Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

98 . NGUYỄN ĐÌNH TOÀN Đêm Lãng Quên


 

Nguyễn Đình Toàn, sinh ngày mùng 6 tháng 9 năm 1936 tại Hà Nội. Cựu học sinh Chu Văn An. Bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm Chị Em Hải, sau đó là Con Đường, Ngày Tháng, Giờ Ra Chơi... Đã cộng tác với hầu hết các tạp chí xuất bản ở Saigon. Tác phẩm được in ra chừng 20 cuốn, trong đó có 3 tập truyện ngắn, còn tất cả là truyện dài. Đã cộng tác chặt chẽ với đài phát thanh Sàigòn một thời gian có thể nói là khá dài, khoảng trên 10 năm. Sau khi giải ngũ, sống bằng nghề viết văn và viết báo.

 QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

 Quan niệm về truyện ngắn của một nhà văn, theo tôi, thiết tưởng, không còn cách bầy tỏ nào đầy đủ hơn là chính những truyện ngắn của người ấy.

 Về Truyện Ngắn “ĐÊM LÃNG QUÊN”

 Thời gian — Thời tiết, đôi khi đó là những mối ám ảnh lớn lao của con người, cùng với cái chết.


Đêm Lãng Quên

I

 Không khí bỗng trở nên nặng nề khó thở. Mùa hè bao giờ cũng bắt đầu như thế. Bắt đầu bằng những đêm thức khuya hơn của những nhà kế cận, bắt đầu bằng những tiếng nước chảy xối xả của những người tắm khuya, bắt đầu bằng những đám bụi phủ dày trên các khung cửa sổ dù đã được phủi hai ba bận mỗi ngày. Sự oi bức đã làm cho lũ trẻ biếng chơi và hay khóc. Người ta mong đợi những trận mưa. Nhưng đối với một lão già như ta, cái nóng bức dù sao, cũng còn dễ chịu hơn là những ngày giá băng (giá băng như cái thành phố xa tít nào ta đã sống những năm khỏe mạnh nhất của đời mình, đánh bạc thâu đêm suốt sáng, nhưng vẫn có thể gần gũi đàn bà ngay sau đó, vả lại cũng ngay sau đó, có thể tiếp tục ngồi vào bàn bạc), cái rét cắt thịt da, mùa đông chỉ cần vô ý vấp chân vào một hòn đá ở ngoài đường, cái đau tưởng không bao giờ dứt. Mùa đông. Cái mùa đông lướt thướt sương mù, buổi sáng trở dậy thở khói ra mũi, những đám sương muối dày đặc đến đỗi khi người ta đứng giáp mặt nhau mà không nhìn thấy, cái lạnh thấu xương làm run lật bật cả chân tay, cái lạnh và đàn bà, đó có lẽ là nguyên nhân gây ra căn bệnh tê thấp khốn nạn của ta giờ đây. Sáu mươi tuổi, cái tuổi đã quá già đối với một người Việt Nam, ta đâu có ngờ ta đã mang theo cả cái thành phố đó (mang theo cả Hà Nội) trong xương tủy bằng một chứng bệnh. Cái bệnh này thật là bại hoại quá sức. Nó làm cho ta mất bao đêm không thể chợp mắt. Mỗi cơn tưởng như nó rút gập cả xương sống lại, cơn đau âm ĩ kéo dài trong suốt mùa mưa, không khí ẩm thấp của những ngày mưa đã ảnh hưởng dữ tợn đến căn bệnh, các bắp thịt bắt đầu mềm nhũn dưới lớp da nhăn nheo cứ bóp