TÌM HIỂU VỀ NHẠC JAZZ
Vào đầu thập niên 80 ở Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi có cơ hội nghe được một thể loại âm nhạc chưa bao giờ biết đến lúc còn ở VN, đó là nhạc jazz. Phải nói là quá hay, quá phê. Chỉ với hai tĩnh từ đó thôi - hay, phê - đã mô tả ấn tượng và nhận xét đúng nghĩa nhất của tôi lúc đó, ngay cả hiện tại. Và tôi bắt đầu làm quen với những tên tuổi từ Louis Armstrong, Frank Sinatra, Nat King Cole, Nina Simone, Shirley Horn, Chet Baker v.v…với những cách phối âm và tấu nhạc độc lạ hết sức tuyệt vời của họ.
Tôi cũng có cơ hội được biết đến nhạc pop/rock từ thập niên 60 của nhiều ban nhạc khác nhau, đặc biệt là Simon & Garfunkel và The Beatles. Về nhạc rock, đặc biệt là ban nhạc The Beatles thì thật ra tôi đã nghe ở VN từ đầu thập niên 70 nhưng không phải nghe từ chính ban nhạc này mà là từ phong trào nhạc trẻ Sài Gòn rầm rộ dạo đó. Sang tới Mỹ, tôi mới có dịp nghe từ chính Paul McCartney và John Lennon. Theo tôi, Paul và John đúng là hai thiên khiếu âm nhạc hiếm hoi của nhân loại, nhất là Paul. Tôi có đọc qua một ít tài liệu về sự hình thành và tầm ảnh hưởng của ban nhạc The Beatles trên thế giới, thậm chí còn xem qua cách biên soạn vài nhạc phẩm tiêu biểu của John và Paul. Có lẽ trong một dịp nào khác, tôi sẽ viết một bài riêng về ban nhạc The Beatles chú trọng về sáng tác của họ, bởi lẽ, đề tài trong bài viết này là nhạc jazz, trong khi nhạc của John và Paul thuộc thể loại nhạc pop/rock (tạm dịch, pop là popular: nhạc phổ thông).
JAZZ
Cần phân biệt jazz instrumental (chỉ biểu diễn nhạc cụ) vả jazz vocal (nghĩa là giọng hát với nhạc đệm). Trong bài viết này tôi chỉ muốn tìm hiểu và viết về jazz vocal.
Nghe một ca khúc Phạm Duy hay của Trịnh Công Sơn ta cảm thấy hay. Lẽ thông thường nhất là do lời hay, ít ai lưu ý đến phần nhạc. Trước tiên, nhạc chuyên chở lời. Nếu không có nhạc thì lời chỉ là thơ hoặc văn xuôi. Tai nghe đã quen nhạc Việt, ta không để ý mấy đến phần nhạc đệm. Khi có cơ hội nghe một bài nhạc jazz, tự dưng ta thấy rất khác lạ so với nhạc Việt. Dưới đây là vài điểm cần lưu ý để nghe ra sự khác biệt này.
- Cấu trúc một bài hát khác nhau. Cụ thể, ta thường hay viết theo công thức AABA, có thể hiểu là đoạn A1 đoạn A2, điệp khúc, đoạn A3 với phần nhạc của đoạn 1, 2, và 3 gần giống nhau. Đây là công thức bài bản, cổ điển của một ca khúc. Nhạc jazz không hằn theo công thức này, có khi hoàn toàn bỏ luôn.
Xin đưa ra ví dụ cụ thể về nhạc Việt, bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Số câu số chữ giống nhau từ đầu đến cuối, cách sắp xếp các note nhạc lên xuống gần giống nhau, nhịp theo đúng bài bản 1-2-3, và theo đúng công thức AABA.
Gọi nắng!
Trên vai em gầy đường xa áo
bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa
bướm say
Lối em đi về trời không có
mây
Đường đi suốt mùa nắng lên
thắp đầy
Trong khi đó, bài My Funny Valentine có số câu số chữ và các note lên xuống không đều nhau như dưới đây.
My
funny Valentine
Sweet
comic Valentine
You
make me smile with my heart
Hai câu đầu có số chữ và các note lên xuống giống nhau 100%, câu thứ ba khác 100% về số chữ và các note lên xuống. .
Lưu
ý (1): tiếng Anh là tiếng đa âm, ví dụ chữ funny
sẽ đọc là fun-ny đã là 2 âm rồi. Chữ Valentine sẽ đọc là Va-len-tine, 3 âm.
