Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2025

137 THÂN TRỌNG SƠN Cửa sổ Tâm Hồn


 

CỦA SỔ TÂM HỒN

 

Đó là cách gọi văn vẻ. Còn nói theo kiểu đố tục giảng thanh thì “ Trên lông dưới lông tối chồng làm một.” Nói thế nào thì cũng lộ ra đôi mắt.

Adam Anderson, giáo sư về phát triển con người tại Đại học Cornell, Mỹ, giải thích lý do khiến đôi mắt thường được xem là cửa sổ tâm hồn trong bài báo công bố trên tạp chí Psychological Science hôm 1/2, theo Science Daily. Anderson phát hiện ra rằng, chúng ta nhận biết cảm xúc của người khác bằng cách phân tích những biểu hiện trong mắt của họ. Khi nhìn vào khuôn mặt, đôi mắt chiếm ưu thế trong giao tiếp tình cảm. Đôi mắt là cửa sổ

tâm hồn do chúng là bộ phận tiếp nhận ánh sáng đầu tiên của hệ thống thị giác. Những thay đổi cảm xúc nhỏ xung quanh mắt ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn thấy, và điều này truyền đạt cho người khác về những gì chúng ta đang nghĩ và cảm nhận", Anderson nói. Khi đặt tên cho mắt, người ta thường dùng theo hình dáng của vật thể hay của sinh vật nào đó mà gán ghép cho chúng: Mắt to và lộ ra ngoài thì gọi là mắt lồi, mắt ốc nhồi hay mắt cá vàng; mắt nhỏ và dài như lá tre hay lá rau răm thì gọi là mắt lá răm. Mắt tròn và đen nháy như mắt chim bồ câu thì gọi là mắt bồ câu . . . Và cứ như thế ta có một số tên gọi của mắt như nào là (ti hí) Mắt lươn, Mắt (bé như) hạt đậu, Mắt cú vọ, Mắt diều hâu, Mắt dơi (mày chuột), (giương như) Mắt ếch, Mắt lợn luộc, Mắt rắn ráo, Mắt sắc (như dao cau), Mắt thánh (tai hiền), (lừ lừ) Mắt voi, (mày ngài) Mắt phượng. 

136 . TRƯƠNG HẠNH Nhạc sỹ Nguyễn Quyết Thắng, người Du Ca muôn thuở



1. Cuộc đời và hành trình của Nguyễn Quyết Thắng

Nguyễn Quyết Thắng sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam – thời kỳ chiến tranh ác liệt giữa hai miền Nam Bắc. Ông thuộc thế hệ thanh niên miền Nam những năm 1960-1970, một thế hệ được giáo dục trong tinh thần yêu nước, nhân ái, và khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Dù sống trong thời chiến, ông và nhiều thanh niên khác vẫn giữ được niềm tin vào tương lai và tình yêu thương con người.

Nguyễn Quyết Thắng không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một nhà hoạt động xã hội, một nhà giáo dục, và một người truyền cảm hứng. Ông đã dành cả cuộc đời mình để phục vụ cộng đồng thông qua âm nhạc và các hoạt động văn hóa. Từ những ngày tham gia Chương Trình Công Tác Hè năm 1965, ông đã tìm thấy con đường của mình trong phong trào Du Ca, một phong trào âm nhạc mang tính cộng đồng, hướng đến việc xây dựng tình yêu thương và lý tưởng phục vụ xã hội.

135 . PHÙNG NGUYỄN Tháp Ký Ức

 

Ảnh: internet

Năm đó tôi mười một tuổi. Sau mấy năm ròng rã mài đũng quần ở ngôi trường tiểu học dột nát ở làng trên, thuộc nát bấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, và lãnh những trận đòn thừa sống thiếu chết vì tội trốn học đi bẫy chim đá dế ngoài đồng, tôi may mắn trúng tuyển vào trường trung học công lập cấp tỉnh duy nhất của tỉnh Quảng Nam, trường Trần Quý Cáp.

