Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

362 . TOPA (Hòa Lan) Tự Sự Của Một Con Bò Cái.

                                                                                         


Bởi con là giống cái, nên rồi đây con cũng sẽ phải mang thai và đẻ chửa đau đớn…” Nghĩ đến điều mà tôi sẽ không thể nào tránh khỏi, nên, những lúc rảnh rỗi thường làm tôi nhớ đến lời của mẹ tôi, người mẹ luôn chịu đựng với số phận không một lời thở than.

“Tôi sinh ra đời trong đêm có mưa giông gió lớn”.

Cuộc đời của tôi như đã được định đoạt khi tôi vừa nhìn thấy thế gian. Khi đó trời đang có mưa giông gió bão và rất lạnh lẽo. Ngay khi vừa chào đời, tôi nghe những người đứng chung quanh tôi - sau này tôi được biết, đó là những người trong gia đình ông bà chủ cùng hai cô chủ nhỏ… đã mừng rỡ nói với nhau:

“Ô! Vui quá vì nhà mình vừa có được một con bê cái. Vậy là sau này nó sẽ đẻ cho nhà mình nhiều con bê nữa. Ha ha ha. Ha ha ha…”

Tôi bị lạnh và đói nên tìm đến vú của mẹ và bú. Hai cô chủ nhỏ nhìn tôi bú vú mẹ và luôn miệng khen tôi. “Con bê có màu da trắng đẹp và xinh quá”.



Khi ánh bình minh vừa ló dạng từ chân trời, lúc này tôi còn đang say giấc nồng trong sự sưởi ấm của mẹ tôi, thì, hai cô chủ nhỏ xuất hiện ngay cửa chuồng. Buổi sáng tinh mơ ngày hôm nay, sau nửa ngày tôi được sinh ra đời, tôi nhìn thấy hai cô chủ nhỏ mỗi người cầm một cái cây nhỏ và dài mà mẹ tôi nói đó là, cây roi mây. Hai cô chủ dẫn mẹ tôi và tôi ra khỏi chuồng.

Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy bầu trời có mây xanh và có mặt trời. Mặt trời đã chiếu những tia nắng xuống trần gian như là để sưởi ấm cho riêng tôi, vì tôi đang bị lạnh. Trên đường đi, tôi nhìn thấy cỏ cây hai bên đường. Cây thì khô cằn và hoàn toàn không có trái. Còn cỏ thì không được xanh và tươi tốt cho lắm. Nhưng, tôi thích thú quá nên chạy nhảy tung tăng làm cho hai cô chủ nhỏ phải chạy theo kéo tôi lại. Và, một trong hai cô đã thẳng tay ‘tặng’ cho tôi vài cái roi vô đít làm đau điếng vô cùng. Từ lần bị đòn đầu tiên đó, tôi để ý thấy hai cô chủ của tôi lúc nào mặt mũi cũng như là… bà chằng, làm cho tôi sợ lắm. Mẹ tôi thấy tôi bị đòn nên nói cho tôi nghe những điều cần biết về những người chủ: “Bọn chủ của mình ác độc và gian xảo lắm con à. Con còn nhỏ nên chưa biết đó thôi, tụi nó thích dùng bạo lực để khủng bố tinh thần và bắt giống bò của mình phải làm những công việc rất nặng nhọc. Nhưng, mình lại phải tự kiếm lấy miếng ăn, mà, cỏ thì có lúc tươi xanh lúc thì héo úa như con đã thấy trên đường đi. Vì bản tính bọn chúng độc ác và chủ trương phải cho chúng ta luôn luôn sống trong sự sợ hãi và đói khát, nên, riết rồi chúng ta trở nên hèn nhát. Vì bọn chủ độc tài nên cuộc sống của chúng ta luôn luôn buồn thảm và tăm tối đến ảm đạm. Bọn chủ ác độc đến nỗi trên bầu trời con sẽ không bao giờ còn nhìn thấy con chim nào bay đến đây ca hát, hoặc, chỉ bay ngang qua thôi. Bọn chúng bắt chim ăn thịt nên riết rồi chim không còn dám bay đến đây nữa. Và, vì chim có cánh nên chúng đã bay đi nơi khác kiếm ăn. Nhưng, chúng ta thì không thể làm như chim được. Chúng ta không thể bay đi đâu được vì chúng ta không có cánh. Con hãy ráng giữ thân đừng để tụi chủ nó đánh đau lắm đó con”.

