Thơ là tiếng im thoát ra từ niềm đau, như
giọt máu ứa từ vết thương lặng lẽ. Là tiếng vọng thiết tha của yêu thương, bâng
khuâng của tưởng tiếc những vẻ đẹp, nguồn vui đã đến rồi đi mất hút suốt đời.
Đôi khi cũng là tiếng gào la thống hận, hay tiếng vang lừng ca ngợi hân hoan.
Là tiếp điểm của cảm ứng giữa con người và thiên nhiên, mối nối êm đềm giữa nội
tâm cùng ngoại giới. Là nguồn xúc động ngắn ngủi hay dài lâu của chủ thể và tha
nhân, khi tình cờ bắt gặp hay tìm kiếm được đáp số trên hành trình thao thức
chờ mong.
Nên, thơ là nguồn xúc động, phản chấn bên
trong từ một hiện tượng, sự kiện, tình thế bên ngoài, hoặc một bất ngờ hiện tại
vang dội từ đáy thẳm hồi ức và hoài niệm. Cuộc bốc thoát và trôi lướt hồn nhiên
của ý trên dòng êm vô thức ấy, dẫu lặng mà không tịnh vì huyên náo âm vang khắp
thần trí và tâm can người cảm niệm.
Krishnamurti nói chỉ trong định tĩnh mới phát sinh hiện thể sáng tạo. Ngược lại, với thơ không thể nào định tĩnh được. Cũng không một hiện thể nào. Lại càng không có bất cứ sáng tạo nào. Vì, thơ không nhờ làm ra mà có.
Người ta vẫn nói làm thơ. Chỉ có thể làm bàn
ghế, cá thịt, nhưng không thể làm ra thơ, trừ một số trường hợp thơ bị biến
dạng dưới những chủ đề được đặt định sẵn do tình thế bắt buộc, như thời xưa là
thi cử, thời nay là nhóm họp, tuyên dương… thành vịnh, thành vè… dù vẫn khoác
sắc màu và vần điệu của thơ. Với thơ, có thể có và cũng có thể không một hiện
thể. Vì sự cảm nhận đôi khi từ vô hình vô ảnh, những thấp thoáng âm vang thành
cuộc hòa âm triền miên trong cõi tâm tình.
Nếu tiểu thuyết giới hạn trong mô hình của
chủ đề thì thơ mông lung vô tận như mây trời, vì là cuộc vỡ tràn của uẩn thức
nương theo vay mượn ngôn từ của ý thức bốc thoát ra cõi hữu hình xa lạ và đôi
khi đối nghịch. Vì thế thơ phải hoàn toàn được tự do về ý tứ diễn tả, trừ những
thể loại tất yếu chìu theo âm luật của thơ. Và cũng không thể uốn ép thơ như
tóc đàn bà theo kiểu mẫu của người nhìn ngắm. Cũng đừng thắc mắc dò hỏi từ đâu
và tại sao. Vì, nó như thế là như thế. Vấn đề là cảm hay không cảm. Có thể cảm
mà không nhận. Có thể cảm và nhận thì cảm nhận ấy sắc phong thơ thành hòa điệu
vô thanh của những tâm hồn cách trở mà vẫn có thể cùng nhau.
Liên quan, ngoài làm thơ còn chuyện nhà thơ.
Những tên tuổi lớn trùm phủ văn học Pháp thế kỷ 19 như Lamartine lãng mạn và
thanh thoát, Alfred de Vigny dữ dội và nồng nàn, nặng nề và trầm trọng như
Beaudelaire… đích thực là những nhà thơ… Và sau đó là Gérard de Nerval, John
Keats… những mái nhà thơ trên không gian và thời gian thế giới xưa kia bây giờ
và mãi mãi.
