Thứ Năm, 17 tháng 7, 2025

526. THÂN TRỌNG SƠN Dịch và giới thiệu:: HOA THEO MÙA Truyên ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967)

 

 THÂN TRỌNG SƠN Dịch và giới thiệu:: HOA THEO MÙA Truyên ngắn của nhà văn Pháp ANDRÉ MAUROIS (1885-1967)




Ông sinh năm 1885 tại Elbeuf, một thành phố nhỏ thuộc vùng Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Sớm có năng khiếu văn chương từ nhỏ, cậu bé Émile Herzog lúc theo học trường trung học Corneille tại Rouen có may mắn được học với giáo sư Émile-Auguste Chartier, tức là triết gia Alain nổi tiếng. Chính vị giáo sư này đã phát hiện tài năng của học trò và hướng dẫn, khuyến khích cậu phát triển ngay từ phương pháp học tập ở lớp. Điều bất ngờ là thầy khuyên trò sau khi rời trường nên trở về làm việc trongxưởng dệt thảm của gia đình. Ông nghe lời thầy và trở về Elbeuf, tuy nhiên ông vẫn say mê chữ nghĩa nên trong phòng làm việc ông để sẵn nhiều tiểu thuyết của Balzac, ông chép lại nhiều trang của Stendhal để luyện viết văn, đồng thời tích cực học tiếng Anh.

Thế chiến lần thứ nhất xảy ra, ông nhập ngũ và được cử làm thông dịch viên và sĩ quan liên lạc tại một trung đoàn của quân đội hoàng gia Anh. Sự nghiệp văn chương bắt đầu từ thời gian này. Ông lấy bút danh André Maurois khi viết tác phẩm đầu tiên: " Sự im lặng của đại tá Bramble "( Les Silences du colonel Bramble ) năm 1918,  tác giả sớm nổi tiếng để ba năm sau viết tiếp cuốn " Những bài diễn văn của bác sĩ O' Grady " ( Les discours du Docteur O' Grady ). Ông sẽ ký bút danh này trên tất cả tác phẩm của mình, và điều thú vị là bút danh này trở thành tên chính thức của ông kể từ năm 1947 bằng một nghị định của Tổng thống Pháp. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ( Académie française ) năm 1938. 

André Mauroisđể lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: Nhiều tiểu thuyết tâm lý ( Bernard Quesnay, Climats – Mặc Đỗ dịch là m cnh -, Terre promise – Đất hứa – Les Roses de septembre – Những đóa hồng tháng chín -) có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng ( Le peseur d’âmes – Người cân linh hn -, La machine à lire les pensées – Máy đọc tư tưởng - . Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo lun ( Un art de vivre – Một nghệ thuật sống -, Sept visages de l’amour – Bảy khuôn mặt tình yêu – Au commencement était l’action – Khởi đầu là hành động…) Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de l’Angleterre ( Lịch sử nước Anh ), Histoire des Etats-Unis ( Lịch sử Hoa Kỳ ), Histoire de France ( Lịch sử nước Pháp ). Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ ( Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust ), các chính trị gia ( Disraeli, Lyautey ), và cả nhà khoa học ( Alexandre Flemming )

Độc giả Việt Nam đã biết đến Ông với bản dịch ( của Nguyễn Hiến Lê ) các tác phẩm “Thư gởi người đàn bà không quen biết” ( Lettre à une inconnue ) và nhất là “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi” ( Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie ), là tác phẩm Ông viết ở tuổi 80, trong đó ông giải đáp mọi thắc mắc của thanh niên về nhiều vấn đề: quan niệm sống, tu dưỡng, hôn nhân, việc làm, viết văn, tiêu khiển, tình yêu, tín ngưỡng…

Ông cũng chính là người đã dịch bài thơ IF nổi tiếng của Rudyard Kipling ra tiếng Pháp với nhan đề Tu seras un homme, mon fils.

525. LÊ YÊN, Coi Mắt

                                                                                             


                                            

    Đi được hai phần ba chặng đường, còn một đoạn nữa là về đến nhà, nhưng Phước không thể… Hình như chiếc xe máy cà tàng của anh cần được nghỉ ngơi. Tấp vào quán cà phê bên đường anh tắt máy. Chọn một chiếc võng có chỗ nằm thoáng, gió từ bờ sông thổi lên mát rượi. “Cà phê võng” cái biển hiệu khiêm tốn khuất sau đám dây leo um tùm. Gọi cà phê xong, anh thả người xuống chiếc võng đong đưa, thật dễ chịu. Đi từ lúc trời chưa sáng, mấy tiếng đồng hồ chạy xe nghe ê ẩm. Cái lưng này cũng tới tuổi rồi. Anh khẽ cười thầm “Cũng như cái xe vậy thôi. Có sử dụng mà không bảo trì, tu bổ thì sẽ rạc đi với thời gian. Cũng may cơ thể con người có khả năng tự tái tạo và chữa lành nên mình còn ngồi đây.” Dõi tầm mắt dọc theo mé sông. Một đôi uyên ương đang tạo dáng cho phó nhòm chụp ảnh. Thiên nhiên và cách trang trí quán rất bắt mắt, cô dâu chú rể sẽ có một bộ ảnh ngoại cảnh đẹp đây! Tuổi trẻ bây giờ khác hồi thời của anh. Một hình ảnh chợt thoáng qua. Anh cũng đã từng đi coi mắt vợ...

    Dòng sông tuổi thơ với con nước đục lờ theo anh lớn lên. Gắn bó và ở lại trong ký ức những bài thơ tình không đoạn kết. Tình yêu của anh đầy trăng sao và không thiếu hương hoa.

    Anh đã rời dòng sông quê cùng người yêu đến một chân trời mới. Muốn được như chàng nam chính trong phim ngôn tình ngày ngày chải tóc cho người mình yêu. Để có cơ hội đó, anh đã đóng trọn các vai diễn trong cuộc đời, từ một anh nhà báo, biên tập cho đài truyền hình đến những công trình vắt vẻo trên cao với dàn giáo. Anh vẽ những họa tiết cuộc đời với chủ đề được đặt trước.

    Có những đêm trong vai anh xe ôm dưới ánh đèn vàng mệt mỏi đường phố, anh đợi khách trong vắng lặng của đêm qua khói thuốc nhuộm vàng đầu tay. Những bài thơ viết vội trên giấy gói bánh mì vẫn tràn đầy cảm xúc. Phải chi có ai đó mua thơ, để anh bán, chỉ có chị bán bánh mì được đọc thơ anh miễn phí, không biết chị có hiểu những gì anh muốn gởi vào thơ mà thỉnh thoảng thấy chị thở dài cũng có lúc cười tủm tỉm. Chỉ có anh bụng luôn réo lên trong se lạnh!

    Gia đình nhỏ của anh đã có một con trai. Anh luôn bên cạnh chăm sóc và có mặt mọi lúc, mọi nơi khi vợ con cần đến. Anh muốn xây lâu đài cho nàng. Sự nỗ lực của anh đã có kết quả. Một ngôi nhà khang trang ấm áp. Không biết anh đã mất đi bao nhiêu thời gian để quên bản thân trong sự miệt mài. Da anh sạm lại. Mắt anh trĩu nặng mỏi mệt.

    Con trai anh giờ đã lớn. Anh cảm giác cô đơn trong căn nhà đó! Vì nàng đã thay đổi quá nhiều, không còn vui khi anh chải tóc. Chỉ thích đếm tiền… Từ đó anh bỏ làm thơ.

