Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

81 . NGUYỄN THỤY ĐAN Nguyễn Minh Nữu, Ám Ảnh Hà Nội

                                                                                 


 

Nguyễn Minh-Nữu là một tác-giả khó định-vị trên địa-bàn văn-học-sử. Tác-phẩm tiêu-biểu của ông bao gồm thơ, truyện ngắn, bút-ký, chưa kể những tạp-trở báo-chí. Giai-đoạn sáng-tác của ông có những đột-biến khó lường: khởi-bút từ những năm 1966-1967, từ một chàng sinh-viên dùng bút-hiệu Linh-Hồ khi sinh-hoạt trong thi-văn-đoàn, danh tiếng ông đã lan rộng khắp văn-đàn kể từ những năm 1968-1970, sau khi được Nguyễn Xuân-Hoàng đăng truyện ngắn “Một Thoáng Mây Phiêu Bạc” trên tạp-chí Văn. Suốt hai thập-niên từ năm 1975 đến 1995, ông đình-bút, không hề viết gì ngoài đôi vần thơ khiển-hứng, bây giờ còn tồn-tại là do được phổ-nhạc, chứ chẳng phải do tác-giả tự-ý xuất-bản. Năm 1995, dọn sang miền đông Hoa-Kỳ, nội ba tháng đầu tiên đặt chân đến xứ tỵ-địa, nhà văn Nguyễn Minh-Nữu bỗng chợt tái-xuất giang-hồ với truyện ngắn “Hảo Hán Cuối Cùng” in trên tạp-chí Văn (hải-ngoại) của Mai Thảo. Vì những duyên cớ rất mực tình cờ, tập thơ Lời ghi trên đá (2006) của ông được xuất-bản trong nước, cho dù bấy giờ ông đã có uy-tín và danh-thế trong văn-đàn hải-ngoại, đặc-biệt là miền Đông-Bắc. Tập bút-ký Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (2017), thậm-chí khi khởi-thảo chỉ là những bài viết lẻ tẻ đăng trên mạng xã-hội, sau khi gây chấn-động khắp độc-chúng, mới soạn lại thành ấn-phẩm hoàn-chỉnh. Sau đại-dịch, Nguyễn Minh-Nữu xuất-bản liên-hồi tập truyện ngắn Thuồng luồng mắt biếc (2021) và tập bút-ký Đất nhớ người thương (2022). Gần đây nhất, ông đã cần-mẫn sưu-tập và chỉnh-lý trước-tác của phụ-thân là phó-bảng tiền-triều Nguyễn Can-Mộng (1880-1954) in thành tập Thơ văn Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (2024).