Tôi ngây thơ hỏi mẹ:

“Bộ hai cô chủ nhỏ dễ thương kia bắt mình làm việc nhiều và nặng lắm hả mẹ?”

“Lát nữa đây con sẽ được thấy tất cả. Rồi sau này khi con đủ lớn, con cũng sẽ bị bọn chúng bắt làm nhiều việc, từ việc phải kéo xe chở hàng hóa đến những công việc rất nặng nhọc như cày bừa. Nếu chúng ta làm cả ngày mà bọn chủ cho là không đủ, thì phải… ‘tranh thủ’ làm luôn ban đêm nữa. Bọn chúng muốn vắt của chúng ta đến giọt sữa cuối cùng mới chịu. Bọn chúng không dễ thương như con nghĩ đâu. Đồng loại của chúng ta gọi bọn chủ là loài phỉ đó con à”.

“Tại sao gọi bọn chủ là loài phỉ vậy mẹ?”

“Ngày xưa vùng đất mà mẹ con mình đang sinh sống đây vốn rất trù phú. Loài bò chúng ta không cần phải làm lụng nặng nhọc nhưng vẫn có nhiều cỏ xanh tươi ăn hoài không hết. Những người chủ ngày đó rất thương yêu chúng ta vì chúng ta tạo ra của cải và thức ăn cho họ. Thế rồi… Vì vùng đất phía Bắc cằn cỗi và nghèo nàn đến nỗi đồng loại của chúng ta bị bắt kéo cầy quanh năm mà vẫn không đủ ăn nên ốm đến trơ cả xương ra. Bọn chủ phía Bắc vốn là những tên cướp và thất học, gian xảo và tàn ác, nhưng lại tưởng mình là ‘đỉnh cao trí tuệ của loài bò’ nên đã cùng nhau kéo đến đây cướp của và cướp đất của những ông bà chủ hiền lành, rồi bắt những ông bà chủ đó đem giam cầm trên vùng rừng thiêng nước độc và bắt làm việc nặng còn hơn là bắt đồng loại của chúng ta làm, nhưng, lại không cho ăn no. Những ông bà chủ ngày trước gọi bọn chúng là bọn… Bò Cộng Phỉ”.

Mẹ tôi bị mệt sau khi sanh tôi nên vừa nói vừa bước những bước chân không được mau như tôi. Cũng vì vậy mà hai cô chủ nhỏ cầm cái roi mây và cứ liên tục đánh vào lưng vào đít mẹ tôi để thúc mẹ tôi đi nhanh hơn. Lúc đó tôi không biết mẹ tôi có bị đau hay không vì tôi thấy mẹ không kêu than gì cả.

Tới khu đất được gọi là ruộng, tôi bị cột vào gốc cây, còn mẹ tôi thì phải lội xuống nước. Mẹ tôi bị hai cô chủ nhỏ đặt một khúc cây thật lớn và thật nặng lên sau cổ. Khúc cây này có hai sợi dây ở hai đầu và kéo dài ra tới phía sau mẹ, rồi lại được cột dính vào với một khúc cây cũng khá lớn và nặng mà tôi thấy phía dưới cái khúc cây còn có một miếng sắt cũng thật lớn được một cô chủ nhấn sâu xuống dưới đất.

Tôi không hiểu tại sao cô chủ nhỏ của tôi không nói mà lại cứ lấy roi đánh vô người mẹ và bắt mẹ phải kéo cái cây nặng đó cùng cô chủ nhỏ đứng trên và đi vòng vòng xung quanh cái gọi là ruộng. Tôi không hiểu cô chủ nhỏ làm công việc đó để làm gì vì đất ở dưới nước tự nó đâu có cứng mà lại phải xới tung lên.

Tội nghiệp mẹ tôi! Mẹ bước những bước thật nặng nề nhưng lúc nào mẹ cũng bị cái roi đánh liên tục vào lưng vào đít. Tôi nằm im nhìn mẹ làm quần quật không được nghỉ, cho đến khi tôi nghe cô chủ đi với mẹ tôi nói lớn với cô chủ kia:

“Thôi, trưa rồi nghỉ ăn cơm em à. Chị đói quá rồi”.

Đến lúc đó mẹ tôi mới được cô chủ tháo khúc cây nặng nề ra khỏi cổ và mẹ bước đến bên tôi rồi cho tôi bú. Thấy mẹ đưa vú cho tôi bú, lúc đó tôi mới biết là mình cũng đã quá đói rồi. Nhưng, vì thương mẹ quá mà quên cả đói. Mẹ tôi nhìn tôi với ánh mắt buồn bã lắm. Khi tôi đã bú no nê rồi tôi mới hỏi mẹ:

“Tại sao mẹ nhìn con với ánh mắt buồn quá vậy mẹ?”

