơ...)
người đời (mà) được mấy kẻ ưa...
Như
vậy là quá rõ, còn đánh tiếng mình đã có nơi. Mọi chuyện đổi thay đều không hợp
với luân thường đạo lý. Thường mở đầu cách nầy khó cho phe nam. Cánh cửa đã
đóng, ván đã đóng thuyền.
Nhưng
giọng nam vẫn cất lên vừa tha thiết dụ dỗ, vừa khinh thường ngạo mạn:
Em ơi, gái
kiếm chồng nơi giàu sang nương dựa, đặng sáng với chiều lên ngựa xuống xe, đừng
lấy thằng ghe chài, sáng ngồi lườn tối nằm be, để thân con gái má phấn không kẻ
chở che, uổng đời...
Hai
người bạn ghe cười với nhau. Tụi nó xách mé mình rõ ràng. Có chọc ghẹo ai đâu?
Nói gì thì nói, sao mạt sát ghe chài. Tức quá. Phải mình biết hò! Họ ngó Lành
như hỏi ý, như cầu hiền. Lành bối rối. Lên tiếng hay không? Mẹ dạy con gái phải
ít ăn ít nói. Miệng bằng tay, tay bằng miệng đâu tốt lành gì. Thôi nhắm mắt bịt
tai, ngày mai tới chỗ. Cuộc đời mới trước mặt đáng lo hơn. Vui gì mà hát với
hò. Quan trọng gì mà tranh hơn thua lời ăn tiếng nói.
Xa
trong đêm vắng, tiếng người con gái cất lên buộc tội:
Chuyện nợ
duyên ông Tơ bà Nguyệt định bởi Trời
Anh ơi đừng giở thói bốc rời, ví như thằng Bùi Kiệm để tiếng đời hậu lai...
Rồi
bắt qua giọng khác:
Lọng che sương
dầu sườn cũng lọng, ô bịt vàng dầu trọng cũng ô. Trai như anh mù văn dốt võ,
gái như em vẽ phượng thêu rồng, phải chi anh là con trai của Lục Ông thì em
gắng công chờ đợi chứ lấy chồng làm chi...
Lành
cười. Hay quá. Câu trả lời gián tiếp. Đáng đời. Ai biểu chọc gái. Bây giờ có
nhiều chuyện không biết đâu mà nói. Lắm kẻ tình tào khang tấm mẳn bỏ lửng để
vui với bọn hương chủ, hương kiểm, hương tuần dốt nát. Nhiều người bấm bụng
trao duyên cùng người mình khinh bỉ, hy vọng gỡ rối cho gia đình. Chuyện đó
thiếu gì. Mấy tiếng “Theo nghĩa quân chống lại Đại Pháp” như lưỡi gươm
kề cổ ai ai cũng sợ. Mấy tiếng “tàn dư ngụy đảng, tay chưn bộ hạ cựu trào” như
một thứ thuốc nổ làm bay cửa bay nhà. Bọn hương chức hội tề được dịp là làm tới
có thương ai, có xúc động vì ai bao giờ. Chúng rải cùng đường một lũ chó săn
rình mò, nay phao vu đặt rượu lậu, mốt tố cáo bán sớt lúa trốn thuế. Đẩy xô đàn
ông vào tù ngục để giở thói bóc rời đàn bà. Chúng ví như thằng Bùi Kiệm để
tiếng đời hậu lai, lềnh khênh trong làng, trong xóm, khen Đại Pháp anh hùng
không ngượng miệng, hoan hô Pháp Lang Sa vĩ đại không tiếc lời. Chúng
sung sướng được làm chim cú nhưng muốn đậu cành mai, hãnh diện làm khỉ rừng
xanh, nhưng trong bụng muốn vin cành quế. Quên câu dầu sườn cũng lọng dầu
trọng cũng ô. Phận mình ra đi một phần cũng vì lẽ đó. Chúng lấp ló ngoài
ngõ, rồi sẽ bước vô nhà. Ở xứ văn minh nầy thì khỏi đi, thiếu gì người tài!
Lành cười mắc cỡ với mình. Nếu có gì, mình sẽ tự nguyện như Nguyệt Nga, ôm bức
tượng đợi chờ dầu da nhăn, má hóp, dầu chân run, tóc bạc cũng được. Đời người
mấy ai được gặp Vân Tiên, đâu phải ai ai cũng có thể thủ tiết như nàng Nguyệt
Nga? Duyên may một đời người chưa dễ gặp...
