"Phạm
Thành Châu định cư ở Mỹ năm 1991, và bắt đầu viết văn. Tập truyện đầu tay của
anh in năm 2008 là tập Nhớ Huế. Tập truyện này đầu tiên in 1.000 bản, sau đó
tái bản liên tục hai ba lần nữa vì độc giả gửi thư về đòi mua rất nhiều. Tập
truyện được phát hành trực tiếp, người muốn đọc, gửi thư và tiền về tác giả,
tác giả sẽ gửi sách đến người nhận, không qua một nhà sách hay hệ thống phát
hành nào. Tôi quen với Phạm Thành Châu vào giai đoạn này. Khi đó, Phạm Thành Châu
thường xuất hiện vào cuối tuần ở Phở Xe Lửa cùng với họa sĩ Đinh Cường. Đinh
Cường được gọi là Đại Họa Gia, và người ta gọi Phạm
Thành Châu là Tiểu Thuyết Gia, nói
gọn lại là Ông Đại và Ông
Tiểu. Phạm
Thành Châu dáng người gầy, cao, miệng luôn có nụ cười xã giao và ít nói. Đinh
Cường cũng vậy, nếu không ai hỏi thì ... không ai nói. Có lúc tôi để ý, suốt nửa tiếng đồng hồ
ngồi cạnh nhau, chúng tôi ( gôm hai ông đó và mấy người nữa cùng bàn) hoàn toàn
im lặng, mỗi người nhìn vu vơ một phía, đôi lúc nhìn nhau nhưng chăng ai nói
gì. Dường như ai cũng là người đi trên mây.
Sau này quen biết thân tình hơn, tôi hiểu rằng đúng là Phạm
Thành Châu ít nói, nhưng
không phải là người nói ít, ông cân nhắc và ngại nói chuyện giữa đám đông vì
sâu trong con người ông, có những suy nghĩ rất sâu xa và cũng rất ngược đời,
nên nói ra, dễ bị hiểu lầm. Phạm Thành Châu dành thời gian cho ngòi bút rất nhiều, và
viết khá mạnh. Từ khi tập truyện đầu tay Nhớ Huế (gồm 16 truyện) ra đời, Ông lần lượt tự xuất bản 7 tập
truyện: Bức Họa Khỏa Thân (gồm 19 truyện). Lý Lẽ của Trái Tim (gồm 16 truyện)
Lời Tỏ Tình (Gồm 14 truyện) Chuyện Tiếu Lâm (sưu tầm và sáng tác gần 200
truyện) The Spy Couple (truyện của Phạm Thành Châu, bản dịch qua Anh ngữ
của Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh) và Vô Tình (gồm 19
truyện). Gần hai trăm truyện ngắn là gần hai trăm đoạn ký ức viết lại từ nhiều giai
đoạn của cuộc đời, như chính Phạm
Thành Châu tự thuật: “Đa số
chuyện kể là chuyện có thật, tôi chỉ tiểu thuyết hóa, văn chướng ký sự) để
người đọc dễ cảm nhận, nhiều người tìm thấy chính mình trong hoàn cảnh, thân
phận của nhân vật, họ đã có được những giây phút hóa thân, chìm đắm trong đau
khổ, hạnh phúc, vui buồn cùng nhân vật...Đó chính là hạnh phúc của người viết.”
Nhưng khi từng trải qua đắng cay, khổ hận, hoặc có khi lâng lâng hạnh phúc thì những điều kể lại thành ra kinh nghiệm sống đời và chứng nhân cho một thời , một thời quá vãng."
(trích bút ký Dưới Cội Hoa Đào" của Nguyễn Minh Nữu)