thắt lại từng cơn làm cho rời rã. Ta đã nghe thấy tất cả cái hắt hiu tàn lạnh của một đời người, của những đêm mát mẻ trong các cuộc truy hoan, đỏ đen, tích lại trong máu huyết, bây giờ đang muốn tắt đi cái dư vị cuối cùng, tắt đi cái chút lửa còn sót mỗi khi cơn bệnh bớt hành hạ, cho ta cái cảm tưởng, ta vẫn còn chân tay, vẫn còn đời sống, vẫn còn một vài phút rạo rực những ước muốn, như một vài tia nắng sớm mai chiếu qua những đám mây đen trước khi rạng sáng, chỉ mình ta thấy lại sự ấm áp, cái buổi sáng rực rỡ và một ngày dài oi ả chói chang sau đó, là của những người khác, này là của những kẻ khác, ta chỉ còn những đêm đen, những buổi xế chiều, những sớm âm u, những giờ phút đời sống đã tự giấu mặt, đã lẩn khuất, đã lẫn lộn, tuổi già như một cơn nước lụt đã dâng lên tới ngang ngực, hơi thở đã khó khăn, những thú vui đã bị dìm cả xuống vực thẳm phiền muộn, những nỗi phiền muộn không tên, như những cơn giông muộn màng, cuốn rít quanh căn phòng đóng kín, bít bùng, căn phòng chỉ còn những đồ vật cũ kỹ, những tranh ảnh khỏa thân của đàn bà, những người đàn bà Âu Mỹ xa lạ, đối với ta thật sự cũng chỉ còn như một tờ giấy treo lủng lẳng trên tường, đôi lúc trong đêm khuya thao thức ta đã bật đèn ngắm nhìn, trong lúc chạng vạng của những ngày mưa dai dẳng mù trời, hơi nước đã làm cho cả căn phòng lạnh lẽo, ta đã nhìn gió thổi trên những tấm bìa đó, lật đi lật lại, như những rung động của cõi ngoài đời sống. Ta đã thu mình trong căn phòng tồi tàn, thở hít cái bóng đêm ẩm ướt của thứ dục vọng khô khan, làm một lão già cùn mằn, ta đã biến thành bất cứ đồ vật nào đó trong căn phòng bẩn thỉu hôi hám này, như chưa hề bao giờ có ta như một người trong đời sống, chưa hề có một tuổi trẻ ta đã trải qua, như thể trên cánh tay này, ta chưa hề biết đến da thịt, mùi vị của một người đàn bà nào. Ôi những người đàn bà đã cùng ta sống những phút giây kỳ diệu nhất của khoái lạc, họ đã trở thành cái gì, trở thành những kẻ xa lạ nào, những đồ vật thảm thương nào, trong cái mùa hè oi ả này, trong cơn mưa thác đổ này, trong cái đêm vắng lặng mà chắc rằng tuổi trẻ ham hố đang đắm chìm trong các thú vui như một chiến thắng, có bao giờ nghĩ tới, sẽ có ngày, họ sẽ như ta, ngồi ngó nhìn bóng tối, gậm nhắm nỗi chua cay của mình. Tuổi trẻ, đó thực là một điều mỉa mai. Nhưng ta sẽ không hé răng về điều này, nếu không, sẽ không tránh được bọn trẻ nghĩ rằng ta ghen tuông với tuổi trẻ của họ. Tuổi trẻ, đó chỉ là một cái vươn vai sau một đêm vui thú. Các con cứ việc vui chơi. Tình ái là một lầm lẫn buồn thảm nhất, nhưng cũng không còn một lầm lẫn nào đáng phạm hơn.

