Thiệt tình thì tôi không muốn nhắc/kể lại những chuyện xưa mà mình chứng kiến khi còn nhỏ sống ở đất Sài gòn nay đã trở thành thứ gì mờ nhạt trong ký ức của người già.
Thế
nhưng một nhà văn trẻ thân tình đã gợi ý rằng thầy mà không viết thì chẳng ai
biết những chuyện xa xưa đó - đã trên ¾ thế kỷ rồi, người chứng kiến chắc cũng
chẳng còn ai. Vã lại thầy có lợi thế là cường ký và khả năng viết lách trơn
tru, kể lại từng chuyện nho nhỏ trên fb chắc sẽ là rất ích lợi cho một số người
muốn biết về dật sử của Hòn Ngọc Viễn Đông ngày
trước.
Thôi
thì tôi tà tà kể lại những gì mình có thể nhớ - thêm thắc chút đỉnh dĩ nhiên,
đó là cái bịnh của người ‘cầm bút’ –
Bắt
đầu bằng chuyện ở Chợ Cây Điệp.
Nhưng
mà cái chợ nầy còn mất và trước đó ở đâu? Chợ nầy nay đã không còn.
Xưa nó ở giữa khúc đường Bà Hạt trước khi đâm ra khúc Lacaze, tức Nguyễn Tri Phương ngày nay.
Phải
nói chợ nầy tự phát, nó có cái tên đó là vì chợ nhóm gần một cây điệp lớn mọc bên mé một khuôn đất rộng. Chợ Cây Điệp thì cũng như thể Xóm Nhà
Thờ ở chỗ nào có nhà thờ hay Xóm Gò Dưa, Xóm Gò Dừa của Thủ Đức, hoặc là Xóm Mả
ở nhiều chỗ rải rác trong Sàigòn mà thôi. Chợ nhóm mỗi sáng sớm tới chừng độ trưa trưa,
lúc hơi đứng bóng thì tan, chỉ còn lát đát vài ba người hơi đứng tuổi với mớ
rau héo héo cố ngồi nán thêm chút đỉnh để vớt vát vài ba đồng bạc lẻ về mua thứ
gì đó cho con cháu bỏ bụng. Những người nầy thường bợ ngợ khi có ai hỏi mua vì
họ không phải là người chuyên bán buôn mỗi ngày.
Và
lúc đó là lúc xuất hiện bà Thũng.
Bà
Thũng không ai biết tên, người ta kêu bằng Bà Thũng thét rồi thành tên vì mặt bà bũng rệu, đen xạm
của người bị bịnh gan tới thời kỳ phát tán, tay chưn bà đều sưng tròn lẵng mà
lâu lâu để dọa con nít bu quanh chọc ghẹo bà lấy ngón tay trỏ của bàn tay nầy
nhấn lên cánh tay kia, hay mặt mày chưn cẳng – phải nói rằng bà Thũng bận quần
cụt quanh năm để lộ ra hai cẳng bự như chưn voi - để biểu diễn rằng thịt của
mình ngoan cố, hay là đặc biệt, không chịu trồi lên. Bị ấn chỗ nào thì bao
nhiêu thịt chỗ đó lún xuống lâu lắm mới trồi lên. Con nít, học trò lúc đó đã
tan giờ học buổi trưa về nhà ăn cơm để hai giờ rưởi vô học lại buổi chiều, bu
quanh hít hà hoặc cười nói, chỉ chỏ. Đó là bọn con trai, tụi con gái thì mắt lắm
lét, mặt xanh như tàu lá, chùm nhum lại với nhau nhưng cũng trố mắt ngó.
Người
lớn thì la rầy tụi nhỏ:
‘Ối,
ngộ nghiệt gi mà coi như coi hát bội vậy bây! Ngày nào bà ta cũng biểu diễn bao nhiêu đó, bộ mấy đứa
bây coi không chán mắt sao mà bữa nào cũng bu quanh. Thôi dìa đi ăn cơm trưa để
còn chiều đi học.’
Lủ
trẻ con chán chê tản lần lần. Thế rồi cuối cùng cũng có người đem tới đổ vô cái
ca nhôm mà bà treo lũng lẵng ở
lưng chừng quần chút cơm, chút cá, chút canh. Loại cơm thừa canh cặn nhưng bà
ngó người cho bằng cặp mắt biết ơn dầu rằng không nói gì. Bà Thũng cũng móc từ
trong túi ở trước ngực lấy ra một cái muỗng thiếc trộn trộn món quà vừa mới nhận
được, nhón một muỗng bỏ vô miệng nhai nuốt ngon lành.