Lưu ý (2): Các note sắp xếp lên xuống không giống nhau và không theo công thức AABA .
- Cấu trúc một câu hát khác nhau. Có nghĩa nhạc jazz viết câu dài câu ngắn bất kỳ trong khi nhạc Việt gần như tuân thủ theo một quy luật ít khi biến đổi: câu dài ngắn gần như giống nhau trong cả một bài hát. Khoảng mươi năm trở lại đây thì thế hệ nhạc sĩ trẻ bắt đầu thổi một hơi thở mới trong nhạc Việt, ví dụ sáng tác nhạc rap, thì quy luật bài bản cũ xem như xóa bỏ luôn. Nhưng rap không phải là jazz, hai thể loại âm nhạc khác nhau 100%.
- Hòa âm căn cứ vào cấu trúc bài hát và câu hát. Do cấu trúc khác nhau, hòa âm sẽ phải khác nhau. Theo đó jazz dùng rất nhiều hợp âm màu, và nhịp chỏi. Do sử dụng nhiều hợp âm màu, nhạc sĩ cũng phải sử dụng nhiều thang âm màu, tạo ra một sự khác biệt rất lớn so với nhạc Việt ta, nhất là nhịp chỏi. Ví dụ, ta đếm 1-2-3 thì nhịp sẽ vào đúng 1-2-3, trong khi đó jazz có thể vào nhịp 1 rưỡi hoặc 2 rưỡi v.v…
- Nhạc đệm thường không soạn trước như nhạc cổ điển tây phương. Nhạc sĩ jazz chỉ dùng lead sheet (nhạc bản đã ghi sẵn hợp âm) rồi căn cứ vào đó mà đệm cả một bài hát. Một ban nhạc jazz tiêu biểu bốn nhạc khí sẽ làm việc với nhau trước, nhạc khí nào sẽ vào ra ra sao và lúc nào. Đến khúc giang tấu, mỗi nhạc khí biểu diễn một đoạn ngắn tự do thoải mái theo ý riêng của mình dựa vào lead sheet đó, mà đây chính là điểm đặc thù của nhạc jazz. Chỉ trừ khi nhạc đệm là cả một dàn nhạc lớn thì phải soạn trước nhưng nhạc sĩ diễn khúc giang tấu vẫn được tự do.
Do những yếu tố như đã phân tích bên trên, nhạc jazz và nhạc Việt, hai phương pháp hai phong cách khác nhau đưa đến hai hương vị hai phong cách khác nhau rất nhiều.
JAZZ STANDARD
Standard, theo từ điển thì có nghĩa là tiêu chuẩn, là việc làm gì đó rất chuẩn, đã đạt tới một mực thước được chấp nhận rộng rãi. Vì sao gọi là jazz standard? Hiểu là chuẩn nhạc jazz. Tài liệu về jazz standard tràn ngập trên các trang mạng, nhưng một cách vắn tắt, bất cứ sáng tác nào được các nhạc sĩ jazz cho vào danh sách nhạc của họ để trình diễn thì sáng tác đó trở thành standard theo chuẩn của họ. Không kể những sáng tác do chính nhạc sĩ Hoa kỳ viết, ngay cả những ca khúc như Les Feuille Mortes, La Vie En Rose của Pháp, và How Insensitive từ Brazil du lịch sang Hoa Kỳ được các nhạc sĩ jazz yêu thích mang ra trình diễn theo phong cách nhạc jazz, những ca khúc này trở nên jazz standard.
Ở
Mỹ, nhạc jazz được đưa vào học đường thành một môn học chính thức với các văn bằng
Cử Nhân và Cao Học (tương đương với văn bằng Thạc Sĩ ở Việt Nam). Văn bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc thì áp dụng cho các
công trình nghiên cứu về âm nhạc nói chung. Một người bạn nhạc sĩ jazz người
Hoa Kỳ của tôi có bằng Cử Nhân về jazz piano và bằng Cao Học về Jazz Studies
(nghiên cứu về nhạc jazz) là một ví dụ điển hình. Trừ những đại học chuyên nhạc hoặc nhạc cổ điển
hoặc nhạc jazz, hầu hết các trường đại học lớn nhỏ đều có phân khoa âm nhạc,
trong đó có chương trình jazz. Ngay cả học sinh trung học cũng được huấn luyện
về nhạc jazz nếu các em muốn. Ngoải ra,
ta còn thấy rất nhiều công trình nghiên cứu hàn lâm về nhạc jazz từ tài liệu học
đường, phim tài liệu về các nhạc sĩ jazz, về sự ra đời của jazz v.v…đầy dẫy
trên các trang mạng.