 Mùa hè. Chỉ tội nghiệp cho mấy đứa trẻ. Mụn nhọt đầy người. Ta đã thức nhiều đêm, thêm những đêm không ngủ được vì nóng nực cũng chẳng sao. Mùi ẩm mốc nhờ cái mùa khô nó sẽ bớt đi. Ta có thể thở dễ dàng hơn, mặc dù sự mệt nhọc đã làm thêm lười biếng. Cái mụ già quét dọn phòng, không ngớt lời riếc móc ta “bẩn như con chó”. Nhưng đó chỉ là những lời nói lén. Ở trong cái cư xá này, làm cái nghề quét dọn những căn phòng, giặt ủi quần áo cho những kẻ độc thân, đó không phải là cái nghề đáng để chửi những người khác. Đã có lúc trong bóng tối của căn phòng, ta đã muốn làm cho mụ biết tay, nhưng ta đã không làm nổi việc ấy vì ta ghê tởm mụ, mụ đâu có phải thứ đàn bà của ta, dù là lúc ta đang sống trong cái ổ chuột này.

Mùa hè. Đêm xám như đổ chì. Đêm đục lờ cái thứ ánh sáng bệnh hoạn, nhợt nhạt như những thây người, thỉnh thoảng vào lúc trở sáng, một làn sương mù rớt trên các ngọn cây làm cho bầu trời thiếp đi, cũng giúp ta ngủ ngồi một chặp trên ghế, và thức dậy trong sự khoan khoái của một ngày còn nguyên vẹn, đó là lúc ta có thể đứng dậy, đến bên cửa sổ, nhìn xuống con phố vắng lặng, tưởng nhớ đến những mảnh đời đã tan nát của ta, tưởng nhớ tới những khuôn mặt thân yêu ta đã ôm ấp, đã trao gửi yêu thương, không phải chỉ bằng dục vọng gay gắt của tuổi trẻ, bằng những hơi thở dịu dàng nhất, bằng làn da tươi mát sau buổi tắm sớm, ta đã đánh thức nàng dậy nằm nghe tiếng chim kêu dưới những cành cây vừa thay lá, nghe những tiếng sẻ non líp chíp dưới mái hiên. Nàng là ai trong những buổi sáng hiếm hoi và tuyệt vời đó của đời ta (một kẻ phóng đãng)? Rất may là trong những ngày về già này của ta, ta không còn vướng bận về một người đàn bà nào, không có một người đàn bà nào thuộc về ta, ta có thể sống một mình, dù trong những đêm lẻ loi, cô độc, không phải ta không có những phút giây thèm muốn đến cay đắng được vùi mình trong hơi thở của một người đàn bà, như một người đàn bà và như một người bạn của những ngày bóng xế. Nhưng trong sự khó khăn của đời sống, cái thú vui đó, không đủ bù lại những cái ngao ngán sẽ phải chịu đựng, già đã buồn, tính già tự nó đã là một cái gì tiều tụy, thêm vào đó những thiếu thốn sẽ còn làm cho nó trở nên lố bịch và khó coi hơn nữa. Ta đã cố tránh cho ta phải làm kẻ chứng kiến thảm kịch của mình mỗi ngày. Người đàn bà của đời ta đã chết. Nàng quá thông minh, (khi còn sống nàng đã bao lần chứng tỏ điều ấy) đã bỏ cuộc trước khi đi vào đoạn kết quá khó khăn này. Ta đã khóc và đã quên nàng trong những thú vui tìm thấy của kẻ độc thân lần thứ hai. Những thú vui cuồng bạo, gấp gáp, của một kẻ tự thấy mình được tự do trở lại (đã bao giờ nàng làm cho ta thấy ta đã mất tự do vì nàng?), tự do trong một lúc tuổi già đã gần kề, vài ba sợi tóc sâu mỗi lần nàng nhổ cho ta tố cáo tuổi già sắp sửa, có phải? Đó là hai lý do thúc giục ta sống vội vàng, ta chẳng kịp yêu ai ngoài ta, ta chẳng kịp nhận ra cái thành phố đã nuông chiều ta bằng những thời tiết và mùa màng của nó, cũng như nàng, chỉ mãi tới lúc mọi sự đã cằn cỗi hết, ta mới nhận ra nàng đã tốt với ta, cái thành phố tuyệt diệu đó, đã chiều chuộng ta biết chừng nào. Ta đã bạc bẽo, và bây giờ là cái giá phải trả, dù ta có ương ngạnh không muốn nghĩ như thế.

 Mùa hè thúc giục trong những đêm khuya trở dậy mò mẫm trong căn phòng, nhìn thấy đôi vợ chồng trẻ ở căn phòng đối diện, cách một khoảng sân, cặm cụi với công việc đó, sau khung cửa mở rộng. Đêm quá nóng nực, và họ không thể tưởng ta là con ma xó có thể thức vào lúc đó đề rình mò và nhìn thấy họ. Dưới ánh sáng xanh nhợt nhạt của những vì sao, sau khung cửa mở (mở ra cái thế giới đã đóng lại với ta) những gì ta nhìn thấy, trong bóng tối và trong thứ ánh sáng không đủ thành ánh sáng đó, không ngờ còn xúc động ta tới tận cùng cơ thể. Không, không phải chỉ là cái ham muốn thông thường của dục vọng, nhưng hình như nó đã làm rung rinh cả nỗi bi thương bưng kín trong lòng ta cùng với cái chết. Mãi tới lúc họ đã làm xong cái công việc đó từ lâu, đã trở dậy mặc lại áo quần, người đàn bà với bộ quần áo đen tay ngắn và người đàn ông với bộ quần áo màu vải lẫn với bóng đêm không thể phân biệt, có lẽ là màu xám hay màu xanh nhạt, ta mới nhận ra cái thân thể bạc nhược của ta mỏi cứng, đó cũng là lúc ta có thể ngó mặt ra khỏi tắm màn che thấp nơi cửa sổ, đón những trận gió ẩm sương thổi từ phía bên kia mái ngói tới, làm mát bộ râu lởm chởm của ta, một cơn khoái cảm thực sự, chạy suốt thân hình ma dại của ta, làm ta muốn khuỵu xuống.

