Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

47 . HOÀNG KIM OANH Lắng nghe tình nhau qua dặm dài đất nước

Internet

 Huế Sài Gòn Hà Nội Quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế Sài Gòn Hà Nội bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau… *

1.   Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Thạnh Mỹ Tây - Gia Định, nơi có con rạch Thị Nghè hơn 9 km uốn quanh quanh hai đầu Đông -Tây thành phố :“Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải. Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai.” (Phú Gia Định), và dường như cả thiếu thời của tôi chỉ quẩn quanh ở thành phố này. Ngoài những mùa hè, ba má tôi cho cả nhà đi Bà Rịa-Vũng Tàu nghỉ mát tắm biển, hay xuống Cần Thơ thăm người bác-anh em kết nghĩa của ba tôi và một lần hè 1973 dì dượng tôi đưa lên Đà Lạt chơi…hầu như tôi chẳng được đi đâu xa. Chiến sự lan tràn khiến tỉnh thành nào cũng bất an. Ba tôi làm chuyên viên của Đài Vô tuyến điện, thuộc Sở Bưu điện Saigon thường đi công tác các tỉnh thành khắp Nam phần, nhiều lần kể các tỉnh lộ bị đắp mô, có khi cả ngày công binh mới giải toả giao thông được, chưa kể những lần quốc lộ 1A bị giật mìn, tắc nghẽn, mắc kẹt ở tỉnh không thể quay về theo lịch trình… Cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh con đường từ nhà đến lớp thầy giáo làng Ngọc Anh cách nhà 30 bước chân, rồi trường tiểu học tư thục Bạch Đằng đầu ngõ Long Vân Tự hơn 500 mét tôi và thằng Toàn vẫn dành nhau ôm tập vở đến tận nhà cho cô giáo mỗi buổi tan học về. Lớn hơn, 4 năm đệ nhất cấp tôi vào trường Thánh Mẫu Gia Định, ba tôi đưa đón. Đến lớp đệ ngũ, đệ tứ tôi có thể đi bộ đến trường cùng các bạn trong xóm hoặc gần nhà nếu ba tôi đi công tác. Lớn hơn chút nữa, vào đệ nhị cấp ở trường nữ trung học Trưng Vuơng, tôi được đi xe đạp, rồi xe PC đưa em đi học cùng đường ở tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tóm lại, thế giới thời mới lớn của tôi chỉ quanh quẩn hai cây cầu Bà Chiểu và Thị Nghè và cái xóm Long Vân Tự một thời ngầm nổi danh là cứ địa của các tay anh chị anh hùng hảo hớn mà kẻ lạ nào lạc bước cũng phải chùn chân e ngại.

 Khát khao lớn nhất của tôi vẫn là thế giới rộng lớn vượt ngoài ranh giới địa lý thành phố này qua những câu chuyện kể và những món quà đặc sản địa phương ba tôi mang về từ các vùng miền ông đã đi qua: Huế, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long… Đặc biệt là những câu chuyện kể đêm đêm trong nỗi nhớ quê không dứt của ba tôi về cái làng Lường, Tân Sơn, Hưng Hà nơi ông đã sinh ra và ra đi biền biệt từ năm 17 tuổi trong một chuyến vào Nam những ngày “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tôi mơ màng tưởng tượng những cánh đồng lúa vàng ngày mưa ngày nắng, những gốc nhãn, gốc mít, cây cam cây bưởi quanh sân nhà ông bà… Tuởng tượng ngôi đình làng ngay đầu ngõ nhà ông bà nội có ông Thần Hoàng linh thiêng, dân làng dâng lễ rước kiệu đưa về ngôi đình khang trang mới xây, nhưng đến ngõ nhà ông bà tôi, Thần Hoàng nhất định không đi, kiệu nặng trịch không sao di chuyển, các vị chức sắc cho rằng Ngài đã chọn cuộc đất này nên hạ kiệu, cùng dân làng xin được an vị theo ý Ngài. Ông bà nội tôi cũng vui mừng hiến tặng phần đất nhà để làm đình làng thôn Lường hiển linh cho đến ngày nay. Hay ấn tượng vui nhất là chuyện cây đa đầu làng, nơi dân làng đồn đại ai đi đêm về thế nào cũng gặp ma. Bà nội tôi rình quyết bắt ma, thấy có luồng gió lạnh, bà chém mạnh cây dao vào thân cây, rút ra không được, la ầm lên “mày giữ dao tao hả? mày giữ dao tao hả?”... Dân làng đốt đuốc kéo đến, hoá ra chẳng có con ma nào, bà chém mạnh quá…dao cắm phập vào thân cây, không rút ra được. Còn nữa…còn nữa… những câu chuyện đêm đêm của ba tôi, thôi thúc một khao khát trong tôi về những miền đất lạ, về những biển những rừng, về một làng quê sông dài cây xanh luá mượt yên bình chim hót thơ mộng được gọi là quê nhà trong tâm hồn một đứa trẻ thành phố như tôi đêm đêm đại bác vọng về, mở mắt ra chỉ có tiếng xe lam, xe nhà binh và những phố chợ náo nhiệt thường ngày inh ỏi…