    Phước trả tiền ly cà phê rồi ra xe tiếp tục cuộc hành trình. Đã lâu anh chưa về thăm cha mẹ.  Lòng nôn nao một cảm giác khó tả. Sắp được về nhà, cứ mỗi lần về trong anh lại rộn ràng như thế. Không biết có bao nhiêu lỗi lầm, chỉ cần thấy anh về cha mẹ và các chị em đều rất vui. Gia đình lại bày biện ăn uống sum vầy. Cá dưới sông. Rau sau vườn. Gà ngoài nương…

    Đêm, anh đem ghế bố ra trước hàng hiên nằm đếm sao trời. Chỉ ở quê, trời mênh mông không hạn chế tầm nhìn. Một mình với thế giới riêng, anh mơ… Giấc mơ trong đó không có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Mọi giá trị không được tính bằng tiền, chỉ được đánh giá trên năng lực thực thụ bản thân và tính yêu thương của con người giữa vạn vật. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi.

    Anh lại thích có anh hùng. Những người đàn ông trượng nghĩa. Thấy chuyện bất bình là ra tay. Thời đại nào cũng có những người tài đức đủ dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Không thể thiếu người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm. Sự mềm mại đó như dòng suối mát làm tươi mới sự khô cằn những người đàn ông như anh. Lan man trong ước mơ sắp lại trật tự xã hội, anh xuôi theo cơn gió mát chìm vào giấc ngủ.

    Những vì sao trên cao nghiêng mắt nhìn anh. Người đàn ông với tướng nằm co như con tôm luộc, thói quen ghé vào đâu đó chợp mắt trong chốc lát để lấy sức. Một tay gác lên che khuất gương mặt vuông cương nghị với vầng trán hằn những suy tư. Tay còn lại xuôi thẳng, bàn tay mở rộng như tâm tánh anh, chẳng giữ lại cái gì cho riêng mình như cuộc đời này vốn thế. Đến và đi cũng chỉ hai bàn tay trắng.

    Đêm lùi dần vào huyễn hoặc riêng mang.Tia nắng đầu tiên lấp lánh giọt sương còn đọng lại nổi bật trên nền xanh từng tảng lá. Giàn mướp rũ những đọt non sau một đêm vươn xa khỏi giàn đong đưa trong gió sớm mai.

    Phước bật dậy với tiếc nuối lặng ngắm bình minh. Mùi trà ướp hoa lài của cha thơm nức mũi không cưỡng lại được. Trong góc sân, một nhà chòi lục giác được lợp bằng lá dừa, cha anh ngồi trên bộ bàn ghế gỗ lâu năm bóng láng với tách trà bốc khói trên tay. Thói quen uống trà buổi sáng sớm mấy chục năm nay như là thú vui không thể thiếu cùng những ông bạn già hàng xóm tụ tập đánh cờ, đàm đạo.

    Đã ngoài tám mươi, cha anh vẫn còn minh mẫn. Người ông khô nhưng dáng điệu còn khỏe. Anh hay gọi đùa cha như cây cảnh già trăm tuổi.

    Anh bước ra chào cha và ngồi xuống, rót tách trà. Mùi trà thơm khiến anh tỉnh hẳn. Vị chát của trà đọng lại ngọt hậu khiến người uống bắt ghiền. Quay sang anh, cha nhắc chừng “Con chặt quày dừa đặng lát đem qua nhà thím Út, hôm nay giỗ chú Út bây đó.” Anh dạ nhỏ rồi đứng lên. Vườn nhà anh trồng khoảng chục gốc dừa. Những cây dừa cũ cao chót vót nằm cuối vườn. Giống dừa mới bây giờ thấp hơn. Chặt một quày dừa không tốn công sức là bao.

   Anh với chị Ba và nhỏ Tám xách giỏ trái cây và quày dừa qua trước, phụ thím Út. Một tay thím cũng vất vả. Con cái ở xa, ngày giỗ mong chúng về kịp là vui rồi.

    Đã lâu không có dịp đi lại con đường này. Từ nhà anh đến nhà thím Út chừng mấy công đất đường chim bay. Nông thôn bây giờ cũng thay đổi nhiều. Con đường được tráng nhựa mở rộng hơn. Hàng quán nhiều hơn. Chỉ một thời gian ngắn mà quá thay đổi. Chỉ có dòng sông, con nước đục lờ anh ngụp lặn mỗi ngày cùng đám bạn là giữ được bóng dáng ngày nào. Anh bồi hồi xúc động. Có điều gì đó anh bỏ sót sao? Ruộng lúa bên đường đang trỗ đòng đòng, mướt màu con gái. Anh đã quay lưng lại với tất cả để làm con thiêu thân lao vào tình yêu bằng lòng chịu chết.

    Con người anh là như thế! Yêu cho đến tận cùng.

    Vừa chạm ngõ nhà thím Út, mấy con chó chồm lên sủa rân trời. Thím Út trong nhà la vọng ra đuổi. Cái chân cà nhắc vì đau khớp gối khiến thím đi lại khó khăn. Ánh mắt thím sáng lên khi nhìn thấy chị em nhà anh. “Vào đây! Mấy đứa qua thím mừng quá!” Quay qua anh thím đảo mắt từ trên xuống, cười cười nói “Thằng Phước! Bây lâu lắm mới về.”

    Căn nhà ba gian chừng lên màu rêu xanh. Mái ngói sậm lại với gió mưa. Bước vào gian giữa là nơi thờ ông bà tổ tiên và cũng là phòng khách. Nhỏ Tám xuống nhà dưới rửa trái cây bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ. Thím Út bùi ngùi đốt nắm nhang trầm đưa cho mấy chị em thắp cho chú Út. Không khí như lắng xuống nao lòng.

    Chú Út là y sĩ quân y. Tử trận do mìn. Chú ra đi lúc còn trẻ, mình thím Út nuôi hai con đến khôn lớn không đi bước nữa, dù không thiếu những người đàn ông muốn cùng thím đi hết phần đời còn lại. Phước thở dài, thời gian có vô tình không? Hay tại con người không biết trân quý nó!

    “Ngồi uống nước mấy đứa. Công chuyện từ sáng sớm có con hai Mận qua phụ thím mần xong hết ráo.” Nhìn Phước thím tiếp tục “Thằng Phước mày nhớ con hai Mận không? Hồi đó đi coi mắt, phải ưng ý thì giờ đâu đến nỗi! Con người ta vẫn ở không đó!” Anh há hốc miệng với cảm giác rơi hụt hẫng “Có chuyện đó sao?” Thím Út đều giọng kể “Lúc hay tin bây lấy vợ. Hai Mận buồn sinh bịnh một thời gian mới tỉnh hồn. Kể cũng tội nghiệp.”

    Hình ảnh hai Mận thoáng hiện lên trong ký ức, mờ nhạt như sự vô tâm của thằng con trai mới lớn háo thắng. Cảm giác nhói buốt. Có phần nào lỗi của anh không!?

    Năm đó Mận mười tám tuổi. Anh hăm hai tuổi. Thím Út là người đứng ra mai mối. Cha Mận mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nên muốn Mận lập gia đình và bắt rể, để trong nhà có được người đàn ông.

    Anh nhớ bữa cơm hôm đó. Anh rủ bạn bè đi chung cho vui. Cái chính là thích náo nhiệt. Một cô gái có mái tóc dài trong chiếc áo bà ba nổi bật những bông hoa nhỏ trên nền tím cà rất xinh, lấp ló sau cánh cửa buồng không dám bước ra. Những chum rượu gạo đánh đổ mấy chàng trai trẻ.Trí nhớ anh dừng lại đó. Không biết trong cơn men say làm chếch choáng đầu óc, anh có đọc thơ tình cho Mận nghe không? Ôi! Cái tội lỗi tình si, anh có gieo không?

    Tiếng thím Út làm anh giật mình trở về thực tại “Nhỏ hai Mận cứ chung tình với thằng Phước, những đám khác dọ hỏi nó không ưng. Mẹ nó riết rồi cũng không hối chuyện chồng con. Nhưng chỉ sợ bà mất đi rồi nó lại một mình rất tội nghiệp.