Đời sống đối với ta bây giờ, như mùa hè, như tất cả những mùa khác, chỉ còn một điều đáng chú ý, đó là thời tiết. Một ngày trời lạnh. Một ngày trời nóng. Một đêm trở gió, cái xao xác của sự đổi thay thời tiết (mùa màng) rỉ rắc trong đêm khuya mang theo cái rời rạc, tan rã của đời ta, trút nó ở một nơi xa thẳm nào, ta cảm thấy rõ ràng đời sống rút đi khỏi ta như một mực nước (con nước có lúc đã tràn lấn vào ta như một cơn lụt, bây giờ rút đi) ta ngó nhìn những cánh tay ốm tong teo, ta ngó nhìn ta như một con vật ốm yếu, sáu mươi tuổi, đó là lúc mọi tiếng động của đời sống đều mang ý nghĩa báo hiệu, không phải mùa hè, mà chính là mùa xuân, cái mùa khó sống nhất của những kẻ già, đời sống treo lủng lẵng trước mặt ta cùng với những tiếng nói không thể thốt, nói với ai, nói cái gì, đời sống câm lặng dần trong miệng, đời sống chỉ còn là những tiếng nói, những tên gọi lúng búng trong cổ họng, và mất dần như chạy giật lùi về phía sau, khi tuổi già phi nước đại tới phía trước, những tiếng nói không thể dùng đến nữa, quay tít như những chiếc chong chóng trong trí tưởng mệt nhoài, căng thẳng của ta, làm lộ ra những ý nghĩa nhạt nhẽo, buồn tẻ, đau lòng nhất, đúng hơn những tiếng nói đã nhả hết ý nghĩa, chỉ còn lại như những cái xác chết, những cái xác già nua, những tiếng nói ta thì thầm nhắc lại, ngượng ngùng không thành tiếng, như học lại làn thứ hai, chẳng còn một tác dụng nào đích thực, chỉ có thời tiết, nóng nẩy khô khan, hay lạnh lùng ẩm ướt, cho ta nhận ra đời sống bên ngoài và đời sống trong ta còn có thật, những bực thềm ấm áp, những bãi cát bỏng rãy chân tay, những rạng đông nồng nàn cây cỏ, những tiếng chim kêu thảng thốt ngoài hiên, những hồi chuông rộn rã đưa các linh cữu, những buổi chiều ngụp lặn trong các cuộc vui cố tát cạn hắt hiu giữa ánh lửa của sức lực gần tàn, tất cả những thú vui, kỷ niệm tưởng tượng và biến chuyển của đời sống đó, trộn lộn trong ta như một giấc mộng kinh hoàng những sự thật đang biến dễ dàng thành cái giả, và cả cái thật lẫn cái giả đó kéo lê trong những đêm khô héo của ta, nhưng chưa chịu thổi tắt những cây nến cắm trên quan tài ta nằm đây đã nghe thắp dậy trên đầu… Những cây nến người ta đã thắp trên đầu áo quan cho nàng, ta đã thổi tắt như một lời vĩnh biệt ta đã nói với nàng đêm ta ngồi canh xác. Những cây nến đã dập đi, khi bước ra khỏi nhà, khi dời khỏi Hà Nội, như một lời giã từ im lặng tàn nhẫn.

Mùa hè bắt đầu bằng những tiếng chuông đồng hồ lanh lảnh trong đêm khuya, bằng tiếng dế rúc từng chập lúc sẫm tối, bằng tiếng ve rộ từng hồi trên những cành cây cao, và thật là thảm thương cho lão già như ta đổ những giọt mồ hôi vô ích. Vô ích như một đời lang thang. Vô ích như tấm thân ma dại vẫn chưa thỏa những ao ước kỳ cục, những ao ước không thành nổi những ao ước, những giọt mồ hôi rớt trên mi mắt xót, làm giấc ngủ đã khó khăn càng không đến nổi. Những cơn mưa không thể mưa xuống làm cho không khi càng trở nên oi nồng, biến thành những hơi nước nóng bám trên da thịt làm cho muốn phát điên.