JAZZ CLASSIC
Nói tới jazz standard thì cũng cần hiểu về jazz classic - xin lưu ý classic ở đây không mang ý nghĩa cổ điển như trong nhạc cổ điển tây phương. Nhạc jazz Hoa Kỳ chỉ mới ra đời khoảng 100 năm nay, nó chỉ có ý nghĩa là nhạc jazz đã trở thành một loại kinh điển âm nhạc Hoa Kỳ. Đại đa số những khúc hát jazz đó được cho vào một tập nhạc gọi là American Songbook, một tập nhạc của nhiều tác giả qua mấy chục năm khi nhạc jazz đã trở thành kinh điển - jazz classic. Dĩ nhiên jazz chỉ là một thể loại nhạc trong nhiều thể loại nhạc khác ở Hoa Kỳ. Có thể kể dân ca (folk song) và country music (không dịch từ này một cách hoa mỹ được nhưng đại ý đó là một thể loại nhạc trước tiên là phổ biến ở miền quê, sau cũng phổ biến khắp nơi các thị thành trên khắp nước Mỹ). Nhạc Blues cũng là một thể loại âm nhạc khác, không phải nhạc jazz tuy nhạc sĩ jazz vẫn áp dụng một số thang âm (scale) của nhạc blues.
Bên trên là những trình bày theo như tôi hiểu về jazz không theo sách vở hay phương pháp nào mà chỉ là những góp nhặt cát đá theo cách riêng của mình mà không đào sâu về lý thuyết âm nhạc vô cùng phức tạp.
Xin mời nghe vài ca khúc tiêu biểu jazz standard và đã trở thành jazz classic
The
Autumn Leaves, trình bày Nat King Cole
dịch/lấy ý từ nhạc
bản nhạc Pháp Les Feuilles Mortes.
https://www.youtube.com/watch?v=ZEMCeymW1Ow
How Insensitive,
một ca khúc bossa nova từ Brazil
Clip
youtube này là ban nhạc và tiếng hát của Stacey Kent
https://www.youtube.com/watch?v=cFtU05PfwcA
Summer
Time, giọng hát của Ella Fitzgerald
Sáng tác của nhạc
sĩ Hoa Kỳ George Gershwin,
https://www.youtube.com/watch?v=u2bigf337aU
CŨ MÀ MỚI, MỚI MÀ CŨ
Trong thế giới âm nhạc cổ điển tây phương, các nhà nghiên cứu âm nhạc đặt tên gọi cho từng thời kỳ sau khi nó đã qua. Ví dụ thời kỳ sau Phục Hưng đã qua là Cổ Điển, và thời kỳ Lãng Mạn sau Cổ Điển. Đến tận hôm nay nhạc cổ điển tây phương vẫn được mang ra ra trình diễn khắp nơi trên thế giới, từ những giàn đại hòa tấu nổi tiếng cho đến những dàn nhạc học sinh trung học và sinh viên đại học. Cho nên, những sáng tác viết đã từ mấy thế kỷ nhưng không bao giờ cũ. Nó đã trở thành kinh điển của nền âm nhạc cổ điển trên thế giới..
Cũng vậy, Jazz bắt nguồn và ra đời ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana vào đầu thế kỷ 20 từ cộng đồng những người da đen. Đến nay trên dưới cả trăm năm, nhiều sáng tác đã trở thành kinh điển - jazz classic. Có nghĩa là đã cũ xưa lắm rồi. Đến nay vẫn sẽ là mới đối với những ai mới đến với jazz hay muốn làm quen với jazz. Jazz vẫn là môn học chính thức trong học đường, và vẫn còn được trình diễn khắp nơi dù không thành cao trào như những thập niên trước.