 Huế Sài Gòn Hà Nội của Trịnh Công Sơn đã đi vào nỗi khao khát đó của tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa. 15 tuổi, chúng tôi đã hiểu thế nào là đất nuớc phân ly. Những chuyến du khảo, những ngày đạp xe rời thành phố đi cắm trại Suối Tiên hoang sơ ô-rô cóc kèn hay leo núi Bửu Long thời chỉ là một vùng núi đá hoang sơ lởm chởm chưa có lối đi là những sinh hoạt hào hứng nhất của nhóm Góp Mặt chúng tôi. Chủ nhật, cả nhóm buổi sáng đạp xe từ Sài Gòn rong chơi cả ngày. Chiều, đứa nào cũng mệt lử, ra ga Biên Hoà, vất hết xe đạp lên toa cuối và ngồi thênh thang đàn hát trong một ước mơ xa xôi không biết bao giờ thành hiện thực trong mùa chinh chiến cắt chia:

 Hãy xóa hết dấu tích buồn xưa
Ngày mai đây những con đường Nam Bắc nở hoa
Bàn tay thân ái lòng không biên giới
Anh em ơi lắng nghe tình nhau
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày-Nam-Đêm-Bắc tình chan trong mắt
sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào *

 1975. Còn nhớ, ngày 15.5, dân thành phố được huy động mít-tinh mừng thống nhất đất nước tại Dinh Độc Lập, yêu cầu tập họp đội hình từ 3h sáng. Nữ sinh TV chúng tôi cũng được truờng gọi về, đêm trước ấy chúng tôi phải ngủ lại trường cho kịp 3h sáng tập họp. Có ai ngủ đâu. Mà làm sao ngủ được. Gặp lại thầy cô bè bạn kẻ còn người vắng. Lo âu còn hằn kín mỗi ánh mắt, nụ cười. Tuy nhiên, đơn giản và thơ ngây, lũ chúng tôi lòng chỉ có một say sưa mê sảng hoà bình. Hoà bình. Hoà bình. Hết bom rơi đạn nổ. Hết máu xương tang tóc. Hết sông núi cắt chia… Một giờ sáng, lũ chúng tôi kéo nhau đi nghênh ngang trên đại lộ Thống Nhất (bây giờ là Lê Duẩn) hát tất cả những bài hát phong trào sinh viên, giăng tay kín mặt đường hát gào Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, Huế-Saigòn-Hà Nội quê huơng ơi nay chẳng còn xa…

 Cứ tuởng như ngay ngày mai đã có thể lên xe lửa xình xịch… xình xịch… mọi phố phường, bản làng, sông núi…

 Bắc Nam Trung ơi đoàn kết một miền

Phá biên thuỳ mở rộng đường thêm

Dựng nước bình yên*

 Có biết đâu, “hệ luỵ chằng trăm rễ”(TTY)…

 Ngang dọc mọi nẻo đường đất nước mãi là một khát khao không dứt trong tôi.

2.   Bây giờ thì tôi đã đi gần hết giấc mơ Huế-Sài Gòn-Hà Nội của mình. Số lần và số nơi bước chân đặt đến tỷ lệ thuận cùng với năm tháng tuổi đời của tôi. Tôi đã có quê nội, quê ngoại và thêm quê chồng. Chốn nào tôi cũng đã tự tìm về một mình, rồi cùng gia đình, má, cậu, dì, anh chị em, và con cháu. Chỉ có một tiếc nuối duy nhất là chúng tôi đã không kịp về cùng ba tôi một lần, cùng ông đi lại trên con đường làng rợp bóng cây xanh và nghe ba kể về những ngày ấu thơ trường làng hay rơm rạ chiều quê …Nhưng tôi biết ba đã mãn nguyện khi đã kịp chờ tất cả con cháu tộc Trần chi trực hệ của ông lần luợt về thắp hương bàn thờ gia tộc rồi mới lặng lẽ ra đi. Về và cảm nhận tình quê đậm sâu khó tả trong vòng tay yêu thương vồn vã của chú, cậu và các em các cháu không kể Bắc-Trung-Nam. Về và tìm thấy mình trong hương lúa Hưng Hà Thái Bình, trong tên làng xa xưa Bích Trăm, trong huơng rừng Quế Sơn, hương dỏ dẻ Điện Bàn, nghe màu núi màu sông Hồng Hà, Thu Bồn quyện chảy trong thẳm sâu cội nguồn huyết quản. Tôi đã thử tô bản đồ Việt Nam 54 tỉnh thành để bồi hồi đánh dấu 2/3 nơi chốn đã đi qua, và tiếp tục ước mơ hành trình những nơi chưa đến. Tôi đã đi thăm nhiều nghĩa địa buồn Hàng Duơng, Phú Quốc, Trường Sơn, Thành Cổ, Vị Xuyên, Pò Hèn... Tôi cũng đã đi thăm những địa ngục trần gian Côn Đảo, Phú Quốc, Dak Tô…, những biên giới địa đầu Móng Cái, Lạng Sơn, hay Bờ Y, Mộc Bài, Bến Cầu, Hà Tiên, Mộc Hoá… Cũng đôi lần ngậm ngùi bên bờ sông Bến Hải, đếm từng nhịp cầu bờ bắc bờ Nam một phần tư thế kỷ đau thương…