    Vừa lúc đó, tiếng con chó loẳng quẳng mừng ai đó. Anh tưởng tượng cảnh cái đuôi nó vẩy liên tục rồi nhảy chồm lên. Đó là hình ảnh con Vàng ngày xưa của anh. Thím Út chỉ tay ra ngõ “Hai Mận qua tới!” Cảm giác bối rối không biết nên đối diện như thế nào sau những gì thím út nói làm anh ngại ngùng.

    Anh nhìn ra trước sân. Người phụ nữ đã ngoài bốn mươi, tướng đi nhẹ nhàng, khoan thai, nhan sắc đằm thắm, mặn mà, thon thả trong chiếc áo bà ba xanh nhạt, mái tóc dày búi thấp trông gọn gàng không kém phần duyên dáng, lòng anh bồi hồi… chuyện xưa trở về như mới hôm qua. Cảm giác chao đảo như cơn sóng, anh cố níu vào cái bề ngoài lạnh lùng vốn có để giữ chặt tính đam mê vẻ đẹp. Không chỉ riêng sự khả ái của phụ nữ hút anh. Bất chợt một khoảnh khắc bắt gặp nét tuyệt vời giữa thiên nhiên cũng khiến anh lặng đi vì xúc động.

    Thấy nhà có khách, Mận đi tránh vô gian bếp. Thím Út gọi giật lại “Mận à! Vào đây con, người quen không chứ có lạ đâu.” Mận bước vô phòng khách, nhìn một lượt. Cô gật đầu chào mọi người rồi ngập ngừng nhìn anh “Anh Phước về chơi?” Anh khẽ cười lên tiếng “Mận còn nhớ tui ha.” Đôi mắt chợt thoáng buồn vì câu hỏi vô tình. Thay vì trả lời, đôi mắt đó khép lại lãng tránh. Cô đánh trống lảng “Để con xuống bếp làm  cho xong công chuyện.” Không đợi thím Út lên tiếng, Mận đã khuất sau cánh cửa.

    Anh rít một hơi điếu thuốc cháy dở rồi dụi vào gạt tàn, nghe nóng rát cổ họng. Có phải anh đang hủy hoại thể xác vốn đã mòn mỏi. Đâu là nơi chốn của anh? Sao nghe mất phương hướng như thế này? Nhà cửa, vợ con hình như không thuộc về anh. Anh như một công cụ. Đến một ngày anh nhận ra cả sự tự do cũng không còn. Tất cả cuộc đời anh như vật hiến tế. Anh đã đặt để một tượng thần rồi bái lạy.  Anh không dám động hay phản kháng, không phải vì nhu nhược. Những tháng ngày đong đầy yêu thương anh cho hết. Cuộc sống vợ chồng chỉ cần tình yêu. Tờ hôn thú chỉ là giấy. Anh vui với hoa nắng trước sân nhà sớm mai, anh vui khi cuối chiều đem về tổ ấm thành quả công sức lao động của mình. Anh vui khi vợ mình đứng tên trên một tài sản. Đến một ngày nhìn lại anh chỉ có hai bàn tay trắng.  Có lẽ tình yêu đã bội thực mà chết cùng với tuổi trẻ và công sức của anh.

    Anh đi tìm lại mình trong cô đơn, vắng lặng, thèm được như nắng như gió lang thang cùng trời cuối đất. Đã bao lâu rồi anh không làm thơ. Bài thơ tình không có vai nữ chính sao tròn cảm xúc. Chợt nhớ tới Mận hôm đám giỗ nhà thím út. Anh tìm cách nói chuyện với Mận, như giải mã thắc mắc trong lòng. Những câu bâng quơ qua lại rồi hết chuyện. Anh đánh bạo hỏi thẳng “Mận còn nhớ buổi coi mắt đó không?” Trầm ngâm một hồi Mận lên tiếng “Anh còn nhớ bài thơ hôm đó tặng em không?”Anh giật thót mình tự hỏi bản thân “Có chuyện đó sao?” Lặng đi trong nao buồn, đau thương, anh chưa biết phải xử trí như thế nào!

    Thật khẽ, Mận đọc cho anh nghe bài thơ đã níu giữ Mận cho đến hôm nay.

    Bàng hoàng trước những lời lẽ ngọt ngào tình tứ như một thệ ước thủy chung. Đó là men say, sự thoát thai bay bổng cảm xúc của tuổi trẻ. Anh quay lại nhìn Mận thật lâu, cái nhìn hơn nửa đời người anh đã nợ. Anh vô tình đi qua, đùa cợt trước cảm xúc đầu đời một thiếu nữ. Lòng anh chùng xuống như chiều ngoài kia trầm hẳn về đêm. Nợ tình trả sao đây!?

    Đất ruộng nhà Phước mấy năm nay cho người khác thuê. Đã đến lúc anh trở về với làng quê, làm chủ thửa đất hương hỏa. Tuổi trẻ bồng bột đã lôi anh xuống lưng đồi. Anh phải từng bước trở về nơi bình yên. Tầm mắt anh dõi theo những cánh cò trắng cuối chiều êm ã, với đôi chân mạnh dạn anh đi.

    Nhìn dĩa bánh ít trên bàn, anh nhớ hồi còn khỏe mẹ thường gói bánh nhân đậu, nhân dừa. Đã lâu mùi vị vẫn còn trong ký ức anh! “Bánh ít đâu vậy chị Ba?” Tiếng chị Ba ngoài hiên vọng vào “Con hai Mận đem cho đó!” Anh chợt khựng lại, miếng bánh đang ăn như mắc nghẹn nơi cổ.

   Uống ly nước để nuốt cho trôi miếng bánh, bước ra vườn sau, mùi ổi chin thơm ngọt. Mùa nào trái đó. Bước đến gốc mận đang mùa ra hoa. Nhìn những chùm hoa khép mình dưới tán lá, dày đặc kín cây. Anh thấy lòng trĩu nặng hình ảnh cô gái ngồi lặng yên nghe người say đọc thơ. Bài thơ dài hơn hai mươi mấy năm vắng lặng.

    Đã lâu anh không làm thơ. Khẽ mỉm cười, tự dưng anh muốn viết gì đó trước mùa mận sắp đậu quả!

Lê Yên

524. NGUYỄN MINH DIỄM - Cuộc gặp gỡ một buổi chiều thu

                                                                                                     




Cuộc gặp gỡ một buổi chiều thu

Người đàn ông ấy to, cao, có khuôn mặt dài, đôi mắt màu xanh đục, mớ tóc dầy và bộ râu rậm màu xám xỉn. Mặc quần và đội mũ vải gin xanh đã bạc, áo sơ mi sọc, mầu sáng nhưng không thể xác định rõ là mầu gì, bỏ ngoài quần, mang giầy thể thao trắng (dễ đoán như vậy vì loại giầy này không có nhiều mẫu cho lắm), ông có một dáng đi đau khổ mặc dù vẫn bước từng bước dài.

Điều gì đã khiến ông toát ra vẻ đau khổ, để hễ nhìn vào ông là phải mủi lòng, làm như ông là một diễn viên giỏi, đóng vai thương khó trong một vở kịch câm? Có lẽ vì vai ông hơi rùn thấp khiến lưng còng xuống và cổ như rụt lại, mặt ngước lên như muốn thổ lộ một tâm sự, nhưng tia mắt lại nghiêng xuống như muốn tìm kiếm cái gì đó nằm khoảng ba thước phía trước?