Ở Việt Nam, để phân biệt với nền âm nhạc truyền thống Việt từ chèo cổ miền bắc cho đến vọng cổ miền nam, nền tân nhạc VN khởi đi từ 1937-38 đến nay chưa đầy 100 năm nhưng có lẽ những sáng tác thời trước chiến tranh 1945 - mà ta quen gọi là tiền chiến - đã có thể gọi là xưa lắm, cũ lắm rồi, không còn bao nhiêu ca sĩ nhạc sĩ mang ra trình diễn. Trở thành kinh điển hay không thì tôi không biết. Nếu nhạc viện Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có những công trình nghiên cứu âm nhạc có tinh cách hàn lâm để gọi sáng tác trước chiến tranh là sáng tác kinh điển hay một tên gọi nào khác - hay chỉ thuần túy chỉ là trước chiến tranh, tôi rất mong được học hỏi. Nói chung, có nghiên cứu hàn lâm nào về nền âm nhạc VN hay không?
GIAI ĐIỆU MƯỢT MÀ
Jazz theo thời gian đã biến dạng khá nhiều. Từ jazz classic rồi jazz rock, jazz fusion, jazz funk đủ các loại. Jazz rock, jazz fusion và jazz funk chú trọng về nhịp mạnh và nhanh trong khi jazz classic chú trọng về sự mượt mà trong giai điệu và hòa âm. Ca sĩ cổ thụ Tony Bennett trước khi qua đời đâu mới khoảng 5-10 năm trước đã dành hết thời gian còn lại của ông để thực hiện những album jazz classic, trong đó ông mời những giọng hát gạo cội song ca với ông những ca khúc đã làm nên tên tuổi Tony Bennett, mà cũng là những ca khúc một thời của jazz classic. Vài ca khúc tiêu biểu như dưới đây.
Lullaby
of Broadway, Tony Bennett song ca với The Chicks
https://www.youtube.com/watch?v=mpqENCZrAR0&list=PLTb4-FC9OVUgIkctXZKqSnhgTRd0YiH5o
Who
Can I Turn To, song ca với Queen Latifah
https://www.youtube.com/watch?v=wO2o8RhtqS0
How
Do You Keep The Music Playing, song ca với George Michael.
https://www.youtube.com/watch?v=55tbKvre4W0
Trong
các clip bên trên, những bài song ca này đã được cả một giàn đại hòa tấu đệm
theo, một công trình to lớn nhưng không phổ biến mấy trong sinh hoạt ban nhạc đời
thường. Một ban nhạc jazz phổ biến nhất
chỉ có 3-4 nhạc cụ, có thể lên đến 5-6.
Ví dụ như ban nhạc của Diana Krall có 4 nhạc cụ: piano, guitar, trống và
cây contrabass như trong clip youtube dưới đây
Cry
Me A River, trình diễn live ở Paris
https://www.youtube.com/watch?v=55tbKvre4W0
(Ban nhạc của
Stacey Kent như clip ở trang 4 có thêm kèn saxo)
JAZZ VẪN MÃI LÀ JAZZ
Theo thời đại, nhạc jazz không còn thịnh hành trong số đông đại chúng nhưng vẫn len lỏi vào đời sống âm nhạc của những ai vẫn ưa chuộng những giai điệu mượt mà quyến rũ của nó. Ban nhạc của Diana Krall và Stacey Kent chẳng hạn, vẫn đi lưu diễn khắp nơi trong và ngoài Hoa Kỳ. Nên nhớ ban nhạc của Diana và Stacey là những ban nhạc nổi tiếng từ lâu. Gần đây là sự xuất hiện của những giọng hát jazz trẻ tuổi ví dụ như Samara Joy hát jazz classic.
Stardust
https://www.youtube.com/watch?v=U5gXBI2o8lc
Ngoài Samara Joy, ta sẽ khám phá ra là vẫn còn hàng tá những giọng hát jazz chưa có tên tuổi gì xuất hiện đầy dẫy trên youtube. Cụ thể là sự xuất hiện của Viviana Belle Rey song ca với người bạn trai (không nêu tên trong kênh youtube của cô) với những sáng tác của riêng cô.