 Và tất nhiên, thật lòng cũng không nhớ hết bao nhiêu đất trời núi rừng sông biển đồng bằng một lần thiết tha tìm đến. Những ruộng bậc thang Mù Căng Chải, những triền tam giác mạch trải dài đường lên cao nguyên đá Hà Giang, tiếng sáo Bài ca Đất phương Nam trước nhà thờ đá Sapa một đêm tháng 12 mờ sương, trôi trong mây Y Tý để đến Hoàng Liên Sơn, Ô Quy Hồ; đi cáp treo đến ga Đỗ Quyên rồi leo 600 bậc thang đá trong mưa phùn để lên đỉnh Fansipan tóc tai phờ phạc, hay hai ngày đêm lên ngắm hoàng hôn và bình minh Bạch Mã, ngủ dưới chân thác Đỗ Quyên giữa cách rừng già vắt mòng rình rập… Và, có lẽ khó quên vô cùng là những dòng sông khoảnh khắc đi qua… Sông La sông Lam vọng tiếng chuông giáo đường ngày lễ trọng, buổi sáng sông Đà chợ Bờ huyền thoại, buổi trưa sông Lô đường đi Hà Giang rộn ràng câu hát Văn Cao, đêm sông Mã một lần hành quân Sài Khao Tây Tiến “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” (Quang Dũng), một sông Ba đêm An Khê tình thân mừng mừng gặp lại Châu Ly sau mùa dịch, sông Cái Nha Trang ngày mưa bì bõm lội vào nhà Từ Sâm, đêm bên sông Đà Rằng nghe tiếng còi tàu vẳng trong gió lộng trò chuyện với anh Trần Huiền Ân, trưa nắng chang chang cuồn cuộn sông Dak Bla cao nguyên Pleiku vời vợi…

 Tôi cũng nhớ vô cùng những cửa sông Bắc Nam từng một đôi lần lưu dấu chân. Cửa Ba Lạt, nơi cuối cùng của sông Hồng trên đất Việt ào ào sóng vỗ chia ba dòng chảy ra biển cả. Nhớ Cửa Tiểu, cửa Ðại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ðịnh An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Ðề - đã đổi dòng, ngày giáp tết năm 2018, 12 chị em ngẫu hứng trên 6 chiếc xe Honda cùng nhau tò mò duổi rong qua phà qua ghe khám phá. Hay lãng đãng đầu nguồn Thu Bồn dọc xuôi Hòn Kẽm Đá Dừng, mơ màng chiều sông Hương đêm tháng tám Điện Hòn Chén xôn xao xênh phách mạn thuyền. Hay một ngày xuân thổn thức đi từ Luy Lâu dọc bờ sông Dâu cổ thời Hai Bà Trưng luỹ thành chống Tô Định nay đã cạn dòng, chiều mưa sông Đuống khóc Trạng Nguyên khai khoa oan khuất truyền thuyết hoá hổ giết vua…hoá thành tượng đá một tai, tự cắn thân mình như một lời nguyền huyền bí…

  Ôi ký ức cứ ùa về…, lớp sau chồng lớp trước, không sao kể hết. Chỉ biết mãi còn lại trong tôi cồn cào thương nhớ vô cùng những con sông đất nước, những tên đất tên làng, những vùng miền khát khao được hạnh ngộ trên mảnh đất tiên Tiên Rồng tiền nhân mở cõi, một lần nào đó hữu duyên trong đời tôi đã dừng chân, một lần nào đó tình cờ tuơng hợp đã đi vào trang giáo án của tôi, một lần nào đó trong dồn dập cảm xúc ngập tràn đã bước vào trang viết của tôi…

3.   Lan man thao thức một đời những miền vương vấn, từ 2011, tôi gặp Quán Văn. Ngoài chuyện chính là sáng tác văn chuơng, tôi còn bắt gặp từ những trang văn lời vẫy gọi đến với mọi miền đất nước, đến với tiền nhân và những di tích di sản văn chương cả đời gắn bó song chỉ biết qua sách vở mà nhiều anh chị cũng như tôi do hoàn cảnh đất nước chia cắt và cả kinh tế chưa có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm. Nghề dạy học mách tôi về những kinh nghiệm thực tiễn không thể dạy chay dạy suông một tác phẩm mà đòi các em có cảm thụ văn chương như tác giả, nhất là những tác giả không cùng thời. Nếu trong điều kiện có thể, tôi đều tổ chức cho các em đến tận nơi, thấy tận mắt, nghe tận tai, trò chuyện với tác giả, người thật việc thật...