Hay có thể là vì đôi mắt vô hồn lơ láo, hay đôi chân bước đi như lê trên mặt đất, hay hai khóe môi xệ xuống? Hai tay ông cầm - không, bưng thì đúng hơn, một miếng bìa cứng hình chữ nhật kích thước khoảng 30cm x 20cm, trên viết nguệch ngoạc hàng chữ: không nhà cửa, thợ mộc bị ăn trộm hết đồ nghề, Chúa phù hộ cho bà con cô bác. (Chữ viết trên tấm bảng chỉ là “you”, nhưng xin mạn phép diễn tả ra dài dòng như thế vì ngay khi nhìn vào hàng chữ ấy, tôi hiểu rằng ông ta làm cái nghề mà ta gọi là “ăn mày”, mà hễ cứ là ăn mày, thì dù đông tây kim cổ gì thì cũng phải kêu gọi lòng hảo tâm và thương cảm của bà con cô bác).

Điều khác với các đồng nghiệp của ông mà tôi từng thấy nhiều lần ở Việt Nam là ông ta không nói gì cả mà chỉ đi tới đi lui. (Mới đầu tôi cứ tưởng là vì ăn mày ở Mỹ lịch sự hơn, sau tôi thấy ngay là ông có nói cũng không ai nghe vì mọi người đều ngồi trong xe - lên kính, nhưng sau cùng tôi mới biết ăn mày thì không được nói là luật của xứ này.)

Ông đi rất nhiều, nhưng cự ly di chuyển thì chỉ khoảng 50 mét. Bắt đầu từ chân một cột đèn xanh đỏ, ngay một ngã tư nườm nượp xe cộ, ông từ tốn bước dọc theo hàng xe đang chờ đèn đổi mầu, như một vũ nữ diễu qua trước khán giả, rồi lại vội vàng quay trở về nơi xuất phát, làm như xấu hổ vì đã quay lưng lại những người mình rất kính trọng, và khởi sự một vòng khác. Đôi khi có người lái xe giơ tay ra hiệu, thì ông đi tới, vẫn có vẻ chậm rãi, hình như e ngại là nếu tỏ ra vồn vã quá thì có thể bị khinh rẻ. Ông làm điều đó một cách tự nhiên chứ không có vẻ gì là phải cố gắng tự chế, có lẽ vì tin rằng một người đã ra hiệu mời ông đến thì tất là không thể đổi ý bất ngờ nữa.

Tôi thấy ông một sáng mùa thu, khi mới đặt chân lên đất Mỹ chưa được hai tuần. Mang nỗi lòng hoang mang vừa của một kẻ lưu đầy, vừa của một người thoát nạn, tôi nhìn xứ Mỹ như một nơi cứu rỗi. Từ những phi trường tạm dừng chân cho đến thành phố này, tôi thấy toàn những biểu hiện của văn minh tiến bộ, hợp lý, tự do và giàu có. Tôi không khỏi so sánh với sự nghèo nàn, vô lý và o ép của nơi mình vừa rời bỏ, rồi lòng cảm phục cứ tăng dần khi thấy cảnh đẹp mênh mông, đời sống dư thừa và thoải mái. Ai cũng lịch sự, sạch và đẹp cho đến khi tôi thấy ông - một người tây phương mắt xanh mũi lõ đi ăn mày trong lúc tôi đang ngồi trong xe hơi, trên con đường trải nhựa phẳng lì.

Tôi theo dõi ông, nhưng mỗi khi ông đến gần, tôi lại đổi hướng nhìn thẳng, làm như chăm chú theo dõi xem đèn đã đổi mầu chưa. Tôi không dám cho ông ta tiền vì không biết phải cho bao nhiêu mới xứng đáng với một người ăn mày lịch sự như thế. Tôi cảm thấy một chút hối tiếc, không hiểu việc quốc gia giầu có này mở rộng vòng tay với mình có liên quan gì đến hoàn cảnh khốn khó của người đàn ông kia hay không? Liệu có phải vì lo viện trợ và cứu giúp các nước khác nên Hoa Kỳ đã không còn đủ thì giờ và tiền bạc để cưu mang tất cả con dân của mình hay không? Tôi bỗng có một thứ mặc cảm tội lỗi, tương tự như hồi năm 1975, khi đang còn ở trong trại tù cải tạo. Các cán bộ quản giáo, tức những người coi tù đều nhỏ con và vô học. Họ cứ nhắc đi nhắc lại tội lỗi của chúng tôi đến nỗi có khi tôi đã thấy “xấu hổ” với vóc dáng cao lớn và việc được học hành chút đỉnh của mình. (Mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại cái xấu hổ lúc bấy giờ của mình, tôi vẫn không khỏi cảm thấy xấu hổ vì cái xấu hổ ngớ ngẩn và vô lý của mình thời ấy!)

Mặc dù vậy, tự đáy lòng, tôi bỗng cảm thấy một niềm vui nho nhỏ len lén dâng lên. Niềm vui ấy có thể là độc ác vì nó xuất phát từ nỗi đau khổ của người khác, nhưng nó đơn sơ và chân chất vì đã hình thành một cách tự nhiên. Tôi cảm thấy rằng tôi, da vàng mũi tẹt, dân một nước nhược tiểu từng bị những người mắt xanh mũi lõ đô hộ hàng trăm năm và coi như một thứ nhân loại hạng nhì, thì nay đã được nâng lên một vị thế cao trọng, ít nhất thì cũng cao hơn ông ăn mày kia.

Bao nhiêu lý thuyết về sự bình đẳng giữa các giống dân cũng không có sức mạnh thuyết phục bằng sự hiện diện của người ăn mày đang đi đi lại lại trước mặt tôi lúc bấy giờ. Sự có mặt của ông mới thực là sự cứu rỗi bởi đã giải thoát tôi khỏi những “mặc cảm da vàng”, những “nỗi buồn nhược tiểu” chồng chất từ bao đời, và luôn luôn được gia cố thêm qua những năm tháng học hành sách vở, khi thấy từ triết học cho đến mọi ngành khoa học đều được xây dựng và phát triển bởi những nhân vật mắt xanh, mũi lõ và râu rậm.

Cũng trong buổi sáng mùa thu năm đó, tôi thấy rõ được vai trò quyết định của tổ chức xã hội trong việc thành hình con người. Nhận thức ấy có ngay và đưa tôi vào tận trung tâm của vấn đề chứ không quanh co qua các lý cứ và luận thuyết tràng giang đại hải tưởng như có giá trị thuyết phục, nhưng chỉ dẫn ta đi vòng vòng Xin cảm ơn ông ăn mày đã gặp trong một buổi chiều thu.

NGUYỄN MINH DIỄM

Văn Phong. Số Tân Thiên Kỷ - tháng
Giêng 2000.

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2025

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2025

Cập nhật tiến độ thực hiện cuốn sách “Viết Bên Dòng Potomac 1975-2025”.

 


Cho đến hôm nay, 12 tháng 7 năm 2025, chúng tôi đã giao cho nhà in bản thảo cuốn sách “Viết Bên Dòng Potomac 1975-2025”.

Tổng cộng có 98 tác giả, gồm 86 người đã từng sống hoặc đang sống và viết bên dòng Potomac và 12 người bạn phương xa. Đây không phải là tuyển tập. Chỉ là một tập hợp những người có chung niềm đam mê văn học và nghệ thuật. Sách được in thành 2 tập, mỗi tập 400 trang và sẽ in xong vào cuối tháng 7. Ngày ra mắt sách sẽ đúng như dự định 16.8.2025  tại Hội Trường  4701 Arlington Blvd, Arlington , Virginia .

 Dưới đây là danh sách các tác giả trong cuốn sách.