Ở ta, một thế giới thơ tôn nghiêm quý giá như
Nguyễn Du với Truyện Kiều, hay thiết tha thâm trầm tài hoa như Đoàn Thị
Điểm với Chinh phụ ngâm không ai gọi là nhà thơ, chỉ cụ và bà. Trong
những tác phẩm ấy, từng khúc đoạn, từng câu từng chữ, diễn tả là của một nhà
thơ bậc nhất.
Thời nay, chỉ vài ba tập in mỏng manh, có khi
chỉ một ít bài rải rác đó đây, vẫn được hay bị gọi là nhà thơ. Vì sao? Ai hiểu
biết và quý yêu thơ, có thể cũng công nhận một điều. Bản chất của thơ không cần
dấu huyền. Nhưng cũng đừng ném cho thơ dấu nặng. Bởi vì thơ chỉ là dấu hỏi. Là
thở. Là hơi thở, thở ra, thở dài hay thở than. Chỉ để gởi trao từ cõi trong ra
ngoài niềm xúc động chứa chan, nỗi trầm uất nghẹn ngào, niềm hân hoan thoát
khỏi nguồn cơn không nói được bằng lời lẽ thông thường với trần gian thế tục…
Lời giải trình mong được hiểu, những trang
muộn màng này, Mây bay qua trời xưa là gì và tại sao.
… Cho đến khoảng 1960, nhóm Bách Khoa của Lê
Ngộ Châu, tình cờ mà cơ duyên, tìm được và tóm gọn những bài thơ đầu tiên trong
mấy tập thơ viết tay bị lấy mất. 1964 là chuyển đoạn qua cuộc trường kỳ kháng
chiến phu thê, thơ biến mất nhường lời cho tiểu thuyết (Nguyễn Hiến Lê gọi
Nguyễn Thị Hoàng là tiểu thuyết gia, mấy người khác còn gọi là văn hào, đại văn
hào, thật hay đùa không cần biết nhưng vẫn được trả lời vui vẻ, đúng rồi, thêm
giùm chữ g, là văng đại xuống hào).
Những năm 70, rồi 80, 90, thơ sống lại từ
những nguồn cơn và tâm cảnh khác, thoi thóp và bất thường như hơi thở khi triền
miên khi đứt nối chập chờn. Thật ra, từ 90, thơ theo dòng những biến chuyển
khác, cuộc đời và cảm nghĩ, dần dần ra khỏi những ác mộng triền miên, thấy biết
mà chưa thể lên đường phương hướng mới.
Vì, khi vui thì ngộ nghĩnh:
trong quán cà phê
có một người ngồi
nhìn qua phía tôi
trong tôi
có một quán cà phê
nhìn về phía khác
Khi buồn thì thương thân:
vầng lá xanh ngoài kia của ai
cây tôi diệp lục tố khô rồi
có người bỏ vắng đời như ngõ
từng bước đi về cõi nhạt phai
Dấu vết trên đường đi của một con người qua
số mệnh, mỗi một có vẻ như chính là nhưng chẳng phải. Như mỗi hạt ngọc hay đá
không là xâu chuỗi, mà phải liên kết bằng sợi dây ẩn khuất bên trong mới biết
được là gì. Từ những than van rên rĩ vì những biến cố tội phúc đầu tiên, đến
lời câm trách oán về lối rẽ bất ngờ từ nợ duyên tiền kiếp, giây phút hồi sinh
xao xuyến vì vẻ đẹp tương giao thoáng qua thân ái xa vời, trở về ngõ đời phận
sự tắt tiếng im hơi. Một thời dài chìm đắm viết để sống mà không bao giờ được sống
để viết.
Rồi đêm mưa khởi đầu cơn ác mộng triền miên.
Thơ trở về nỉ non, tha thiết, đắm đuối, mơ say… Toàn thể tâm thức và tình thế
của một thứ người nín sống từ lâu tỉnh dậy. Chỉ là tỉnh dậy trong chiêm bao để
nương tựa và phóng hóa tương đối thành tuyệt đối, để tìm lại mình, để níu lại
đời. Cho đến khi đêm dài dứt nẻo, ngày trở về nguyên sơ thể tính bình minh.