Hôm đi coi bảng, tôi chẳng có hy vọng gì mấy. Tỉnh Quảng Nam có đến hàng trăm xã ấp, mỗi xã có một trường Tiểu Học, mỗi trường Tiểu Học có một lớp Nhất, tức là lớp Năm sau này. Mỗi lớp Nhất có khoảng năm chục đứa học trò mà trong đó có tới bốn mươi đứa tham gia cuộc thi tuyển, tính ra không dưới năm ngàn thí sinh. Trường Trần Quý Cáp có sáu lớp đệ Thất, cao lắm khoảng ba trăm học sinh được tuyển vào mỗi năm, còn mấy ngàn đứa kia thì có nhiều hy vọng về nhà… chăn trâu trừ phi được cha mẹ cho vào bán công hoặc tư thục. Lúc còn học tiểu học, tôi thích chơi nhiều hơn thích học, những con cá rô cá cấn, chim giồng giộc chim sâu trông hấp dẫn hơn những bài địa dư sử ký, bị thầy bắt quỳ gai mít hoài mà vẫn chứng nào tật nấy. Tuy nhiên, bà nội tôi tin tưởng mãnh liệt vào câu học tài thi phận, vả lại chuyện thi cử là chuyện thiên kinh địa nghĩa nên cuối cùng mẹ tôi vắt cho tôi một mo cơm nắm, dúi vào tay tôi mấy đồng bạc để đi ‘xe điện’ – danh từ địa phương dùng để chỉ xe đò - xuống Hội An dự thí.

134 . ĐẶNG TIẾN Khai Bút

                                                                                           


 

         VÔ ĐỀ - KHAI BÚT


( Cổ thi: "Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.")
               

Trước hoa mai ai còn? Ai mất?
Có ai? Còn ai? Ở nơi nao?
Quạnh vắng. Mang mang sầu! Quạnh vắng...
Ngập tràn mai trong tiếng mời chào.

Mai hết thiêng! Ê hề khắp trốn,
Chưng ba ngày Tết cùng đỏ xanh.
Người người ồn ào cùng bụi bặm,
Ngẩn ngơ mai trong tiết nắng hanh.

Ngự - sử - mai! Non xa kiêu hãnh!
Nay chôn chân chậu nhựa chậu sành.
Thân uốn lượn theo hình rắn rết,
Thời hiện đại mai cũng biến hình!

Người người cúi đầu cầu danh lợi,
Cổ kiếm thành đồ cổ múa chơi.
Tráng sĩ chết vùi trong huyền thoại,
Tìm đâu ra giữa Tấn - trò - đời!(•)
----
(•) Học theo Balzac

132 . CHÂU LY Dưới chân đồi Tịnh Không

                                                                                     


DƯỚI CHÂN ĐỒI TỊNH KHÔNG 

 

 Có lần con hỏi Chúa 

Nơi đâu là Thiên Đường 

Chúa nhìn con không nói 

Mắt như đầy xót thương... 

 

 Không trách con mông muội 

Nổi trôi theo dòng đời 

Không trách con hờ hững 

Chưa một lần lệ rơi... 

 

 Đường trần như bóng nắng 

Đường trần như mây bay 

Chúa biết duyên chưa thắm 

Chúa biết tình chưa lay. 

 

 Con đi về phía núi 

Thấy núi cao chập chùng 

 Con đi về phía biển 

Thấy sóng cuồn cuộn dâng... 

 

 Khi chân không còn cứng 

Khi tim không còn nồng 

Một hôm con gục ngã 

Dưới chân đồi tịnh không... 

 

 Thịt da đầy vết xước

Trong đớn đau nhục hình 

Con nhìn lên Thập Giá 

Chúa ơi! Giờ đóng đinh..! 

 

 CHÂU LY /24 /1 /2024

131 . THỤY KHUÊ Quê hương ngày trở lại, phần 1: Saigon, Châu Đốc, Hà Tiên.

                                                                                       


I. Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên

 Về Sài Gòn tôi bị lạc. Tình trạng lạc hướng kéo dài trên taxi, xe ôm, đi một mình hay cùng gia đình, bè bạn, tôi thường lẩm nhẩm trong đầu: đường này Gia Long, Tự Do đây, chắc là Lê Văn Duyệt... Nhưng khi ra đến Hà Nội, lại tịnh không có sự lẩm nhẩm nào. Hôm tới Lê Văn Hưu ăn phở, dù phố này nay đã hoàn toàn khác với trí nhớ, tôi vẫn nhận ra: đây là Lê Văn Hưu, đi tới chút nữa rẽ ngang là phố Huế. Đèn phố Huế bẩy mươi năm qua chưa bao giờ tắt trong tôi.