 Mùa hè bắt đầu bằng những tiếng đàn của mấy đứa trẻ mới lớn tập ca vọng cổ những đêm khuya, rời rã, buồn tẻ. Mùa hè cũng bắt đầu, thực sự bắt đầu, một buổi tối cả khu xóm bị cúp điện, đứa con gái làm cái nghề kỳ cục trong xóm, đến gõ cửa phòng ta, xin một que diêm để thắp cây đèn dầu đang cầm trên tay.

 

II

 Khi con nhỏ gõ cửa ta không thể nào đoán ra nó, mà tưởng là mụ gác dan đến quấy rầy, mụ lại sắp la lên về cái mùi hôi hám mụ ngửi thấy, làm như ta là một lão già không còn mũi nữa (bao giờ mụ chả thế), lại còn phải gõ cửa nữa, cứ vào đi thôi chứ.

 Nhưng khi nghe tiếng vặn cửa có vẻ rụt rè, ta đã biết không phải cái bộ mặt đáng ghét của mụ sẽ ló vô, mà đó là một người khác.

 Trong cái bóng đêm đen kịt của một cơn giông nín nghẹn, trận mưa đã không thể nào đổ xuống, đứa con gái hiện lên giữa khung cửa như một khối đen đặc, một mùi vị khác lạ, cái mùi vị chỉ những kẻ sống bao năm một mình như ta, mới có thể nhận biết ngay.

 Con nhỏ đứng sững lại giữa khung cửa, có lẽ mắt chưa quen với bóng tối, nó la, sao tối thui vậy ông nội. Vậy ta phải thắp đèn lên để đón mày sao.

 Đứa nào đó? Tôi đây mà. Tôi có cây đèn đây. Ông nội có lửa cho con xin một chút.

 Nó đứng thẳng giữa cửa một tay giơ cây đèn lên cao. Từ trong nhìn ra, bóng của đứa con gái cắt lên cái nền đen đục của khung cửa như một bức tượng nặng, tóc xõa trên tấm áo trắng ngắn, màu quần đen lẫn với bóng tối. Cái bóng nặng chặn ngang những cơn gió nòng nực thổi tới làm cho hơi thở của ta trở thành khó khăn hơn, có một chút gì đó đã làm lẫn vào không khí, cái không khí lạnh nhạt ta thở hít mỗi ngày, làm cho nó trở nên cay sè, mùi phấn, mùi nước hoa rẻ tiền. Một thứ mùi vị đã xa cách hẳn ta, như một tấm áo cũ làu ngày mới được giở ra, hương vị đã phai nhạt đó lại trở nên gay gắt. Nó không gợi nổi lên một hình thù nào rõ rệt, nhưng cũng không xóa hết được những gì nó vừa chợt khơi lên đó (một kỷ niệm, một quá khứ, sự khổ đau, hạnh phúc) tất cả đều đã mờ nhạt như chút hương còn sót lại ở trong tấm áo, mùi mốc meo làm se thắt ruột gan, một nắm tro tàn bị gió thổi làm xao động tưởng như vẫn còn một chút lửa nóng bên dưới, nhưng thật đã nguội lạnh từ lâu. Cái mùi ta ngửi thấy đó cùng gần giống như cái hơi lửa giả dưới đám tro tàn, lửa đã đốt thành tro, nhưng lửa cũng đã lìa khỏi tro, lửa đang cháy ở một chỗ khác, tuổi già như một nắm tro tàn, tuổi trẻ… Sao? ông có quẹt cho cháu xin một que đi. Con, tôi, cháu, ông nội, con nhỏ lộn xộn quá. Thì hãy để cho ta tìm xem đâu đã chứ. Nó là con nhỏ ở căn buồng phía bên phải, cuối hành lang.

 Nó làm cái nghề ta nghe nhiều người (những mụ đàn bà rổi hơi), bàn tán. Nhưng đó là việc của nó. Nó cũng phải tìm cách để sống chứ, tiền ăn, tiền thuê phòng, tiền quần áo. Tiếng nói của con bé nghe bẹt và chậm khác hẳn với dáng dấp tròn trịa và nhanh nhẹn của nó.

 Khi không nó bỗng cười rú lên, trời đất, làm gì mà lò mò như con ma đói vậy ông ngoại. Hừ, từ ông nội bây giờ bay lại muốn ta thành ông ngoại mày nữa. Tiếng cười ré lên, rún rẩy trong cổ họng, có lẽ cả người con nhỏ đang rung cả lên.