Trên
sông đêm, tiếng hò vẫn tiếp tục, đang biến dạng tới một hình thức cao hơn, gần
với bản vọng cổ hoài lang điệu Bạc Liêu...
Bớ em ơi,
em đừng thấy ăn bận quần dài áo rộng, gấm nhiễu, khăn điều, lược đồi mồi giắt
tóc, giầy da bóng chưn mang, em kiến là người quân tử. Em đừng thấy ăn bận quần
rách áo rưới, vải thô vải đũi nón nỉ lủng đội đầu, chân trần sình đất, em chê
là kẻ tiểu nhơn. Chớ em không quên chuyện Thạch Sanh đóng khố gẩy đờn, bắt con
chim đại bàng cứu nàng công chúa, về sau có ai hơn được chàng...
Bớ em ơi,
em đừng học thói Thể Loan, ham nơi vinh hiển, bỏ đàng (đã) hứa duyên. Em ơi
cũng đừng học thói Điêu Thuyền, sớm mơi ôm Lữ Bố, chiều về tựa kề người nó gọi
bằng cha, em hãy ở sao như Kiều Nguyệt Nga, giữ niềm chung thủy sang qua kết
nguyền, về sau gặp lại Vân Tiên...
Lành
chập chờn trong giấc ngủ giữa tư bề sao rơi, bên tai văng vẳng câu hò trộn với
những câu thơ Vân Tiên vẫn thường nghe hồi thuở nào xa xăm lắm. Trong giấc mơ,
Lành sung sướng mỉm cười với hình ảnh Vân Tiên đầu đội kim khôi, tay cầm
thương bạc, mình ngồi ngựa ô lẫn lộn với một tình cảm thẹn thùng bỡ ngỡ của
bước đầu gặp người tình, khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là
phận trai...
Nước
sông vẫn chảy lững lờ, chiếc ghe cui xa dần khoảng cách, trong đêm vắng mơ hồ
đâu đó có tiếng người chùi xuống nước. Nhẹ nhàng, thiệt nhẹ nhàng...
Mấy
ngày giáp Tết như một đám tang trong lòng Lành. Bộ mặt âm u của ông bà chủ làm
áy náy mọi người. Tiếng hò được trả bằng giá cắt cổ mổ họng thắt hầu bao. Tiếng
hò đu đẩy mọi người vào cảnh phiêu bồng dọn đường cho bọn bối. Gói quần áo bay
bổng theo hình ảnh Vân Tiên. Cái ô nữ trang, tiền bạc của chủ ghe mất hút theo những
lời lý hò huê tình ngọt lịm. Mình khổ đã đành, vì quá thờ ơ, vì không đoán
trước được chuyện xảy ra. Dân chúng nghèo khổ vì sưu thuế, phải bóc lột nhau để
sống. Làm gì có chuyện hát hò suông được. Họ bê bối để sinh tồn, thông minh vặt
để khỏi bị hủy diệt. Mấy năm trước đâu có cảnh nầy. Thiên hạ hiếu khách, thích
mời mọc đưa đón chiêu đãi người phương xa. Nhưng sự mất mát của vợ chồng người
chủ ghe bị hiểu như một sự xui xẻo do mình mang tới. Người ta không chịu nhìn
thực tế vì đâu có bối. Người ta cằn nhằn những người gần gũi. Trông mong tìm
gặp bà con để rời khỏi chỗ nầy. Nếu hình ảnh cha mình không quá lớn trong lòng
họ thì chắc mình đã cù bơ cù bất, lang thang đầu đường xó chợ rồi. Biết chuyện
gì đã xảy ra. Rồi chuyện cái kiềng vàng nữa. Tên anh chị ở Cầu Ông Lãnh đã giựt
ngay trên cổ mình mấy ngày trước làm mình thiếu điều muốn lọi cần cổ. Nếu không
nhờ anh Nam. Phải anh Nam không? Lúc đó mình vừa mừng vừa sợ, nghe được tiếng
được tiếng mất, không biết trúng tên không – bắt thằng đó phải trả lại ngay
chiều hôm đó, bây giờ mình không còn đồng xu dính túi. Người sao vô tình thi
ơn bất cầu báo. Từ đó tới nay cả tuần mà cũng không lảng vảng đâu đây để
mình nói một tiếng cám ơn. Mình còn ở đây có bao lâu nữa đâu? Rồi chân trời góc
biển, biết đời đưa đẩy đi đâu!