Qua những khúc đời lưu chuyển ấy, thơ đến rồi
đi, không giữ gìn không ước hẹn. Đến, từ một xúc động bất chợt mong manh vẻ
thoáng hiện sáng ngời của bóng dáng, sợi nắng, giọt mưa, cơn gió, bông hoa, bờ
rêu, vệt cỏ … Trên tất cả thường là một hình tượng mơ hồ ảo giác không bao giờ
có thật trên đời, hoặc có thì cũng chỉ là lầm tưởng. Những lúc ấy thơ như con
dã tràng trên bãi cát, chụp bắt nhanh hoặc biến mất vào những lỗ sóng xoi mòn.
Nên vớ phải bất cứ thứ bút gì, mảnh giấy vụn nào, tờ lịch xé, mẩu hóa đơn… ghi
nhanh có khi trong đêm chưa kịp bật sáng đèn, ngoài đường đi, trên xe tàu, bãi
bờ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, hứng đón lấy khi nó ứa ra, như giọt máu
từ vết thương, nước mắt khi hoài niệm, mồ hôi thời bửa củi trên rừng… Chỉ cần
thở ra được hơi thở lửa nén vào lúc ấy. Sau đó, những mảnh rời vất bỏ, mất mát,
lẫn lộn vào đâu trong mớ bản thảo cùng chôn vùi rách nát mấy mươi năm.
Cho nên, những trang sau, dù tuần tự xếp hàng
theo dòng thời gian từ ấy đến bây giờ, sáu mươi đến sắp sửa hai mươi, vẫn chỉ
là chứng tích tan tành của những khúc đoạn thác ghềnh trôi chảy không êm đềm
của vượt thoát. Chỉ là những mảnh gương vỡ tan tành chẳng đủ soi thấy gì dưới
kính hiển vi đã mờ đục của trần gian.
Chỉ là, dừng lại cuộc chạy – chạy mà không
đua – suốt một cuộc đời không được giống bất cứ đời nào khác, thử nhìn lại giấc
chiêm bao vừa ngắn ngủi vừa lê thê qua những trang thơ vô chủ như tờ rơi suốt
dọc đường đời. Vô chủ vì thơ đúng nghĩa là tác phẩm văn học thường có chủ đề
hay chủ trương, riêng Mây bay qua trời xưa thì rõ là hoàn
toàn… vô chủ.
Dù sao, vẫn mang ơn những cơn đau trong ác
mộng đã chuyển thành thơ và những thương tích từ thực tại đã chuyển Tình qua
Đạo.
Trên cao, mây bay đi, trời vắng, nhưng rồi
mây khác đến, nhờ thế mà trời còn. Dưới đời, mây đã bay đi, không mây khác đến,
hoặc nếu có cũng trượt khỏi Miền Không Tịch Tịnh. Để chỉ còn lại Tĩnh Lặng.
Hoàn toàn tĩnh lặng sau những ngàn năm gió bão tơi bời. Đôi mắt của Tĩnh Lặng
ấy có thể nhìn xuyên suốt (không phải xuyên thấu của thời trang!) nội tâm và
ngoại giới bất chấp mọi đòn roi thực tại mãi hoài tiếp tục những bất công và
bất thông quất ngược vào chút hình hài mong manh khách trọ trần gian.
Không bến bờ nào khác, không cõi giới nào
khác, Tĩnh Lặng ấy, sau qua đi và đi qua tất cả, chính là Nơi Đến của Trời
Mây.
Nguồn: Lời tựa tập thơ Mây
bay qua trời xưa, Nguyễn Thị Hoàng, Nxb.Hội nhà văn, 2019.
Giới thiệu một số bài
thơ trong tập MÂY BAY QUA TRỜI XƯA
(sáng tác từ những năm 1960-2018)