Những tối gần Noël, một đứa nhỏ năm, sáu tuổi dí sát mũi vào cửa kính hàng bán đồ chơi, thèm thuồng nhìn mấy con búp bê Pháp, tóc vàng, mắt xanh mà mơ đến ngày nó sẽ được ôm một con búp bê như thế, nó sẽ chải tóc, thắt nơ cho nó như thế nào, nó chưa từng dám mơ đến một ngày sang Pháp. Hôm nay, từ phố Huế, đứa nhỏ bẩy mươi ba, bước trở lại Lê Văn Hưu, đi thêm chút nữa sẽ tới phố nhà nó: Thi Sách, số bẩy. Chợ Hôm mặc dù chỉ nuôi nó có 5 năm, từ 5 đến 10 tuổi, đã trở thành người vú chưa từng rời nó bao giờ.

Sài Gòn, hồi ấy tôi sống ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) từ 10 đến 18 tuổi, đã lớn, ngoài giờ học, đạp xe đi chơi suốt, thuộc lòng hầu hết các con đường, thế mà sao bây giờ lại lạc? Từ khi rời nước năm 1962, tôi về lại cả thảy bốn lần: 74, 84, 93 và 97. Trừ lần 74 không lạc, còn ba lần sau, lần nào cũng lạc. Điều nhỏ nhặt này cứ luẩn quẩn trong đầu bao nhiêu năm, bây giờ ra Hà Nội tôi mới hiểu: tại việc đổi tên đường. Hà Nội và Sài Gòn đều của tôi, chúng đã tham dự vào mảnh đời thời thơ ấu và niên thiếu, vậy mà tôi không lạc Hà Nội thời bé, lại lạc Sài Gòn thời lớn, bởi vì đường phố Hà Nội không hề bị đổi tên: phố Huế vẫn là phố Huế, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo vẫn là Hàng Bài, Trần Hưng Đạo. Những nhân vật có công với cách mạng, không có chỗ đứng trong quận Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội, mà nhã nhặn trụ vòng ngoài, trên những đường phố mới xây sau này, họ biết lịch sự sắp hàng theo đúng trật tự thời gian của lịch sử. Nhờ vậy, những ai trở lại Hà Nội, dù bẩy, tám mươi năm sau, vẫn nhận diện được ba mươi sáu phố phường, nhờ quyết định hợp lý và cận nhân tình của những người tiếp thu Hà Nội sau 1954.

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2025

130 . MAI THẢO Đêm giã từ Hà Nội.

 


 


Phượng nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.

Từ chỗ anh đứng, Phượng nhìn sang bờ đường bên kia. Những tảng bóng tối đã đặc lại thành khối hình. Từng chiếc một, những hàng mái Hà Nội nhoà dần. Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỹ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhoè nhạt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.

Dưới những hàng mái cong trũng, ngập đầy lá mùa kia, đang xảy ra những tâm trạng, những biến đổi gì mà ở bên này đường Phượng không đoán hiểu được. Hà Nội đang đổi màu. Đứng bên này bờ đường nhìn sang, Phượng bắt đầu tiếp nhận với một thứ cảm giác ớn lạnh, cách biệt, anh đã đứng trên một bờ vĩ tuyến mà nhìn về một vĩ tuyến bên kia. Bên ấy, có những hình ảnh chia cắt, đứt đoạn. Bên ấy, có những hình chiến luỹ, những hàng rào dây thép gai, những đoạn đường cấm, những vùng không người.

Phượng cũng không hiểu tại sao nữa. Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia.

Phượng nhìn xuống lòng đường. Trong bóng tối, mặt nhựa lầm lì không nói gì. Những hình cây đổ nghiêng trên những tấc đất đá câm nín. Bí mật dàn ra những bề phẳng, những đường dài như một dòng sông ngăn chia hai bờ, và Phượng đã đứng ở bên này mà nhìn sang một bờ bến bên kia. Bên kia có Hà Nội. Bên này có anh. Có tập thể. Có những bạn đường. Có một chuyến đi về Hà Nội.

Chung quanh chỗ Phượng đứng, những tảng bóng tối đã đọng lại trên bờ đường như những bờ hầm hố. Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy.