Lành
bỗng nhiên ngượng nghịu ngó xuống hàng nút bóp của cái áo bà ba mới hồ dương
giấy hiệu Nhảy Đầm hồi hôm qua. Mình phải lòng rồi. Nhớ nhung, trau chuốt.
Nguyệt Nga đã gặp Vân Tiên. Nhưng mà kết tuồng có chăng như ý? Ngó lên bờ, mọi
người như đã rút hết vô nhà để sửa soạn cúng ông bà, chờ giờ tốt xuất hành đón
Xuân hái lộc. Từng đống dưa hấu tràn đường, cao nghều nghệu như núi, mấy trăm
cần xé cam quít, cả dọc ghe chuối, cả đoàn ghe hàng bông mấy bữa trước, tưởng
chừng không thể nào tiêu thụ hết, bây giờ chỉ còn trơ trọi mấy đống rác rến
ngút ngàn. Bữa tiệc thịnh soạn cho bầy ruồi xanh vu vu khó chịu. Như bãi chiến
trường sau cơn giặc và chiến sĩ không may của cả hai phe... Lành nao nao với sự
so sánh bi quan vừa hiện ra trong trí. Có lẽ mình chịu ảnh hưởng của cuộc hành
trình vừa qua. Có sóng gió, có trộm cắp, có hình ảnh Nguyệt Nga tự trầm. Không
nên. Có gì đâu? Còn mớ quần áo đã mất? Người còn thì của cũng còn. Mấy
bộ đồ vạt bỏ của bà chủ cũng tạm đỡ mấy ngày
Xuân. Tìm được nhà bà con rồi thì mọi chuyện sẽ đương nhiên giải quyết. Bữa nay
mồng một Tết mình cú xụ nữa thì sanh giặc.
Lành
sửa soạn cái cười thiệt tươi chào hai vợ chồng khi họ từ tấm bửng sửa soạn bước
lên ghe sau khi đi xin xâm về. Người đàn bà tươi cười nói với Lành, chỉ về phía
chỗ đoàn múa lân đương tụ tập, chỗ có tấm bia ông cọp trước đình Cầu Muối.
“Lành,
em lên bờ coi lân Sài Gòn kìa. Vui lắm, mấy thuở lên đây gặp dịp Tết...”
Rồi
như đoán trước được lòng Lành, bà ta nói thêm:
“Ối,
hơi sức đâu mà buồn. Chuyện năm cũ hao tài khỏi tán mạng, nó lấy gói quần áo
của em, như gánh cái xui xẻo của em. Sang năm mới sẽ khá hơn. Coi lân đi. Để
ghe cộ đó dì coi cho. Ngày tư ngày Tết mà. Nếu có thì giờ ghé chùa Bà xin lá
xâm đầu năm. Bà linh lắm. Đi dọc theo mé sông tới đầu chỗ đường Bồ Rệt thì thấy
liền...”
Để
vui lòng người, Lành dạ dạ rồi bước lên tấm bửng lên bờ, nhập vào đám đông đang
bắt đầu lũ lượt. Từ xa nhạc trống lân dồn dập, tiếng trống tùng tùng, tùng cắc
có sức hấp dẫn kỳ diệu. Lành nhập vào đoàn người thưởng ngoạn hồi nào hổng hay.
Giữa vòng khán giả, đoàn người múa lân ăn bận quần áo võ sĩ gọn ghẽ tề chỉnh
giống như tấm hình vẽ trên tờ giấy bản mục nát, mối ăn lỗ chỗ được cuộn tròn
nhét phía sau trang thờ mà Lành thường được coi trong mấy ngày giỗ lớn của gia
đình. Lành nao nức và tự thấy mình lạ lùng. Họ múa lân, họ đánh võ, họ biểu
diễn thương, đao; chuyện nầy thường quá, có gì đâu? Mọi năm đoàn lân Phụng Hiệp
bắt đầu múa riết từ xế chiều ba mươi tới hết ngày mùng năm, coi đà mãn nhãn
rồi. Nhưng lân Lục Tỉnh quê mùa rẫy bái thế nào cũng thua lân chợ, chánh cống
Sài Gòn. Quần áo bình thường bà ba vải ú đen, chưn quen đạp sình đất, nứt nẻ,
múa hay thì có hay đó nhưng mà thấy nó kỳ kỳ. Quần áo của đoàn lân nầy xao
xuyến lòng Lành. Ống quần cột túm bằng dây cao su ràng rịt lên tới ống quyển.