Mẹ tôi âu yếm liếm mặt tôi và nói:

“Mẹ đâu muốn con ra đời. Mẹ thương con quá vì mẹ nghĩ sau này con cũng sẽ bị khổ y như mẹ hiện tại. Nghĩa là con cũng sẽ phải đẻ con rồi cũng phải bị bắt làm việc ngay chứ không được tịnh dưỡng nên mẹ buồn. Mẹ bị đánh hoài làm mẹ đau quá mà mẹ nghĩ mẹ đâu có làm gì lỗi đâu, chẳng qua... bọn chủ chủ trương phải làm cho chúng ta luôn sống trong sợ hãi mà phải phục tùng chúng”.

Mẹ tôi thở dài và nhắm mắt lại như đang mệt mỏi lắm. Tôi chồm lên gần mặt mẹ và hỏi:

“Thế tại sao mẹ lại đẻ con ra làm chi?”

Ông bà chủ đưa mẹ đến chỗ có đồng loại của mình và bắt mẹ phải chịu đực để có thai…”

“Chịu đực là chịu gì hả mẹ?”

“Chịu đực là... là... Con còn nhỏ và là con bê cái nên sau này lớn lên con sẽ hiểu chịu đực là chịu gì. Bây giờ con cho mẹ nằm nghỉ một chút cho khỏe nghe con”.

Mẹ tôi nằm xuống chưa được bao lâu thì mẹ đã phải vội vàng đứng lên vì cô chủ đã đi đến.

Mẹ tôi lại bị đặt lên sau cổ cái khúc cây nặng nề kia.Tôi ngẩng mặt nhìn lên trời cao. Nhưng, không hiểu tại sao tôi lại tin ở trên đó có đấng tối cao và toàn năng nên tôi đã cầu xin với đấng tối cao hãy xui khiến sao cho cô chủ nhỏ đừng đánh mẹ tôi nữa.

 

                                                                   ***

Ngày tháng vùn vụt trôi qua… trong buồn lo cực nhọc cùng tủi nhục... Và, bây giờ tôi đã lớn. Vào một buổi sáng kia hai cô chủ không dẫn chúng tôi ra đồng như thường ngày. Tôi tưởng mẹ tôi sẽ được nghỉ làm một ngày, nhưng không phải. Từ xa tôi nhìn thấy có rất nhiều người đi về phía có cái chuồng của chúng tôi. Lại gần hơn tôi thấy mặt mũi của họ trông rất dữ tợn mà tôi thấy hàm răng trên của những người đó nhô ra phía trước giống như mái hiên cùa cái chuồng và có màu vàng đục trông rất dơ bẩn. Bọn người đó đến nhìn ngắm mẹ tôi thật lâu rồi chê mẹ tôi: “Con này già nên thịt dai lắm”.  

“Trời ơi!” Tôi đã thảng thốt kêu lên hai tiếng trời ơi với nỗi kinh hãi tột cùng đang xâm chiếm toàn thân tôi. Tại sao những người kia lại nói, thịt mẹ tôi dai lắm. Chẳng lẽ con người lại tàn nhẫn và ác độc đến độ muốn ăn cả thịt mẹ tôi sao? Con người đã bóc lột sức lao động của loài bò chúng tôi chưa đủ sao mà nay lại còn muốn ăn cả thịt nữa? Tôi nhìn mẹ mà lòng cứ quặn lên từng cơn đau đớn. Mẹ tôi hình như cũng đoán biết… tình mẫu tử sắp phải chia lìa vĩnh viễn nên tôi thấy mẹ tôi khóc mà không nói một lời nào với tôi.

Những người đó sau khi nói chuyện với ông bà chủ của tôi rất lâu rồi lấy tiền từ trong một cái túi xách ra đưa cho ông bà chủ và dẫn mẹ tôi đi. Mẹ tôi bước đi với hai hàng nước mắt chảy dài mà tôi thì không dám lại gần mẹ vì sợ những trận đòn đau. Tôi không bao giờ quên được ngày đại nạn hôm đó. Ngày hôm đó là ngày ba mươi tháng tư năm…

Kể từ buổi sáng ngày ba mươi tháng tư năm đó cho đến bây giờ, tôi không bao giờ còn được gặp lại mẹ tôi nữa.Vĩnh viễn tôi mất mẹ ngay từ buổi sáng hôm đó. Và, cũng từ buổi sáng hôm đó, tôi phải làm cái công việc cày ruộng mà mẹ tôi đã bị bắt làm trước kia.