Anh nhớ đến Thu. Thu cũng còn ở dưới ấy, trong Hà Nội. Cái mái nhà cũ kỹ bên kia, chính là mái nhà Thu, lại cũng chính là ở bên ấy, Thu sẽ đến với anh, ở bên này. Từ một mái nhà của Hà Nội đêm nay, đến bờ đường anh đứng, chỉ có một đoạn ngắn, nhưng Phượng biết rằng đêm nay, nó chứa đựng tất cả ý nghĩa của một đoạn đời. Và Thu, Thu phải đặt cả đời Thu vào một chuyến đi, thì Thu mới vượt được đoạn đường ngắn ngủi ấy, và Thu mới sang được với anh. Như anh, như hàng nghìn hàng vạn con người Hà Nội đêm nay, Thu sẽ ở lại hay sẽ vượt lòng biên giới cũ.

Giữa những phút giây Hà Nội đang rắn lạnh lại trong chuyển đổi chính thể đã bắt nguồn, đứng bên này đường, Phượng mới cảm thấy rằng ở bên kia Hà Nội, Thu đã ở thật xa anh. Cái cảm giác ớn lạnh mỗi khi anh đứng trước một dòng sông lại nổi lên. Con sông biên giới đêm nay lại hình như con sông Hồng chảy qua một bờ Hà Nội. Trong Phượng, sóng lòng của chuyển dịch chưa kịp nổi lên mà những ngọn sóng của dòng sông cũ đã nổi dậy. Âm thanh oà oà. Lòng đêm Hà Nội chứa đựng những tiếng đổ vỡ đang xô chen trong bóng tối đặc quánh.

129 . THANH NAM Thơ Xuân Đất Khách

 


 Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ

mới hay năm tháng đã thay mùa

ra đi từ thuở làm ly khách

sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ

 

Trôi dạt từ Đông sang cõi Bắc

hành trình trơ một gánh ưu tư

quê người nghĩ xót thân lưu lạc

đất lạ đâu ngờ buổi viễn du!

 

Thức ngủ một mình trong tủi nhục

dặm dài chân mỏi bước bơ vơ

giống như người lính vừa thua trận

nằm giữa sa trường nát gió mưa

 

Khép mắt cố quên đời chiến sĩ

làm thân cây cỏ gục ven bờ

chợt nghe từ đáy hồn thương tích

vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa

 

Ới hỡi quê hương bè bạn cũ

những ai còn ai mất giữa sa mù

mất nhau từ buổi tàn xuân đó

không một tin nhà, một cánh thư!

 

Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi

rối bời tâm sự tuyết đan tơ

một năm người có mười hai tháng

ta trọn năm dài một tháng Tư!

 

Chấp nhận hai đời trong một kiếp

đành theo giông bão phũ phàng đưa

đầu thai lần nữa trên trần thế

kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ!

 

Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt

tập làm con trẻ nói ngu ngơ

vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi

thân phận không bằng đứa mãng phu!

 

Canh bạc chưa chơi mà hết vốn

cờ còn nước đánh phải đành thua

Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng

Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!

 

Bằng hữu qua đây dăm bảy kẻ

đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba

đứa nằm yên phận vui êm ấm

đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa!

 

Mây nước có phen còn hội ngộ

thâm tình viễn xứ lại như xa

Xuân này đón tuổi gần năm chục

đối bóng mình ta say với ta

 (Seattle 1977)

THANH NAM

128 . NGUYỄN MINH NỮU Thi Thánh.

 

Ảnh: Google image

Lời Mở : Nhận vật và tình tiết trong truyện là do tưởng tượng. Xin đừng nghĩ rằng tôi nhắm vào ai, bởi vì, trước nhất tôi cũng là một người làm thơ, cũng đã gửi bài đăng trên báo giấy, báo mạng, trang web bạn bè và cả trên facebook của mình, nên nếu bạn nghĩ tôi đang nói về tôi thì cũng được, nhưng tốt nhất là nên nghĩ về một nhân vật ẢO thì vui hơn.


Sinh là một người làm thơ giỏi. anh ta có thể làm đủ loại thơ từ lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, bài nào cũng đúng vần, đúng luật.  Sinh làm thơ nhiều, cho nên anh gửi bất cứ nơi nào anh có địa chỉ, báo ngày, báo tuần, báo tháng, báo năm, báo trang web trên mạng, và cả những người có lập trang  cá nhân trên hệ thống internet.  Mỗi khi có dịp đi đến đâu, anh ghi chú các địa danh nổi tiếng để khéo léo ghép vào trong thơ, sau đó thêm vào một chút hương vị thương nhớ ,tình yêu gì đó, thí dụ đến Cần Thơ thì trong bài phải có bến Ninh Kiều, Hậu Giang, đến  Huế thì phải có cầu Trường Tiền, tà áo tím, về Đà Nẵng thì thêm đỉnh Bà Nà, Cầu Hàn... Thơ gửi tới khắp các báo  đài địa phương,  Địa phương thấy nhắc đến các địa danh riêng mà lại đang  dư trang thiếu bài, thế là gửi nhiều rồi cũng có bài được đăng. Sinh chụp lại  đưa lên facebook khoe thêm lần nữa. Còn nếu đăng trên các trang báo mạng thì viết lời cám ơn, chép lại đường dẫn. Lâu ngày, bút hiệu của Sinh cũng khá quen thuộc trong giới văn nghệ . 