Áo chẽn, thắt đằng chỗ bụng, có vẽ cái đầu lân đỏ chói phía sau lưng. Nón lá
nhỏ vành, sơn đỏ, trên chóp có đính một cái ngù nhọn lễu. Giống hệt như chú
lính thú ngày xưa trên Cao Man, Cần Giọt, chỉ có điều họ không có đầu tóc. Họ
cũng không để râu. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để kỷ niệm hồi còn nhỏ hiện về.
Cặp mắt thành kính, mấy ngón tay run run trân trọng của tía trước mấy cây bạch
lạp lung linh, khi vuốt tấm hình:
“Ông
con đó. Người lãnh chức Cai Đội trong đoàn nghĩa quân của Trương Công, chịu
trách nhiệm từ bờ sông bên nầy Cần Giuộc tới cửa Gò Công, ra mút tới mấy Hòn
Đất, Hòn Cu ngoài biển. Sau nầy, Trương Công bị phản, quy thần, nghĩa quân tan
nát. Người dắt dìu tía về đây, giờ thì mọi sự đổi thay, cơ trời chuyển dịch,
lòng người ly tán. Tía chỉ mong giữ gìn tiết tháo, hốt thuốc giúp đời, đợi ngày
theo ông bà. Chuyện đội đá vá trời để nhường lại người tài đức. Tía hee16t
thời rồi...”
Cặp
mắt tía long lanh, mơ màng. Chút hãnh diện về dòng dõi lâu lâu mới được nhắc
tới pha với sự an phận thủ thường của một cuộc sống tránh né lâu ngày chầy
tháng thấp thoáng trong ánh mắt nhìn mông lung đó. Hai tía con ngồi ngó ra cửa
hèn lâu, mọi người theo dòng suy gẫm của riêng mình...
Trời
càng xế trưa, càng nhiều người túa ra từ mấy căn nhà xa xa trong xóm, theo
tiếng trống thúc giục. Con lân có hàm râu bạc dài ngót gang tay đang quay bên nầy,
nghinh bên kia chờn vờn như hí cầu, múa sừng như tranh châu trước căn nhà có
treo tiền. Cặp mắt lồi nhúc nhích, trợn dọc trợn ngang. Cái miệng lớn tổ chảng
hoác ra quặp lại như sẵn sàng nuốt trọng ai đó trong đám người bu quanh. Cái
sừng chiết đen thui, cong queo, mỗi lần chồm tới như muốn rạch bụng người coi.
Ghê thiệt. Nghề nầy mình đâu có phải tay mơ. Múa đầu lân bằng hai tay đã đành
mà múa luôn hai cẳng với những cái đá, cái co chưn, cái thủ bộ lẹ làng gọn ghẽ,
dòm sơ qua cũng biết tay nghề. Mười mấy phong pháo nối với nhau rũ từ mái nhà
xuống gần sát đất, được châm ngòi. Tiếng nổ lốp bốp đùng đùng làm tai ai tai
nấy đều kêu vo vo. Con lân, lạy thụt lùi ba lạy trước ngạch cửa. Nó ngước lên
ngó cái cờ đỏ thêu mấy chữ vàng “Cầu Ông Lãnh Hoa Việt Thanh Niên Lân Hội” lòng
thòng mấy cây cải “xà lách” và một dọc giấy “ngẩu” mới tinh được
treo chót vót trên nóc nhà rồi múa loạn xạ như giận dữ. Những tiếng chắc lưỡi
hít hà nổi lên đây đó. Đã thiệt. Nặng bộn chớ bộ chơi đa. Múa coi nhẹ hổng, như
Hạng Võ cử đỉnh. Cả giờ rồi coi bộ có thấm thía gì đâu.