Người
nầy cho chút ít, kẻ khác cho chút ít... Có người lại tử tế dặn:
‘Bà
ăn từ từ thôi, coi chừng mắc xương, đồ ‘xà bần’ nầy coi vậy mà xương nhiều lắm.
Hai
ba con chó ở đâu bu tới, ý chừng chúng nói tại sao bà dám giành đồ ăn của tụi
tui. Bà Thũng lấy một chưn quơ quơ đuổi tụi chó đi rồi kiếm một cái sạp trống
nào đó ngồi thưởng thức bữa tiệc của mình.
Tụi
nhỏ cũng từ từ tan, chỉ còn lại một mình bà Thũng chậm chậm múc từng muỗng một
cho vô miệng, ngậm lại hồi lâu mới nuốt để thuởng thức hương vị của món ăn.
Tôi
bữa nào cũng dự phần vô hoạt cảnh đó, thở dài buông ra hai tiếng tội nghiệp...
Và cảnh tượng bà Thũng ngồi một mình, ăn
dè xẽn từng muỗng cơm bố thí ám ảnh tôi
suốt trên đường về bữa nào cũng vậy.
***
Xóm
chợ Cây Điệp sáng Chủ Nhựt nào cũng có nhiều người gầy sòng bầu cua cá cọp để lột
áo những người máu me cờ bạc. Lũ trẻ, ôi thôi thấy bầu cua thì a thần phù vô bất
kể giờ giấc, đặt đặt, tả tả, mấy tiếng quen thuộc lấy cái tay, ba con nai vang
lên in ỏi. Bà Thũng quanh quẩn ở đó lầm
bầm, chỉ chỏ: Cộ lương, cộ lương. Lắc cọp, lắc cọp. Dĩ nhiên là bà bị mấy tên
chủ sòng đuổi đi sau khi dọa là sẽ đánh nếu còn lẩn quẩn phá nồi cơm của chúng.
Rồi
thì tôi cũng hiểu cộ lương là gì khi vô nhà thương Sàigòn thăm bà Thũng nằm để
các bà Phước phụ trách ở đây săn sóc sau khi bà bị một trận đòn oan quá mạng. Tất
cả điều bí mật nằm trong cái nắp hộp để lắc bầu cua, tụi gian làm một miếng giấy
xếp thành nửa hình lập thể, dán phía trong hộp. Khi đậy hộp để lắc, chúng cố ý
cho cái cộ lương nầy chụp lên một hột nào đó mà chúng nhớ, chẳng hạn như con
nai. Khi tay con đặt ít hay không đặt cửa con nai thì anh ta giở lên nhẹ nhàng,
hột con nai vẫn nằm yên và thế là chủ sòng chỉ cần tính toán ăn thua với hai hột
kia. Nếu tay con đặt nhiều ở cửa con nai thì khi giở hộp lên anh ta đẩy nhẹ tay
cho cái hột ở trong cộ lương lăn đi và vậy thì xác xuất ra con nai rất ít.
Người
nào phát kiến cái cộ lương trong trò chơi Bầu Cua Cá Cọp thiệt là thông
minh... vặt. Sau khi nghe Bà Thũng cắt
nghĩa tôi thầm nghĩ như vậy, nhưng cũng không thắc mắc thêm là nhờ đâu bà ta biết
cái trò gian lận nầy.
Còn
trò lắc cọp nữa. Nhà cái xếp ba con nào đó lên trên mặt trên, thí dụ như ba
trái bầu, cố không xếp ba con giống nhau ở mặt nhà con và lắc gằn một cái kêu
là lắc cọp, để cho thiên hạ đặt. Dĩ nhiên là có khi thì còn một con, khi thì đi
hết không còn trái bầu nào. Thủ pháp lắc cọp kết hợp với thủ thuật cộ lương dĩ
nhiên tụi nhỏ và cả người lớn cũng cháy túi.
Tôi ở
trong số nạn nhơn đó. Tuổi trẻ mà, loại bài bạc nào cũng hấp dẫn, nhứt là khi
có nhiều thời giờ lang thang trước khi về nhà.
Bà
Thũng xáp vô gần sòng miệng láp dáp cộ lương, cộ lương, lắc cọp, lắc cọp thì dĩ
nhiên bị chủ sòng ghét, đuổi đi.
Có lần
tôi chứng kiến sự trả thù của một tên anh chị ăn tiền do lảnh việc canh lính
cho mấy chủ sòng bầu cua. Trả thù cũng đơn giản nhưng kết quả hơi nặng cho Bà
Thũng.