127 . PHẠM THÀNH CHÂU Liễu Chương Đài

 

PHẠM THÀNH CHÂU Truyện ngắn LIỄU CHƯƠNG ĐÀI

Ảnh minh họa - Google images
                                                    

Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.
(Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!)
    

Tôi đi tù cải tạo về năm tám mốt. Trong giấy ra trại có ghi rõ tôi phải về quê, nhưng tôi ở lì tại Sài Gòn, coi như dân lậu. Tôi ở nhờ nhà người bà con. Có người bạn giới thiệu cho tôi một chân chạy bàn ở một quán cà phê ôm, gần hồ Con Rùa.

Gọi là cà phê ôm cũng không đúng vì khách vào quán, chẳng có em nào để ôm cả mà họ ôm  nhau. Quán có dăm bảy bàn nhỏ cách biệt nhau bằng những chậu cây cảnh, ban đêm tối thui, chỉ duy nhất một cây đèn tù mù ở bàn tính tiền. Bà chủ vừa ngồi két (thu tiền) vừa pha cà phê, tôi bưng đến cho khách. Nhờ quán thiếu ánh sáng nên các cặp tình nhân rất thích vào tâm sự. Đa số là các cô cậu trẻ, đôi khi là những cặp sồn sồn, có lẽ đó là giai đoạn đầu của những kẻ ngoại tình. Cũng có khi là một ông già cốc đế, gạ một em làng chơi vào để quờ quạng, cuối buổi trả tiền sòng phẳng. Thời đó chưa có Viagra nên chỉ có chừng đó là thú vui của các ông già. Điều buồn cười là ở trong bóng tối lâu, tôi đã quen mắt nên thấy hết mọi chuyện, trong khi khách mới vào, tưởng ai cũng mù như mình, nên vừa ngồi vào là ôm nhau, làm đủ trò như trong phòng riêng! Họ cứ ôm hôn, rờ rẫm suốt buổi, tưởng chừng chiếc ghế có dính keo, đứng lên không được. Dĩ nhiên số tiền phải trả căn cứ vào thời gian ngồi cộng với tiền cà phê, nước ngọt.

126 . THÂN TRỌNG SƠN. Dịch và giới thiệu: NHÀ VĂN, ANH LÀ AI? Tản văn của nhà văn Brazil PAULO COELHO (1947-…)

 



Đây là trích đoạn bài tựa của cuốn tản văn "Như dòng sông đang chảy" của Paulo Coelho, nhà văn người Brazil. Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn ( còn sống ) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 30 cuốn, nhưng đã phát hành đến 210 triệu bản tại 170 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best-seller ( số liệu tính đến tháng 6/ 2015 ). Ngày 22/12/2016, trong danh sách 200 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất thế giới do công ty Richtopia đề xướng, Paulo Coelho được kể tên ở vị trí thứ 2.

"Như dòng sông đang chảy"không phải là tiểu thuyết, vừa như tuỳ bút, vừa như truyện ngắn, tạm gọi là tản văn. Đây là tập hợp 101 bài viết ông đã đăng trong nhiều nhật báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới từ năm 1998 đến năm 2005. Chuyện kể về lẽ sống, cái chết, về định mệnh, số phận, về tình yêu lỡ mất và tìm thấy lại..., giọng văn có khi hài hước, có khi nghiêm túc, nhưng lúc nào cũng thâm trầm sâu sắc. Viết đăng báo nên bài ngắn nhất chỉ dăm bảy dòng, dài nhất là hai ba trang. Đọc "Như dòng sông đang chảy"  ta như bắt gặp bản tóm tắt những giai đoạn của cuộc đời sống động của tác giả, nhiều trắc trở lắm gian truân mà không thiếu những lắng đọng trầm tư.

( Nhan đề bài viết này do người dịch đặt.)