Một
nhúm năm người lo dựng lên một cây tre tầm vong già, bự bằng bắp tay, cao nghều
nghệu. Họ lấy thế kềm cứng vây tre. Con lân múa một vòng, ngó lên, ngó xuống
như ước lượng trước khi leo. Trò nầy Lành đã được coi một lần ở chợ Cần Thơ lúc
nhỏ. Người múa lân máng cái đầu lân vô một cánh tay, leo lên cây tre thẳng tắp,
trơn lu. Tuốt trên chót vót có xỏ ngang một thanh tre nhỏ, anh ta sẽ nhào lộn
trên đó, trong tiếng trống. Chòm râu trắng phất phơ theo chiều gió, oai phong
lẫm liệt như lão tướng xung trận. Thình lình tiếng trống gò lại nhỏ hơn, rời
rạc hơn, con lân bỗng nhẩy phóc đứng trên một cái ghế đẩu múa may một đổi rồi
đưa ra một chưn thẳng tắp. Từ trong đám võ sĩ đứng đàng sau, một con lân râu
muối tiêu nhỏ thó, mặt mày cũng vằn vện vậy, nhưng có vẻ nhu mì hơn, chầm chậm
bước ra. Cách đi đứng múa may, chờn vờn cũng nhẹ nhàng phong nhã, phiêu hốt. Nó
lạy con lân râu bạc ba lạy rồi chun qua dưới chưn chầm chậm, khép nép như sợ
sệt. Lành ngạc nhiên. Thói thường chỉ có lân lạ mới lạy chạy mặt nhau thôi. Còn
đây hai con lân cùng đoàn mà. Họ làm ăn cái gì kỳ cục vậy?
Có
tiếng oang oang của một người muốn cho thiên hạ biết mình ta đây thông thạo:
“Lân
Cầu Muối lạy tôn lân Cầu Ông Lãnh làm đại ca đó. Nó chịu nhục lòn trôn giữa
chợ. Như Hàn Tín lúc thất thời. Tám năm rồi, năm nào nó cũng phải làm cái mửng nầy.
Có năm còn bị phun nước miếng lên sừng. Có năm bị giựt râu...”
Người
khác kể rành rọt lớp lang ý chừng là dân cố cựu, nhau rún ở đây:
“Từ
hồi có trận chém lộn ở xóm họ đạo Chợ Đũi gần chỗ mả của Á Thánh Gẫm vì chuyện
giành múa cho nhà thông gia của Bá hộ Xường, Sáu Tiết, anh chị của lân Cầu
Muối, bị chém chết, đoàn lân rã đám. Nhưng Út Hồng, anh chị bự của lân Cầu Ông
Lãnh, cứ cho làm chuyện kỳ cục nầy hoài. Mỗi lần coi là mỗi lần tức muốn bể
bụng, nhứt là nhà mình ở xóm Cầu Muối. Tuy hổng ăn nhập gì tới mình, nhưng mà
khó chịu...”
“Anh
biết tại sao không? Út Hồng thấy một vùng nhỏ híu bằng bụm tay mà có hai anh
hùng. Như nước có hai vua vậy mà... Làm sao anh ta chịu được nên bắt tay với
đám “mã thầu dậu” ở Chợ Lớn, đám Tây u xếp tụi bồi bếp ở Bồn Kèn lừa dịp
chém lén Sáu Tiết trong khi hai đàng đã hứa với nhau là bất tương xâm, chỗ ai
nấy ở, đường ai nấy đi...”
Ngừng
một lúc như để lấy hơi, ông ta nói thêm, có dây có nhợ:
“Tội
nghiệp đám em út, lớp bị mua chuộc, lớp giải nghệ, tứ tán hết. Đã vậy mà Út
Hồng còn chưa bằng bụng nên diễn tích nầy để làm nhục mấy tay anh chị còn sót
lại của lân Cầu Muối chơi. Thêm nữa, để dằn mặt mấy người muốn làm sống lại
đoàn lân cũ. Bây giờ họ một mình một chợ, muốn làm mưa làm gió gì hổng được? Ai
vô đó mà cản họ? Nhưng mà... làm vừa vừa chứ. Làm quá ai mà nhịn...”
Lành
nghe hết câu chuyện. Cô lắc đầu. Thiệt hết chỗ nói. Chết rồi mà cũng không yên.
Người ta giải tán rồi còn kéo ra làm xấu làm hổ. Vậy cũng mang tiếng anh chị
một khúc sông, một bến chợ. Người theo mình trùng trùng điệp điệp đâu cũng ngót
nghét cả trăm có ai tranh cãi gì đâu? Làm chi chuyện thù vơ oán chạ. Nhẹ thể mà
thêm mất lòng mất bề?