 Đi cho thấy quê huơng. Đi để những trang viết không giáo điều công thức rập khuôn trơ trơ những lời ca ngợi trời cao biển rộng hay lắm, đẹp lắm, ngưỡng mộ lắm… chung chung không đọng lại chút cảm xúc gì cho người đọc.

Đi để kết nối những trang văn trang đời thất lạc sau cơn sóng gió ba đào của lịch sử nổi trôi ngậm ngùi thân phận. Chủ biên Nguyên Minh là một trong những người hưởng ứng đầu tiên và nhiệt thành nhất gợi ý này trong một lần họp mặt tình cờ trong toà soạn chuồng cu.

 Tôi không biết chuyến đi nào là chuyến đi đầu tiên của Quán Văn trong hai năm 2011, 2012. Nghe các anh về kể lại, chuyến ra mắt đầu tiên chủ yếu là hai anh Chu Trầm Nguyên Minh và Nguyên Minh ra Phan Thiết – cũng là quê hương của anh Chu Trầm, ra mắt QV số 17 chủ đề là Bên dòng Cà Ty vào tháng 10.2013. Anh Chu Trầm đã chủ động tặng sách, giới thiệu Quán Văn đến anh chị em văn nghệ sĩ Phan Thiết, kết nối với nhà thơ Liên Tâm, Nguyễn Như Mây, Ngô Đình Miên… Chuyến thứ hai cũng là chuyến đầu tiên tôi tham gia 50% là ngày 28.11.2013 dự triển lãm tranh cùa hoạ sĩ Đinh Cường, Thân Trọng Minh…ở Dà Lạt. Lần này, với sự kết nối của hoạ sĩ Nguyễn Sông Ba, Quán Văn đã gặp gỡ trò chuyện với các nhà thơ Phạm Quốc Ca, Nguyễn Tấn On, nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ, gặp Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, Đỗ Tư Nghĩa, Thân Trọng Sơn… QV 19 ra đời, có nhiều cây bút Đà Lạt cộng tác, và với tôi là bàng bạc vấn vít âm hưởng bài Phố đào nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩ mà đến bây giờ mỗi khi nghe lại tôi vẫn mơ màng xao xuyến chất ma mị quyến rũ của nó.

 Bên rào hoang tường vi lại nở
 Đêm mù sa cội si còn đọng
hắt xuống khe
 hồn nhiên
 tan trong khói sương

  Các chuyến đi để lại nhiều ấn tượng khó quên như tháng 6.2014 lần ra mắt Quán Văn 23, chân dung nhà thơ Phan Thiết - Nguyễn Bắc Sơn. Ngôi nhà với những giàn hoa đủ sắc mà tôi có dịp đến thăm trước đó 3 tháng cùng nhà phê bình Đặng Tiến rộn ràng mở rộng cửa đón anh em bằng hữu. Hoạ sĩ Rừng từ Cali về cùng tháp tùng, nhà thơ Nguyễn Dương Quang từ Đà Lạt đổ đèo xuống, các anh chị em Nguyễn Huy Cường, Thanh Long, Kiều Huệ, cùng hai “chủ xị” Đoàn Văn Khánh và Nguyên Minh hào hứng tham gia cùng các văn nghệ sĩ chủ nhà. Nhớ nhất là tiếng hát trầm đục và tiếng guitar của anh Quang… “Tao quên mình đang sống. Sao quên mày Sơn ơi” (Chiều qua Tà Dôn nhớ Nguyễn Bắc Sơn) và phút chia tay Phan Thiết ở ga xe lửa với vợ chồng nhà thơ Liên Tâm, quyến luyến thương mến làm sao tình người xứ biển…

 Tiếp đó, náo nức hơn nữa là chuyến đi đặc biệt mùa Vu Lan 7.2014 dứới sự sắp xếp của nhà thơ Thu Nguyệt và hoạ sĩ Nguyễn Sông Ba. Chúng tôi có một đêm ngủ ở chùa Phước Huệ để sáng sớm chuẩn bị buổi giao lưu tại đồi thông Phương Bối cùng thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, chân dung Quán Văn số 24 - người được coi là một trong bốn nhà thơ tên tuổi của văn đàn thi ca miền nam 54-75 bên cạnh Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thuỳ Yên (?). Mọi người thích thú náo nức lẫn tò mò bởi cá tính đặc biệt nóng nảy của ‘lão quái” NĐS, ai nói lơ mơ đều bị ông “xổ Nho, xử đẹp”…và bao nhiêu giai thoại quanh chuyện ông dẫn vợ con bỏ phố lên rừng, và lầm lũi trồng rừng, giữ màu xanh cho rừng thông Phương Bối. Nhưng bên ngoài cáí vỏ tỉnh điên, chỉ một câu trao đổi, tôi vẫn bắt gặp cái tinh tế lạ lùng trong những câu đối đáp trả lời không ai phản biện được.