86 KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ
SỐNG VÀ VIẾT BÊN DÒNG POTOMAC


Bạch Cúc

Bạch Mai

Bùi Bảo Trúc
Cao Nguyên
Cung Thị Lan
Đặng Đình Khiết
Đinh Cường
Đinh Hùng Cường
Đinh Trường Chinh
Đinh Trường Giang
Đinh Tử Bích Thúy
Đinh Từ Thức
Đỗ Trảng Mỹ Hạnh
Đồng Sa Băng
Giang Hữu Tuyên
Hà Bỉnh Trung
Hoài Ziang Duy
Hoàng Hải Thủy
Hoàng Phượng
Hoàng Song Liêm
Hoàng Thị Bích Ti
Hoàng Xuân Sơn
Hồng Thủy
Khê Kinh Kha
Lãm Thúy
Lê Đức Luận
Lê Mộng Hoàng
Lê Mỹ Hoàn
Lê Thị Nhị
Lê Thị ý
Lê Thiệp
Lưu Nguyễn Đạt
Ngô Minh Trí
Ngô Tằng Giao
Ngô Vương Toại
Nguyễn Kỳ Phong
Nguyễn Lân
Nguyễn Mạnh Hùng
Nguyễn Minh Diễm
Nguyễn Minh Nữu
Nguyễn Ngọc Bích
Nguyễn Quang
Nguyễn Quang Dũng
Nguyễn Thế Toàn
Nguyễn Thị Hoàng Bắc
Nguyễn Thị Hồng Vân
Nguyễn Thị Ngọc Dung
Nguyễn Thị Thanh Bình
Nguyễn Tú
Nguyễn Tường Giang
Nguyễn Tường Nhung
Nguyễn Xuân Hoàng
Phạm Bá
Phạm Cao Hoàng
Phạm Nhuận
Phạm Thành Châu
Phan Khâm
Phan Tấn Hải
Phan Thị Ngôn Ngữ
Phùng Nguyễn
Phương Thảo Huyền

Sơn Tùng
Tạ Quang Khôi
Tạ Quang Tuấn
Thái Thụy Vy

Thiên Thảo Nguyễn
Trần Anh Chương
Trần Đại Bản
Trần Nghi Hoàng
Trần Ngọc Toàn
Trần Quốc Bảo
Trần Thị Thanh Minh
Trần Uyên Thi
Trương Vũ
TT - Thái An
Uyên Thao:
Vi Khuê
Viên Linh
Vĩnh Điện
Võ Đình
Võ Phú
Vũ Hối
Vũ Thất
Vương Đức Lệ
Ý Nhi Nguyễn Thị Dung
Ỷ Nguyên
 
12 NGƯỜI BẠN PHƯƠNG XA
 
Duyên
Đặng Mai Lan
Đỗ Thanh Tùng
Hồ Đình Nghiêm
Lê Chiều Giang
Minh Ngọc
Nguyễn Đức Quang
Nguyễn Quyết Thắng
Nguyễn Thụy Đan
Nguyễn Xuân Thiệp

Trần Hoài Thư
Trần Thị Nguyệt Mai

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2025

523. NGÔ MINH TRÍ . Tìm hiểu về nhạc Jazz



TÌM HIỂU VỀ NHẠC JAZZ

 NHỮNG KHÁM PHÁ ÂM NHẠC THÚ VỊ

Vào đầu thập niên 80 ở Hoa Kỳ, lần đầu tiên tôi có cơ hội nghe được một thể loại âm nhạc chưa bao giờ biết đến lúc còn ở VN, đó là nhạc jazz.  Phải nói là quá hay, quá phê. Chỉ với hai tĩnh từ đó thôi - hay, phê - đã mô tả ấn tượng và nhận xét đúng nghĩa nhất của tôi lúc đó, ngay cả hiện tại. Và tôi bắt đầu làm quen với những tên tuổi từ Louis Armstrong, Frank Sinatra, Nat King Cole, Nina Simone, Shirley Horn, Chet Baker v.v…với những cách phối âm và tấu nhạc độc lạ hết sức tuyệt vời của họ.

Tôi cũng có cơ hội được biết đến nhạc pop/rock từ thập niên 60 của nhiều ban nhạc khác nhau, đặc biệt là Simon & Garfunkel và The Beatles. Về nhạc rock, đặc biệt là ban nhạc The Beatles thì thật ra tôi đã nghe ở VN từ đầu thập niên 70 nhưng không phải nghe từ chính ban nhạc này mà là từ phong trào nhạc trẻ Sài Gòn rầm rộ dạo đó.  Sang tới Mỹ, tôi mới có dịp nghe từ chính Paul McCartney và John Lennon. Theo tôi, Paul và John đúng là hai thiên khiếu âm nhạc hiếm hoi của nhân loại, nhất là Paul.  Tôi có đọc qua một ít tài liệu về sự hình thành và tầm ảnh hưởng của ban nhạc The Beatles trên thế giới, thậm chí còn xem qua cách biên soạn vài nhạc phẩm tiêu biểu của John và Paul.  Có lẽ trong một dịp nào khác, tôi sẽ viết một bài riêng về ban nhạc The Beatles chú trọng về sáng tác của họ, bởi lẽ, đề tài trong bài viết này là nhạc jazz, trong khi nhạc của John và Paul thuộc thể loại nhạc pop/rock (tạm dịch, pop là popular: nhạc phổ thông).

JAZZ

 Việc đầu tiên là tìm hiểu đôi chút về nhạc jazz. Jazz standard, jazz classic có ý nghĩa như thế nào. Một cách tổng quát, jazz là thể loại âm nhạc xuất phát từ Hoa Kỳ từ cộng đồng người người da đen ở tiểu bang Louisiana từ đầu thế kỷ 20, có nghĩa là còn rất trẻ so với nhạc cổ điển tây phương có nguồn gốc từ một số các nước Âu Châu từ thế kỷ 16-17.  

 Jazz là gì? Nếu tìm hiểu theo sách vở thì ta sẽ thấy những định nghĩa của sách vở hết sức khô khan khó hiểu vì quá nhiều danh từ chuyên môn.  Tôi sẽ cố gắng hết sức trình bày về jazz theo cái hiểu riêng, chú trọng vào quan sát hơn là phân tích một cách kỹ thuật máy móc.  Thảng hoặc nếu tôi có đề cập đến vài từ chuyên môn hoặc tìm hiểu thêm về cấu trúc câu cú của ca khúc thì đó là điều bắt buộc, vì nếu không có một số những từ chuyên môn đó, tôi sẽ không hiểu nổi vì sao jazz lại khác biệt với nhạc phổ thông, nhạc rock, dân ca và nhạc cổ điển tây phương, nhất là nhạc Việt. Xin lưu ý nhắc nhở rằng hệ thống lý thuyết âm nhạc mà ta đã và đang sử dụng là học từ tây phương. Do đó về mặt lý thuyết âm nhạc, căn bản thì jazz hay nhạc Việt vẫn là một. Nó chỉ khác nhau ở chỗ ứng dụng và phát triển theo đường lối riêng.    

Cần phân biệt jazz instrumental (chỉ biểu diễn nhạc cụ) vả jazz vocal (nghĩa là giọng hát với nhạc đệm).  Trong bài viết này tôi chỉ muốn tìm hiểu và viết về jazz vocal. 

Nghe một ca khúc Phạm Duy hay của Trịnh Công Sơn ta cảm thấy hay.  Lẽ thông thường nhất là do lời hay, ít ai lưu ý đến phần nhạc.  Trước tiên, nhạc chuyên chở lời.  Nếu không có nhạc thì lời chỉ là thơ hoặc văn xuôi.  Tai nghe đã quen nhạc Việt, ta không để ý mấy đến phần nhạc đệm.  Khi có cơ hội nghe một bài nhạc jazz, tự dưng ta thấy rất khác lạ so với nhạc Việt.  Dưới đây là vài điểm cần lưu ý để nghe ra sự khác biệt này.