Tiếng
trống vẫn tiếp tục nhẹ nhàng, lơi nhịp. Con lân râu muối tiêu vẫn kiên nhẫn lòn
tới lòn lui dưới chưn con lân râu bạc vênh vang. Những giọng cười thinh thích
hăng hắc chen giữa những cái nhăn mặt xốn xang trong đoàn võ sĩ. Một vài tên
anh chị đâu đây xì xào mấy tiếng chửi thề bất bằng “đ. họ” và những cái
háy nguýt nháng lửa. Không khí căng thẳng như bữa dàn trận chém lộn hồi năm
ngoái ở Lăng Tô giữa đám anh chị bên Khánh Hội với mấy tay tổ xóm Cầu Kiệu mà
Tây Tà phải trầy vi tróc vẩy mới giải tán được...
Nghe
chuyện, mình là đàn bà con gái mà cũng giận tím gan, cũng bứt rứt khó chịu. Như
bến mình đậu ghe thiếu mặt anh hùng. Như đã lầm trao thân gởi phận nhằm anh
chồng bị thịt, giá áo túi cơm...
Nhưng
Lành không phải bực bội gì lâu. Chuyện tức nước bể bờ trước sau phải có... Con
chó dồn nó vô chưn tường nó còn quay lại cắn, huống chi người. Một tiếng hét
muốn bể lỗ nhĩ từ trong đám võ sĩ rồi một người hai tay cầm hai thanh mã tấu bự
bản, đưa thẳng lên trời nói trong nước mắt:
“Đại
ca ơi... Em chết bữa nay. Em chịu hết nổi rồi. Tụi nó làm ô nhục mình quá. Em
chết thiệt đẹp, thiệt ngọt để rửa nhục cho anh em mình nè đại ca...”
Anh
ta hươi đôi mã tấu sáng loáng a thần phù vô chém con lân Cầu Ông Lãnh. Anh
chàng múa lân hết hồn lật đật đưa đầu lân ra đỡ. Hai thanh mã tấu phụp xuống
ngọt như thể lướt qua thân cây chuối non. Cái đầu lân bị xả làm ba miếng lủng
lẳng trên nan tre. Một tiếng ra lệnh bằng giọng Việt Nam trại trại nhưng sắc
như dao thét lên từ đám người bận đồ xá xẩu đứng lu bu chỗ ông địa làm trò.
“Chém
nó. Chém chết cha nó đi, thằng phá đám, thằng phản thùng..”
Đoàn
người đi chợ Tết coi lân kinh hoàng chạy túa như ong bể ổ. Tiếng hét, tiếng la,
tiếng dao chặt vô thịt, tiếng người ngã, cả thảy hợp thành một âm thanh khiếp
đảm, chết chóc như trận giặc chòm. Lành bụm mặt chạy thục mạng để khỏi phải
thấy loạn đao trên thân thể một người. Trong cơn hoảng hốt bất chợt Lành mơ hồ
thấy người anh chị yên hùng đó có gương mặt phảng phất anh Nam...
Ngày
Tết qua lâu như cả chục năm dài. Câu chuyện thằng Nam Cầu Muối chém lân Cầu Ông
Lãnh để chịu chết chuyền từ miệng người nầy sang người khác. Nhiều người thán
phục, lắm kẻ chê bai, ai cũng có lý riêng: Anh hùng! Xuẩn động! Nhưng ai cũng
là người đứng ngoài. Bàng quan mạnh miệng. Riêng Lành đau thấu tim gan. Người
chết xuất hiện trong đời một lần thôi, nhưng như từng nối kết thân thuộc từ
muôn trùng thời gian của thời Bàn Cổ. Việc ghi ơn giờ đây trở thành nhỏ nhoi so
với hành động yên hùng. Câu nói, chết để rửa nhục cho anh em nhảy múa trong đầu
Lành khi ăn khi ngủ, vang dội trong trí lúc đi chợ, nấu cơm. Nó kéo hồn Lành ra
khỏi thân xác, nhập vô cảnh giới nào đó mù xa trên chín từng trời. Nó giở hổng
Lành lên khỏi mặt đất, lửng lơ, tách khỏi thế giới trần tục bợn nhơ. Lành trở
thành xa vắng trong khi có mặt, ngủ say trong khi đi đứng bình thường.