Phê-bình văn-học không phải là việc có thể khinh-suất, khen chê phải quấy một cách cảm-tính. Cái gọi là phê-bình lắm khi không thoát khỏi đánh đồng tác-giả và tác-phẩm, xem cả hai như một chỉnh-thể bất-khả-phân-ly. Sự khen chê vì thế mà thất-thố, không còn nơi căn-cứ ngoài những cảm-nhận võ-đoán. Tôi mạn phép mượn hai chữ tình bạn để nói về quan-hệ giữa tôi và Nguyễn Minh-Nữu. Đó là một mối thân-tình trọn nghĩa vong-niên chi giao, sự hiểu thấu và cảm-thông giữa hai bên hồn-nhiên như nước chảy mây trôi, không vương hư-lễ thế-nhân. Cuộc gặp gỡ chúng-sanh bình-đẳng như vậy là một điều quý hiếm trong giao-tế giữa các thế-hệ hải-ngoại với nhau, đặc-biệt là giữa hai người cầm bút. Nguyễn Minh-Nữu tự-nhận ông không phải là người sáng-tác theo trường phái hay lý-tưởng cụ-thể. Tôi từng nghe ông tâm-sự về sự sáng-tác rằng văn-chương với ông là một nhu-cầu đời thường, một phản-ứng tự-nhiên khi được tiếp-cận với thế-giới xung quanh, khi được duyệt-lịch nhân-gian và chiêm-niệm những mối nhân-duyên kỳ-thú của đời người. Sự viết, với ông, là sự cảm-tạ, là sự tri-ân gửi lại tha-nhân, những người ngẫu-nhiên gặp gỡ giữa đường trên hành-trình trăm năm. Phàm đọc trước-tác Nguyễn Minh-Nữu, sẽ thấy lời giải-thích này không hề kiểu-cách. Nhưng liệu chỉ có thế mà thôi? Vả lại, những bộc-bạch chân-tình như vậy cũng vị-tất đã nói lên điều gì cụ-thể về văn-chương. Ngược lại, chính sự “chân-thật” dễ bị trưng-dụng làm vũ-khí bảo-vệ một thứ chủ-nghĩa cảm-tính không đội trời chung với khái-niệm phẩm-bình sự được mất khéo vụng trong văn-chương.  Nhìn tổng-thể trước-tác của ông, phải thừa-nhận Nguyễn Minh-Nữu có đầy đủ tư-cách của một tác-giả—lớn nhỏ dở hay mặc đời sau cái-quan định-luận. Đã gồm đủ tư-cách ấy, tức là đã đưa mình vào cái thế phải chịu thiên-ma bách-chiết của sự phê-bình, dẫu muốn mượn cớ “thật thà” để hồi-tỵ cũng chẳng được.

Rốt cuộc đâu mới là sở-trường và đặc-trưng của sự-nghiệp văn-chương Nguyễn Minh-Nữu? Riêng về thể bút-ký, Nguyễn Minh-Nữu dường như có tài-hoa thiên-bẩm. Dù không cầu-kỳ về mặt văn-phong, bút-pháp trong các bài bút-ký đoản-thiên của Nguyễn Minh-Nữu luôn duyên dáng: khi nhẹ nhàng, khi thâm-trầm, khi trữ-tình, khi đoan-nghiêm; tất cả đều biến-hóa tùy-nghi. Kết-quả là những áng tiểu-phẩm ẩn-hiện vẻ sâu sắc, nhưng vẫn luôn giữ được đặc-tính phong-lưu của thể văn bút-ký. Thơ Nguyễn Minh-Nữu viết cẩn-thận, tuy không sáng-tân điều gì về thi-pháp song vẫn thể-hiện bút-pháp lão-luyện, cho thấy sự dụng-tâm của một người mẫn-cảm và kinh-lịch không ít trong văn-trường. Đọc thơ Nguyễn Minh-Nữu, tôi luôn bất ngờ đọc phải những câu thơ tưởng cựu-sáo, nhưng lại in sâu trong ký-ức như dư-âm của một dạ-khúc khắc khoải những mùa hè tuyệt mù xưa. Hiệu-ứng này liên-quan không ít đến kỹ-thuật. Nguyễn Minh-Nữu là một thợ cả về hình-thức truyền-thống. Nhưng sự thành thạo này được thể-hiện qua trực-cảm hơn là bút-pháp nghiêm ngặt. Như bài “Mưa trên giòng Potomac,” một sáng-tác lẻ, viết tại Hoa-Kỳ và không thuộc một tập thơ nào:

Chỉ có mưa bay trên giòng Potomac
Khuya hôm nay bát ngát khói sương bay
Tôi biết em đã xa, xa hút tầm tay
Khi bên tôi là đêm, thì bên em là giữa trưa ngày nóng ẩm
Chỉ có mưa bay trong lòng tôi ướt đẫm
Không nói được gì, độc dược thẫm không gian
Có phải dế giun đâu mà buông giọng khóc than
Tôi sẽ hát, giọng vang khuya tịch mịch
Chỉ có mưa bay ngày xưa em thích
Ngồi bên hiên nghịch dòng nước trôi xuôi
Giờ chỉ mình tôi, còn một tôi thôi
Nhưng con nước muôn đời trôi chỗ trũng
Chỉ có mưa bay và gió trời lồng lộng
Tôi ngồi đây lòng trống vắng lạ lùng
Có hiểu gì là hạnh phúc hay không
Tôi sẽ bắt đầu quay một vòng quay mới
Chỉ có mưa bay trên giòng Potomac
Trôi hẳn đi đêm nay,  rồi sẽ khác mai này