  1. Cấu trúc một bài hát khác nhau. Cụ thể, ta thường hay viết theo công thức AABA, có thể hiểu là đoạn A1 đoạn A2, điệp khúc, đoạn A3 với phần nhạc của đoạn 1, 2, và 3 gần giống nhau.  Đây là công thức bài bản, cổ điển của một ca khúc. Nhạc jazz không hằn theo công thức này, có khi hoàn toàn bỏ luôn. 

Xin đưa ra ví dụ cụ thể về nhạc Việt, bài Hạ Trắng của Trịnh Công Sơn chẳng hạn.  Số câu số chữ giống nhau từ đầu đến cuối, cách sắp xếp các note nhạc lên xuống gần giống nhau, nhịp theo đúng bài bản 1-2-3, và theo đúng công thức AABA. 

Gọi nắng!
         Trên vai em gầy đường xa áo bay  
         Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
         Lối em đi về trời không có mây
          Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy

Trong khi đó, bài My Funny Valentine có số câu số chữ và các note lên xuống không đều nhau như dưới đây.

My funny Valentine
         Sweet comic Valentine
         You make me smile with my heart

Hai câu đầu có số chữ và các note lên xuống giống nhau 100%, câu thứ ba khác 100% về số chữ và các note lên xuống. .

Lưu ý (1): tiếng Anh là tiếng đa âm, ví dụ chữ funny sẽ đọc là fun-ny đã là 2 âm rồi. Chữ Valentine sẽ đọc là Va-len-tine, 3 âm.

Lưu ý (2): Các note sắp xếp lên xuống không giống nhau và không theo công thức AABA .

  1. Cấu trúc một câu hát khác nhau. Có nghĩa nhạc jazz viết câu dài câu ngắn bất kỳ trong khi nhạc Việt gần như tuân thủ theo một quy luật ít khi biến đổi: câu dài ngắn gần như giống nhau trong cả một bài hát. Khoảng mươi năm trở lại đây thì thế hệ nhạc sĩ trẻ bắt đầu thổi một hơi thở mới trong nhạc Việt, ví dụ sáng tác nhạc rap, thì quy luật bài bản cũ xem như xóa bỏ luôn. Nhưng rap không phải là jazz, hai thể loại âm nhạc khác nhau 100%.
  1. Hòa âm căn cứ vào cấu trúc bài hát và câu hát. Do cấu trúc khác nhau, hòa âm sẽ phải khác nhau.  Theo đó jazz dùng rất nhiều hợp âm màu, và nhịp chỏi. Do sử dụng nhiều hợp âm màu, nhạc sĩ cũng phải sử dụng nhiều thang âm màu, tạo ra một sự khác biệt rất lớn so với nhạc Việt ta, nhất là nhịp chỏi. Ví dụ, ta đếm 1-2-3 thì nhịp sẽ vào đúng 1-2-3, trong khi đó jazz có thể vào nhịp 1 rưỡi hoặc 2 rưỡi v.v…
  1. Nhạc đệm thường không soạn trước như nhạc cổ điển tây phương. Nhạc sĩ jazz chỉ dùng lead sheet (nhạc bản đã ghi sẵn hợp âm) rồi căn cứ vào đó mà đệm cả một bài hát. Một ban nhạc jazz tiêu biểu bốn nhạc khí sẽ làm việc với nhau trước, nhạc khí nào sẽ vào ra ra sao và lúc nào.  Đến khúc giang tấu, mỗi nhạc khí biểu diễn một đoạn ngắn tự do thoải mái theo ý riêng của mình dựa vào lead sheet đó, mà đây chính là điểm đặc thù của nhạc jazz.  Chỉ trừ khi nhạc đệm là cả một dàn nhạc lớn thì phải soạn trước nhưng nhạc sĩ diễn khúc giang tấu vẫn được tự do.

Do những yếu tố như đã phân tích bên trên, nhạc jazz và nhạc Việt, hai phương pháp hai phong cách khác nhau đưa đến hai hương vị hai phong cách khác nhau rất nhiều.

JAZZ STANDARD

Standard, theo từ điển thì có nghĩa là tiêu chuẩn, là việc làm gì đó rất chuẩn, đã đạt tới một mực thước được chấp nhận rộng rãi.  Vì sao gọi là jazz standard? Hiểu là chuẩn nhạc jazz. Tài liệu về jazz standard tràn ngập trên các trang mạng, nhưng một cách vắn tắt, bất cứ sáng tác nào được các nhạc sĩ jazz cho vào danh sách nhạc của họ để trình diễn thì sáng tác đó trở thành standard theo chuẩn của họ.  Không kể những sáng tác do chính nhạc sĩ Hoa kỳ viết, ngay cả những ca khúc như Les Feuille Mortes, La Vie En Rose của Pháp, và How Insensitive từ Brazil du lịch sang Hoa Kỳ được các nhạc sĩ jazz yêu thích mang ra trình diễn theo phong cách nhạc jazz, những ca khúc này trở nên jazz standard.

Ở Mỹ, nhạc jazz được đưa vào học đường thành một môn học chính thức với các văn bằng Cử Nhân và Cao Học (tương đương với văn bằng Thạc Sĩ ở Việt Nam).  Văn bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc thì áp dụng cho các công trình nghiên cứu về âm nhạc nói chung. Một người bạn nhạc sĩ jazz người Hoa Kỳ của tôi có bằng Cử Nhân về jazz piano và bằng Cao Học về Jazz Studies (nghiên cứu về nhạc jazz) là một ví dụ điển hình.  Trừ những đại học chuyên nhạc hoặc nhạc cổ điển hoặc nhạc jazz, hầu hết các trường đại học lớn nhỏ đều có phân khoa âm nhạc, trong đó có chương trình jazz. Ngay cả học sinh trung học cũng được huấn luyện về nhạc jazz nếu các em muốn.  Ngoải ra, ta còn thấy rất nhiều công trình nghiên cứu hàn lâm về nhạc jazz từ tài liệu học đường, phim tài liệu về các nhạc sĩ jazz, về sự ra đời của jazz v.v…đầy dẫy trên các trang mạng.

JAZZ CLASSIC

Nói tới jazz standard thì cũng cần hiểu về jazz classic - xin lưu ý  classic ở đây không mang ý nghĩa cổ điển như trong nhạc cổ điển tây phương. Nhạc jazz Hoa Kỳ chỉ mới ra đời khoảng 100 năm nay, nó chỉ có ý nghĩa là nhạc jazz đã trở thành một loại kinh điển âm nhạc Hoa Kỳ.  Đại đa số những khúc hát jazz đó được cho vào một tập nhạc gọi là American Songbook, một tập nhạc của nhiều tác giả qua mấy chục năm khi nhạc jazz đã trở thành kinh điển - jazz classic. Dĩ nhiên jazz chỉ là một thể loại nhạc trong nhiều thể loại nhạc khác ở Hoa Kỳ. Có thể kể dân ca (folk song) và country music (không dịch từ này một cách hoa mỹ được nhưng đại ý đó là một thể loại nhạc trước tiên là phổ biến ở miền quê, sau cũng phổ biến khắp nơi các thị thành trên khắp nước Mỹ). Nhạc Blues cũng là một thể loại âm nhạc khác, không phải nhạc jazz tuy nhạc sĩ jazz vẫn áp dụng một số thang âm (scale) của nhạc blues.

Bên trên là những trình bày theo như tôi hiểu về jazz không theo sách vở hay phương pháp nào mà chỉ là những góp nhặt cát đá theo cách riêng của mình mà không đào sâu về lý thuyết âm nhạc vô cùng phức tạp.   