 Cùng với tiếng cười ấy ta lại ngửi thấy rõ ràng quá sức cái mùi thơm cay kỳ dị làm ta cay đắng. Nỗi cay đắng, hình như đến cái tuổi sáu mươi của ta chỉ còn có nỗi cay đắng là có thể tiết ra một cách dễ dàng, trong khi mọi thử khác đều đã trở nên trì trệ, khô héo, khắc khổ.

 Cái cơn giông bị hơi nóng đè nén, thỉnh thoảng vẫn lọt tới những lọn gió mát hơi nước của trận mưa đang chờ đổ xuống, thổi lọt vào trong phòng, không lối thoát tẩm lẫn cái mùi thơm luồn hẳn vào trong người ta, làm lơi dần chân tay, trong một phút ta bỗng cảm thấy già sọm hẳn (một kẻ nào đó đã nói: Già là một chứng bệnh không chữa được) không còn một hy vọng nào đáng kể, cái mùi thơm đánh thẳng vào khứu giác ta như một chất độc làm thương tổn, một nỗi tuyệt vọng thanh bình, bởi ta không thể còn một phản ứng nào chống trả, chỉ còn một bộ tịch oai nghi, lạnh lẽo, một bộ tịch cho tất cả mọi trường hợp.

 Tiếng lóc xóc của bao diêm ta cầm, con nhỏ nghe thấy, nó nói, cụ đưa cháu quẹt cho. Ta bật que diêm, lửa bật lên nhưng lại tắt. Tay bố run lật bật thế sức mấy quẹt được. Vậy mày cầm lấy mà quẹt.

 Cày đèn được châm lên. Thứ ánh sáng chập chờn của ngọn lửa soi sáng lần lần căn phòng, căn phòng như một chiếc quan tài đóng kín, thứ ánh sáng hiu hắt này đã lâu ta mới lại nhìn thấy, thật là kỳ quặc, đứa con gái đặt cái hộp quẹt xuống bàn, giơ chiếc đèn lên cao ngó nhìn quanh quất căn phòng, từng góc một, mọi thứ nó trông thấy hình như đều làm nó ngạc nhiên, có gì đáng ngạc nhiên. Một chiếc tủ, một cái bàn, một cái giường, hai chiếc ghế để mỗi chiếc một góc nhà, những quần áo cũ bẩn, giày dép vứt mỗi chiếc một nơi, đã đành ta không có thì giờ xếp chúng gọn gàng, có thế con mụ gác dan nó mới có dịp rủa lén ta chứ, cái nhìn của nó cuối cùng dừng lại trước ta, có cái gì mà con cười, con nhỏ đẹp hơn ta tưởng, nghĩa là ta muốn nói nó đẹp hơn những lần nó ăn mặc đàng hoàng để đi đâu đó qua cửa.

 Có lẽ nó vừa tắm xong, tóc gội còn ướt, những giọt nước chảy thấm xuống áo chưa khô kết thành những chấm tròn, hai mắt tối đen trên gò má cao, già là lúc người ta cảm thấy mọi người đàn bà đều đẹp thật, bố ở có một mình thôi hả bố, không trả lời, ngọn đèn bóng ngắn đó, có lẽ là ngọn đèn ta vẫn thường thấy để trên mặt những chiếc bàn con ngoài tấm màn che giường của những đứa con gái làm nghề tương tự, cái thứ ánh sáng âm u bệnh hoạn đó, đôi khi, làm cho kẻ tồi bại đến như ta (ít nhất là trong những phút nằm cạnh ngọn đèn đó) phải rùng mình khiếp sợ, đó là lúc đời sống không còn phải che đậy gì nữa, đời sống được đẩy lên cao nhất, đó hình như cũng là lúc nó sa xuống thấp nhất, khoái lạc đôi khi làm tủi nhục thân xác, cái thứ tủi nhục im lặng, âm u, như hai thân xác xa lạ sáp lại với nhau trong yên lặng, mỗi đứa theo đuổi mục đích riêng, trong bóng tối lung linh của ánh lửa chiếu qua chiếc màn che, mọi thứ nhìn thấy không còn ra hình dạng gì nữa, đời sống như một tấm lưới mịt mùng chụp xuống tha hồ cho các con giãy giụa, vẫn ngọn đèn đó soi tỏ ta trong vẻ già nua lúc này (ngọn đèn khác), ta giơ tay lên xoa bộ râu đốm bạc nháp cứng, đứa nhỏ cười thành tiếng, sao ông để giường nệm của ông bừa bộn thế ông, thì ta làm gì có thì giờ dọn, cháu thấy ông ngủ cả ngày mà, ông có làm gì đâu, ta không làm gì thật nhưng ta không có thì giờ, ông lười thế không trách cái bà già ấy kêu ông hoài, hừ, mụ lại đi nói với em sao, thì có ai mà bà ấy không nói.