Bài thơ không tuân-thủ một nhịp cố-định. Tuy-nhiên, sự nổi bật của nhịp bát-ngôn đan xen cửu-ngôn (và các câu dài hơn nữa) gợi nhớ thể hát nói truyền thống hơn là thơ tám chữ trong Thơ Mới. Vốn dĩ, thơ tám chữ có thể xem như một biến-thể của hát nói, vẫn tương-đối chặt chẽ về vận-luật. Nguyễn Minh-Nữu không những nghiêm-thủ cước-vận, song còn thường-xuyên đặt yêu-vận một cách hài-hòa và linh-hoạt. Ông không cố-chấp về cách-luật truyền-thống, song dường như đã đủ quán-thông mỹ-học của vận-luật truyền-thống để gieo vần theo trực-cảm mà ít khi bị võ-đoán hay khổ-độc. Bài thơ có độ dày về âm-hưởng buộc độc-giả phải trầm-tĩnh để thưởng-thức từng chữ, nghiền ngẫm từng câu. Cho dù thơ Nguyễn Minh-Nữu vẫn có thể xem là cũ kỹ về mỹ-học và nguồn cảm-hứng, cái cũ của Nguyễn Minh-Nữu không phải là cái cũ hời hợt hay cảm-tính. Thậm-chí, đọc chỉnh-thể thơ của ông còn đem lại cảm-giác tự-thành phong-cách một nhà—đương-nhiên là một nhà cựu-phái. Dù gì, đọc Nguyễn Minh-Nữu không bao giờ đem lại phản-cảm như khi phải xúc-mục những tác-phẩm rẻ rúng. Nguyễn Minh-Nữu đăng-đàn vào một giai-đoạn mang tính giao-thời. Khi ông mới tập tành cầm bút, di-phong của Tự-lực văn-đoàn vẫn được duy-trì bởi những nhà văn nhỏ như Doãn Dân. Mỹ-học của nhóm Sáng Tạo không thật-sự chiếm thắng-thế toàn-diện, kể cả trong văn-đàn đô-thị. Bây giờ đọc lại Nguyễn Minh-Nữu, cho dù là bằng con mắt đồng-cảm, cũng không thể làm lơ được không-khí bảo-thủ trong ý-cảnh ông tạo ra.

Tính bảo-thủ này không phải của riêng Nguyễn Minh-Nữu, mà cũng không nhất-thiết là chỗ sở-đoản. Suốt một thế-kỷ qua, văn-học Việt nói chung mắc phải những rối loạn về khoảng cách thế-hệ. Sự tồn-tại đồng-thời của những lý-luận và thực-tiễn mỹ-học không chỉ tương-phản mà thậm-chí không có dính líu gì đến nhau, đã là thực-trạng mạn-tính của văn-đàn Việt. Trong một môi-trường hỗn-loạn và bất-trắc đến thế, sự ổn-định của quá-khứ lại trở nên quen thuộc và an-toàn. Bút-pháp thưa nét của tùy-bút trung-cận-đại tự-nhiên lại có sức thu hút lạ lùng. Hấp-dẫn-lực này không đơn-thuần là bởi hoài-niệm mà ra. Có những sự trên đời, ghi lại bằng những nét bút thủy-mặc cổ lỗ lại sinh-động và ý-vị hơn sơn dầu. Có những giằng xé tinh-thần, chẳng cứ màu ảm-đạm của hiện-đại hay kịch-tính bất-cận nhân-tình của hậu-hiện-đại mới có thể giãi bày. Thơ văn của Nguyễn Minh-Nữu là dư-âm của một thời đã qua. Ý-nghĩa của tiếng đồng-vọng đó tùy vào khả-năng thẩm-âm của tai người nghe. Có khi nó khơi lên những cảm-khái ngùi ngùi về một Miền Nam quá-vãng. Có khi nó bàng-hoàng nỗi cô-đơn và buồn tẻ của những thị-trấn hẻo lánh ở Miền Đông nước Mỹ mười, mười mấy năm về trước. Có khi nó lại dìu người đọc vào những nẻo trầm-tư mặc-tưởng về khái-niệm của những Hà-Nội xưa, nay, và vị-lai.