Nguyên
do là bà Thũng thường mót tàn thuốc của
thiên hạ quăng ra hít hít vài ba hơi cho đở thèm. Hể bà thấy tàn thuốc lá đen rẽ
tiền như MIC, Bastoz, Melia đen thì bà lầm bầm nho nhỏ trong cổ họng
dế nhũi rồi lượm lên, nếu thấy tàn thuốc kia còn le lói chút khói cuối cùng thì
bà hít lấy hít để, mũi phồng lên xọp xuống thoãi mái. Nếu thấy tàn thuốc đầu lọc
như Golden Club, Melia vàng, Craven ‘A’ hay Capstan thì bà lượm cất bỏ cùng vô
cái túi chứa chiếc muỗng thiếc cũng là với một cử chỉ từ tốn, không lộ vẽ gì mừng
rỡ khi cúi xuống lượm lên, miệng đếm một
hai ba con dế cơm mập quá! Trong cả hai trường hơp nếu tàn thuốc đã tắt thì bà
lận lưng để dành.
Mấy
tên anh chị chủ sòng bầu cua bàn nhau hạ độc thủ với Bà Thũng. Một tên lượm tàn thuốc, đốt cho cháy từ từ rồi lấy
thuốc dán Con Rắn vốn là thứ xức lên mục ghẽ để cho ung mủ, rất dính, trét lên
đầu kia của tàn thuốc rồi lừa dịp gắn vô bắp vế non của một đứa nhỏ nào đó
đương được chị nó ẵm mà không chú ý. Lửa ngún từ từ tới cuối tàn làm phỏng da non đứa nhỏ, nó khóc ré
lên. Chị nó lật đật phủi thì càng phủi càng dính vô da do thuốc dán nóng chảy,
đứa nhỏ càng khóc ré.
Cả bọn
lắc bầu cua hùa lại đỗ thừa cho Bà Thũng và còn quả quyết rằng mình thấy chính
tay bà ta chơi dại gắn vô đùi đứa nhỏ. Bà Thũng ít oi, chỉ ú ớ nói không phải
mình...
Ba của
đứa nhỏ, vốn là người của Bảy Viễn làm trong lực lượng Công An Xung Phong nên rất
ỷ quyền lại nóng ruột con nên chỉ nghe lời của mấy tên lớn họng nói rằng biết
bao nhiêu người, sao họ không chỉ ai mà
xúm lại chỉ bà.... Và bà Thũng đã
bị tên nầy đánh nhừ tử tới nỗi phải nằm lăn ra đất chết giấc...
Sau
sự kiện đau lòng đó chừng độ một tuần, nhơn chiều Thứ Năm nghỉ học, tôi lại
lang thang ra chợ Cây Điệp để thăm thú cảnh mình quen thuộc bao nhiêu ngày trước,
tháng trước vì bó chưn nằm nhà thì quá nóng với lại chồn chưn chồn cẳng không
đi chịu không được. Phải nói thêm là tôi thèm hoạt cảnh của chợ Cây Điệp. Đứng
coi bà bán mắm tráo tráo, trộn trộn những con mắm no tròn đầy thịt thấy mà
thèm. Bà thỉnh thoảng vớt lên những miếng dưa chuột dài mập ú được nhận chìm
trong hủ mắm mấy ngày trước, coi chừng đã thấm mấm để lên mặt.
Thấy
tôi đứng ngó xửng bà nói, giọng giải thích:
‘Ém
dưới lớp mắm để dưa chuột trở mình thấm mắm thành dưa mắm, trộn hể có ai mua
thì mình khỏi bới lên tìm kiếm hư hủ mắm của mình.’
Dòm
mắm thì thấy thèm nhưng khi bà ta đứng dậy thì áo quần bay ra một thứ mùi không dễ chịu chút nào! Nó như là mùi
lâu ngày không tắm của Bà Thũng. Tôi bước qua sạp kế bên. Bà bán thịt heo.
Sáng
sớm bà ta đã cắt ra từng cục lớn đâu chừng nửa kí-lô bày lên trên từng miếng lá
chuối để trên sạp cây, không đậy điếm gì. Thấy thịt mà phơi bày trần trụi như vậy
tôi nghĩ thầm, cũng là theo ý của thầy giáo năm rồi: Hóng bụi đất, rước ruồi nhặng
như vậy thì thịt đâu còn ngon bổ gì nữa.
Ai mua về rửa không sạch ăn thì phải biết, bịnh tiềm phục trong mình!
Lúc
đó thì trên không, khỏi đầu người chừng 1 thước tây thì cả bầy nhặng bay vo ve
như biểu diễn một điệu luân vũ. Tôi ngước lên, lấy tay đuổi mấy con bay thấp ra
rà gần đầu mình.