 Đứa con gái tự ý cầm cây đèn đi lại phía trước cái tủ thấp đựng quần áo đặt lại chiếc lọ hoa (vật đẹp đẽ duy nhất của căn phòng) bị gió thổi lật từ bao giờ, chút xíu nữa thì nó rớt bể của ông còn gì.

 Nó dừng lại trước tấm hình (khỏa thân) ta đã lấy đâu đó trong một cuốn lịch, một tờ báo, treo trên tường, ta phải chờ xem nó nói gì về tấm hình này, nhưng con nhỏ không nói gì hết, nó đã quá quen với những tấm hình như thế hay không để ý đến tuổi già của ta?

 Ông không có con sao mà ông ở một mình? Không, ta không còn đứa con nào. Đáng lẽ ta sẽ không trả lời con đâu, nhưng không sao nói với con cũng như nói một mình vậy thôi. Không còn? Vậy là ông có con nhưng họ đã bỏ ông hả? Ừ, ta có hai đứa con trai. Nhưng chúng đều đã đi trận và chết cả. Trời đất. Ông để con xếp lại cái giường này cho ông. Ông bừa bộn thế này ông còn khổ hơn nữa. Ai nói với mày là ta khổ? Thì cứ trông cái giường mà ngốt lên thế này ông có mệt, ông cũng không muốn nằm xuống nữa. Thế mà không khổ à? Con nhỏ lí lắt đi lại lăng xăng xếp lại tấm chăn, kéo lại tấm vải trải giường cho phẳng phiu, đập đập trên mặt giường, rũ mấy cái gối, xếp ngay ngắn đâu đó, đầu giường, cuối giường, cây đèn, cây đèn nó đã để lại lúc nào trên mặt bàn cháy thẳng ngọn lửa, màu vàng khè của ánh lửa rọi cái bóng to lớn của đứa con gái choán kín một góc tường. Ông thấy không, trông cái giường gọn ghẽ thế này có phải ông còn muốn ngả cái lưng xuống không?

 Cái mùi lạ lùng ta ngửi thấy lúc nó đứng ngoài cửa, bây giờ nó vào hẳn trong này, lại biến mất. Ta thử hít hít mũi vẫn không thấy. Con bé, ta đâu muốn con làm đứa con ngoan của ta. Đừng đóng cái vai trò kỳ cục đó.

 Cháu cũng như ông, ở một mình mãi cũng chán. Nhà cửa của cháu lắm lúc cháu có thiết dọn dẹp gì đâu. Nhưng thấy ai ở không gọn gàng cháu lại thấy ngứa mắt. Ông trả tiền bà già hàng tháng ông phải bắt bà ấy lo sắp xếp nhà cửa cho ông chứ.

 Nó rúc lên cười, hay ông mê bả rồi không dám sai bả nữa?

 Con ăn nói như thế con làm đĩ là đáng kiếp. Nhưng ta cũng chẳng muốn làm đau lòng con làm gì, ta sẽ chẳng bao giờ nói với con cái ý nghĩ đó của ta đâu.

 Mùa hè năm nay sao nóng quá hả ông? Đêm ngủ như nằm trong cái lò vậy. Nó đi lại nổi liến thoắng luôn miệng, lấy chân gom lại những chiếc dép, xếp cho có hàng dưới chân giường, kê lại mấy chiếc ghế cho ngay ngắn, tự ý kéo mấy chiếc ngăn tủ, tìm một ngăn kẻo trống nhét đống quần áo bẩn quơ trên giường vào. Ông coi, thế có phải cái phòng của ông nó thoáng hơn không. Phải tới lúc đó ta mới chợt nhớ ra, đời sống của ta dường như đã dừng lại trong chốc lát.

 Đã từ lâu, ta đã ngồi ngắm đời sống, và đời sống diễn ra dưới mắt ta trong sự ngó nhìn yên lặng đó, diễn ra lặng lờ như ở bên kia một tấm kính trong, không còn một hoạt động nào bên trong nữa, ta muốn nói phía bên này tấm kính. Đứa con gái đã lạc vào cái chỗ kín bưng của ta bên này và khua động lên, làm ta không còn kịp nhận ra phương hướng của mình nữa.