Có lẽ độ dày về văn-tâm—tôi dùng từ này một cách trung-lập theo nghĩa là sự dụng-tâm về văn-chương—là một điểm chung nối kết trước-tác của Nguyễn Minh-Nữu. Cũng như thơ của ông, truyện ngắn của Nguyễn Minh-Nữu có nhiều yếu-tố cũ kỹ không còn thấy trong truyện ngắn đương-đại. Quá-bán truyện ngắn của ông đan xen giữa hồi-ký và hư-cấu. Sự kết-hợp này nhiều khi không được xây dựng một cách hoàn-toàn thuyết-phục: những đoạn chuyển-tiếp giữa hồi-ký và hư-cấu thường xảy ra một cách đột-ngột, như thể mạch văn bị gián-đoạn bởi những bài thơ và kỷ-niệm không thật-sự tương-quan đến kết-cấu nội-tại của truyện. Con người trần-thuật (thường là nhân-vật “tôi”) trong truyện ngắn Nguyễn Minh-Nữu thường quá minh-bạch trong việc biểu-lộ bản-chất hồi-ký và tự-truyện của cốt truyện. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Minh-Nữu, tôi luôn có cảm-giác như tác-giả chưa hoàn-toàn quyết-định (hoặc thậm-chí là chưa lưu-ý) lập-trường sáng-tác của mình. Trong một số truyện nặng tính-chất hồi-ký như “Số 19 Kỳ Đồng” hay “Hòa Bình Áo Đen,” nỗ-lực hư-cấu-hóa cơ-hồ chỉ bao gồm việc thay tên đổi họ nhân-vật. Hơn nữa, những nhân-vật ẩn-danh đấy lại xuất-hiện bên cạnh những nhân-vật gọi bằng tính-danh thật, khiến cho tính-chất hồi-ký của cốt truyện bị hiển-lộ một cách quá rõ ràng.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh-Nữu gần như chia đều giữa các truyện lấy bối-cảnh ở Việt-Nam và những truyện lấy bối-cảnh ở miền Đông-Bắc Hoa-Kỳ. Các truyện lấy bối-cảnh ở Việt-Nam thường dựng truyện ở miền Nam. Phong-khí Saigon trong truyện ngắn Nguyễn Minh-Nữu là một yếu-tố rất đáng để chú-ý. Lời thoại và cảnh-vật được ông sắp đặt một cách tài-tình, tưởng sơ-lược nhưng lại tỷ-mỷ. Saigon của Nguyễn Minh-Nữu không phải là Saigon suy-tưởng của Mai Thảo. Saigon của Nguyễn Minh-Nữu là Saigon của những khu chợ, của những cư-xá, của những hàng quán, của những công-viên xô bồ và tràn đầy một nguồn sinh-lực kinh-hoàng bởi sự bất-tận của nó. Đương-nhiên, cũng có chút khuynh-hướng lãng-mạn được lồng vào đó. Thường thì nhược-điểm này được vãn-hồi bởi những đoạn thoại tuy đời thường nhưng lấy được trọng-lượng từ tính tả-thực. Văn Nguyễn Minh-Nữu không đi sâu vào cảnh-giới triết-lý, cũng không quá chú-trọng về khía cạnh tả-cảnh. Gần như toàn-bộ sự thuyết-phục của truyện ngắn Nguyễn Minh-Nữu là nhờ vào những lời thoại—có thể hiểu rộng là thoại nội-tâm của nhân-vật, đối-thoại giữa nhân-vật, trần-thuật của nhân-vật với độc-giả—có sinh-khí đường phố. Một phong-thái từng trải giang-hồ rất gần với bút-phong phóng-sự và du-ký.