Bỗng
có tiếng bà bán bánh canh chỏ miệng qua nói vói:
‘Không
biết Bà Thũng bây giờ ra sao rồi! Tôi nghe nói bà ta được chở vô nhà thương Hui
Bòn Hỏa, ở đây họ săn sóc cái xương chậu bị đánh gảy.’
Tiếp
theo là cái chép miệng:
‘Tội
nghiệp quá, đã thũng mà còn bị gảy xương chậu nữa, đi đứng đâu có được. Nằm một
chỗ ai mà săn sóc, rồi làm sao xin ăn. Thằng cha Tư Bình Xuyên ỷ thế lực, ác
thiệt tình, tin lời tụi cờ gian bạc lận chỉ chỏ ẩu, a thần phù vô mà đánh người
ta...’
‘Hay
là tụi mình cùng nhau đi thăm bà ta!’
Một
bà bán hàng bông ngồi xa xa lên tiếng.
Chỉ
cần bao nhiêu tin tức đó, tôi đi mau cho hết con đường Bà Hạt, ra tới đường
Pierre Pasquier, đón xe bu-út ra chợ Mới Bến Thành. Thường thì đi xe bu-út tôi
hay bị chóng mặt, nhức đầu, muốn ói do mùi dầu của nó vì không quen đi xe,
nhưng bữa nay thì những cảm giác trên không có, nhường chỗ cho những dự kiến
mình phải làm gì khi tới nhà thương Hui Bòn Hỏa
để thăm một bà già bịnh hoạn mà mình không liên quan họ hàng gì.
Rồi
thì xe cũng ngừng ở trạm chót: Ga Cuniac, trước bùng binh chợ. Tôi băng qua con
đường lớn bước lên lề thềm tòa nhà cao ngất ngưỡng có một hàng chữ Tây: Chemin
de Fer, rồi đi vòng qua trước mặt nó để tới nhà thương...
Thằng
nhỏ là tôi hơi e ngại khi tới trước cửa vô, bèn cà rà bên ngoài. Sẵn thấy có
cái khung dán tin tức của Phòng Thông
Tin Anh Quốc tôi tò mò đọc rồi tin nầy kéo tin kia, tôi coi hết những hình ảnh
trên đó.
Nào
là công chúa Margaret đương ngồi trên ngựa, có anh chàng Townsend nắm dây
cương. Lúc đó nghe đồn hai người nầy có tình ý với nhau nhưng Nữ Hoàng không khứng,
bây giờ tôi mới thấy hình của họ. Coi cũng xứng đôi vừa lứa quá! Chàng cao lớn
điển trai, nàng đẹp gái, thanh tú.
Nào
là Thái Tử Charles, chừng 4, 5 tuổi, bận một bộ đồ quá đẹp, có viền vàng, có
nút vàng lấp lánh đương đứng nói chuyện gì đó trong khuôn viên rộng lớn với người
chăm sóc mình. Một hình khác là Nữ Hoàng tay dắt cháu nội, cả hai cười tươi sửa bộ trước ống kiếng của máy chụp
hình.
Tôi
ngó xuống chưn mình, không dép giày gì hết, quần xà lỏn, đầu trần, áo cũng đã
phai màu, sờn vai. Mình lớn hơn Thái tử nầy cở 7, 8 tuổi nhưng quá cách biệt.
Sau lưng cậu ta là cung điện đồ sộ, trước mặt là khuôn viên minh mong, còn mình
thì chui rút trong căn nhà lá ọp ẹp, tuối lại không bao giờ có tiền tới một đồng....
Tôi
quay lại, không nghĩ thêm, rồi lấy hết can đãm bước vô cửa nhà thương. Mấy bà
phước đầu ai nấy đều đội cái lúp trắng hình mỏ quạ, áo chùng đen dài phết gót, người đi tới người đi lui lo công chuyện
của mình. Họ thấy tôi nhưng đương bận rộn,
không hỏi han cũng không ngạc nhiên gì hết.
Đây
là nhà thương thí, thầy lớp Ba của tôi ở trường Hãng Đinh năm ngoái cắt nghĩa
là chỗ nầy người ta đem tình thương mà săn sóc người bịnh không lấy tiền,
thương ở đây là tình thương dịch từ chữ hôpital, gốc từ hospitalité gì đó có
nghĩa là tình thương, không phải là nơi chửa trị những người bị thương tật cho
nên mấy bà phước vô làm việc không lấy tiền. Họ vui vẻ, thân thiện và đầy lòng
nhơn ái.