Bây giờ gia đình ông bà chủ không còn gọi tôi là Bê nữa mà gọi tôi là Bò. Tôi bị bắt làm việc cả ngày và rất thường đi làm thêm ở những nơi khác nữa. Một thời gian sau tôi không phải ra đồng làm việc vì trên cánh đồng đã mọc lên những cây nho nhỏ màu xanh tươi, cây mà tôi nghe hai cô chủ gọi là cây mạ. Công việc mới của tôi bây giờ là kéo cái xe rất nặng chở đủ các thứ vật dụng cũng rất nặng cho những người lạ hoắc mỗi ngày đến đón tôi đi từ sáng sớm tinh mơ cho tới tối mịt mới cho tôi về lại chuồng.

Một buổi sáng kia, một buổi sáng định mệnh mà trước kia mẹ tôi có nói đến hai chữ chịu đực, thì, sáng hôm nay tôi được cô chủ dẫn đến một cánh đồng cỏ xa thật xa. Tại đây tôi nhìn thấy ba đồng loại của tôi đang vừa nằm vừa ăn rất thỏa thê chứ không như tôi. Tôi thật sự ngạc nhiên đến không tin vô đôi con mắt của mình. Tôi luôn tự hỏi, tại sao những đồng loại kia lại to lớn và đẹp đến như thế được chứ? Họ to lớn như lực sĩ. Họ lớn cũng có gấp đôi tôi và trên mình của họ lại có nhiều đốm trắng đốm đen trông rất là đẹp mắt, chứ không như tôi, chỉ có một màu vàng vàng và thân hình thì đúng là… siêu bò mẫu. Tôi nhìn kỹ và phát giác ra những đồng loại kia hình như… khác giống với tôi vì tôi thấy họ có vẻ rất oai phong và rất... đẹp trai nữa. Ngay lúc đó bỗng từ đâu xuất hiện thật đông người. Họ đi nhanh đến để nhìn ba đồng loại to lớn và đẹp rồi hết lời khen: “Bò ngoại lớn và đẹp quá. Bò nội nhìn phát chán luôn”. Nghe những người kia nói như vậy, ba đồng loại xa lạ nhìn tôi một lúc rồi quay nhìn nhau và… cười. Nhìn ba đồng loại đang cười với nhau làm tôi nhớ lại hình một đồng loại của tôi cười trên cái hộp bằng giấy hình tròn mà bên trong có chứa một thứ thức ăn màu trắng đục mà gia đình người chủ của tôi rất thích ăn. Một hôm tôi nghe một cô chủ gọi thật lớn với người đàn bà giúp việc nhà mà họ gọi là ôsin:

“Này, đem hộp phô mai có hình con bò cười ra đây cho tôi”.

Hôm đó tôi đã thấy và man máng hiểu là, đồng loại của tôi cười là vì đã đem đến cho loài người một món ăn ngon lành làm hài lòng tất cả mọi người. Tôi thấy hình của đồng loại giống hệt tôi chứ không như loài người; mặt của loài người không ai giống ai hết.

Mấy người đang nhìn ba con bò ngoại quốc với vẻ mặt như ganh ghét và rồi một người lên tiếng phàn nàn:

Có ba con bò từ ngoại quốc nhập về đây, thế là xúm vô tranh cãi, bênh vực, khen ngợi nào là bò lớn con sẽ tạo được giống tốt hơn bò nội. Tôi cho rằng, thị hiếu của ‘một bộ phận không nhỏ’ người Việt đang thật sự… có vấn đề. Đó là điều đáng buồn”.

Người đó ngưng nói rồi nhìn quanh và bỗng ông ta kêu lớn;

“Ê ! Nguyễn Lưu Manh. Mày là nhà phê bình thì mày phải viết một bài phê bình cái bộ phận của con bò ngoại và bộ phận của bò nội cho mọi người… sáng mắt sáng lòng ra xem nào. Nhớ viết cho đúng và hay chứ đừng như lần… Mùa Thu Chết thì quê lắm nghe mậy. Mày nhìn xem, con bò cái đưa đến miệng mà chúng cứ… tỉnh queo nằm ăn cỏ thế kia thì đúng là ngu như bò rồi còn gì nữa phải không… Nguyễn Lưu Manh?”