 Sự đổi thay đột ngột này làm ta ngỡ ngàng thật sự (già là một cách tập sống lại). Những đứa con bất hạnh của ta giá đừng chết đi, có lẽ nó đã giúp ta khỏi thất thế trong cái vùng khô cứng này. Hình như từ lúc đứa con gái xuất hiện ở trước cửa phòng, ta đã muốn nói với nó một điều gì đó, nhưng nó đã di chuyển, cử động nhanh hơn trí tưởng của ta làm ta phải dồn cả sự chú ý theo dõi nó, đến nỗi quên mất điều ấy. Bây giờ ta muốn nói lại thì mọi việc đã sai lạc quá xa rồi, quá xa sự thuận tiện để ta có thể mở miệng nói với nó điều đó.

 Ta phải lần lại sợi giây từ đầu. Ta muốn nói ta có tiền, con cần tiền, ta… Một cơn gió thổi bung hẳn cánh cửa sổ bên ngoài đập vào tường một tiếng chát chúa. Đứa con gái ngồi lọt vào chiếc ghế nó vừa kê lại, đưa mắt nhìn ngó căn phòng, vẻ đắc ý. Ngoài khung cửa, phía bên kia những nóc nhà, bầu trời chi chít những sao, trông như ngã thành màu xanh, những vì sao lấp lánh sau làn mây mỏng như được phủ đều bằng một lớp khói, bầu trời xanh đục, không thể phân biệt được chiều hướng của các tia sáng, ở những quãng tối hơn, mảnh trời trông tím sẫm, nhưng ánh sáng vẫn chiếu lọt chung quanh khe viền của những đọn mây nhỏ.

 Ta phải nói với nó như thế nào đây. Một lão già như ta, nếu ta có thể bắt đầu được, bằng không sẽ là một điều khó coi, tuổi già, trước hết, đối với ta là một ngăn cấm, các con ta đã chết, ta có cần làm gương cho ai, ta có cần phải sống như mọi lão già khác, nghĩa là sống như một cái xác còn cử động được?

 Mùa hè, cái mùa nóng nực này càng lúc càng khó thở, chỉ còn một cách, con nhỏ đáng lẽ phải đọc được ý muốn của ta, mọi sự sẽ diễn ra một cách dễ dàng, nhưng vẻ già nua là một cách lừa dối, cái miệng thoa son của con bé hé ra hơi quá… những chiếc răng trắng nhỏ phản ánh ngọn lửa bắt đầu lay động, làm cho cái cười của nó càng thêm ma quỷ, không, ma quỷ đã đột nhập vào cái thân thể tàn rụi của ta, sự ham muốn không hơn ngọn đèn leo lét, nhưng cháy bỏng đến làm ta muốn tự bóp cho tắt hẳn đi, cho đêm tối thật sự mù lòa.

 Tắm áo mỏng lượn vòng trên hai cái vai mềm và đầy của nó, bó sát cái eo nhỏ, từ đó chảy lảng mướt màu vải óng ánh của chiếc quần lụa đen, màu vàng của ánh lửa bám trên những chỗ mặt vải bị uốn cong, những nếp vải xếp lại dọc theo hai bên cạnh sườn, và hai vạt áo tẻ ra bên bụng bắt đầu từ chỗ cái khung cuối cùng. Trong một phút con nhỏ bỗng im phắc như một pho tượng. Có lẽ nó đã linh cảm thấy một việc gì. Có lẽ nó ngạc nhiên vì chợt nhìn thấy cách sống của một lão già như ta.

 Không, có lẽ con không hiểu được, không bao giờ có thể hiểu được nỗi cay đắng trong lòng ta, không phải chỉ là sự nặng nề trong một cái thân đã tàn tạ nhưng chưa thỏa, mà vì ta còn muốn hút lấy cái đời sống còn đầy nơi con, cái đời sống ta đã kiệt quệ, cái đời sống chỉ có thể lấy từ một người khác, cái đời sống không còn thể truyền tiếp nữa, như con ong hút lấy mật của một bông hoa, điều đó chắc con không biết được, đời sống ta bây giờ như ngọn đèn cháy trong không…

 NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

 (Nguồn : vietmessenger.com)