In The Quiet of
Moonlight
https://www.youtube.com/watch?v=XjO7aBg7_o0
Thật tuyệt vời. Sáng tác của Vivianna Belle Rey đưa ta về thời kỳ vàng son của nhạc jazz thập niên 30-40-50 với giai điệu mượt mà qua tiết điệu swing nhẹ đặc thù của jazz ballad. Ballad, có nghĩa là bài thơ trữ tình. Jazz ballad là một bài hát kể lể về một cuộc tình nào đó. (Lưu ý: thập niên 50 là thập niên giao mùa để một thể loại nhạc mới ra đời: nhạc rock)
JAZZ TRONG THƯỞNG NGOẠN CỦA NGƯỜI VIỆT
Còn nhớ khoảng đầu thập niên 2000 khi tôi hỏi vài người quen về tình hình nhạc jazz trong nước thì nhận được câu trả lời mơ hồ rằng người Việt chưa sẵn sàng để nghe jazz. Gần 25 năm sau khi đặt câu hỏi, tôi muốn thử quay trở lại để tìm câu trả lời vốn đã manh nha trong những năm qua. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe vài thông tin về jazz trong nước, một dấu hiệu khá tích cực. Nhưng trước khi tìm hiểu thêm về jazz trong nước, tôi muốn trình bày vài nhận xét chủ quan như dưới đây về sự thưởng ngoạn âm nhạc của người Việt ở Hoa Kỳ nơi tôi sống khá lâu năm.
HOA KỲ và HẢI NGOẠI NÓI CHUNG
Một cách tổng quát thì cho đến thời điểm hiện tại, nhạc jazz trong giới thưởng ngoạn âm nhạc của người Việt ở Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung vẫn là một món hàng không có khách. Sáng tác trước 75 vẫn phổ biến vẫn được ưa chuộng khắp nơi từ những trung tâm làm băng đĩa và video cho đến quán cà phê và tư gia. Ngay từ trước khi băng đĩa và video từ từ lui ra khỏi thị trường, người Việt đã bắt đầu quay về tự chơi nhạc ở tư gia nhất là từ khi thị trường tung ra các loại keyboard đã cài sẵn nhiều âm điệu khác nhau trong cây đàn, chưa kể tới phong trào nhạc karaoke kéo dài mãi cho đến hôm nay. Người rộng rãi tài chính xây cả một sân khấu tại nhà mời bạn bè đến chung vui. Vẫn là nhạc cũ, thảng hoặc có sáng tác mới thì sáng tác đó vẫn mang nặng dấu vết của giai điệu quen thuộc từ xưa, nhất là nhạc bolero. Ngay cả những ban nhạc đi show khi được thuê mướn cũng không ngoại lệ.
Tôi nhớ đâu khoảng những năm đầu thập niên 2000, nhân cơ hội từ VN sang Mỹ chữa bệnh, nhạc sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn có ghé vùng tôi ít hôm tá túc ở nhà một ông anh cũng là dân mê jazz. Trong dịp này, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được anh tô điểm bằng những âm sắc khác lạ hoàn toàn với những âm sắc quen thuộc xưa nay. Tiếng kèn saxo hoàn toàn chinh phục người nghe không một chút nghi ngờ. Điều này cho thấy nếu có cơ hội nghe nhạc jazz, người Việt ở hải ngoại rất thích vì mới lạ, nhưng để tìm tòi học hỏi thêm thì không thấy có bằng chứng cụ thể nào. Một yếu tố quan trọng là các bậc phụ huynh không khuyến khích con cái học nhạc, đừng nói tới jazz - ngay cả ngành giáo dục nữa - rất nhiều trường hợp ngược lại, còn cấm đoán. Cũng có những cá nhân yêu nhạc jazz, học jazz, trình diễn nhạc jazz ở những club nhạc Mỹ, nhưng đây là con số quá ít ỏi. Nếu làm một bài toán tỉ lệ số thì tỉ lệ “dân số yêu jazz, học jazz, chơi jazz” là zero.
TRONG NƯỚC - NHỮNG DÒNG NHẠC TRƯỚC 75
Cho đến thời điểm hiện nay 2025, các kênh youtube cho thấy từ các giọng ca chuyên nghiệp cho đến tài tử đăng toàn nhạc trước 75. Một số thông tin về sinh hoạt âm nhạc tôi nhận được qua zalo và những nguồn thông tin khác cũng cho thấy, sáng tác trước 75 vẫn được ưa chuộng mạnh mẽ từ nam ra bắc.
Dĩ nhiên cần tìm hiểu kỹ càng hơn nếu muốn thực hiện một công trình nghiên cứu có bài bản hơn hoặc có tính cách hàn lâm (không phải là chủ đích của bài viết này) nhưng những quan sát sơ khởi cho thấy các quán cà phê nhạc sống chơi toàn nhạc cũ. Cụ thể nhất, sinh hoạt Cà Phê Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ ở Đa Kao cũng chọn trình diễn toàn sáng tác trước 75. Năm 2023 tôi có đến dự một đêm nhạc tại đây nên biết rất rõ. Gần đây có thay đổi thêm bớt gì không thì tôi không biết. Chưa có cơ hội ra bắc nhưng tôi nghe nói quán cà phê Trịnh Ca ngoài Hà Nội được ủng hộ mạnh mẽ chơi toàn nhạc xưa, đặc biệt nhạc Trịnh Công Sơn.