Có thể tính đặc-thù của Saigon và miền Nam qua bút-mặc của Nguyễn Minh-Nữu một phần nào đó có liên-quan đến thân-thế của ông. Ý-thức phức-hợp (double consciousness) của nhóm di-dân “Bắc 54” kỳ-cựu đem lại cho tác-giả khả-năng tiếp-cận khái-niệm Saigon vừa bằng những quan-sát gần, vừa bằng những chiêm-niệm xa. Bản-sắc lưu-lạc khiến cho Nguyễn Minh-Nữu và một số những tác-giả “Bắc 54” khác thoát khỏi định-thế xem miền Nam như một thế-giới chỉnh-thể lấy Saigon làm trung-tâm-điểm cho mọi cảm-khái văn-hóa và lịch-sử. Mờ tỏ bên cạnh Saigon và miền Nam đấy luôn luôn là hình bóng của một vùng cố-thổ mang tên là Hà-Nội. Nguyễn Minh-Nữu đối mặt với nghịch-lý này một cách thản-nhiên: “Sinh ra mà không lớn lên ở Hà Nội là một điều may mắn mà mãi sau này tôi mới biết.” Một nhận xét tinh-vi, nhất là khi câu đó được nói lên bởi một phong-lưu công-tử mang đầy mình nghĩa-khí phương Nam. May mắn vì không lớn lên ở Hà-Nội là điều ai ai trong bối-cảnh đó cũng thừa-nhận như một sự-thật hiển-nhiên. Nhưng tại sao lại may mắn vì sinh ra ở Hà-Nội? Ý-tưởng này chỉ có thể xuất-phát từ một lập-trường văn-hóa thần-thoại-hóa Hà-Nội thành một thánh-địa vĩnh-cửu. Nó không chỉ tồn-tại trong cộng-đồng lưu-vong, nhưng thậm-chí cũng tiêm-nhiễm tư-duy của người Hà-Nội hiện nay. Khi lên cơn sâu sắc, người Hà-Nội thích suy gẫm về Hà-Nội. Họ gần như tìm được lẽ sống qua việc phân-tích diên-cách của những ngõ hẻm, những đường sá, những tòa nhà quanh quẩn phố cổ. Niềm tin của họ vào khái-niệm “Hà-Nội xưa” và con “người Hà-Nội xưa” nhiều khi còn vững vàng hơn niềm tin của họ vào bất cứ một  ý-thức-hệ nào khác. Về định-nghĩa, khuynh-hướng hoài-niệm này luôn mang hàm-ý đi ngược với thực-tế nhãn-tiền. Thực-thể Hà-Nội chỉ có ý-nghĩa khi nó được hiểu là kế-thừa Hà-Nội xưa.