Một trong ba đồng loại mà bây giờ tôi cũng gọi là… bò ngoại, nhìn người vừa nói rồi nhìn tôi và vừa lắc đầu vừa nói:

“Em nghe thằng chủ đó nói chứ? Những thằng chủ ở xứ này trông mặt mũi là biết chúng gian xảo và ngu như… thằng ngốc vậy! Cũng vì quá ngu muội tin vào một chủ thuyết man rợ nên riết rồi cứ tưởng mình là đỉnh cao trí tuệ nên ngu mà không hay. Có một câu ví ngắn gọn như vậy mà cũng nói sai. Phải nói là ngu như… con bò tót thì mới đúng, chứ ai lại hồ đồ vơ đủa cả nắm như thế bao giờ chứ. Vậy mà cũng là… nhà phê bình. Chúng ta tuy là bò nhưng chúng ta không ngu. Chúng ta đã được gần gũi với con người từ lâu đời rồi, nên, những gì con người muốn chúng ta làm thì chúng ta luôn luôn hoàn thành mà không hề làm sai hay làm biếng”.

Nghe anh bò to lớn và đẹp trai nói vậy nên tôi lên tiếng hỏi:

“Anh ơi! Anh nói con bò tót là con gì vậy anh? Nó có khác gì mình không anh? Con bò tót nó ở đâu vậy anh?”

Một anh bò nằm gần đó nãy giờ vẫn nhìn tôi và anh vừa nhai trệu trạo vừa trả lời :

“Em ơi! Con bò tót nó cũng giống như tụi mình thôi em à, chỉ có điều là nó ngu lắm. Nó ngu cũng như mấy thằng chủ đứng kia, thấy tấm vải màu đỏ… người ta cầm đưa qua đưa lại thế là cứ chúi cái đầu vô mà chẳng biết phân biệt chính tà là gì. Con bò tót muốn húc vô tấm vải màu đỏ và muốn húc luôn cả người cầm tấm vải để rồi cuối cùng nó phải bị giết chết. Tụi bò tót ở xa đây lắm em à”.

“Mấy anh đến đây để làm gì và làm sao mà con người có vẻ trọng nể các anh quá vậy?”

Mấy anh được đưa qua đây là để truyền giống. Nhưng, mấy anh thấy em nhỏ con quá nên… không nỡ. Mấy anh sợ làm em bị đau”.

Truyền giống là truyền gì vậy anh?”

Thật tội nghiệp cho em quá. Em cứ ở mãi với gia đình mấy thằng chủ ngu si và ác độc kia thì biết đến khi nào em mới mở mắt ra, mới khôn ra được.Truyền giống tức là... là… là em phải chịu đực đó”.

A ! Em biết truyền giống là gì rồi vì trước kia em có nghe mẹ em nói là mẹ em... cũng bị truyền giống nên mới có em”.

Đúng! Em mới gặp ba anh có một chút mà em đã khôn ra rồi đó. Em phải tìm cách kêu gọi đồng loại của em đứng lên lật đổ mấy thằng chủ ác ôn xuống chứ em cứ ru rú ở trong cái đất nước toàn những thằng chủ ngu si và độc ác đó thì mãi mãi cuộc đời của em, con cháu và chắt của em cũng ngu như mấy thằng chủ của em vậy thôi”.

Em… cô thế quá các anh à. Các anh có ý kiến gì thì xin các anh cố vấn giúp em đi. Em hứa sẽ không quên ơn các anh đâu”.

Trước hết em phải vượt qua nỗi sợ hãi mấy thằng chủ ngu si độc ác của em bằng cách… đình công không đi cầy hay kéo xe gì hết. Em buộc chúng nó phải tôn trọng phẩm giá của giống bò Việt Nam”.

Nhưng... nhưng lỡ tụi nó đàn áp em bằng cách đánh đập em và nhốt em rồi không cho ăn uống thì sao?”

Thì… chết là cùng. Chết là hết! Chúng ta chỉ sống trên đời này có một lần, và, chỉ một lần phải chết mà thôi em à.Trước hay sau, sớm hay muộn gì chúng ta cũng lần lượt chết hết. Bọn con người ngu ngốc như mấy thằng chủ kia rồi cũng phải chết hết. Nhưng, nếu em và đồng loại của em vượt qua được nỗi sợ hãi thì các em sẽ thắng vì các em đòi hỏi quyền... làm bò là đòi hỏi chính đáng mà. Các anh hứa với em là, khi các anh về lại bên kia các anh sẽ yêu cầu những người chủ của các anh ngừng giúp đỡ bọn chủ gian ác và tham nhũng bên này… Em phải nghĩ đến tương lai con cháu của em nữa chứ”.