TRONG NƯỚC - NHỮNG DÒNG NHẠC SAU 75
Theo như tôi biết thì sáng tác Trần Tiến, Quốc Bảo, Phú Quang phổ biến từ những năm đầu thập niên 90, vốn vẫn được trân trọng từ mấy mươi năm qua nhưng sáng tác của họ vẫn mang nhiều dấu vết những nét nhạc Việt quen thuộc xưa nay. Gần đây, vượt ra khỏi giai điệu xưa là thế hệ trẻ gồm có Châu Đăng Khoa với những nét sáng tác mới, phối hợp nhạc pop và rap của Mỹ; sáng tác của Hứa Kim Tuyền, Nguyễn Hải Phong, Phạm Mạnh Quỳnh v.v. rất được giới trẻ yêu chuộng. Tuy nhiên tất cả những sáng tác này đều không phải là nhạc jazz - tạm gọi là dòng nhạc jazz VN là dòng nhạc mà tôi đang tìm hiểu.
Ở những trang trên tôi có kể lại dịp gặp gỡ nhạc sĩ jazz Trần Mạnh Tuấn khi anh sang Mỹ chữa bệnh như thế nào. Ít lâu sau tôi nghe nói anh có chơi nhạc ở một jazz club ở Sài Gòn. Khi có dịp xem qua những clip trên youtube của club nhạc jazz này thì những nhạc sĩ jazz ở đây chơi toàn jazz rock, jazz fusion. Hôm về Sài Gòn hai năm trước tôi có dịp xem một chương trình - một nhạc hội các ban nhạc trẻ - tất cả các thành viên trong những ban nhạc chỉ trên dưới 20 trình diễn sáng tác của chính các cháu với tiết điệu jazz fusion hoặc jazz rock hoặc heavy rock. Có nghĩa toàn nhịp nhanh và mạnh. Ngoài ra mới đây tôi nghe nói có một ban nhạc trẻ chơi jazz chuyên nghiệp. Chưa biết nhiều thông tin về ban nhạc trẻ này, tôi rất mong có cơ hội gặp gỡ hoặc ít ra cũng tìm hiểu rõ ràng hơn.
Ngoài hoạt động của jazz club và các ban nhạc jazz trẻ, tôi được biết thêm về những sinh hoạt và những nỗ lực âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí. Một số sáng tác của anh đăng trên kênh youtube Đức Trí nghe qua đúng là có một số những đặc tính của chuẩn nhạc jazz theo hiểu biết của cá nhân tôi, cứ Tạm Gọi * là dòng nhạc jazz Việt Nam mà tôi tìm kiếm từ những năm đầu thế kỷ. Không rõ người Việt trong nước đón nhận sáng tác jazz Đức Trí ra sao nhưng tôi nghĩ tâm lý chung nếu đã quá quen thuộc với những dòng nhạc như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, thì giòng nhạc Đức Trí đã bước sang một cảnh giới khác hoàn toàn, kén chọn người trình diễn, người hát và người nghe hơn. Thêm chi tiết vô cùng lý thú mà tôi được biết đã có khá nhiều sinh viên VN du học sang Mỹ đến đại học Berklee ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusett. Berklee là đại học chuyên nhạc nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Thật là một dấu hiệu hết sức phấn khởi.
Và cuối cùng, câu hỏi tôi đặt ra gần 25 năm trước đã có câu trả lời: rõ ràng có một dòng nhạc jazz Việt đang len lỏi vào đời sống âm nhạc của người Việt trong nước. Tuy chưa phổ biến rộng rãi nhưng jazz Việt đang có những bước đi thật đẹp.
Ngô Minh Trí
*
Tạm Gọi. Đặt tên chính thức cho một dòng nhạc có lẽ là
việc làm có tính cách nghiên cứu hàn lâm.
Bài viết này của tôi không có tham vọng nghiên cứu hàn lâm mà chỉ là những
suy tư cá nhân. Vì thế, tôi chỉ có thể
nêu lên ý kiến cá nhân, và do đó, tạm gọi.