Nhiều
lần bà chủ ghe liếc Lành chắc lưỡi nói với chồng:
“Tội
nghiệp. Con nhỏ sao mà như mất hồn. Nó lơ ngơ láo ngáo cả ngày. Điệu nầy làm
sao nó kiếm cho được nhà bà con. Hổng biết rồi mình giải quyết làm sao. Bỏ
thì thương, vương thì tội...”
Lành
bắt gặp tiếng thở dài chấm câu sau câu nói. Tiếng thở dài thương hại đặc biệt
đàn bà. Lành nghĩ mau về Nam. Về Vân Tiên. Về Nguyệt Nga. Về trường hợp mình.
Sao lại tự nối kết đời mình với một người chưa chắc đã biết tên mình, chưa tỏ
một chút gì tình ý, hơn nữa đã chết rồi. Chắc mình bị oan hồn xui ghẹo. Hồn người
chết đâm chết chém vất vưởng không siêu độ được phải tìm chỗ nào đó tạm trú.
Làm cô hồn. Làm một thứ ma đưa lối quỷ đưa đường. Phải đi ra chỗ Một Hình van
vái mới được. Mình thề sẽ thương yêu kính mến anh ấy trọn đời và cầu vong hồn
anh được siêu độ. Vừa thề vừa vái. Một công hai ba chuyện.
Bộ
đồ bà ba cổ bà lai bà chủ cho hôm Tết được lấy ra bận. Cái áo hơi rộng,
nhưng coi bộ còn tốt, cái quần thì vừa
vặn. Lành vắt ngang cái khăn rằn quanh cổ, buông lòng thòng hai đầu xuống, đong
đưa trước ngực, xăm xoi ngó vô kiếng, mỉn cười với mình, rồi đon đả lên bờ.
Trời xê xế, đèn đường bắt đầu được thắp lên.
Trên đường Lò Heo, mấy con heo bị dồn trên xe cá chở vô lò kêu eng éc buồn thảm
đến nhức đầu. Phía gần Đường Giữa chỗ hẻm nhỏ nối với đường Boresse, xóm Lồng
Đèn Kỹ Nữ, đã bắt đầu thắp sáng đỏ xanh. Lành bước mau, đỏ mắt vì mấy cái nhìn
sàm sỡ của khách tìm hoa. Mấy cái xe kiếng lộp bộp móng ngựa trên đường chen
với tiếng ken két ê răng của niền bánh nghiến trên mặt đường đá. Từ xa, xe lửa
điển Sài Gòn – Chợ Lớn xẹt lửa trên nóc, in một đóm lửa tua tủa ra như pháo
bông trong đêm càng lúc càng rõ, tới gần, qua mặt Lành rồi ngưng ở nhà ga
Cuniac. Lành vui vui với xứ văn minh về đêm. Đèn đuốc sáng trưng, người ta đi
lại dập dìu. Chẳng bù với xứ khỉ ho cò gáy quê mình, mới sụp mặt trời ai ở nhà
nấy, buồn thỉu, buồn thiu …
Từ
Một Hình, Lành thả dài theo bờ sông, về lại ghe, kiểng nhà thờ Nhà Nước rềnh
rang đổ tám giờ. Nam thanh nữ tú dập dìu chỗ vườn bông Đô Đốc.
Mấy
thầy thông thầy ký mang giầy “ăn phón” da bóng ướt sức giở lên làm kiếng
soi mặt nhổ râu được, áo bành tô vải ka ki bốn túi, đầu chải bảy ba, cặp tay
mấy cô tân thời, đầu tóc lòng thòng khỏi vai, có cái đuôi bánh lái, coi thiên
hạ bằng nửa con mắt. Thấy xốn xang cách gì!
Đánh
đôi đánh đọ cũng
có khi có thì, có nơi có chốn, sao lại đem ra chỗ thập mục sở thị. Mấy
ông mấy ngài còn theo nếp xưa, áo dài nhiễu đại đóa dài tới gối, quần the rộng
ống, chân mang giày Canavaggio, đội nón cối trắng, râu ngạnh trê vuốt sáp nhọn
lễu, đề huề dạo với vợ con, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ từ tốn. Mấy thầy chú ngó
Lành lườm lườm như ngạc nhiên, như muốn nuốt sống. Con gái sao một mình lang
thang chỗ nầy. Lăng Tô là chỗ của những cặp tình nhân, những người có gia đình.