 Nghe tin nhà thơ Hoài Khanh trở bệnh nặng, đoàn QV đã vội vã một ngày đầy nắng, tìm đến ngôi nhà thi sĩ ở Biên Hoà. Nhà thơ đã nằm liệt trên giường nhưng đôi mắt vẫn ánh niềm vui và sẵn sàng ký tặng sách cho đoàn. Chúng tôi đã lặng ngồi bên sông Đồng Nai ngậm ngùi cho một đời tài hoa vùng vẫy. Bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn, và xót xa. Một nhà thơ đóng góp không nhỏ như vậy cho văn chương miền Nam cả sáng tác văn, thơ lẫn dịch thuật…, mà về đến xứ sở ông sinh sống, hỏi tên không ai biết, kể cả Hội VHNT…Tháng 10.2014, QV 26-Hoài Khanh và Thân phận ra đời. “Ta ngồi lại bên cầu thuơng dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu’ (Thân phận, tr.19)

 Năm sau, tháng 12.2015, nhà văn Trương Văn Dân và Elena gợi ý về quê hương của anh - đất võ Tây Sơn Quang Trung, Quy Nhơn. Quán Văn lại lên đường. Thăm ngôi nhà của Tây Sơn tam kiệt, uống gàu nước trong khiết ở giếng cổ nhà Tây Sơn, chúng tôi nghe như vang vang những tiếng trống hào hùng chiêu binh đại phá quân Thanh của đấng anh hùng áo vải. Về An Nhơn, chúng tôi được anh Mang Viên Long, Nguyễn An Đình tiếp đón ân cần, được thăm thành Đồ Bàn xưa một thời uy danh vàng son lộng lẫy, hôm nay chỉ có cỏ và hoa dại níu bước chân người, buồn giăng mồ Võ Tánh hoang lạnh... Một buổi giao lưu ở khu di tích Ghềnh Ráng sáng hôm sau cho những người yêu văn thơ Hàn Mạc Tử đuợc sống lại cùng không gian lãng đãng của tác giả Thơ điên…

 Tiếp tục chủ trương đi để kết nối và sáng tác lấy cảm hứng từ thực tế con người và cảnh vật quê huơng đất nước, ở khu vực các tỉnh miền Nam, Quán Văn cũng đã tổ chức khá nhiều lần giao lưu gặp gỡ. Có thể kể các số Mùa bông điên điển (QV41, 11.2016), Miền tây mùa nước nổi (QV 59-10.2018), Quán Văn đã tổ chức đi thăm và giao lưu một loạt các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang (Hà Tiên, U Minh), Cà Mau, Cần Thơ… Thú vị nhất của chuyến đi này là đoàn được đến những địa danh cực nam của tổ quốc, được biết thế nào là rừng U Minh, Đất Mũi, rừng tràm…, (đây cũng là chốn cũ của người viết nên học trò cũ đã bố trí tặng cho đoàn một đêm U Minh đờn ca tài tử thứ thiệt…). Đoàn được đến thăm nhà lưu niệm của hai bậc tài danh xứ Hà Tiên: nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Tháng 10.2018, QV 60 đã có một chuyến giao lưu với nhà văn Trịnh Bửu Hoài ở An Giang, ăn canh chua bông điên điển cá linh đặc sản miền tây mùa nước nổi do vợ chồng anh chị Hiền-Phượng chiêu đãi, thăm miếu Bà ở Châu Đốc, thăm nhà lưu niệm học giả nguyễn Hiến Lê, chèo thuyền xuôi rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, gặp gỡ các anh chị Trúc Linh Lan, Đặng Tuyết, Nguyễn Trung Nguyên, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Ngọc Thuý, Huyền Văn…ở Cần Thơ, rồi về Trà Vinh, Bến Tre…      

 Tháng 9. 2022, cũng mùa nước nổi, nhân dịp ra số QV 88 - Sắc màu châu thổ, với các khuôn mặt thơ nữ đồng bằng sông Cửu Long: Đinh Thị Thu Vân, Trúc Linh Lan, Song Hảo, Lê Thanh My, Hoài Huyền Thanh, Trần Hạ Vi… Quán Văn lại có một chuyến đi 5 tỉnh miền tây. Trạm đầu tiên trên du thuyền ở Vĩnh Long đã để lại ấn tượng tốt đẹp qua sự kết nối của anh chị Lê Triều Điển-Lê Triều Hồng Lĩnh với các tác giả Vĩnh Long. Tiếp tục di chuyển qua An Giang. Lần này, anh Trịnh Bửu Hoài bệnh không ra dự được. Với sự kết nối của nhà thơ Hoài Huyền Thanh, Quán Văn mở rộng giao lưu với nhiều cây bút trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ, Lâm Trúc, Thiên Sứ, Trần Công Khanh, Huỳnh Diệu Lê…những trang Quán Văn đậm thêm sắc màu châu thổ với Lê Thanh My, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo…Qua Cần Thơ, ấm áp tình thân gặp lại với nhà thơ Trúc Linh Lan, Nguyễn Trung Nguyên, Đặng Tuyết, Thiện Viên Nguyễn Quốc Nam… Cảm động hơn cả cuối cuộc hành trình là cuộc đón tiếp của Trí, học trò chị Ngọc Anh, bao nhiêu năm vật đổi sao dời, em vẫn vòng tay cung kính chào đón thầy cô và bạn bè của thầy cô cùng một tiệc tẩy trần bên dòng Cổ Chiên lấp lánh phù sa trong bóng chiều lộng lẫy.