Đương-nhiên, Hà-Nội đấy không phải là một Hà-Nội có thật. Khi đã trở thành đối-tượng của suy-tưởng, hiện-thực phải phân-thân thành ký-ức, thành truyền-kỳ, thành mộng-tưởng. Bất cứ sự va chạm nào với hiện-thực sẽ mang nguy-cơ triệt-hạ công-trình suy-tưởng đấy, hoặc chí ít là thỏa-hiệp nó một cách trầm-trọng, không dễ phục-hồi. Đây là chỗ khuyết-hám trong luận-điểm bài “Saigon Thủ Đô Văn Hóa Việt Nam” của Mai Thảo. Mai Thảo không thật-sự viết về Saigon. Ông ta đem một mớ lý-tưởng về một Hà-Nội không có thật rồi ra sức gắn vào khuôn của một Saigon trước mắt. Vì không thể đem lý-tưởng gắn vào thực-tế, cho nên chung-quy Saigon của Mai Thảo chỉ là một lớp giả-trang hời hợt không đủ để che lấp khuôn mặt và dáng vẻ Hà-Nội luôn ám-ảnh trí tưởng-tượng của ông. Mai Thảo miêu-tả rất chi-tiết về Hà-Nội và người Hà-Nội trong truyện ngắn “Đêm giã từ Hà Nội.” Cớ sao trong một tuyên-ngôn về Saigon khẳng-khái đến thế mà Saigon và người Saigon không nằm ngoài phạm-vi của một Hà-Nội mới, của những người Hà-Nội “đi vào Tương Lai” đem theo “lửa văn hóa” từ “một Hà Nội đã tàn lụi,” từ một “Hà Nội đã từ bỏ vị trí nhiệm vụ của Hà Nội?” Cũng không thể trách tác-giả, vì nếu đã viết về một Saigon có thật và những người Saigon có thật, ắt đã không thể thần-du cố-quốc mà ứng-tấu những huyễn-tưởng-khúc về Hà-Nội lung-linh làm vậy.

Hà-Nội của Nguyễn Minh-Nữu không hẳn là một Hà-Nội đã bị tước-đoạt hết không-khí thiêng liêng và huyền-bí, nhưng cũng không phải là một Hà-Nội lãng-mạn-hóa theo những lý-tưởng và chủ-trương trừu-tượng như Hà-Nội của Mai Thảo. Truyện “Hà Nội Thứ Tư” của Nguyễn Minh-Nữu được in trên tạp-chí Văn (hải-ngoại) của Mai Thảo vào năm 1996, tức là một năm sau khi di-cư sang Mỹ, và sau khi xuất-bản truyện ngắn “Hảo Hán Cuối Cùng” trên cùng một tạp-chí. Cả hai truyện ngắn này đều mang những hàm-ý và cảm-khái sâu sắc về thời-cuộc. Tôi nghĩ không tình cờ gì mà cả hai truyện được sáng-tác và xuất-bản lần lượt ngay khi tác-giả trẩy bước tha-hương sau hai thập-niên tịch-mịch phó mặc bút nghiên mục nát cùng cỏ cây gỗ đá. Cả hai truyện đều mang tính tuyên-ngôn, đặc-biệt “Hà Nội Thứ Tư” còn có những lời thoại lâm-ly như thổ-lộ phế-phủ sau một cơn uất-ức năm dài tháng trường. Truyện này lại có nhiều giao-điểm lạ lùng với “Đêm giã từ Hà Nội” của Mai Thảo, khiến tôi phải trăn trở không những về những “Hà-Nội” tưởng-tượng của hai tác-giả này, nhưng còn về bản-sắc của những người cầm bút mang thân-phận Hà-Nội lưu-vong. Liệu có một bút-pháp, một mỹ-học cụ-thể có thể nói là đặc-trưng của riêng Hà-Nội lưu-vong? Có lẽ phải có, nếu không thì ở giữa hai tác-giả trái ngược nhau như Mai Thảo và Nguyễn Minh-Nữu sẽ khó có sự đồng-điệu như vậy.