Xin mời nghe vài ca khúc tiêu biểu jazz standard và đã trở thành jazz classic

The Autumn Leaves, trình bày Nat King Cole
dịch/lấy ý từ nhạc bản nhạc Pháp Les Feuilles Mortes.
https://www.youtube.com/watch?v=ZEMCeymW1Ow
 
How Insensitive, một ca khúc bossa nova từ Brazil 
Clip youtube này là ban nhạc và tiếng hát của Stacey Kent
https://www.youtube.com/watch?v=cFtU05PfwcA
 
Summer Time, giọng hát của Ella Fitzgerald
Sáng tác của nhạc sĩ Hoa Kỳ George Gershwin,
https://www.youtube.com/watch?v=u2bigf337aU

CŨ MÀ MỚI, MỚI MÀ CŨ

Trong thế giới âm nhạc cổ điển tây phương, các nhà nghiên cứu âm nhạc đặt tên gọi cho từng thời kỳ sau khi nó đã qua. Ví dụ thời kỳ sau Phục Hưng đã qua là Cổ Điển, và thời kỳ Lãng Mạn sau Cổ Điển.  Đến tận hôm nay nhạc cổ điển tây phương vẫn được mang ra ra trình diễn khắp nơi trên thế giới, từ những giàn đại hòa tấu nổi tiếng cho đến những dàn nhạc học sinh trung học và sinh viên đại học.  Cho nên, những sáng tác viết đã từ mấy thế kỷ nhưng không bao giờ cũ. Nó đã trở thành kinh điển của nền âm nhạc cổ điển trên thế giới..

Cũng vậy, Jazz bắt nguồn và ra đời ở thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana vào đầu thế kỷ 20 từ cộng đồng những người da đen.  Đến nay trên dưới cả trăm năm, nhiều sáng tác đã trở thành kinh điển - jazz classic.  Có nghĩa là đã cũ xưa lắm rồi.  Đến nay vẫn sẽ là mới đối với những ai mới đến với jazz hay muốn làm quen với jazz.  Jazz vẫn là môn học chính thức trong học đường, và vẫn còn được trình diễn khắp nơi dù không thành cao trào như những thập niên trước.

Ở Việt Nam, để phân biệt với nền âm nhạc truyền thống Việt từ chèo cổ miền bắc cho đến vọng cổ miền nam, nền tân nhạc VN khởi đi từ 1937-38 đến nay chưa đầy 100 năm nhưng có lẽ những sáng tác thời trước chiến tranh 1945 - mà ta quen gọi là tiền chiến - đã có thể gọi là xưa lắm, cũ lắm rồi, không còn bao nhiêu ca sĩ nhạc sĩ mang ra trình diễn. Trở thành kinh điển hay không thì tôi không biết. Nếu nhạc viện Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có những công trình nghiên cứu âm nhạc có tinh cách hàn lâm để gọi sáng tác trước chiến tranh là sáng tác kinh điển hay một tên gọi nào khác - hay chỉ thuần túy chỉ là trước chiến tranh, tôi rất mong được học hỏi.  Nói chung, có nghiên cứu hàn lâm nào về nền âm nhạc VN hay không?

GIAI ĐIỆU MƯỢT MÀ

Jazz theo thời gian đã biến dạng khá nhiều. Từ jazz classic rồi jazz rock, jazz fusion, jazz funk đủ các loại.  Jazz rock, jazz fusion jazz funk chú trọng về nhịp mạnh và nhanh trong khi jazz classic chú trọng về sự mượt mà trong giai điệu và hòa âm. Ca sĩ cổ thụ Tony Bennett trước khi qua đời đâu mới khoảng 5-10 năm trước đã dành hết thời gian còn lại của ông để thực hiện những album jazz classic, trong đó ông mời những giọng hát gạo cội song ca với ông những ca khúc đã làm nên tên tuổi Tony Bennett, mà cũng là những ca khúc một thời của jazz classic. Vài ca khúc tiêu biểu như dưới đây.

Lullaby of Broadway, Tony Bennett song ca với The Chicks
https://www.youtube.com/watch?v=mpqENCZrAR0&list=PLTb4-FC9OVUgIkctXZKqSnhgTRd0YiH5o
Who Can I Turn To, song ca với Queen Latifah
https://www.youtube.com/watch?v=wO2o8RhtqS0
 
How Do You Keep The Music Playing, song ca với George Michael.
https://www.youtube.com/watch?v=55tbKvre4W0

Trong các clip bên trên, những bài song ca này đã được cả một giàn đại hòa tấu đệm theo, một công trình to lớn nhưng không phổ biến mấy trong sinh hoạt ban nhạc đời thường.  Một ban nhạc jazz phổ biến nhất chỉ có 3-4 nhạc cụ, có thể lên đến 5-6.  Ví dụ như ban nhạc của Diana Krall có 4 nhạc cụ: piano, guitar, trống và cây contrabass như trong clip youtube dưới đây

Cry Me A River, trình diễn live ở Paris
https://www.youtube.com/watch?v=55tbKvre4W0  
 
(Ban nhạc của Stacey Kent như clip ở trang 4 có thêm kèn saxo)

JAZZ VẪN MÃI LÀ JAZZ

Theo thời đại, nhạc jazz không còn thịnh hành trong số đông đại chúng nhưng vẫn len lỏi vào đời sống âm nhạc của những ai vẫn ưa chuộng những giai điệu mượt mà quyến rũ của nó. Ban nhạc của Diana Krall và Stacey Kent chẳng hạn, vẫn đi lưu diễn khắp nơi trong và ngoài Hoa Kỳ. Nên nhớ ban nhạc của Diana và Stacey là những ban nhạc nổi tiếng từ lâu.  Gần đây là sự xuất hiện của những giọng hát jazz trẻ tuổi ví dụ như Samara Joy hát jazz classic.

Stardust
https://www.youtube.com/watch?v=U5gXBI2o8lc

Ngoài Samara Joy, ta sẽ khám phá ra là vẫn còn hàng tá những giọng hát jazz chưa có tên tuổi gì xuất hiện đầy dẫy trên youtube.  Cụ thể là sự xuất hiện của Viviana Belle Rey song ca với người bạn trai (không nêu tên trong kênh youtube của cô) với những sáng tác của riêng cô.

In The Quiet of Moonlight
https://www.youtube.com/watch?v=XjO7aBg7_o0

Thật tuyệt vời.  Sáng tác của Vivianna Belle Rey đưa ta về thời kỳ vàng son của nhạc jazz thập niên 30-40-50 với giai điệu mượt mà qua tiết điệu swing nhẹ đặc thù của jazz ballad.  Ballad, có nghĩa là bài thơ trữ tình.  Jazz ballad là một bài hát kể lể về một cuộc tình nào đó.  (Lưu ý: thập niên 50 là thập niên giao mùa để một thể loại nhạc mới ra đời: nhạc rock)

JAZZ TRONG THƯỞNG NGOẠN CỦA NGƯỜI VIỆT

Còn nhớ khoảng đầu thập niên 2000 khi tôi hỏi vài người quen về tình hình nhạc jazz trong nước thì nhận được câu trả lời mơ hồ rằng người Việt chưa sẵn sàng để nghe jazz.  Gần 25 năm sau khi đặt câu hỏi, tôi muốn thử quay trở lại để tìm câu trả lời vốn đã manh nha trong những năm qua. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe vài thông tin về jazz trong nước, một dấu hiệu khá tích cực.  Nhưng trước khi tìm hiểu thêm về jazz trong nước, tôi muốn trình bày vài nhận xét chủ quan như dưới đây về sự thưởng ngoạn âm nhạc của người Việt ở Hoa Kỳ nơi tôi sống khá lâu năm.