 Gần nhất, tháng 4.2024, buổi sáng, ra mắt QV 103 ở Hội Mỹ thuật thành phố xong, cả đoàn hơn 30 người lên xe Vĩnh Long trực chỉ. Sông nước Cửu Long hiền hoà, con người Cửu Long chân chất, thêm một lần nữa đọng mãi màu hoàng hôn trên sông Hàm Luông.

 Ra miền Trung, đậm nhớ nhất là chuyến đầu tiên cả đoàn giao lưu với anh chị em cầm bút - độc giả Quán Văn ở Đà Nẵng dưới sự sắp xếp ân cần cùa chủ nhà Trần Thị Trúc Hạ. Quán Văn có thêm nhà thơ Dao Lam, Bùi Tiến Sỹ và những người bạn mới…Nói đến Đà Nẵng, lại nhớ đến buổi sáng sớm 4h hơn thức dậy ra xe đi lên bán đảo Sơn Trà. Mặc quần áo sẫm màu, không trò chuyện, lặng lẽ đón chờ các chủ nhân của bán đảo: các chàng – nàng Vọc chà vá chân nâu. Hồi hộp và hạnh phúc. Các bạn ấy từ từ xuất hiện và tung tăng chuyền cành trước mắt chúng tôi. Cảm ơn Trúc Hạ, anh Phan Trang Hy vô cùng về cuộc viếng thăm đặc biệt này. Nói đến Đà Nẵng lại nhớ lần thăm anh Phạm Ngọc Lư tại nhà riêng khi anh đang ở những ngày cuối cùng của cơn bệnh trọng. Anh Nguyên Minh che mặt ra cửa đứng khóc không dám để bạn thấy. Chúng tôi thì nén lời thăm hỏi động viên rồi bịn rin chia tay. Và bây giờ, Đà Nẵng còn là những buổi sáng cà phê biển cổng số 2 với Trúc Hạ, Hồ Sỹ Bình, Phan Trang Hy, Lê Ái Niệm, Bảo Bình, Nguyễn Văn Gia…mỗi lần tôi có dịp trở về Điện Bàn, quê mẹ của tôi.

 Và, nhớ Huế, vẫn là nơi nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Lần đầu, Quán văn ra Huế. Đoàn đi thăm Chùa Thiên Mụ, Điện Hòn Chén, Bến Xuân, nghe ca Huế của CLB Ca Huế anh Võ Quê phụ trách và quan trọng là dự buổi tưởng niệm 1 năm ngày mất anh Đinh Cường. Lần thứ hai, 11.2017 chuyến xe lửa từ Hà Nội đã đưa chúng tôi về ga Huế. Cảm động có vợ chồng Minh Tự - Tịnh Thy ra tận sân ga đón cả đoàn. Rồi đôi nhà thơ Trần Hoàng Phố, nhà văn Phạm Thị Anh Nga, chủ bút Sông Hương Hồ Đăng Thanh Ngọc, nhà văn Bửu Ý, anh Viêm Tịnh… tiếp đón ngay trụ sở văn phòng. Bất ngờ hơn là được đưa đến thăm nhà thơ Trần Vàng Sao, tuy nằm một chỗ song nụ cười vẫn còn tươi khi trả lời những thăm hỏi. Nhớ Huế là nhớ Phá Tam Giang “nhớ ơi là nhớ đến bất tận”, nhớ Bạch Mã mà lần gần nhất 3.2023, đoàn Quán Văn những U 70, 80,90…dũng cảm dò đường qua một đêm trên Vọng Hải Đài cùng sư trưởng huyền thoại Nguyễn Văn Dũng hát hò trò chuyện say sưa, sáng hôm sau đón bình minh, cà phê sáng trên đỉnh Bạch Mã mờ sương. Cả đoàn còn trồng cây phong đỏ gây rừng giữ màu xanh cho Bạch Mã. Tôi đã xúc động không nói nên lời khi Võ sư Quốc Hùng, đội trưởng của chuyến Bạch Mã 2018 mà tôi bất ngờ được Tịnh Thy-Minh Tự rủ rê tham gia, 2022 gặp lại, đã vui cười mừng rỡ: “chào người xưa của Bạch Mã”. Người xưa. Vâng. Nơi ấy, bây giờ đã trở thành một trong những miền vương vấn trong tôi.