Lành thẹn thùng ngó xuống đất, rảo bước thẳng. Xứ gì kỳ cục, đàn ông, đàn bà
cặp kè. Cột cờ Thủ Ngữ cao nghệu, Tây Tà rượu chè ồn ào thấy sợ. Phía cầu Quây,
khúc giữa giòng sông đương được quây xuôi theo dòng nước nhường chỗ cho tàu đò
chạy qua. Mấy người đi chơi đứng hai bên cái cầu thiếu đó cười cười nói nói, chỉ
chỏ vui vẻ. Chuyện lạ lùng. Chừng nào về quê phải kể cho má nghe mới được. Cầu
Quây đương là cầu biến thành khúc sông.
Từ bến Khánh Hội, mấy tay anh chị bến tàu thả xe đạp Alcyon trắng nõn qua dốc
cầu Móng dài dằng dặc. Coi vui vui.
Tiếng
người nào đó bên tai Lành nhột nhột khi Lành qua chỗ nhà băng xây bằng đá cao
nghều nghệu. ‘Xin lỗi cô Hai... dám nào cô dừng chân cho hỏi...’ Mắc cở
đỏ mặt. Lành ngúng nguẩy bỏ đi. Chuyện chưa có gì hết nhưng mà thấy có tang
lòng. Mấy lời van vái trước ông Một Hình làm mình nhẹ nhõm hơn. Bây giờ trên
tinh thần mình thuộc về hương hồn anh ấy. Phải xứng đáng với người chết anh
hùng. Chết rửa nhục. Chết để khỏi cúi gầm mặt cho chúng bôi tro trét trấu.
Thiệt thòi phận gái một chút cũng không sao. Thiên hạ có ai xứng đáng hơn đâu.
Cuộc đời lạ lùng. Câu hò trên sông của tụi bối Ba Cụm ứng như lời thầy bói
linh. Rồi đây cuộc đời mình tuy buồn thiệt nhưng đẹp, thơm như hoa dạ lý tỏa
hương, như tiểu thơ họ Kiều kia thề không để tiếng chê cười, như người bội bạc:
Dầu ai
buông tiếng ngọc
dầu ai đọc lời vàng
bông sen hết nhụy bông sen tàn
em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga....
chẳng thà em chịu đói, chịu rách theo cách bà Mạnh, bà Khương…...
chớ không như Võ Hậu đời Đường làm cho bại hoại cang thường nhơ danh,
chẳng thà nghèo khó ở túp lều tranh
chớ không đành bội nghĩa như cha con Võ Công tham tài...
Anh
Nam đã thắp một ngọn đèn cho bạn hữu để họ thấy cái nhục. Rồi sẽ có những ngọn
đèn khác. Rồi sẽ có người nhờ yến sáng đó mà mở mắt ra. Rồi những người trai
trẻ đang rèn tập võ nghệ mỗi chiều ở đường Lò Heo sẽ thấy lại được cái nghĩa
sống. Mình có đớn đau trong dạ cũng có nhằm nhò gì đâu đối với cái chết của
người anh hùng. Lành nói với mình chắc như đinh đóng cột: “Mình sẽ thủ tiết.
Phải thủ tiết. Có gió đông hung mới biết tùng bá cứng, có ngọn lửa hồng mới
biết thức vàng cao. Mình sẽ ở vậy. Hay ít ra chờ đến khi gặp được một anh
Nam khác.” Nụ cười sung sướng nở trên môi Lành. Bên kia sông mấy ngọn đèn lù mù
trước mặt Sở Nhà Rồng bỗng nhiên sáng rực như nhà đèn Chợ Quán vừa đổ thêm than
vô lò. Lành bước mau về phía Cầu Chong. Gần tới chỗ ghe đậu rồi. Phải thắp cho
anh ấy mấy cọng nhang. Gió sông Quai de Belgique thổi lên phơi phới, mát rượi. Khỏi chỗ ga Cuniac, nơi Bồng Kèn ban nhạc kèn đồng vẫn say sưa biểu
diễn, âm thanh xập xình vang dội xuống mé sông làm bập bềnh mấy chiếc ghe
thương hồ đương triền miên trong giấc ngủ. Lành mỉm cười, bước mau, trong trí
vang dội mấy câu thơ Vân Tiên vừa chợt hiện:
Trai thời
trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình...
NGUYỄN VĂN
SÂM
San
Marcos, Texas tháng 9/83
(Trích trogn tập truyện Câu Hò Vân Tiên, nxb Gió Việt, TX, 1965