“Mấy người ở đây gọi ba anh là gì? Có phải họ gọi ba anh là... Bò Kiều phải không?”

“Các anh không phải là Bò Kiều. Các anh là bò ngoại quốc. Anh là bò chính gốc Ơ-Mê-Ri-Cân . Anh này là bò chính gốc ốt Stra Ly A. Anh kia là bò chính gốc Hôn Lân. Mấy con bò cùng xứ sở với các em khi về lại đây thì bị mấy thằng gian xảo đó gọi với dụng ý trục lợi là Bò Kiều, vì có nhiều sữa. Bọn chủ ở đây tâng bốc những con bò đó để được uống sữa… cặn và được ăn bơ… thừa đó em. Trước khi ba anh đến đây cũng đã có nhiều đồng loại của ba anh đến đây để truyền giống rồi. Có một số ít đồng loại của ba anh khi trở về lại bên kia có đem theo bò cái Việt Nam nên sau đó đã cho ra một lô một lốc bò con mà người ta gọi là con Bê đó. Bây giờ tụi con bê đó lớn lên và khôn lắm. Bên các nước văn minh rất tôn trọng phẩm giá của loại bò chúng mình. Các anh các chị thường ngày chỉ ăn ngủ rồi sản xuất sữa và… thịt thôi. Mọi chuyện đồng áng đã có máy móc làm thay cả hằng thế kỷ nay rồi chứ không còn cái cảnh cực nhọc theo kiểu con bò đi trước cái cầy theo sau nữa. Các em sợ bọn chủ ngu si và độc ác lâu ngày rồi thấm vô lục phủ ngũ tạng thế là bọn chủ khinh thường các em vì các em đã trở nên hèn nhát mà chính các em cũng không hề ý thức được. Và, thế là bọn chủ độc tài nói các em ngu như bò chứ bọn chủ ngu si của các em làm gì biết con bò tót là con bò nào và ở đâu. Thường ngày các em chỉ ăn toàn thức ăn không có gì là bổ dưỡng và còn độc hại nữa. Đồng cỏ ở đây đâu có được chăm sóc chu đáo như bên các anh; mà lại bị rãi thuốc có chất độc sản xuất từ Trung cộng nên… nên mấy em nhìn lại thân hình của mấy em xem, có lớn hơn con Bê bên xứ sở của các anh là bao nhiêu đâu”.

“Nghe mấy anh nói mà em cảm thấy nhục nhã quá. Từ hôm nay em sẽ dẹp nỗi sợ hãi qua một bên để yêu sách mấy thằng chủ độc tài và độc ác kia phải cho tụi em hưởng quyền của giống bò như các anh. Các anh nhớ yểm trợ tinh thần cho chúng em nhé?”

Anh Bò Ơ-Mê-Ri-Cân nói :

“Dĩ nhiên là các anh sẽ luôn hướng về các em và sẵn sàng yểm trợ nếu các em vượt qua được nỗi sợ hãi để bọn chủ phải tôn trọng mọi thứ quyền của các em”.

 

                                                                      ***

Tôi hy vọng và tin tưởng mãnh liệt ở đàn con tôi, đàn cháu tôi, đàn chắt tôi… sẽ tiếp nối chí hướng tôi để đạt được nguyện ước.

Tôi đang mơ đến một ngày loài bò Việt Nam chúng tôi được thong dong đi ra đồng chỉ là để được ăn no tắm mát chứ không phải làm lụng nặng nhọc như thời của tôi. Tôi tin khi bọn chủ độc tài này bị lật đổ thì chuyện đồng áng sẽ có máy móc thay thế. Tại sao không chứ? Với sự hội nhập với các nước có nền công nghiệp tiên tiến thì chắc chắn rồi chuyện đó sẽ trở thành hiện thực không còn xa lắm. Những thằng chủ gian xảo và độc tài phải được thay thế bằng những con người có lương tâm và trí thức thật sự… may ra mọi chuyện sẽ được trở lại như những ngày xa xưa, thời của ông bà tôi.

Rồi đây tôi cũng sẽ chết, tất cả loài bò chúng tôi rồi cũng sẽ lần lượt chết hết. Nhưng, phải chết như thế nào để được như câu mà loài người văn minh và tiến bộ thường nói: “Bò chết để da. Người chết để tiếng”./.

Topa (Hòa Lan)