HOA KỲ và HẢI NGOẠI NÓI CHUNG

Một cách tổng quát thì cho đến thời điểm hiện tại, nhạc jazz trong giới thưởng ngoạn âm nhạc của người Việt ở Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung vẫn là một món hàng không có khách.   Sáng tác trước 75 vẫn phổ biến vẫn được ưa chuộng khắp nơi từ những trung tâm làm băng đĩa và video cho đến quán cà phê và tư gia. Ngay từ trước khi băng đĩa và video từ từ lui ra khỏi thị trường, người Việt đã bắt đầu quay về tự chơi nhạc ở tư gia nhất là từ khi thị trường tung ra các loại keyboard đã cài sẵn nhiều âm điệu khác nhau trong cây đàn, chưa kể tới phong trào nhạc karaoke kéo dài mãi cho đến hôm nay.  Người rộng rãi tài chính xây cả một sân khấu tại nhà mời bạn bè đến chung vui.  Vẫn là nhạc cũ, thảng hoặc có sáng tác mới thì sáng tác đó vẫn mang nặng dấu vết của giai điệu quen thuộc từ xưa, nhất là nhạc bolero.  Ngay cả những ban nhạc đi show khi được thuê mướn cũng không ngoại lệ.

Tôi nhớ đâu khoảng những năm đầu thập niên 2000, nhân cơ hội từ VN sang Mỹ chữa bệnh, nhạc sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn có ghé vùng tôi ít hôm tá túc ở nhà một ông anh cũng là dân mê jazz.  Trong dịp này, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được anh tô điểm bằng những âm sắc khác lạ hoàn toàn với những âm sắc quen thuộc xưa nay. Tiếng kèn saxo hoàn toàn chinh phục người nghe không một chút nghi ngờ.  Điều này cho thấy nếu có cơ hội nghe nhạc jazz, người Việt ở hải ngoại rất thích vì mới lạ, nhưng để tìm tòi học hỏi thêm thì không thấy có bằng chứng cụ thể nào.  Một yếu tố quan trọng là các bậc phụ huynh không khuyến khích con cái học nhạc, đừng nói tới jazz - ngay cả ngành giáo dục nữa - rất nhiều trường hợp ngược lại, còn cấm đoán.  Cũng có những cá nhân yêu nhạc jazz, học jazz, trình diễn nhạc jazz ở những club nhạc Mỹ, nhưng đây là con số quá ít ỏi. Nếu làm một bài toán tỉ lệ số thì tỉ lệ “dân số yêu jazz, học jazz, chơi jazz” zero. 

TRONG NƯỚC - NHỮNG DÒNG NHẠC TRƯỚC 75

Cho đến thời điểm hiện nay 2025, các kênh youtube cho thấy từ các giọng ca chuyên nghiệp cho đến tài tử đăng toàn nhạc trước 75.  Một số thông tin về sinh hoạt âm nhạc tôi nhận được qua zalo và những nguồn thông tin khác cũng cho thấy, sáng tác trước 75 vẫn được ưa chuộng mạnh mẽ từ nam ra bắc.   

Dĩ nhiên cần tìm hiểu kỹ càng hơn nếu muốn thực hiện một công trình nghiên cứu có bài bản  hơn hoặc có tính cách hàn lâm (không phải là chủ đích của bài viết này) nhưng những quan sát sơ khởi cho thấy các quán cà phê nhạc sống chơi toàn nhạc cũ. Cụ thể nhất, sinh hoạt Cà Phê Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ ở Đa Kao cũng chọn trình diễn toàn sáng tác trước 75. Năm 2023 tôi có đến dự một đêm nhạc tại đây nên biết rất rõ. Gần đây có thay đổi thêm bớt gì không thì tôi không biết. Chưa có cơ hội ra bắc nhưng tôi nghe nói quán cà phê Trịnh Ca ngoài Hà Nội được ủng hộ mạnh mẽ chơi toàn nhạc xưa, đặc biệt nhạc Trịnh Công Sơn.

TRONG NƯỚC - NHỮNG DÒNG NHẠC SAU 75

Theo như tôi biết thì sáng tác Trần Tiến, Quốc Bảo, Phú Quang phổ biến từ những năm đầu thập niên 90, vốn vẫn được trân trọng từ mấy mươi năm qua nhưng sáng tác của họ vẫn mang nhiều dấu vết những nét nhạc Việt quen thuộc xưa nay.  Gần đây, vượt ra khỏi giai điệu xưa là thế hệ trẻ gồm có Châu Đăng Khoa với những nét sáng tác mới, phối hợp nhạc poprap của Mỹ; sáng tác của Hứa Kim Tuyền, Nguyễn Hải Phong, Phạm Mạnh Quỳnh v.v. rất được giới trẻ yêu chuộng.  Tuy nhiên tất cả những sáng tác này đều không phải là nhạc jazz - tạm gọi là dòng nhạc jazz VN là dòng nhạc mà tôi đang tìm hiểu.

Ở những trang trên tôi có kể lại dịp gặp gỡ nhạc sĩ jazz Trần Mạnh Tuấn khi anh sang Mỹ chữa bệnh như thế nào.  Ít lâu sau tôi nghe nói anh có chơi nhạc ở một jazz club ở Sài Gòn. Khi có dịp xem qua những clip trên youtube của club nhạc jazz này thì những nhạc sĩ jazz ở đây chơi toàn jazz rock, jazz fusion.  Hôm về Sài Gòn hai năm trước tôi có dịp xem một chương trình - một nhạc hội các ban nhạc trẻ - tất cả các thành viên trong những ban nhạc chỉ trên dưới 20 trình diễn sáng tác của chính các cháu với tiết điệu jazz fusion hoặc jazz rock hoặc heavy rock. Có nghĩa toàn nhịp nhanh và mạnh.  Ngoài ra mới đây tôi nghe nói có một ban nhạc trẻ chơi jazz chuyên nghiệp. Chưa biết nhiều thông tin về ban nhạc trẻ này, tôi rất mong có cơ hội gặp gỡ hoặc ít ra cũng tìm hiểu rõ ràng hơn.

Ngoài hoạt động của jazz club và các ban nhạc jazz trẻ, tôi được biết thêm về những sinh hoạt và những nỗ lực âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí.  Một số sáng tác của anh đăng trên kênh youtube Đức Trí nghe qua đúng là có một số những đặc tính của chuẩn nhạc jazz theo hiểu biết của cá nhân tôi, cứ Tạm Gọi * là dòng nhạc jazz Việt Nam mà tôi tìm kiếm từ những năm đầu thế kỷ.  Không rõ người Việt trong nước đón nhận sáng tác jazz Đức Trí ra sao nhưng tôi nghĩ tâm lý chung nếu đã quá quen thuộc với những dòng nhạc như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, thì giòng nhạc Đức Trí đã bước sang một cảnh giới khác hoàn toàn, kén chọn người trình diễn, người hát và người nghe hơn.  Thêm chi tiết vô cùng lý thú mà tôi được biết đã có khá nhiều sinh viên VN du học sang Mỹ đến đại học Berklee ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusett.  Berklee là đại học chuyên nhạc nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Thật là một dấu hiệu hết sức phấn khởi.

Và cuối cùng, câu hỏi tôi đặt ra gần 25 năm trước đã có câu trả lời: rõ ràng có một dòng nhạc jazz Việt đang len lỏi vào đời sống âm nhạc của người Việt trong nước.  Tuy chưa phổ biến rộng rãi nhưng jazz Việt đang có những bước đi thật đẹp.

Ngô Minh Trí

* Tạm Gọi.  Đặt tên chính thức cho một dòng nhạc có lẽ là việc làm có tính cách nghiên cứu hàn lâm.  Bài viết này của tôi không có tham vọng nghiên cứu hàn lâm mà chỉ là những suy tư cá nhân.  Vì thế, tôi chỉ có thể nêu lên ý kiến cá nhân, và do đó, tạm gọi.