Về mặt kỹ-thuật, truyện của Mai Thảo có những bày biện hư-cấu và trữ-tình khéo léo hơn Nguyễn Minh-Nữu. Điều này là hiển-nhiên. Tôi không định so sánh hai truyện ngắn này như một cách định-giá hơn thua về văn-tài của tác-giả. Mai Thảo đã trừu-tượng-hóa Hà-Nội thành một lý-tưởng không còn sức thuyết-phục sau sự diệt-vong của Việt-Nam Cộng-Hòa. Không những Hà-Nội của Mai Thảo đã chết, mà Saigon của Mai Thảo, với tư-cách là thế-thân cho Hà-Nội đấy, cũng đã chết. “Đêm giã từ Hà Nội” bây giờ chỉ đem lại cảm-khái như một cổ-vật đìu hiu còn sót lại từ một triều-đại xa xưa. Hay là Hà-Nội của Mai Thảo vốn dĩ chỉ là một cớ, một khái-niệm mượn làm tuyên-ngôn cho một chủ-trương nào đó không thật-sự liên-quan đến một thực-thể Hà-Nội? Hà-Nội của Mai Thảo là Hà-Nội của những hàng cây mùa thu, của những cặp giai-nhân tài-tử, của những thơ thẩn mơ màng về những nơi chốn ít khi được miêu-tả cụ-thể hay đặc-sắc hơn bất cứ một thành phố nào khác. Đây là nguy-cơ cố-hữu của khuynh-hướng lý-tưởng-hóa. Lý-tưởng chỉ có sức mạnh bao lâu vẫn duy-trì được niềm tin. Song cái nhìn hồi-cố lại ép lý-tưởng vào khuôn khổ của lịch-sử. Nhìn trong bối-cảnh đấy, tính-chất thời-sự lại khiến nét đặc-thù của tác-phẩm bị phôi pha đi trong một rừng tác-phẩm và phong-trào đơn-điệu. Tôi nghĩ đây là số-phận của “Đêm giã từ Hà Nội.” Đương-nhiên điều đó không có nghĩa là tác-phẩm không còn giá-trị. Nhưng giá-trị đó đã bị thay đổi. Truyện ngắn đã trở thành sử-liệu cung-cấp những tình-tiết và vấn-đề để suy gẫm về tư-tưởng đương-thời. Một tuyên-ngôn mang tính thời-đại. Dẫu hoa-lệ và bi-thương, song vẫn là tuyên-ngôn.

Hà-Nội của Nguyễn Minh-Nữu đã chịu đựng bãi bể nương dâu của thời-gian bền hơn Mai Thảo, chính vì Hà-Nội của Nguyễn Minh-Nữu là một Hà-Nội cụ-thể. Một Hà-Nội của sự náo-loạn. Một Hà-Nội của những thắng-cảnh và linh-địa bị hủy-hoại và biến-tướng đến ngỡ ngàng. Một Hà-Nội của những bức hoành-phi và thần-quái lạc lõng và âm thầm giữa phồn-hoa hiện-đại. Một Hà-Nội của tiếng chửi địt mẹ. Một Hà-Nội bụi bặm. Một Hà-Nội mâu-thuẫn. “Hà-Nội Thứ Tư” của Nguyễn Minh-Nữu cũng có những tuyên-ngôn cũ kỹ và cảm-tính như Mai Thảo. Cụ-thể là bức thư của nhân-vật Vượng đặt ở cuối truyện:

“Rất tâm đắc với ông, khi ông phân tích Hà Nội thành ba cái khác nhau. Cái Hà Nội thứ nhất là cái Hà Nội trong nỗi nhớ của gia đình ông, cho nên nó mơ hồ, nên thơ và tất nhiên không thể có thật. Cái Hà Nội thứ hai của nón cối dép râu mô tả với ông là cái Hà Nội trong ‘Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi’ của Nguyễn Tuân. Đó là cái Hà Nội của bọn văn công ăn cơm thật nói chuyện giả, cái Hà Nội chỉ có trong văn bản của hệ thống truyền thông quốc doanh, và tất nhiên không thể là cái Hà Nội thật được. Và ngay cái Hà Nội thứ ba mà ông trực tiếp đối mặt, gặp gỡ trong lần ông ghé Hà Nội, cũng không phải là Hà Nội đúng nghĩa. Ông mới chỉ nhìn lớp váng để đoán một nồi canh. Mới chỉ cưỡi ngựa để thưởng thức hương hoa. Và nói cho đúng nhất là mới chỉ đứng ở bờ đèo để đoán lòng biển cả. Không phải thế đâu, hãy nghiêng mình xuống để nghe được âm vang, hãy lắng lòng lại mà rung theo địa chấn. Xin mô tả với ông một Hà Nội khác. Đó không phải là thành phố Hà Nội, mà là tấm lòng Hà Nội. Đó không phải là Chính Quyền đang cai trị Hà Nội mà là cái văn hiến bàng bạc trong thói ăn nếp ở của người Hà Nội. Đó là Nề, là Nếp, là Kinh, là Lịch mà không một thể chế nào bôi xóa được. Chỉ có thể lúc nó nổi lên như một phong cách riêng tư, hoặc nó lặn xuống như một luồng sóng ngầm, âm vang mãi mãi trong lòng Hà Nội. Thư viết cho ông không thể viết dài, nhưng thật đấy, sẽ có một ngày ông được nhìn thấy Hà Nội Thứ Tư.”

Đúng, đây cũng là một tuyên-ngôn mang tính thời-đại. Tính thời-đại đấy chưa hoàn-toàn lỗi thời, nhưng cũng đã có tuổi. Có lẽ thế-hệ của tôi sẽ là thế-hệ cuối cùng còn chút liên-hệ đến những Hà-Nội được Nguyễn Minh-Nữu miêu-tả như quá-trình suy-vong. Trình-tự của những Hà-Nội kia rốt cuộc là một chuỗi của gián-đoạn nối tiếp gián-đoạn. Điều duy-nhất xâu chuỗi những mảnh vụn đấy thành một chỉnh-thể có tính nhất-quán là niềm tin vào một Hà-Nội thật đang âm thầm chờ cơ-hội tái-thế. Niềm tin đấy ban sức cho người ta thỏa-hiệp với Hà-Nội hiện-thực, như một cam-kết chịu đựng trong khi chờ sự xuất-hiện của một Hà-Nội thứ tư. Hà-Nội vị-lai đấy tuy không còn nguyên vẹn “Hà-Nội xưa” nhưng sẽ kế-thừa “Hà-Nội xưa” một cách đúng nghĩa và tử-tế hơn hiện-thực trước mắt. Lý-tưởng này tuy cao cả nhưng cũng đã hết hạn. Thế-hệ con em Kẻ Chợ ngày nay, hiếm lắm mới có thể mường tượng quá-khứ của thành phố, cho dù quá-khứ đấy vẫn tồn-tại song-song với phồn-hoa đô-thị trước mắt. Một cách trớ trêu, cái Hà-Nội thứ tư được nhân-vật Vượng miêu-tả như sự phục-sinh của một tinh-thần cao-thượng và bất-diệt có khi chính là Hà-Nội của ngày nay. Tức là một Hà-Nội của văn-hóa tiêu-thụ đi kèm với hiện-tượng quốc-tế-hóa. Một Hà-Nội đã biến “văn-hóa” thành một sản-phẩm để kinh-doanh và để che đậy sự trần truồng tột cùng của văn-hóa bằng những khẩu-hiệu và áo mũ mỹ miều. Một Hà-Nội không còn quá-khứ.

Nếu “Đêm giã từ Hà Nội” của Mai Thảo cho chúng ta thấy một Hà-Nội không còn tương-lai, thì “Hà Nội Thứ Tư” của Nguyễn Minh-Nữu buộc chúng ta phải trở về một Hà-Nội không còn quá-khứ. Kết-hợp cả hai, có thể chiêm-niệm toàn-cảnh của một gương mặt khác của Hà-Nội: một nghĩa-địa khổng lồ, nơi đã mục rữa thây ma của không ít những lý-tưởng yểu-mạng vì mảnh đất này.


NGUYỄN THỤY ĐAN