 Nhớ lắm chuyến đi một dọc các tỉnh Tây nguyên sau khi ra mắt sách ở Phan Rang tháng 8.2017, đoàn tiếp tục đi Tuy Hoà, Măng Đen, Bờ Y, Gia Lai, Pleiku, Ban Mê Thuột. Những người cầm bút chúng tôi lần đầu tiên biết Đức Mẹ sầu bi ở Măng Đen, được đứng giữa cột mốc biên giới Ngã ba Đông Dương, ngắm sông Dakbla mà nhiều lần nhà văn Trần Duy Phiên đưa vào tác phẩm. Nhớ Vĩnh Hy, Tháp Chàm, Làng Gốm Bàu Trúc, nhớ mũi Kê Gà có hải đăng biển còn quyện vuơng đâu đó tro cốt nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nhớ Ghềnh Đá Đĩa, Bãi Xếp, đầm Ô Loan. Nhớ chuyến Dak Nông nghĩa tình tháng 6.2024 vừa rồi bao nhiêu là kỷ niệm, biết Sóc Bombo tưởng chỉ trong bài hát, biết Tà Đùng thiên nhiên lộng lẫy hùng vĩ, và cổ, và kim, và thiên nhiên và nhân tạo qua Bảo tàng ánh sáng… Quán Văn có thêm những người bạn mới: nhà thơ, nhà văn Võ Hân, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Quốc Học, Ngọc Dung, Thuỳ Vy... Chúng tôi có thêm một nơi để lại nhớ về…

 Lan man ký ức… lại nhớ Dran và người thi sĩ một đời gắn bó cùng Dran. Nhiều lần lên Đà Lạt, song nhớ nhất vẫn là ba lần đoàn trở lại Dran. Lần thứ nhất là chuyến đi cuối năm 13.1.2020 trước 2 tuần dịch Corona Wuhan bùng nổ ở Trung Quốc. Một buổi ra mắt rất… Đà Lạt ở trên đồi đập thuỷ điện Đa Nhim. Anh Nguyễn Dương Quang, Kiều Minh Mạnh, chị Tôn Nữ Mỹ Hạnh và các anh cựu chiến binh đồng đội của anh NDQ…và nhiều bạn hữu Dran của anh mà chúng tôi không biết hết. Hát hò giao lưu, sinh hoạt… không sân khấu, không phông bạt, không khán đài…ca sĩ đầu trần đi trên cỏ hát, và hát trong tiếng đàn, tiếng saxophone ma mị lồng lộng giữa đất trời Dran nắng gió…

 Rồi ai biết được cơn gió vô thường đã thổi đến. Đó là lần vui gặp gỡ cuối cùng của người thi sĩ xứ Dran. Anh ra đi đúng ngày 29.4.2021. Một năm sau, 18.4. giỗ đầu anh, QV đã lên thắp hương và tổ chức một đêm thơ nhạcvô cùng xúc động tưởng niệm anh. Hát cho anh nghe trên đất Dran mà anh - người con Dran một đời gắn bó. Tháng 5.2023, lần giỗ thứ 3, QV đã hoàn thành di nguyện của anh, in tập thơ Khúc rong ca của kẻ lãng du đặt trên bàn thờ anh thay nén hương tưởng nhớ…

Cuối cùng, đi xa hơn, không thể không nói hai lần Quán Văn ra Hà Nội ra mắt sách. (Không kể chuyến đi Đông Bắc 12.2019 vì lúc đó tôi đi xa không về kịp để tham gia). Hà Nội nghìn năm văn vật trong con mắt người phương Nam dù bao bể dâu vẫn mang nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo. Nhiều bạn đọc và học, biết nền văn hoá lịch sử lâu đời của Hà Nội, Kinh Bắc, Sơn Tây, yêu dân ca quan họ, yêu Nguyễn Du, Quang Dũng, Hoàng Cầm… và mơ ước một lần đặt chân đến nhưng chưa có dịp…Những tên người, tên sông tên núi tên làng đã trở thành di sản khát khao.