Paulo Coelho, nhà văn người Brazil. 

Khi lên mười lăm, tôi nói với mẹ:
" Con đã thấy được thiên hướng của mình. Con muốn làm nhà văn."
Mẹ buồn rầu đáp: " Con ạ, ba con là kỹ sư. Ba là người biết lẽ phải, có cái nhìn rất rõ ràng về nhân gian. Con có thực sự biết làm nhà văn là thế nào không?"
" Là làm một người viết sách."
" Chú Haroldo của con là bác sĩ, chú cũng viết sách, và cũng đã xuất bản mấy cuốn. Nếu con học kỹ sư, con vẫn có thể viết sách khi rảnh."
" Không đâu mẹ, con muốn làm nhà văn, không phải là kỹ sư viết sách."
" Nhưng con có gặp nhà văn nào chưa? Con có thấy nhà văn nào chưa?"
" Chưa hề. Chỉ nhìn ảnh thôi."
" Vậy sao con có thể muốn trở thành nhà văn khi chưa thực sự biết nhà văn là thế nào? "

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

125 . TRƯƠNG VŨ . Tranh mừng Xuân mới.

Còn hai giờ nữa là Giao Thừa trên đất Mỹ. 

Xin được đưa một bức tranh mới nhất của Họa Sĩ Trương Vũ 

vừa hoàn thành trước xuân Ất Tỵ mấy ngày.

Bức tranh này, Họa Sĩ Trương Vũ đưa lên facebook 

để chúc năm mới mọi người thân quen.

Tạp Chí Văn Phong 

xin mươn mầu sắc tươi thắm của tranh để gửi tới

Các Văn Thi Hữu bốn phương  và Gia Đình lời chúc

AN KHANG- THỊNH VƯỢNG và THUẬN LỢI 

và đặc biệt tràn đầy năng lực SÁNG TẠO.

Nguyễn Minh Nữu -Hoàng Kim Oanh- Ngô Minh Trí- Nguyễn Thụy Đan

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2025

123 . LỤC BÁT GIAO THỪA phần MỘT

                                             


                         

                                            Ảnh Internet

 BÍCH NHÃN HỒ

Mừng Xuân

 

1. Ô hay! Trời đất dậy thì

Muôn chim quay cánh thiên di về ngàn

Hoa xôn xao bướm rộn ràng

Bến đời lộc biếc căng tràn nhựa Xuân

 

2. Xuân từ vô thỉ buớc ra

Sáng nay nhã hứng ghé qua cõi người

Xuân trịnh trọng và rạng ngời

Phóng tay mở hội gọi mời thế nhân

 

CAO BÁ HƯNG.

Chắp tay đảnh lễ..


Chắp tay đảnh lễ Đất Trời

Cho an tịnh khắp người đời bình an

 Duỗi tay cười với nhân gian

Nên cho hơn nhận Một làn hương thơm

Đan tay đảnh lễ áo cơm

Ôi! Đầy vơi cũng sạch trơn trở về

 Chào nhau Cười nhé cơn mê

124 . LỤC BÁT GIAO THỪA Phần HAI

                                                                                   

                                                                                              




NGUYỄN MINH NỮU

Nguyên Đán ở Bờ đông nước Mỹ.

Hôm qua

Gió Bắc Băng Dương

Về đây lạnh cả chiếu giường tân niên

Phòng xuân ngỡ đã cài then

Lả lơi

Còn có bóng đèn thức khuya

Từ khi chung lối đi về

Chịu chung cay đắng sớt chia mặn nồng

Cái gọi là chút tình chung

Là nơi nương dựa

Sưởi lòng tha hương

Hôm qua gió Bắc Băng Dương

Đưa duyên Trừ tịch

Bén hương Giao thừa

Bên kia ngày đã sang mùa

Mà đây Nguyên Đán vẫn chưa xuân thì

Riêng lòng còn chút hồ nghi

Xuân sao?

Lạnh gió thổi về hôm qua

 

 

NGUYỄN QUANG

Bài lục bát cuối năm

 

Vàng xưa rớt lá lâu rồi

Xanh nay chờ chút nguyên chồi nhú lên

Tiễn ngày tháng cũ buồn tênh

Nguồn cơn dịch bệnh trôi trên khói 

Tháng giêng bước nhẹ êm ru

Vào Xuân xin chở an nhu với đời

 

Năm nay xin vạn nụ cười

Mở trên mặt ngọc đất trời an nhiên!