Rồi
thì tôi cũng lên được phòng của bà Thũng, lầu 3, phòng ở kế bên cầu thang.
Bà
Thũng ngó ra, ngạc nhiên khi thấy có người lấp ló trước của phòng. Thâm tâm bà
nghĩ rằng chẳng bao giờ có ai tới thăm mình. Quá sững sờ khi nghe tôi lặn lội tới đây chỉ để coi tình trạng của bà ra sao. Bà
quen mặt thằng nhỏ nầy là tôi, nhưng chưa bao giờ nghe tên, tuy vậy sự thân thiện
đã có ngay từ phút đầu. Trong bộ đồ nhà thương sạch sẽ và rộng thùng thình coi
bộ bà Thũng khác lạ hơn những lúc ở chợ Cây Điệp: Mặt mày sáng sủa, tươm tất
tóc tai.
Bà ngồi dậy, từ tốn chỉ cho tôi ngồi trên giường
kế bên bà, hào hứng hỏi thăm về những
người đã tử tế với mình cũng như những bạn hàng quen mặt nhưng chưa từng cho bà
chút quà mọn nào. Trong cuộc nói chuyện tôi cảm giác lờ mờ rằng bà Thũng từng
là người có học...
‘...Gia
đình tôi đương êm ấm ở Vĩnh Long, Thiềng Đức, nhưng rồi chiến tranh tràn tới,
nhà cháy, người thân lớp bị chết, lớp bị bắt, không biết bao giờ mới được thả về.
Vợ chồng cô em chồng thấy anh của họ bị Tây bắn chết, tôi một thân cô độc đã
không cưu mang thì chớ lại đành lòng giành gia tài đuổi tôi ra khỏi nhà cha mẹ
chồng. Tay trắng, cô đơn tuyệt cùng, tôi bương chảy kiếm sống trong cực khổ rồi lần lần lên Sàigòn. Nhà cửa
không có, bà con cũng không ngơ, nghề nghiệp thì... đàn bà mà đâu làm nặng nhọc được, tôi thức
khuya dậy sớm, buông đầu nầy bắt đầu kia kiếm sống qua ngày nhưng cũng không đủ
ăn. Rồi cái... cả chục năm nay do ăn uống
sống sít, dơ dáy, bữa có bữa không, chịu đói uống nước lạnh thuờng xuyên để no
bụng, tôi mắc chứng bịnh ung thư gan nầy
khiến thành ... Bà Thũng.
Bà
ta chấm dứt câu với cái cười nhẹ trong nước mắt, kéo vạt áo nhà thương lên lau
mắt... nói như ngâm thơ, theo giọng đọc ca dao mà ông thầy Tế lớp Nhì của tôi thường biểu diễn:
Ông
Trời thiệt ở bất công, kẻ ăn khôn hết người
lần không ra.
Khi
bà nói câu nầy thì tôi nhớ tới hình ảnh hình Thái Tử Charles trong khuôn viên cung điện mà mình mới vừa
coi hồi nảy rồi nhớ tới thân phận nghèo hèn của mình. Cũng buồn theo câu chuyện
của bà Thũng.
Bà
Thũng nuốt nước miếng như cố gắng nuốt cục
nghẹn đời mình rồi nói như than: Làm người khổ thiệt tình. Trời sanh con người
ra để đày dọa thôi chớ đâu có làm ơn làm phước gì cho con người.
Ngồi hơi lâu, coi bộ mệt, bà Thũng cài cái gối sau lưng, dựa vô vách, chép miệng:
‘Không
biết sau khi ra nhà thương thì tôi sống cách nào nữa. Lúc trước thì còn lê lết
được, bây giờ hễ nhúc nhích thì đau thấy
ba bốn ông Trời. Chắc phải giải quyết đời mình thôi, cách nào thì chưa biết!’
Tôi
ra về với nỗi xót xa cho một cảnh đời, mang trong trí chút sự oán than trời đất
đã bất công khi tạo ra con người dưới ngôi sao xấu là bà Thũng và bất cứ ai ở
trong cảnh quá nghèo mà không có người thân thích để dựa nương.
Tuổi
trẻ dễ quên và tôi đã quên lửng chuyện bà Thũng nếu chừng hai tuần sau đó không
tình cờ nghe được bạn hàng ở chợ Cây Điệp bàn tán rằng bà Thũng đã nhảy cầu
Bình Lợi tự tử khi họ nói về những người đàn bà ham đánh tài xỉu ở sòng bạc Đại
Thế Giới phá hết gia tài của chồng, cùn đường đành mượn giòng nước bỏ đời....
NGUYỄN VĂN SÂM
(Victorville,
CA, 1/18/2025)