 2017, lần đầu tiên Quán Văn tổ chức ra mắt ở thủ đô. Xúc động khi biết có nhà văn miền Nam lần đầu tiên đặt chân ra Kẻ Chợ. Gạt hết mọi định kiến riêng chung, anh chị em đã gặp gỡ văn nhân Bắc Hà tại Trường viết văn Nguyễn Du, Cafe thứ 7, thăm làng cổ Đường Lâm, viếng mộ Quang Dũng, thăm quê Hoàng Cầm, dạo trên đất tổ mấy ngàn năm Kinh Bắc thắp hương cho thuỷ tổ Kinh Dương Vương, dạo bên dòng sông Đuống ngắm nắng chiều lấp loáng trên sông. Chập tối ngày cuối cùng, ra sân bay trở về miền Nam, thương muốn khóc những chiếc bánh xôi khúc ấm nóng thơm hương mà con gái nhà thơ Quang Dũng, em Bùi Phương Thảo ân cần chu đáo đặt mang đến để các anh chị ăn lót dạ lúc chờ lên máy bay. Tháng 11. 2022, năm năm sau, Quán Văn trở lại và ra mắt số 90 Em là nơi anh tị nạn, chân dung nhà thơ Trương Đăng Dung cùng lúc là số 91 Một thoáng Hà Nội chân dung nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý. Một sự đón tiếp trọng thị trong vòng tay thân tình của văn chương và cái đẹp. Nhà thơ hoạ sĩ Nguyễn Quang Thiều đã đến với Quán Văn không phải theo chức sắc Chủ tịch Hội nhà văn VN của mình mà đến với tất cả tâm tình một người yêu văn chương, ngồi lặng lẽ lắng nghe ở hàng cuối dãy ghế dành cho người dự suốt buổi. Ông cảm ơn cuộc giao lưu và cho rằng Quán Văn là một hình thức “hoạt động cấu trúc nhỏ, tự do nhưng cần vì làm rất nghiêm túc. hiệu quả”. Ông cũng ngạc nhiên vì một tập san nhỏ bé tự cung tự cấp như vậy nhưng đã tồn tại đến số 90, 91. Khác biệt rất nhiều CLB thơ hiện nay đòi hỏi rất nhiều ở Hội nhà văn như cấp bằng khen, giấy chứng nhận, vấn đề này vấn đề kia… Người yêu quý thơ ca được quyền tự do hoạt động thơ ca trong phạm vi cho phép của pháp luật…

 Sau buổi ra mắt, gia đình nhà thơ Truơng Đăng Dung đã chiêu đãi các vị khách quý và cả đoàn một bữa trưa đặc sản Hà Nội ở một nơi chốn cũng hết sức đặc biệt: Dinh Bắc bộ phủ, một di tích mang đậm dấu ấn lịch sử văn hoá của thù đô Hà Nội.

 Hai chuyến đi quá nhiều kỷ niệm. Vô cùng tri ân các cô Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Bích Thu, Tôn Phương Lan (HN), bạn Cao Thị Hồng, Lê Bích Thuỷ, quý thầy Trần Đình Sử, La Khắc Hoà, Lại Nguyên Ân, nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Bình Phuơng, Phạm Xuân Nguyên, các bạn Mai Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Đăng Khoa, Trần Trọng Văn, Nguyễn Thanh Tùng, Trang Nguyễn… đã dành cho Quán Văn những tình cảm mến yêu cảm thông quý báu. Biết ơn hai người bạn rất quý Văn Giá, Trần Thanh Cảnh đã giúp tôi chuẩn bị mọi mặt cho chuyến đi. Đặc biệt là  người kể chuyện Kinh Bắc không hổ danh con cháu nhà Trần với tour tham quan bảo tàng của anh Tuấn Cá Sấu, Bãi cọc Bạch Đằng, Bến đò Rừng, Lệ Chi Viên, Lục đầu giang… cho những người phương Nam xa xôi chúng tôi một lần bừng bừng hoà cùng hào khí Đông A một chiều Bến đò Rừng, bến nước Bình Than lộng gió ven đê…

 Bắc Nam như hoà trong cái đẹp, cái tình văn chương thấu cảm lạ lùng…dù tôi biết, đâu đó, thẳm sâu lặng lẽ, vẫn còn đó những giới hạn ngoài văn chương đau đáu hồn người. Tôi nhớ chuyến đi 2014, nhớ những bước chân chậm rãi lắng sâu thổn thức của nhà thơ Tô Thuỳ Yên và phu nhân anh, chị Huỳnh Diệu Bích khi anh chị về thăm quê hương hai nhà thơ anh yêu thích: Quang Dũng và Hoàng Cầm.

  Đi. Những trang viết như gần lại khi ta nối tình nhau, khi nhìn sâu trong mắt, khi ngẩng mặt nhìn đất trời quê hương lộng gió hát mãi khúc tình tự yêu thương, khi cúi xuống phận người trên mọi nẻo đường đèo cao dốc thẳm hay bình nguyên lúa hát mênh mang.

      Đi. Đi và lắng nghe tình nhau trong từng đôi mắt, nụ cười. Đi và lắng nghe tình nhau Bắc Trung Nam chung giọt sử hồng. Đi và lắng nghe tình nhau trong hạnh phúc lẫn khổ đau mà mỗi chúng ta mang vào trang viết bằng thông điệp yêu thương cùa cái đẹp và tình người xoá nhoà moị ranh giới cách chia hận thù toan tính nhỏ nhen.

 Tôi vẫn còn nợ, nợ nhiều lắm những miền đất nước mà tôi chưa đến.

 Còn nợ Lý Sơn. Nợ Charlie. Nợ Cẩm Giàng. Nợ Vọi và Hiền. Nợ Đồng Đăng, Nợ Lý Sơn. Nợ Trường Sa…

 Và tôi nợ tôi, những cuộc trở về…

  

HOÀNG KIM OANH
 Thị Nghè 10.2024